Có một lời nguyện cầu mà tôi đã xin với Chúa cả hàng ngàn, hàng vạn lần, nhưng xin thì xin vậy mà cũng chẳng ý thức gì đến điều mình xin, và dĩ nhiên, cũng không mấy khi thực hiện điều đã xin ấy.

Đó là lời nguyện mà chính Chúa Giêsu đã dậy tôi khi cầu nguyện: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mat 6:13).

Sở dĩ lời cầu nguyện này không mấy gây chú ý hoặc khiến tôi phải để tâm suy nghĩ nhiều, vì theo tôi, xin Chúa đừng để mình rơi vào những cám dỗ đương nhiên là lời cầu xin cần thiết và đẹp lòng Ngài, như vậy chắc chắn Ngài sẽ ban. Vì không lẽ Ngài lại để con cái mình rơi vào những sự dữ là hậu quả của những cám dỗ đó?

Nhưng bỗng hôm qua tôi có dịp xem một ít phút cuốn phim ngắn với tựa đề “Confession”, cuốn phim được thực hiện nhằm đề cao chủ đề của Năm Thánh Lòng Thương Xót, 2016. Cuốn phim được dạo diễn do John La Raw từ Miến Điện, và thực hiện bởi các tài tử Hàn Quốc. Tuy chỉ là cuốn phim ngắn, nhưng nó đã thức tỉnh tôi, thức tỉnh lời cầu xin của tôi, và đem tôi đến một suy tư thực hành cần thiết cho bước tiến tâm linh.

Câu chuyện kể về một vị linh mục khi ban phép hòa giải cho một hối nhân, qua việc xưng tội, không ngờ hối nhân ấy lại chính là người đã gây ra tai nạn khiến bố của mình phải chết. Hơn 20 năm trôi qua trong trốn tránh và gậm nhấm của lương tâm, lại nữa căn bệnh ung thư trong giai đoạn chót đang chờ cất mạng ông nay mai. Ông hối hận, lòng tràn đầy thống hối tìm đến tòa cáo giải mong được trút bỏ gánh nặng của tâm hồn, đồng thời tìm được sự tha thứ cho trường hợp của mình.

https://drive.google.com/file/d/0B_1VxbvmokJfTGZSa2tiRDJmaEE/view

Tha tội cho hối nhân. Đó là việc làm cần thiết và đương nhiên của linh mục. Linh mục qua vai trò đại diện Thiên Chúa có thể tha thứ bất cứ tội nào dù nặng nề đến đâu khi hối nhân ngỏ ý ăn năn, thống hối. Nhưng tha cho một người đã gây ra cái chết của bố mình, lại thuộc quyền con người của linh mục. Điều này đã giày vò lương tâm của linh mục ấy, có thể nó đã chạm đến thánh chức linh mục của ngài.

Tại sao lại là tôi?

Để có nghị lực tha cho hối nhân trong trường hợp này, vị linh mục đã đọc chậm dãi Kinh Lạy Cha để xin ơn tha tội cho mình và cho kẻ đã phạm đến mình: “Xin tha tội chúng con, như chúng con cũng tha kẻ lỗi phạm đến chúng con” (6:12).

Nhưng khi chạm phải câu:

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (6:13), thì cũng là lúc cơn cám dỗ nổi lên tấn công vị linh mục. Đối với ngài, cái cám dỗ ngay lúc này, ngay trước mắt là cám dỗ “không tha” cho người đã gây ra cái chết của bố mình.

Nhưng với ơn Chúa, với ý thức mình cũng cần được Thiên Chúa tha thứ, vị linh mục đã giơ tay ban phép xá giải cho hối nhân: “Cha tha tội cho con, nhân danh Cha, và con, và Thánh Thần.”

Ngay lúc ấy nét mặt hai người đã trở nên bình an. Người ta có cảm tưởng cả hai đã trút bỏ một khối đá nặng nề đè nặng tâm hồn.

Qua câu chuyện, tôi đã nhận ra một ý nghĩa mới của lời cầu “tha tội”, cũng như một hình thức cám dỗ mới mà trước đến giờ ít quan tâm, hoặc chưa để ý đến nó mỗi khi đọc Kinh Lạy Cha.

Những cám dỗ thông thường về mặt xã hội như dâm dục, ngoại tình, gian tham, biển thủ công quỹ, tham nhũng, hối lộ, hối mại quyền thế, trộm cướp, giết người, rượu chè, nghiệp hút, bài bạc, làm chứng gian, hoặc những cám dỗ mang tính tội phạm của con người thời đại như hợp tác trong đường dây buôn bán vũ khí, buôn bán người, buôn bán nội tạng, làm trùm những đường giây ma túy, gái gọi…

Tiếp đến là những cám dỗ của đời sống thường ngày như giận hờn, nóng nảy, hận thù, ghen tỵ, nói xấu, phê bình người khác, hà tiện, ích kỷ, thiếu trách nhiệm làm chồng, làm vợ, làm con cái là những cám dỗ dễ làm con người sợ hãi, e dè, hoảng sợ.

Nhưng ngoài ra còn có một thứ cám dỗ mà rất nhiều người - trong đó có tôi - thường hay bị lôi kéo vào, mà hậu quả của chúng không hề nhỏ. Cám dỗ ấy là từ chối hoặc làm ngược lại với lời cầu xin do Chúa đã dạy: “Xin tha tội chúng con, như chúng con cũng tha kẻ lỗi phạm đến chúng con”.

Để mình xuôi theo cám dỗ này, đồng nghĩa với việc không tha thứ cho người khác cũng như không tha cho chính mình.

Như vậy, trong thực hành việc đọc Kinh Lạy Cha một cách chậm dãi mỗi khi có ai đó xúc phạm đến mình, hoặc mình cảm thấy có lỗi vì đã xúc phạm đến người khác không chỉ là một hành vi đạo đức, một lời nguyện xin ơn tha thứ và chữa lành, mà nó còn là một phương pháp tâm lý trị liệu nữa.

Lời Chúa không chỉ là lời hằng sống, mà còn là “Lời làm hoan lạc tim con” (Giêrêmia 15:16).

Việc lặp đi, lặp lại lời cầu xin này sẽ thức tỉnh ý thức về các khuyết điểm, nâng cao sức mạnh tinh thần để giúp ta có khả năng thắng vượt được chính sự yếu đuối, cái tôi ích kỷ của mình để tha thứ cũng như để đón nhận sự tha thứ. Tha cho người khác cũng như tha cho chính mình là một nhân đức đòi hỏi ơn Chúa và sự cố gắng của con người.

Để dạy ta sự tha thứ, Chúa Giêsu trên thập giá cũng đã xin với Chúa Cha tha cho những kẻ đóng đanh Người: “Xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Luca 23:34).

Trước một người đang làm mình khổ, mình buồn, mình thiệt thòi, hoặc trước một người mà mình làm cho họ khổ, họ buồn, họ bị thiệt thòi, không gì bằng đọc lại một cách chậm dãi:  “Xin chớ để con sa chước cám dỗ”.

Lạy Chúa, cám dỗ ngay trước mắt con lúc này là đừng tha cho người mắc nợ, người lỗi phạm đến mình.

Lạy Chúa, xin cứu con khỏi sự dữ này. Bởi con cũng đang cần đến lòng Thương Xót của Chúa và của anh chị em mình.

Trần Mỹ Duyệt