Giáo lý của Đức Phanxicô về Thánh Lễ. Bài 1: Dẫn Nhập vào Thánh Lễ. Bài 2: Thánh Lễ là Kinh Nguyện. Bài 3: Thánh Lễ là cuộc tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.

  Bài 1: Dẫn Nhập vào Thánh Lễ

“Chúng ta… phải hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ, để sống mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa một ngày một trọn vẹn hơn”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ nhất của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 8 tháng 11, 2017 tại Vatican. Hôm nay ĐTC bắt đầu loạt bài giáo lý về Thánh Lễ. Loạt bài giáo lý này rất quan trọng vì Thánh Thể là “trái tim” của Hội Thánh. ĐTC nói rằng chúng ta “phải hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ, để sống mối liên hệ của mình với Thiên Chúa một ngày một trọn vẹn hơn”;  đồng thời “lớn lên trong sự hiểu biết … về một hồng ân cả thể mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể”.

Anh chị em thân mến, Chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý mới, là những bài sẽ hướng chúng ta đến “trái tim” của Hội Thánh, là Thánh Thể.  Điều căn bản là chúng ta, các Kitô hữu, phải hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ, để sống mối liên hệ của mình với Thiên Chúa một ngày một trọn vẹn hơn.

Chúng ta không thể quên được số rất đông các Kitô hữu, những người, trên toàn thế giới, trong 2000 năm lịch sử, đã chết để bảo vệ Thánh Thể; và bao nhiêu người ngày nay, còn đang liều mạng để tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật.  Vào năm 304, trong cuộc Bách Hại của Dioclatian, một nhóm Kitô hữu ở Bắc Phi đã ngạc nhiên vì họ đang cử hành Thánh lễ trong nhà và bị bắt. Trong cuộc thẩm vấn, Thống Đốc Roma hỏi họ tại sao họ đã làm như thế khi biết rằng điều ấy tuyệt đối không được phép. Họ trả lời: “Không có Chúa Nhật, chúng tôi không thể sống được”, nghĩa là: nếu chúng tôi không thể cử hành Thánh Lễ, chúng tôi không thể sống được; đời sống Kitô hữu của chúng tôi sẽ chết.

Thật vậy, Chúa Giêsu phán với các môn đệ rằng: “nếu các con không ăn thịt và uống Máu Con Người, thì các các con không có sự sống; ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:53-54).

Các Kitô hữu từ Bắc Phi đã bị giết vì họ đang cử hành Thánh Lễ.  Họ đã làm chứng rằng người ta có thể từ bỏ đời sống trần thế vì Bí Tích Thánh Thể, bởi Bí Tích này cho chúng ta sự sống đời đời, nó làm cho chúng ta được thông phần vào việc chiến thắng sự chết của Đức Kitô. Chứng từ này thách đố tất cả chúng ta và đòi buộc phải có một câu trả lời về việc tham gia vào Hy Lễ Thánh Thể và đến gần Bàn Tiệc của Chúa có ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta có đang tìm kiếm nguồn suối “vọt ra nước hằng sống” cho sự sống đời không? [nguồn suối] biến cuộc đời chúng ta thành một hy lễ chúc tụng và tạ ơn thiêng liêng và biến chúng ta thành một thân thể trong Đức Kitô không?  Đây là ý nghĩa sâu xa nhất của Thánh Lễ, có nghĩa là “tạ ơn”: tạ ơn Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, Đấng đưa chúng ta vào và biến đổi chúng ta trong sự hiệp thông yêu thương của Ngài.

Trong các bài giáo lý sắp tới, tôi muốn trả lời một số câu hỏi quan trọng về Bí Tích Thánh Thể và Thánh Lễ, để tái tìm hiểu, hoặc tìm hiểu, xem tình yêu của Thiên Chúa tỏa sáng qua mầu nhiệm đức tin này như thế nào.

Công đồng Vaticanô II được cảm hứng sâu xa bởi ước muốn dìu dắt các Kitô hữu hiểu được sự cao cả của đức tin và vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ Đức Kitô. Vì lý do này mà trước hết cần phải thực hiện, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, một cuộc canh tân Phụng Vụ thích hợp, bởi vì Hội Thánh nhờ đó mà liên tục sống và đổi mới chính mình.

