Catholic_FaithTôi là người Công Giáo nằm nôi; cho đến nay đã hơn 65 năm trên cuộc hành trình đức tin, tôi chưa bao giờ phải đương đầu với những cấm cản, không gặp khó khăn, mà cũng không bị bách bức bao giờ.

Nhìn lại chặng đường đức tin mình vừa đi qua, tôi thấy những gì tôi được ban cho, thật phải là những hồng ân cao cả, và tôi xin cảm tạ Chúa. Nhưng đó là nhìn lại, chứ khi nghĩ đến những ngày sắp tới, tôi không khỏi phải lo ngại. Tôi không lo ngại cho cuộc sống vật chất, mà lo ngại cho đức tin của lớp trẻ sau này; nhất là cho đức tin của giới trẻ Công Giáo Việt Nam hải ngoại. Nỗi lo ngại của tôi là, so sánh môi trường đức tin trong đó tôi được nuôi dưỡng với môi trường đức tin hiện tại; tôi thấy môi trường đức tin mà lớp trẻ ngày nay phải đương đầu có nhiều khó khăn hơn.

Trước năm 75, khi còn ở Việt Nam, tôi nhớ là ở vào lứa tuổi của tôi, đức tin Công Giáo không bị ai bắt bẻ bao giờ. Các anh em Phật Tử và những anh em không thuộc Thiên Chúa Giáo là những người hiếu hoà; trong tinh thần đạo ai nấy giữ, hình như họ không tranh luận ‘đúng sai’ với người Công Giáo, mà họ cũng không chèn ép gì ai vì lý do tôn giáo. Con số các anh em Tin lành bên Việt Nam cũng rất ít; phương tiện truyền thông lại rất thô sơ nên chuyện tranh cãi công khai về những bất đồng tín lý cũng gần như không có. Trên đất nước Hoa Kỳ đầy tự do này thì khác. Sống giữa những người anh em Tin Lành, tiếng là anh em cùng một Cha, thờ cùng một Chúa, nhưng những khác biệt ngăn chia Công Giáo/Tin Lành thì thật rõ ràng và sâu đậm. Dựa vào phương tiện truyền thông phong phú, những bài viết trên các trang mạng nhằm đả phá đức tin Công Giáo được các anh em Tin Lành tung ra thường xuyên. Những bài này lại được viết bằng Anh Ngữ, là ngôn ngữ thích hợp với giới trẻ Việt Nam nên họ dễ bị ảnh hưởng. Nhưng đây mới là cái khó khăn thứ nhất trong đời sống đức tin Công Giáo của giới trẻ ngày nay; khó khăn vì khó để họ có thể nhận ra chân giá trị của những bài nhằm đả kích tín lý Công Giáo; khó khăn trong việc giữ vững lập trường đức tin Công Giáo của mình; một đức tin luôn bị bắt bẻ và thách thức.

Khó khăn thứ hai là vấn đề ngôn ngữ. Giả như giới trẻ Việt Nam bên Mỹ này nói Tiếng Anh dở như tôi thì ngôn ngữ trong vấn đề đức tin có khi lại là lợi điểm. Lợi điểm vì nếu có vị giáo sĩ Tin Lành người Mỹ nào đến nhà tôi giảng đạo thì vị giáo sĩ ấy sẽ chẳng thuyết phục gì được tôi vì tôi không hiểu cặn kễ những gì vị ấy nói, mà tôi cũng chẳng đối đáp gì. Nhưng với các bạn trẻ Việt Nam thì không như vậy; Tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của họ nên đối đáp bằng Anh Ngữ là chuyện tự nhiên. Kẹt một cái là đức tin của nhiều bạn trẻ được tôi luyện bằng Tiếng Việt, nhưng ít có bạn sinh ra ở bên Mỹ này có được trình độ Tiếng Việt đủ để có thể hiểu được các đề tài về tín lý nặng sắc thần học. Thành ra, tuy là có học giáo lý, nhưng hấp thụ thì không được bao nhiêu nên khó có thể đối đáp cách trôi chảy với bạn bè thuộc các giáo hội Tin Lành. Mà khi đối đáp không được thì cái khuynh hướng tự nhiên là ta thường nghe theo người có lý lẽ vững mạnh hơn. Vì thế, tuy đức tin Công Giáo là đức tin chân chính; các bạn trẻ Công Giáo Việt Nam lại rất thường bị các giáo sĩ Tin Lành là những nhà giảng thuyết chuyên nghiệp thuyết phục.  Ðây là nỗi khó khăn mà các bậc phụ huynh cũng như các đấng làm cha, làm thầy phải quan tâm.

