Từ hơn một năm qua  Venezuela đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội kinh tế  vô cùng trầm trọng. Chính sách cai trị sai lầm và sự bất lực hoàn toàn của chính quyền xã hội chủ nghĩa

do tổng thống Nicolas Maduro lãnh đạo đã đẩy đưa nhân dân nước này vào cảnh nghèo đói cùng cực: không thực phẩm, không thuốc men, thiếu công ăn việc làm. Các siêu thị và hàng quán trống trơn không còn sản phẩm. Dân chúng bệnh tật cần được điều trị tìm không ra thuốc. Cảnh lạm phát đã lên tới 800%. Trong khi đó Venezuela là một trong các nước châu Mỹ Latinh có các mỏ dầu hỏa đứng hàng đầu thế giới. Với tài nguyên đó đáng lý ra đất nước này đã có thể đạt mức sống thịnh vượng rất cao. Tàn ác hơn nữa là nhà nước xã hội chủ nghĩa Venezuela không cho phép Giáo Hội và các tổ chức từ thiện quốc tế trợ giúp người dân trong cảnh kiệt quệ toàn diện.

Cuộc khủng hoảng đã khiến cho dân chúng liên tục xuống đường biểu tình phản đối, và đã gây ra các vụ đụng độ khiến cho hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương. Ngay từ tháng 4 năm nay vì sợ quân đội đảo chánh, tổng thống Nicolas Maduro đã ra lệnh bắt giữ 80 đại tá và đại uý và giam họ trong nhà tù Ramo của thủ đô Caracas. Ông Leopoldo Lopez, lãnh tụ phe đối lập, cũng bị nhốt tại đây. Toà Thượng thẩm Venezuela cũng đã cướp đoạt nhiệm vụ lập pháp của quốc hội, bằng cách huỷ bỏ quyền đặc miễn của các đại biểu, và cho tổng thống Maduro có các quyền đặc biệt. Thật ra, để giới lãnh đạo quân đội không gây khó khăn cho mình tổng thống Maduro đã dành cho họ nhiều đặc quyền đặc lợi kiểm soát tất cả các lãnh vực kinh tế tài chánh, bắt đầu bằng kỹ nghệ khai thác dầu hoả, các quặng mỏ và việc nhập cảng thực phẩm. Với các lợi nhuận khổng lồ như thế cho đến nay quân đội đã ủng hộ và tránh cho chính quyền một cuộc phản đối ồ ạt của các lực lượng quân sự. Nhưng  cũng có sĩ quan kêu gọi binh sĩ bất tuân lệnh thượng cấp thối nát không biết nghĩ đến hạnh phúc của người dân và tương lai đất nước. Xem ra “chủ nghĩa xã hội phù phép” của tổng thống Maduro đang tới hồi cáo chung. Các cuộc biểu tình xuống đường rầm rộ từ tháng 4 tới nay đã khiến cho Venezuela hầu như rơi vào bầu khí nội chiến giữa phe đối lập do nguyên ứng cử viên tổng thống Henrique Capriles cầm đầu, dân chúng và chính quyền xã hội.

** Venezuela rộng hơn 916 ngàn cây số vuông có 31 triệu dân 90% theo Công giáo, 2% theo Tin lành, 1%, 0,5% theo Hồi giáo. Số còn lại theo các tôn giáo khác.

Trước cuộc khủng hoảng của đất nước, HĐGM Venezuela đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi chính quyền của tổng thống Maduro thay đổi đường lối cai trị độc tài và đề ra các chương trình cải tiến cuộc sống của người dân. Các vị cũng mạnh mẽ tố cáo chính quyền dùng vũ lực đàn áp dân chúng biểu tình ôn hoà nhằm bênh vực các quyền lợi của họ.

Trong các ngày từ 16 tới 18 tháng 5 vừa qua  HĐGM Venezuela đã nhóm phiên khoáng đại ngoại thường để phân tích tình hình mục vụ hiện nay, và duyệt xét các thách đố đối với hoạt động truyền giáo của Giáo Hội trong bối cảnh khủng hoảng của quốc gia. Trong thư các vị kêu mời tổ chức bầu cử như giải pháp cho cuộc khủng hoảng và đôi co giữa phe đối lập và chính quyền, mở các kênh nhân đạo để trợ giúp dân chúng qua tổ chức Caritas của Giáo Hội, và trả tự do cho các tù nhân chính trị, cũng như tôn trọng Quốc hội.

 

ĐHY Urosa Savino, TGM Caracas, cho biết các GM Venezuela yêu cầu chính quyền ngưng bạo lực và chấm dứt việc đàn áp dân chúng biểu tình, tôn trọng các quyền con người, hoà giải và hoà bình. Ngoài ra ĐHY cũng kêu gọi các lực lượng quân đội và cảnh sát bảo đảm cho việc tôn trọng Hiến pháp, hoà bình và sự chung sống của nhân dân Venezuela. ĐHY xác tín Toà Thánh muốn một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, và trong tuần trước đây ông Borges, chủ tịch Quốc hội Venezuela, cũng đã hội kiến với ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh  Toà Thánh. Hồi năm ngoái ĐHY Parolin đã yêu cầu chính quyền chu toàn các dấn thân cần thiết để bắt đầu đối thoại với phe đối lập, tái trả lại quyền hợp hiến cho Quốc hội, thành lập một con kênh nhân đạo để chuyển thực phẩm thuốc men cho dân chúng, trả tự do cho các tù nhân chính trị,  và xác định một lịch trình bầu cử dân chủ. Từ tháng tư vừa qua khi các cuộc biểu tình ồ ạt bùng nổ đã có 65 người chết, hàng ngàn người bị thương, và hơn 3000 người bị bắt giữ. Cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị đã đánh gục Venezuela, khiến cho người dân nước này thiếu thốn mọi sự: từ nước uống cho tới thực phẩm và thuốc men.

Trong đại hội hồi năm 2011 khi Venezuela chuẩn bị bầu cử quốc hội, HĐGM đã công bố một thư mục tử kết quả của cuộc gặp gỡ, đối thoại và cầu nguyện, trong đó việc phân định và hoạt động mục vụ sẽ vạch ra một lộ trình cho Venezuela đang mong muốn có các giá trị của hoà bình, công bằng và sự thật”.

** Kết thúc phiên họp  khoáng đại ngày 16 tháng 5 vừa qua tại San Salvador, Liên HĐGM châu Mỹ Latinh, gọi tắt là CELAM, cũng đã mạnh mẽ kêu gọi các giới hữu trách Venezuela mau chóng tìm ra các giải pháp giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kinh tế và xã hội tại đây. Tham dự đại hội có đại diện của Giáo Hội toàn châu Mỹ. Các vị đã khích lệ nhân dân Venezuela tránh mọi hình thức bạo lực. Thông cáo có đoạn viết: “Chúng tôi kêu gọi để mau chóng có các biện pháp cụ thể cho cuộc khủng hoảng qua các con đường hợp hiến và để cứu vãn các giá trị dân chủ.” Thông cáo của tổ chức CELAM cũng mạnh mẽ lên án việc dùng bạo lực trong các cuộc biểu tình, và khích lệ chính quyền của tổng thống Maduro tránh sử dụng các lực lượng an ninh một cách quá đáng. Các Giám Mục toàn châu Mỹ ý thức được các ước vọng và cố gắng của nhân dân Venezuela để sống trong hoà bình, tự do, công bằng và phát triển toàn diện. Các vị gần gũi, liên đới và ủng hộ nhân dân Venezuela. Thông cáo viết thêm: “Chúng tôi rất âu lo và đau đớn vì cảnh chết chóc, bạo lực và thiếu các nhu yếu phẩm cho cuộc sống, sự chia rẽ, việc vi phạm các quyền con người,  và nỗi khổ đau mà nhân dân Venezuela phải gánh chịu đến trở thành một cuộc khủng hoảng  nhân đạo”. Tổ chức CELAM đã xin các giáo phận toàn châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi bắt đầu các sáng kiến bác ái cụ thể để yểm trợ dân nước Venezuela. Các Giám Mục cũng xin mọi cộng đoàn tiếp đón các anh chị em Venezuela di cư với tình huynh đệ và liên đới. Các vị cũng xin các tổ chức nhân đạo quốc tế hướng sự trợ giúp tới nhân dân Venezuela. Thông cáo mang chữ ký của ĐC Rubén Salazar và ĐC Juan Espinoza trước sự hiện diện của ĐC Diego Padrón, chủ tịch HĐGM Venezuela.

Thật ra, cuộc khủng hoảng của Venezuela đã kéo dài từ hơn chục năm qua, khi cảnh sát bắn chết mấy người biểu tình của phe đối lập và phản ứng bạo động đập phá trụ sở đảng cầm quyền hồi năm 2002. Bầu khí căng thẳng xã hội và chính trị gia tăng với các vụ bạo động nảy sinh từ tình hình bất ổn cơ cấu, do sự bất lực của các đảng phái chính trị, của chính quyền cũng như phe đối lập, không tìm được sự đồng thuận trong việc tổ chức trưng cầu dân ý thu hồi nhiệm kỳ của tổng thống Hugo Chavez, cũng như do tình hình suy sụp kinh tế và thuế khoá khiến cho nhiều hãng xưởng phải đóng cửa, làm cho số người thất nghiệp gia tăng và làn sóng biểu tình chống chính quyền lên cao. Tất cả mọi vấn đề không được giải quyết ấy đã tiếp tục với người kế vị là tổng thống Nicolas Maduro.

**  Trong một bài phỏng vấn dành cho một nhật báo địa phương những ngày vừa qua ĐC Castor Oswaldo Azuaje Perez, GM Trujillo, khẳng định rằng: “Nước Venezuela đang sống một cuộc khủng hoảng nhân đạo”, chính quyền đi lạc đường với đề nghị Quốc hội lập hiến bị mọi người dân khước từ. Dân nước Venezuela bị cai trị bởi một thể chế độc tài dân sự quân phiệt, khiến cho dân chúng biểu tình hàng ngày”. Trong khi ĐC Roberto Lueckert, nguyên TGM Coro, thì khẳng định rằng: “Thật là gây gương mù gương xấu, khi chính quyền sử dụng một số lượng hơi cay to lớn như thế để đàn áp người biểu tình. Nhưng họ không thể ngăn chặn được các vụ biểu tình phản đối, vì dân chúng quá mỏi mệt rồi. Từ 18 tháng qua tình hình đất nước ngày càng tồi tệ hơn, và giờ đây người ta âu lo vì không có thực phẩm, cũng không có an ninh. Dân chúng không muốn phải sống trong tình hình như vậy, do đó họ phản đối để tìm một lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.”

Ngày mùng 8 tháng 6 vừa qua phái đoàn các Giám Mục Venezuela đã về Roma gặp ĐTC để tường trình chi tiết cuộc khủng hoảng, đồng thời để cám ơn ngài về lời cầu nguyện, sự gần gũi và lo lắng của ngài cho dân nước Venezuela. Phái đoàn gồm ĐC chủ tịch Diego Padron, và hai GM phó chủ tịch là ĐC Jose Luis Azuaje Perez, và ĐC Mario Moronta, cũng như ĐC thư ký Victor Hugo Basabe, cùng với hai vị chủ tịch danh dự là ĐHY Jorge Urosa Savino và ĐHY Baltazar Porras.

Ngày mùng 1 tháng 6 ĐC Enrique Perez Lavado, GM Maturin, cho biết tình hình Venezuela thê thảm vì thiếu thực phẩm và dân chúng không còn chịu nổi cảnh thiếu thốn nữa. Thái độ khép kín của chính quyền đã chỉ khiến cho bối cảnh đất nước trầm trọng thêm. HĐGM và Caritas Venezuela tiếp tục đề nghị thiết lập một kênh trợ giúp nhân đạo. Vì nhiều Caritas khác và các tổ chức phi chính phủ sẵn sàng trợ giúp thuốc men và thực phẩm. Nhưng chính quyền lại ngăn chặn mọi can thiệp.” Trong khi đó các linh mục và phó tế giáo phận Ciudad Guyana đã phổ biến một bức thư gửi dân Chúa và các người thiện chí, mời gọi khước từ mọi hình thức bạo lực, và tố cáo sự đàn áp thô bạo của chính quyền đối với các người biểu tình. Thư đã được đọc trong mọi giáo xứ  ngày 28 tháng 5 vừa qua. Trong thư các linh mục và phó tế than phiền về cung cách hành xử bạo lực của các lực lượng an ninh chống lại những đoàn người biểu tình ôn hoà. Các vị khẳng định cần phải tôn trọng Hiến pháp và con đường cần thiết để thực hiện nền dân chủ là con đường bầu cử tự do trong sáng. Cần phải đi tới bầu cử sớm chừng nào có thể. Chúng tôi tố cáo tình hình ngày càng tồi tệ của đất nước với các vụ giết người và nạn đói gia tăng.”

Bên cạnh đó các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế cũng mạnh mẽ lên tiếng. Trong thông cáo phổ biến sau đại hội lần thứ 5 của các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế toàn châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi nhóm tại Marinella bên Colombia, đại hội đã công bố sứ điệp khẳng định rằng “như là các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế chúng ta không thể nhắm mắt trước những gì đang xảy ra bên Venezuela. Chúng tôi đau buồn trước nỗi khổ đau của các anh em chị khác đang là nạn nhân của bạo hành từ phía chính quyền. Chúng tôi lo âu vì các biện pháp đàn áp quá đáng đối với nhiều người khiến cho sự sống của họ bị nguy hiểm. Cuộc xung khắc kéo dài này đang gây ra các vết thương khó mà chữa lành. Đối với những người lãnh đạo chúng tôi nhắc lại rằng không ai có quyền tự ban cho mình mọi quyền bính. Các nguyên tắc độc lập, phân quyền, phối hợp và cộng tác là những điều nòng cốt cho sự sống còn của nền dân chủ, của các quyền hơp hiến và của thiện ích chung.”

** Tại Caracas ĐHY Urosa Savino đã phát động ngày toàn quốc cầu nguyện cho hoà bình được tổ chức trong mọi giáo phận hôm 21 tháng 5. ĐHY nói: “Hoà bình là con đường duy nhất, là con đường kitô. Tuân giữ các điều răn, mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình là con đường đó. Chính việc thiếu việc tuân giữ các điều răn, chỉ tìm lợi lộc, ham hố quyền bính, ngạo mạn, ích kỷ, gian tham hối lộ, thối nát, tội phạm đã là các lý do gây ra tình trạng xung khắc xã hội và cuộc khủng hoảng chính trị kinh tế xã hội hiện nay. Các thành phần của các lực lượng quân sự và cảnh sát phải là những người thăng tiến và bảo đảm việc tôn trọng Hiến Pháp, và trước hết phải bảo đảm cho hoà bình và sự chung sống lành mạnh của nhân dân Venezuela, mà họ cũng là thành phần. Chúng tôi kêu gọi lương tâm của những người chỉ huy đứng trước nhiều công dân bị giết  vì các đàn áp quá đáng của chính quyền. Trách nhiệm luân lý của các hành vi đưa tới bạo lực, gây tử vong và thương tích cho người khác là của những ai thực thi chúng và của những người đã ra lệnh hay đồng ý với chúng. Trong đất nước chúng ta điều chân phước Oscar Arnulfo Romero đã nói cũng rất thời sự: “Nhân danh Thiên Chúa và nhân dân khổ đau này, tôi xin, tôi khẩn nài, tôi ra lệnh hãy ngừng đàn áp”.

 

Về phiá mình ĐTC Phanxicô đã nhiều lần lên tiếng can thiêp cho Venezuela. Trong các buổi tiếp kiến chung ngài đã xin tín hữu hiệp ý cầu nguyện để chính quyền và nhân dân nước này tìm ra một giải pháp thoả đáng, chấm dứt bạo lực đàn áp khiến cho cuộc sống của dân chúng vốn đã khổ sở càng khốn đốn hơn. Ngày mùng 10 tháng 4 năm 2014 ngài nói: “Tôi ước mong các bạo lực và thù nghịch chấm dứt mau chừng nào có thể, giới lãnh đạo chính trị và cơ cấu không tiết kiệm sức lực để tạo thuận tiện cho việc hoà giải, trong việc tôn trọng sự thật và công bằng. Ngày mùng 1 tháng 5 năm 2015 Đức Phanxicô tố cáo trước dư luận thế giới việc cảnh sát bắn chết anh Kluivert Roa. Ngài nói: “Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân, đặc biệt cho anh bạn trẻ bị ám sát tại San Cristobal”. Trong buổi đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành cho thánh cho thành Roma và toàn thế giới ngày 30 tháng 4 năm nay Đức Phanxicô đã nhắc tới tình hình thê thảm tại Venezuela với nhiều người chết, bị thưong và tù tội. Ngài cầu mong các quyền con người được tôn trọng, và khích lệ các giới hữu trách nỗ lực tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo, xã hội, chính trị và kinh tế trầm trọng mà dân chúng phải gánh chịu.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho các nhà báo quốc tế trên chuyến bay từ Cairo về Roma ĐTC cho biết Toà Thánh đã can thiệp nhằm giúp Venezuela ra khỏi cuộc khủng hoảng. Ngày mùng 2 tháng 12 năm 2016, qua ĐHY Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, ĐTC đã gửi một bức thư cho chính quyền Venezuela và đưa ra 4 đề nghị: tổ chức các cuộc bầu cử tự do, trả lại các quyền cho Quốc hội, mở kênh cứu trợ nhân đạo, và trả tự do cho các tù nhân chính trị. Nhưng việc can thiệp đã không thành công, vì chính quyền không đáp ứng các đề nghị của Toà Thánh. Qua đó người ta nhận thấy cuộc khủng hoảng tại Venezuela tiếp tục vì chính quyền xã hội chủ nghĩa của tổng thống Maduro hoàn toàn thiếu thiện chí và không muốn thay đổi đường lối cai trị sai lầm của mình.

Linh Tiến Khải

Nguồn: va.radiovaticana.va