Một chủ đề chính mà các Nghị phụ Công đồng nhấn mạnh đến là việc đào luyện về Phụng Vụ cho các tín hữu, là điều không thể thiếu được cho việc canh tân đích thực.  Và đây cũng chính là mục đích của loạt bài giáo lý mà chúng ta đang bắt đầu hôm nay: lớn lên trong sự hiểu biết của chúng ta về một hồng ân cả thể mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.

Bí Tích Thánh Thể là một sự kiện kỳ diệu trong đó Chúa Giêsu Kitô, sự sống của chúng ta, làm cho Chính Người hiện diện. Tham dự Thánh Lễ “là thực sự sống lại Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết cứu độ của Chúa chúng ta. Đó là một sự biểu lộ hữu hình: Chúa làm cho chính Mình hiện diện trên bàn thờ để được dâng lên cho Chúa Cha hầu cứu rỗi thế gian” (Bài giảng ở Domus Sanctae Marthae, ngày 10 tháng 2 năm 2014). Chúa ở đây với chúng ta, hiện tại. Chúng ta thường đi đến đó, nhìn các sự vật, nói chuyện với nhau trong khi linh mục đang cử hành Thánh Lễ ... và chúng ta không cử hành gần Người. Nhưng đó là Chúa! Nếu hôm nay Tổng Thống của nước Cộng hòa, hoặc một nhân vật nào đó quan trọng trên thế giới đến, chắc chắn rằng tất cả chúng ta sẽ lại gần ông ta, muốn chào đón ông ta. Nhưng hãy nghĩ: khi anh chị em đi dự Thánh Lễ, có Chúa ở đó! Và anh chị em bị phân tâm. Đó là Chúa! Chúng ta phải suy nghĩ về điều này. “Thưa Cha, vì các Thánh Lễ tẻ nhạt” - “Nhưng anh chị em nói gì, Chúa tẻ nhạt sao?” - “Không, không. Không phải là Thánh Lễ, mà các linh mục” - “Này, chớ gì các linh mục hoán cải, nhưng chính Chúa là Đấng ở đó!” Anh chị em có hiểu không? Đừng quên điều ấy. “Tham dự Thánh Lễ là đang sống một lần nữa Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết cứu độ của Chúa chúng ta”.

Bây giờ chúng ta hãy thử tự hỏi mình một vài câu hỏi đơn giản. Chẳng hạn, tại sao chúng ta làm dấu Thánh Giá và thực hành Nghi thức Sám Hối vào đầu Thánh Lễ? Và ở đây tôi muốn thêm một lưu ý phụ. Anh chị em có thấy các trẻ em làm dấu Thánh Giá như thế nào không? Anh chị em không biết chúng đang làm gì, hoặc làm dấu Thánh Giá hoặc vẽ vời một đường nét. Chúng làm việc [cử chỉ] này. Trẻ em phải được dạy làm dấu Thánh Giá đúng cách. Đây là cách bắt đầu Thánh Lễ; đây là cách bắt đầu cuộc sống; đây là cách bắt đầu một ngày. Điều này có nghĩa là chúng ta được Thánh Giá của Chúa cứu chuộc. Hãy quan sát các trẻ em và dạy chúng cách làm dấu Thánh Giá cho đúng. Và những Bài Đọc này, trong Thánh Lễ, tại sao chúng lại ở đó? Tại sao có ba Bài Đọc vào Chúa Nhật và hai bài vào ngày khác? Tại sao lại đọc chúng? Các Bài Đọc trong Thánh Lễ có nghĩa gì? Tại sao lại đọc chúng và mục đích của chúng là gì? Hoặc, tại sao linh mục chủ tọa buổi Lễ lại nói ở một lúc nào đó: “Hãy nâng tâm hồn lên”? Ngài không nói: “Hãy nâng điện thoại di động lên để chụp ảnh!” Không, thật tệ! Tôi nói thật với anh chị em, tôi rất buồn lúc tôi cử hành Thánh Lễ ở Quảng trường Thánh Phêrô hoặc ở Vương Cung Thánh Đường khi thấy nhiều điện thoại di động được nâng lên, không những chỉ bởi các tín hữu mà còn bởi một số linh mục và thậm chí cả giám mục! Nhưng làm ơn! Thánh Lễ không phải là một buổi trình diễn: nhưng là buổi gặp gỡ Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa. Đó là lý do tại sao linh mục nói: “Hãy nâng tâm hồn lên”. Điều ấy có nghĩa gì? Hãy nhớ: không được dùng điện thoại di động.

Điều thực sự quan trọng là trở lại với cơ bản, tái khám phá điều gì là cần thiết, qua những gì chúng ta sờ mó và nhìn thấy được trong việc cử hành các Bí Tích. Câu hỏi của Thánh Tông Đồ Tôma (xem Ga 20:25), đấng tìm cách nhìn thấy và chạm tay vào vết thương trên thân thể của Chúa Giêsu, và mong ước có khả năng “chạm vào” Thiên Chúa một cách nào đó để tin vào Người. Điều mà Thánh Tôma xin Chúa là điều tất cả chúng ta cần: được gặp gỡ Người, chạm vào Người ngõ hầu chúng ta có thể biết Người. Các Bí Tích đáp ứng nhu cầu của con người. Các Bí Tích, cách đặc biệt là việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, là những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, những cách đặc biệt để chúng ta gặp gỡ Ngài.

Như thế, qua những bài giáo lý này mà chúng ta bắt đầu hôm nay, tôi muốn cùng anh chị em tái khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn trong việc cử hành Thánh Lễ và, một khi được tỏ lộ, nó mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của mỗi người. Cầu xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta trên đoạn đường mới này. Cảm ơn anh chị em.

  Bài 2: Thánh Lễ là Kinh Nguyện

Thánh Lễ “là cuộc gặp gỡ của tình yêu với Thiên Chúa qua Lời của Ngài, cùng Mình và Máu Chúa Giêsu”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ hai của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 15 tháng 11, 2017 tại Vatican. Hôm nay ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ. Ngài nói rằng “Thánh Lễ là kinh nguyện, hay đúng hơn, đó là kinh nguyện tinh túy, cao cả nhất, cao siêu nhất, và đồng thời “cụ thể” nhất, do đó chúng ta không được nói chuyện hay chụp hình trong Thánh Lễ, mà phải chú t6am vào cuộc gặp gỡ với Chúa để Người phục hồi chúng ta lại với ơn gọi ban đầu của chúng ta: là hình ảnh và giống Thiên Chúa.”.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta hãy tiếp tục bài giáo lý về Thánh Lễ. Để hiểu được vẻ đẹp của việc cử hành Thánh Lễ, tôi muốn bắt đầu bằng một khía cạnh rất đơn giản: Thánh Lễ là kinh nguyện, hay đúng hơn, đó là kinh nguyện tinh túy, cao cả nhất, cao siêu nhất, và đồng thời “cụ thể” nhất. Thật vậy, đó là cuộc gặp gỡ của tình yêu với Thiên Chúa qua Lời của Ngài, cùng Mình và Máu Chúa Giêsu. Đó là một cuộc gặp gỡ với Chúa.

Nhưng trước hết chúng ta phải trả lời một câu hỏi. Kinh nguyện thật sự là gì? Đó là cuộc đối thoại trước nhất và quan trọng nhất, một mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa. Và con người được tạo ra như một hữu thể trong mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa chỉ thấy sự hiện thực trọn vẹn của mình trong cuộc gặp gỡ Đấng Tạo Dựng nên mình. Con đường sống là hướng đến cuộc gặp gỡ dứt khoát với Chúa.

Sách Sáng Thế Ký khẳng định rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, Đấng là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, một mối liên hệ hoàn hảo của tình yêu là sự hiệp nhất. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng tất cả chúng ta đều được tạo dựng để bước vào một mối liên hệ hoàn hảo của tình yêu, trong sự liên tục trao ban và đón nhận để như thế tìm thấy sự viên mãn của mình.

Khi ông Môsê, trước bụi gai đang cháy, nhận được ơn Thiên Chúa gọi, ông hỏi tên Ngài là gì. Và Thiên Chúa đã trả lời như thế nào? “Ta là Đấng Ta Là” (Xh 3:14). Cụm từ này, theo nghĩa ban đầu của nó, diễn tả sự hiện diện và quý mến, và ngay sau đó Thiên Chúa nói thêm, “Chúa, Thiên Chúa của tổ phụ ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Giacóp” (câu 15 ). Theo cách này, Đức Kitô cũng vậy, khi Người kêu gọi các môn đệ, kêu gọi họ ở với Người. Do đó, đây là ân sủng lớn lao nhất: để có thể trải nghiệm Thánh Lễ, Bí Tích Thánh Thể là khoảnh khắc đặc biệt để ở với Chúa Giêsu và nhờ Người, với Thiên Chúa và anh em chúng ta.

Cầu nguyện, giống như bất kỳ cuộc đối thoại chân thật nào, cũng có nghĩa là biết cách giữ im lặng, trong các cuộc đối thoại có những giây phút im lặng, trong im lặng cùng với Chúa Giêsu. Và khi chúng ta đi dự Thánh Lễ, có lẽ chúng ta đến trước năm phút và bắt đầu trò chuyện với người bên cạnh mình.  Nhưng đó không phải là giây phút để nói truyện: đó là giây phút để im lặng, để chuẩn bị cho cuộc đối thoại. Đó là giây phút để hồi tâm ngõ hầu chuẩn bị cho cuộc đối thoại với Chúa Giêsu. Sự im lặng rất quan trọng. Hãy nhớ những gì tôi đã nói tuần trước: chúng ta không dự một buổi trình diễn, chúng tôi sắp gặp gỡ Chúa, và sự im lặng chuẩn bị chúng ta và đi cùng chúng ta. Giữ im lặng cùng với Chúa Giêsu. Từ sự im lặng mầu nhiệm của Thiên Chúa nảy sinh ra Lời Ngài, là điều vang dội trong tâm hồn chúng ta. Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng thật sự có thể “ở lại” với Chúa Cha và Người chứng tỏ điều này bằng kinh nguyện của Người. Các Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu rút vào nơi thanh vắng để cầu nguyện; các môn đệ, khi thấy mối liên hệ mật thiết này với Chúa Cha, cảm thấy muốn tham gia, và các ông xin Người, “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11:1). Chúng ta đã nghe điều này trong Bài Đọc Thứ Nhất, ở đầu buổi triều yết. Chúa Giêsu trả lời rằng điều đầu tiên cần thiết để cầu nguyện là có thể thưa “Lạy Cha”. Hãy coi chừng: nếu tôi không thể thưa “Lạy Cha” với Thiên Chúa thì tôi không thể cầu nguyện. Chúng ta phải học cách thưa, “Lạy Cha”, tức là đặt mình trong sự hiện diện của Ngài với lòng tin tưởng của con thảo. Nhưng để có thể học, thì cần phải khiêm tốn nhìn nhận rằng chúng ta cần phải được hướng dẫn, và nói một cách đơn giản: Lạy Chúa, xin dạy con cầu nguyện.

Đây là điểm thứ nhất: khiêm tốn, nhìn nhận mình là con cái, để nghỉ ngơi trong Chúa Cha, để tín thác nơi Ngài. Để vào Nước Trời chúng ta phải làm cho mình nhỏ bé như trẻ nhỏ. Theo nghĩa là trẻ nhỏ biết cách tin tưởng, chúng biết rằng có một ai đó sẽ lo cho chúng, về những gì chúng sẽ ăn, những gì chúng sẽ mặc và vân vân (c. Mt 6: 25-32). Đây là thái độ đầu tiên: tín thác và tin tưởng, như trẻ em đối với cha mẹ; biết rằng Thiên Chúa nhớ đến anh chị em và chăm sóc anh chị em, anh chị em, tôi, tất cả mọi người.

Thiên hướng thứ hai, một lần nữa điển hình của trẻ em, là để cho mình ngạc nhiên. Trẻ em luôn hỏi cả nghìn câu hỏi vì chúng muốn tìm hiểu thế giới; và chúng thậm chí còn thắc mắc về những điều nhỏ nhặt, bởi vì mọi sự đều mới mẻ đối với chúng. Để vào Nước Trời, chúng ta phải để cho mình ngạc nhiên. Trong mối liên hệ của chúng ta với Chúa, trong cầu nguyện - tôi hỏi - chúng ta có cho phép mình bị kinh ngạc, hay chúng ta nghĩ rằng mình đang nói lời cầu nguyện ấy với Thiên Chúa như con vẹt? Không, cầu nguyện là tin tưởng và mở lòng ra để kinh ngạc. Chúng ta có để cho Thiên Chúa, Đấng luôn là Thiên Chúa của ngạc nhiên, làm cho chúng ta kinh ngạc không? Bởi vì cuộc gặp gỡ với Chúa luôn là một cuộc gặp gỡ sống động, không phải là một chuyến viếng thăm viện bảo tàng. Đó là một cuộc gặp gỡ sống động, và chúng ta đi dự Thánh Lễ, chứ không đến một viện bảo tàng. Chúng ta hãy đi đến một cuộc gặp gỡ sống động với Chúa.

Tin Mừng nói về một ông Nicodemô (Ga 3: 1-21), một bậc lão thành, một một người có thẩm quyền ở Israel, đi đến gặp Chúa Giêsu; và Chúa nói với ông về sự cần thiết phải “sinh lại” (xem câu 3). Nhưng nó có nghĩa gì? Một người có thể “tái sinh” được không? Để trở lại ngõ hầu có hương vị, niềm vui, sự kỳ diệu của cuộc sống, là điều có khả thi không, ngay cả khi phải đối diện với rất nhiều thảm cảnh? Đây là một câu hỏi cơ bản về đức tin của chúng ta, và đây là ước muốn của mọi tín hữu thật sự: ước muốn được tái sinh, niềm vui được làm lại từ đầu. Chúng ta có ước muốn này không? Có phải mỗi người trong chúng ta đều muốn được tái sanh, được gặp Chúa không? Anh chị em có ước muốn này không? Thật vậy, chúng ta có thể dễ dàng bị đi lạc bởi vì, như hậu quả của nhiều hoạt động, của nhiều dự án sẽ được thực hiện, chúng ta còn lại ít thời gian và chúng ta mất cái nhìn về điều gì là cơ bản: cuộc sống của tâm hồn chúng ta, cuộc sống tinh thần của chúng ta, cuộc sống là cuộc gặp gỡ với Chúa trong kinh nguyện.

Thật ra, Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên bằng cách cho chúng ta thấy rằng Người yêu thương chúng ta ngay cả trong sự yếu đuối của chúng ta. “Chúa Giêsu Kitô ... là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những chỉ chúng ta mà còn tội lỗi của toàn thế giới” (1 Ga 2: 2).  Hồng ân này, một nguồn an ủi đích thực - nhưng Chúa luôn luôn tha thứ cho chúng ta - đây là sự an ủi thật, đây là một món quà được ban cho chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể, đây là tiệc cưới mà Phu Quân gặp sự mỏng dòn của chúng ta. Tôi có thể nói rằng khi tôi rước Lễ trong Thánh Lễ, Chúa có gặp sự yếu đuối của tôi không? Vâng! Chúng ta có thể nói điều ấy vì nó là sự thật! Chúa gặp sự mỏng dòn của chúng ta để phục hồi chúng ta lại với ơn gọi ban đầu của chúng ta: là hình ảnh và giống Thiên Chúa. Đây là môi trường của Bí Tích Thánh Thể, đây là kinh  nguyện.

 

  Bài 3: Thánh Lễ là cuộc tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô

“Việc tham dự Thánh Lễ làm cho cho chúng ta bước vào mầu nhiệm của Đức Kitô, bằng cách cho chúng ta đi với Người từ cái chết sang sự sống.”

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ ba của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 22 tháng 11, 2017 tại Quảng trường Thánh Phêrô Vatican. Hôm nay ĐTC giủ thích tại sao Thánh Lễ là cuộc tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Ngài nhắn nhủ chúng ta phải ý thức rằng khi tham dự Thánh Lễ là chúng ta lên Núi Sọ cùng Chúa Giêsu chứ không phải đi xem một buổi trình diễn.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tiếp tục bài giáo lý về Thánh Lễ, chúng ta có thể tự hỏi: Thánh Lễ là gì? Thánh Lễ là cuộc tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Thánh Lễ cho chúng ta tham dự vào cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết của Mầu Nhiệm này, và mang lại ý nghĩa đầy đủ cho cuộc sống của chúng ta.

Vì lý do này, để hiểu được giá trị của Thánh Lễ, trước tiên chúng ta phải hiểu ý nghĩa theo Thánh Kinh của "việc tưởng niệm". Nó “không chỉ là tưởng nhớ các biến cố trong quá khứ, mà còn bằng cách nào đó làm cho các biến cố ấy hiện diện và được hiện tại hóa. Đây chính là cách dân Israel hiểu về cuộc giải phóng của họ từ Ai Cập: Mỗi lần lễ Vượt Qua được cử hành, các biến cố thời Xuất Hành lại hiện diện trong ký ức của các tín hữu, để họ làm sao cho cuộc sống của mình phù hợp với các biến cố ấy" (Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số1363). Chúa Giêsu Kitô, với cuộc Khổ Nạn, cái Chết, sự Phục Sinh và lên trời của Người, đã hoàn tất Lễ Vượt Qua. Và Thánh Lễ là tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Người, "cuộc xuất hành" mà Người đã thực hiện cho chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ và đưa chúng ta vào miền đất hứa của sự sống đời đời. Nó không chỉ là một lời nhắc nhở, không, nó còn hơn thế nữa: đó là để ghi nhớ những gì đã xảy ra cách đây 20 thế kỷ.

Bí tích Thánh Thể luôn luôn đưa chúng ta đến tột đỉnh của ơn cứu độ của Thiên Chúa: Chúa Giêsu, khi bẻ bánh ra cho chúng ta, đổ trên chúng ta tất cả lòng thương xót và tình yêu của Người, như Người đã làm trên thập giá, để đổi mới con tim chúng ta, cuộc sống chúng ta, và cách chúng ta hiệp thông với Người và với anh em chúng ta. Công Đồng Vaticanô II nói: “Mỗi khi hy tế Thập Giá được cử hành trên bàn thờ, qua đó ‘Đức Kitô là con chiên vượt qua của chúng ta đã chịu hiến tế’, thì công trình cứu chuộc chúng ta lại được thực hiện”. (Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3).

Mỗi cuộc cử hành Thánh Lễ là một tia nắng mặt trời không có hoàng hôn, là Chúa Giêsu Phục Sinh. Tham dự Thánh Lễ, đặc biệt vào ngày Chúa Nhật, có nghĩa là bước vào cuộc chiến thắng của Đấng Phục Sinh, được chiếu sáng bởi ánh sáng của Người, được sưởi ấm bởi sự ấm áp của Người. Qua việc cử hành Thánh Lễ, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, là sự sống có khả năng biến đổi tất cả con người hay chết của chúng ta. Và trong cuộc Vượt Qua của Người từ sự chết sang sự sống, từ thời gian đến vĩnh hằng, Chúa Giêsu cũng kéo chúng theo với Người để làm Lễ Vượt Qua. Thánh lễ được thiết lập cho Lễ Vượt Qua. Trong Thánh Lễ, chúng ta cùng chết và sống lại với Chúa Giêsu, và Người đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Trong Thánh Lễ, chúng ta kết hợp với Người. Đúng hơn là, Đức Kitô sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Người. Thánh Phaolô nói, "Tôi đã chịu đóng đinh cùng với Đức Kitô” và Thánh Nhân nghĩ rằng, “không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Và cuộc sống này, mà tôi sống trong thân xác, là sống trong đức tin vào Con Thiên Chúa, là Ðấng đã yêu thương tôi và đã hiến mạng sống Mình vì tôi" (Gal 2: 19-20).

Thực ra, Máu Người giải thoát chúng ta khỏi sự chết và việc sợ chết. Người giải thoát chúng ta không những chỉ khỏi sự thống trị của cái chết thể lý, mà còn cả cái chết thiêng liêng là sự dữ và tội lỗi, là những gì bắt giữ chúng ta mỗi khi chúng ta trở thành nạn nhân của tội lỗi của mình hay của người khác. Và rồi cuộc sống của chúng ta bị ô nhiễm, mất thẩm mỹ, mất ý nghĩa và đau khổ.

Thay vào đó, Đức Kitô ban lại sự sống cho chúng ta; Đức Kitô là sự sung mãn của đời sống, và khi phải đối diện với cái chết, Người đã vĩnh viễn tiêu diệt nó: "Từ cõi chết sống lại, Người huỷ diệt sự chết và canh tân sự sống" (Kinh nguyện Thánh Thể IV). Lễ Vượt Qua của Đức Kitô là chiến thắng cuối cùng trên sự chết vì Người đã biến đổi cái chết của Người thành hành động tình yêu tối cao. Người đã chết vì yêu! Và trong Bí Tích Thánh Thể, Người muốn truyền đạt tình yêu tha thiết và chiến thắng này. Nếu chúng ta đón nhận tình yêu ấy trong đức tin, chúng ta cũng có thể thật sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta có thể yêu như cách Người đã yêu chúng ta, bằng cách ban sự sống.

Nếu tình yêu của Đức Kitô ở trong tôi, tôi có thể trao hiến trọn vẹn chính mình tôi cho tha nhân, với niềm xác tín rằng cả khi người khác có thể làm tổn thương tôi, tôi sẽ không chết; nếu không thì tôi sẽ phải bảo vệ mình. Các vị tử vì đạo đã hiến mạng sống của các ngài chính vì xác tín về chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết. Chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm được quyền năng này của Đức Kitô, quyền năng của tình yêu của Người, chúng ta mới thực sự tự do hiến mình mà không sợ hãi. Đây là Thánh Lễ: là bước vào cuộc Khổ Nạn, cái Chết, sự Phục Sinh và Lên Trời của Chúa Giêsu; khi chúng ta đi tham dự Thánh Lễ là y như chúng ta đang đi lên Núi Sọ, y như thế. Nhưng anh chị em hãy nghĩ xem: nếu lúc đi Lễ chúng ta đi lên Núi Sọ - chúng ta nghĩ bằng trí tưởng tượng - và chúng ta biết rằng người đang ở đó là chính Chúa Giêsu, thì chúng ta có được phép trò chuyện, chụp hình, trình diễn một chút không? Không! Vì đó là Chúa Giêsu! Chúng ta chắc chắn sẽ im lặng, than khóc, và thậm chí vui mừng vì được cứu độ. Khi chúng ta bước vào nhà thờ để cử hành Thánh Lễ, chúng ta hãy nghĩ về điều này: tôi đến Núi Sọ, nơi mà Chúa Giêsu hiến mạng sống cho tôi. Và như vậy việc trình diễn, đồn đại, bình phẩm và những điều khiến chúng ta xa cách điều tuyệt mỹ này, là Thánh Lễ, chiến thắng của Chúa Giêsu, đều sẽ biến mất.

Tôi nghĩ rằng giờ đây chúng ta thấy rõ hơn là làm sao lễ Vượt Qua lại hiện diện và hoạt động mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, nghĩa là, ý nghĩa của lễ tưởng niệm. Việc tham dự Thánh Lễ làm cho cho chúng ta bước vào Mầu Nhiệm của Đức Kitô, bằng cách cho chúng ta đi với Người từ cái chết sang sự sống, nghĩa là, ở đó trên Núi Sọ. Thánh Lễ là việc tái lập lại Núi Sọ, chứ không phải một buổi trình diễn.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch