twelve-apostles-1080x720Nhiều người nói rằng họ đi làm việc tông đồ. Làm việc tông đồ là làm cái gì vậy? Trước khi bàn về ý nghĩa của “việc tông đồ” hoặc “hoạt động tông đồ”,

chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của tiếng “tông đồ” đã. Thường các tông đồ được hiểu là các môn đệ được Chúa Giêsu tuyển lựa. Ý tưởng này khá rõ khi phân tích từ ngữ Hán việt “tông đồ”, trong đó “đồ” có nghĩa là học trò, người theo học (tựa như khi nói: đồ đệ, môn đồ). Tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng “tông đồ” được dùng để dịch tiếng “apostolus” ở trong tiếng La-tinh, hoặc nói chính xác hơn, từ nguyên gốc Hy-lạp apostolos. Tự nó, từ này có nghĩa là: người được cử đi, phái đi làm chuyện gì đó. Trong Tân ước, ta thấy từ này có lúc được dùng theo nghĩa rộng, áp dụng cho những ai được phái đi (thí dụ như ở Ga 13,16), có lúc được coi như một đoàn sủng được ban cho Giáo hội (chẳng hạn như trong thư 1Cr 12,28), có lúc lại áp dụng theo nghĩa hẹp, chẳng hạn như Lc (6,13). Trong lịch phụng vụ kính 14 thánh tông đồ, nghĩa là cộng thêm thánh Phaolô và thánh Barnabê. Dù sao, thường thường dựa theo từ ngữ tiếng Hy-lạp, các tông đồ được hiểu là những người được Chúa Kitô Phục sinh sai đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân, như chúng ta đọc thấy ở cuối cả ba Tin mừng nhất lãm.

Như vậy, làm việc tông đồ có nghĩa là làm công tác của các thánh tông đồ, rao giảng Phúc âm, có phải như vậy không?

Quan niệm về “công tác tông đồ” được mở rộng dần dần. Vào thời buổi khai sinh Giáo hội, thì quả thực công tác của các tông đồ là rao giảng Tin mừng, như chúng ta đọc thấy ở sách Tông đồ công vụ, chẳng hạn như trong bài hiệu triệu của thánh Phêrô trước khi bầu cử người thay thế cho ông Giuđa Iscariot (chương 1, câu 22), hoặc trước khi bầu 7 người phục vụ việc phân phối lương thực (chương 6, câu 2). Thế nhưng khi bước sang thánh Phaolô, thì ngoài công tác rao giảng Tin mừng, chức vụ tông đồ còn bao gồm thêm việc thành lập và điều khiển các giáo đoàn nữa (thí dụ như 2 Cr 8,23). Dù sao, như chúng ta đã biết, thế hệ các tông đồ qua đi, và các ngài phải chọn lựa những người tiếp nối sứ mạng của mình, vừa làm chứng cho Chúa Kitô bằng lời giảng và bằng việc chuyển thông hồng ân cứu độ, vừa để điều khiển cộng đoàn. Nói cách khác, các thánh tông đồ đã truyền lại sứ mạng của mình cho các giám mục, mà truyền thống gọi là “những người kế vị các tông đồ”.

Nói thế thì chỉ có các giám mục mới làm việc tông đồ theo đúng nghĩa hay sao?

Như vừa nói, quan niệm về “công tác tông đồ” được mở rộng dần dần. Hơn thế nữa quan niệm về “kế vị các tông đồ” cũng được hiểu theo nhiều nghĩa. Trước hết, xét về sự “kế vị các tông đồ” cần ghi nhận một sự khác biệt giữa Giáo hội công giáo và chính thống một bên, với bên kia là các Giáo hội Tin lành. Giáo hội Tin lành cho rằng toàn thể Hội thánh kế vị các thánh tông đồ, cách riêng qua việc trung thành duy trì giáo huấn của các thánh tông đồ. Còn Giáo hội công giáo và chính thống thì còn thêm rằng việc kế vị còn bao gồm các giám mục, tức là những người giữ tác vụ điều khiển giáo đoàn và cử hành các bí tích. Tuy nhiên, tôi xin miễn đi sâu vào vấn đề này, để dành thời gian bàn về một khía cạnh khác, đó là hoạt động tông đồ. Trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, công tác quan trọng nhất của các tông đồ là rao giảng Tin mừng. Điều này không có chi khó hiểu, bởi vì dựa trên các bản văn của Tân ước. Nhưng mà đến khi đời sống đan tu ra đời (từ cuối thế kỷ III) thì người ta nêu bật nhiều khía cạnh của các thánh tông đồ. Thánh Antôn tu hành, tổ phụ đời đan tu bên Ai cập, tự nhận là mình bắt chước các thánh tông đồ khi rút vào rừng vắng. Thoạt tiên, điều này xem ra ngược đời, bởi vì Chúa Kitô sai các thánh tông đồ đi khắp nơi giảng dạy cho muôn dân. Tuy vậy, khi viết hạnh thánh Antôn, thì giám mục Athanasiô giải thích rằng việc bắt chước các tông đồ không nằm ở chỗ đi giảng đạo, nhưng ở chỗ đi theo Chúa Giêsu qua việc từ bỏ tài sản, chấp nhận nếp sống khó nghèo, dựa theo lời mời ngỏ với người thanh niên (Mt 19,21). Đến khi nếp sống cộng đoàn phát triển, thì ta lại đọc thấy nơi các bản luật (chẳng hạn như Pacômiô, Basiliô, Augustinô) một ý tưởng khác về sự bắt chước các thánh tông đồ. Các thánh tông đồ không những bán hết tài sản để đi theo Chúa Kitô nhưng họ còn họp thành một cộng đoàn sống chung quanh Chúa. Điều này lại càng rõ rệt hơn ở nơi cộng đoàn Hội thánh tiên khởi ở Giêrusalem, khi mà mọi người sống hoà hợp thương yêu nhau, một lòng một ý chúc tụng Chúa, và chia sẻ chung với nhau tất cả mọi tài sản vật chất và tinh thần. Như vậy, chúng ta thấy rằng vào hồi thế kỷ IV-V trở đi, các đan sĩ quan niệm rằng không phải là khi đi rao giảng Tin mừng thì mình mới bắt chước các thánh tông đồ, nhưng tiên vàn là phải từ bỏ mọi sự để làm môn đệ Chúa, và thương yêu nhau.

Như vậy, do ảnh hưởng của các đan sĩ, công việc rao giảng Tin mừng bị coi nhẹ hay sao?

Rất có thể là các đan sĩ muốn bổ túc cái nhìn một chiều về Kitô giáo, theo nghĩa là Kitô giáo không phải chỉ gồm những chân lý cần rao giảng mà còn cần phải diễn tả tấm gương sống động của Chúa Giêsu nữa. Dù sao, chúng ta biết rằng các đan sĩ bên Tây phương cũng như bên Đông phương đều đã góp phần rất lớn trong việc truyền bá Phúc âm trong thiên niên kỷ thứ nhất. Qua thời Trung đại, thì ta thấy một cái nhìn đầy đủ hơn về sứ mạng tông đồ ở nơi dòng Đaminh và dòng Phansinh. Họ đọc lại Tin mừng, cách riêng là những đoạn văn Chúa Giêsu phái các môn đệ đi giảng đạo (Luca chương 9 câu 2-5 và chương 10,1-9). Các tông đồ không những nhận được sứ mạng đi rao giảng, nhưng còn nhận được chỉ thị về cung cách đối xử khi đi giảng, đó là tư thế khó nghèo “không mang gậy, không mang bị, không mang lương thực, không có tiền bạc”. Các tu sĩ Đaminh và Phan sinh muốn kết hợp hai quan niệm về sứ vụ tông đồ: một bên là rao giảng Tin mừng (quan niệm đã có từ thời nguyên thủy), một bên là nếp sống siêu thoát (quan niệm của các đan sĩ), được thể hiện qua ba lời khấn dòng.

Nhưng mà thời xưa thì chỉ có các giám mục mới là người kế vị sứ mạng các thánh tông đồ; thời Trung đại thì các tu sĩ cũng muốn bắt chước các thánh tông đồ. Còn các giáo dân thì sao?

Sang đến cận đại, người ta ít nói đến “sứ mạng các tông đồ” hoặc “đời sống các tông đồ” cho bằng “hoạt động tông đồ” (hay là việc tông đồ). Mặt khác, các hoạt động tông đồ cũng không còn hạn chế vào những việc mà các thánh tông đồ đã làm hồi xưa, nhưng được mở rộng đến tất cả mọi hoạt động nhằm xây dựng Nước Chúa, Nước của tình yêu, của công bằng, của sự thật. Nói cách khác, hoạt động tông đồ bao trùm toàn thể sứ mạng của Hội thánh, tiếp nối công trình cứu chuộc của Chúa Kitô. Hiểu như vậy, tất cả mọi tín hữu được mời gọi tham gia vào việc tông đồ: họ được sai vào thế giới để làm chứng nhân cho tình yêu Chúa. Hiểu như vậy, một đàng kể cả các giáo dân cũng được tham gia vào hoạt động tông đồ (chứ không phải chỉ dành riêng cho các giám mục, linh mục, tu sĩ), - từ đó có từ ngữ “tông đồ giáo dân” (chủ đề của một văn kiện công đồng Vaticanô II)-; đàng khác, hoạt động tông đồ cũng rất đa dạng: ngoài công việc rao giảng (thí dụ như dạy giáo lý), các công tác từ thiện bác ái cũng được kể vào hoạt động tông đồ nữa. Thế rồi, chúng ta còn nghe nói đến các hội đoàn “tông đồ cầu nguyện” nghĩa là làm việc tông đồ qua sự cầu nguyện; “tông đồ đau khổ” đặc biệt hướng đến các bệnh nhân liệt giường liệt chiếu (họ cũng có thể tham gia vào việc xây dựng Nước Chúa, tuy dù họ không cử động gì được).

Nếu mở rộng tầm hoạt động tông đồ như vậy, thì bất cứ việc gì cũng có thể gọi là việc tông đồ được hết, kể cả tông đồ giải trí, tông đồ ca nhạc, tông đồ du lịch, hay sao?

Tôi nghĩ có thể hiểu như vậy, bởi vì thánh Phaolô đã có lần viết rằng: “dù nói gì dù làm gì, thì anh em hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,17). Bất cứ việc nào cũng có thể trở thành cơ hội để làm chứng cho Tin mừng. Trên thực tế, thiết tưởng nên lưu ý hai điều. (1) Thứ nhất, nhiều người vẫn còn hạn chế những hoạt động tông đồ vào việc cộng tác trực tiếp với hàng giáo phẩm, đó là giảng giáo lý và cử hành bí tích, phụng vụ. Tôi nghĩ điều này cũng đúng thôi. (2) Nhận xét thứ hai quan trọng hơn, đó là ta đừng quá chú trọng đến “công tác” hay “hoạt động”, nhưng cần lưu ý đến “tinh thần”. Nói khác, thiết tưởng nên chú ý đến “tinh thần tông đồ” hơn là “việc tông đồ”. Tinh thần tông đồ được hiểu là lòng nhiệt thành giống như các thánh tông đồ, gắn bó với Chúa Giêsu, yêu mến Người và muốn cho Người được mọi người yêu mến. Sách Giáo lý Hội thánh công giáo, ở số 864, sau khi đã nhấn mạnh rằng tất cả các tín hữu đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng tông đồ của Giáo hội, đã thêm rằng hậu quả của việc tông đồ, dù là của giáo sĩ hay là của giáo dân, tùy thuộc vào sự kết hiệp khắng khít với Chúa Kitô. Linh hồn của mọi hoạt động tông đồ là đức mến, được múc kín cách riêng từ bí tích Thánh thể.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.

Nguồn: gpquinhon.org