Khó khăn thứ ba là đời sống chung với các tôn giáo khác. Bên Việt Nam, cứ 10 người thì có không tới một người là Công Giáo, nhưng tuy với một tỷ lệ nhỏ nhoi như vậy; giới trẻ Công Giáo bên Việt Nam không bị thuyết phục, mà cũng không bị áp lực gia nhập đạo khác. Nơi học đường và trong xóm giềng cũng thế, những khác biệt tôn giáo ít có khi là đề tài tranh luận, mà ngay cả những cuộc hôn nhân giữa người Công Giáo và người không Công Giáo cũng không mấy khi gặp khó khăn. Sở dĩ như vậy vì thường là đối với người ngoài Công Giáo không phải là Thiên Chúa Giáo thì ‘đạo nào cũng tốt’ nên họ dễ dàng chấp nhận tín lý Công Giáo.  Trong xã hội Mỹ lại không như vậy. Cứ 10 người thì có khoảng 3 người là Công Giáo; hầu hết những người còn lại là các anh em Tin Lành nên họ là đa số. Và vì là đa số nên các anh em Tin Lành có thế lực mạnh hơn trên mọi lãnh vực. Tôn giáo lại chi phối đời sống người Mỹ cách sâu đậm, vì thế mà người Công Giáo, nói chung, giới trẻ Công Giáo Việt Nam, nói riêng, là thiểu số nên không sao tránh khỏi phải cảm thấy bị cô lập. Từ đó những ước muốn tự nhiên như, muốn được gia nhập nhóm này nhóm kia, muốn được thuộc về thành phần đa số, và nhiều ước muốn có lợi cho đời sống vật chất khác, dần dần làm cho các bạn trẻ Công Giáo Việt Nam phải thay đổi lập trường, hay phải tránh né khi cần đề cập đến đức tin Công Giáo của mình.

Khó khăn thứ bốn là quyền tự do tôn giáo. Ðây là một trong những quyền tự do căn bản của con người, và là điều tốt, nhưng cái tốt mà ta có được nhờ vào quyền tự do này lại có thể trở thành cái cớ cho những khó khăn trong đời sống đức tin. Hai vợ chồng mà mỗi người một đạo chẳng hạn. Vì tôn trọng tự do tôn giáo của nhau nên đạo ai nấy giữ, rồi từ đó mà đưa đến tình trạng, anh đi nhà thờ anh, tôi đi nhà thờ tôi; con cái không biết theo ai nên không đi nhà thờ nào cả. Thêm vào đó, có khi vì không nắm vững đức tin của mình nên cái tư tưởng, đạo nào cũng thờ Chúa, làm cho lắm người từ bỏ đức tin Công Giáo để đi cùng đường với người phối ngẫu của mình cho tiện.

Ngoài bốn khó khăn đức tin tiêu biểu trên, giới trẻ Công Giáo Việt Nam hải ngoại còn phải đương đầu với nhiều khó khăn khác, nhưng những khó khăn khó vượt qua nhất là năm năm tín lý căn bản hay năm cột trụ đức tin của các anh em Tin Lành mà tôi đã chia xẻ với các bạn trong năm bức thư trước, xin bạn tìm đọc. Trong bức thư này, tôi xin được nêu ra, cách rất khái quát, tầm nguy hại của năm tín lý: Chỉ có Kinh Thánh mà thôi (Sola Scriptura), chỉ có đức tin mà thôi (Sola Fide), chỉ có ơn Chúa mà thôi (Sola Gratia), chỉ có Chúa Giêsu mà thôi (Solo Christo), và vinh danh chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi (Soli Deo Gloria!). Sở dĩ năm tín lý này là năm tín lý khó vượt qua nhất vì năm tín lý này là năm con đường thênh thang, dễ đi, và đầy lôi cuốn.

Chỉ có Kinh Thánh mà thôi thu hút nhiều bạn trẻ vì theo tín lý này thì Kinh Thánh là kim chỉ nam nên không cần phải phục tùng giáo quyền; mà cũng không phải tuân giữ một giáo luật nào không ghi trong Kinh Thánh. Vì vậy mà ai tin chỉ có Kinh Thánh mà thôi thì người ấy không phục tòng Giáo Hội Công Giáo. Ðã không phục tòng, không tuân theo huấn quyền của Hội Thánh Công Giáo thì cũng không đồng ý với sự giải thích Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo. Từ đó đưa đến tình trạng là ai cũng có thể giải thích Kinh Thánh theo ý mình; mà khi mình là người giải thích Kinh Thánh thì mình cũng không bao giờ nhận là mình sai. Kết quả là Lời Chúa thì chỉ có một, nhưng lại được ghi chép qua hằng trăm cuốn kinh thánh khác nhau; được giải thích bằng hằng ngàn người khác nhau; ai cũng giải thích theo ý mình, và ai cũng cho là mình đúng. Thật không có cách nào khác có thể phân chia Hội Thánh Công Giáo thành trăm, thành ngàn mảnh hay hơn cách này.

Chỉ có đức tin mà thôi là con đường thênh thang và dễ dàng nhất vì chỉ cần tin là được sống đời đời, không phải làm gì mà cũng không phải lo lắng gì đến chuyện tội phước.  Giữ đạo chỉ bằng đức tin như thế này thì dễ quá. Chắc không có con đường nào thênh thang hơn đường này! Thế nhưng tín lý này sai. Sai vì nếu đức tin không cần việc làm thì Thánh Giacôbê đã không dạy, James 2:17, “Ðức tin không có việc làm là đức tin chết.”  Thành ra, tín lý chỉ có đức tin mà thôi chỉ là để bào chữa cho những việc bác ái mà mình không muốn làm, không muốn đụng chạm gì đến người cùi, người bị bỏ rơi. Ðây là đức tin của nhà phú hộ trong Phúc Âm Thánh Luca 16:19-25 là người không muốn giúp đỡ gì Lazarô. Người tin theo tín lý này thường đả phá những cơ quan bác ái Công Giáo; vũ khí họ thường dùng để bôi nhọ những công việc từ thiện là những lời tuyên truyền sai lạc như, ngoài mặt thì bác ái nhưng bên trong là để kiếm tiền. Ôi cái lưỡi không xương; ôi cái miệng không vành; nói sao cũng được. Tiếc thay, nhiều bạn trẻ Công Giáo Việt Nam vẫn lầm lẫn tin theo tín lý này vì không ai vạch ra cho họ thấy những sai trái cùa tín lý này.

Con đường chỉ có ơn Chúa mà thôi cũng thênh thang và lôi cuốn không kém. Theo tín lý này thì ơn cứu chuộc là một món quà; ai tin và nhận món quà này thì người đó được công chính hoá vì tin. Món quà này khi đã nhận thì lại không mất được nên khi đã được ơn cứu chuộc vì tin là xong. Sự thật thì không phải như vậy vì Chúa nói với Tiên Tri Ezekiel, 3:20, nếu kẻ công chính từ bỏ đường công chính mà phạm tội thì nó sẽ phải chết, và những việc công chính nó đã làm trước đó cũng tiêu tan. Thành ra cái nguy hại của tín lý này là sự khước từ ơn Chúa bằng cách bác bỏ các phép bí tích, nhất là Phép Thánh Thể. Nguy hại hơn nữa là vì các bạn trẻ Công Giáo Việt Nam không hiểu rõ ơn Chúa là thế nào nên họ dễ chấp nhận những sai lầm lệch lạc của tín lý này mà sao lãng đời cầu nguyện, không tham gia các ngày lễ; rồi từ từ, họ có thể từ bỏ đức tin Công Giáo của mình.

Tín lý chỉ có Chúa Giêsu mà thôi là con đường thênh thang đầy lôi cuốn thứ bốn. Theo tín lý này thì Chúa Giêsu đã làm tất cả để cứu chuộc chúng ta, và đã làm xong rồi. Không còn gì cho chúng ta phải làm, mà cũng không có gì chúng ta có thể làm được. Ðây là một sự sai lầm lớn lao nữa, vì nếu tín lý này đúng thì Chúa Giêsu đã không sai chúng ta đi rao giảng tin mừng, và Người cũng không truyền cho chúng ta là phải làm chứng về Người. Sự nguy hại của tín lý này là nó làm cho người tin ỷ lại chứ không phải là tin vào Chúa Giêsu, và vì ỷ lại nên họ không tham gia vào những việc lành mang lợi ích cho phần rỗi của mình và cho người khác. Ai vâng nghe huấn quyền của Hội Thánh Công Giáo thì không đi theo con đường sai quấy này. Ai không vâng phục Hội Thánh Công Giáo, lại không tìm hiểu, không học hỏi Kinh Thánh thì rất dễ bị tín lý sai lầm này lôi cuốn.

Sau cùng con đường thênh thang, dễ đi, nhưng lại rất nguy hiểm đó là tín lý vinh danh chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi. Rất nguy hiểm vì tín lý này đúng, và Giáo Hội Công Giáo không ngừng vinh danh chỉ một Thiên Chúa mà thôi. Thế nhưng tuy tín lý này đúng, các anh em Tin Lành lại thực hành tín lý này cách sai lầm. Vì vinh danh Thiên Chúa là việc mà toàn thể hội thánh do Chúa Giêsu thiết lập phải chu toàn. Hội thánh này lại không phải chỉ gồm có hội thánh chiến đấu là chúng ta, những người còn sống; mà còn gồm cả hội thánh khải hoàn là các thánh nam nữ trên thiên đàng, và hội thánh đau khổ là những linh hồn còn đang được thanh tẩy trong chốn luyện hình. Cả ba kết hợp với nhau, thông công với nhau, và cùng nhau vinh danh Thiên Chúa qua mầu nhiệm các thánh thông công. Thế nhưng người tin vào tín lý vinh danh chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi lại là những người không tin có luyện tội; hay không tin vào hội thánh đau khổ; họ cũng không phục tòng hội thánh chiên đấu, là Hội Thánh Công Giáo; họ phủ nhận, bài bác  mọi việc Hội Thánh Công Giáo làm để vinh danh Thiên Chúa qua hội thánh khải hoàn là các thánh nam nữ. Như vậy thì thật rõ ràng, tín lý vinh danh chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi rất là nguy hiểm cho đời sống đức tin chân chính vì nó xoá bỏ sự liên hệ mật thiết giữa người sống và người chết; phủ nhận mầu nhiệm hội thánh thông công. Mà nếu không có sự liên hệ này, không có sự thông công giữa người sống và người chết, thì niềm tin vào đời sau là hão huyền. Tín lý này rất nguy hiểm là vì vậy. Nguy hiểm hơn là vì ta khó có thể nhận ra sự sai trái của tín lý này.

Như vậy, trong năm lá thư gởi bạn hiền trước, tôi đã chia xẻ với bạn cách khái quát ý nghĩa năm tín lý đức tin căn bản của các anh em Tin Lành. Trong bức thư này, tôi lại nói thêm một vài sự nguy hại chính của năm tín lý này, và những khó khăn khác mà giới trẻ Công Giáo Việt Nam đang phải đương đầu. Là những người có trách nhiệm, chúng ta phải làm gì để giúp con em chúng ta khỏi bị sai lầm đây? Thiết nghĩ, nếu chính chúng ta không hiểu cách cặn kẽ ý nghĩa, tầm nguy hại, và nhất là sự sai trái của năm tín lý này thì chúng ta cũng không thể giúp cho con em chúng ta hiểu được. Kế đó, nếu chính chúng ta không hiểu đức tin Công Giáo mà chúng ta tuyên xưng thì làm sao để chúng ta có thể hướng dẫn con cháu chúng ta đây? Thành ra khi không biết mình mà cũng không biết người; lúc phải đương đầu với những thách đố đức tin thì đương nhiên là trăm trận phải thua cả trăm. Xin Chúa chúc lành cho bạn và mọi người trong gia đình bạn.

Giuse Phạm Văn Tuyến

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch