Mùa Chay là mùa trở về, sám hối, tha thứ, cầu nguyện và bố thí. Ý thức rằng con người luôn luôn biết  thân phận mình là : con người mong manh như tơ trời, dòn ải như bình sành, dễ vỡ như lọ sứ, yếu ớt như lau sậy, và le lói như tim đèn chợt tắt. Vả lại, thân phận tự bản chat “đã      sinh ra trong tội lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” [Tv 51,7].

Đó là lý do để ta nhìn lại chính con người của mình, để ta trở về với nguồn yêu thương, nguồn sức mạnh và nguồn ánh sáng của Thiên Chúa. Trở về để được Chúa yêu thương, trở về để được Ngài tha thứ. Trở về để thấy rằng mình luôn luôn yếu đuối và nhận ra rằng mình luôn cần đến tình thương và lòng thương xót của Chúa.

Lời Chúa qua tiên tri Giôen 2,12-13: "Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng". Hãy trở về với tâm hồn than khóc, sám hối ăn năn. Thiên Chúa luôn nhìn những gì ở bên trong con người, ngược lại con người thì thường nhìn những gì ở bên ngoài. Hãy trao chiếc áo tâm hồn rách nát, sầu khổ, tội lỗi cho Chúa để Ngài thanh tẩy, chữa lành, và ban tràn đầy ơn cứu độ cho chúng ta.

Mùa Chay là mùa quan trọng nhất trong năm của người Kitô hữu, là thời điểm Giáo Hội nhắc nhở mọi người thống hối để suy niệm cuộc tử nạn của Đức Kitô và sự Phục Sinh của Người.

Mùa Chay kéo dài 40 ngày, trước hết để nhớ lại 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay và cầu nguyện nơi hoang địa, trước khi Người ra rao giảng.

Phúc Âm thánh Matthew, Luca và Mátcô đều ghi lại biến cố Đức Kitô ăn chay và chịu qủy cám dỗ. “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu qủy cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và ngay sau đó người thấy đói” (Mt 4:1-2). Và rồi “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi đêm ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu qủy cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.” (Lk 4:1-3).

Thời gian Mùa Chay 40 ngày cũng nhắc bảo chúng ta nhớ lại 40 đêm ngày ông Maisen cầu nguyện trên núi Sinai và được Chúa trao cho 10 điều răn (Xh 24:18). “Maisen ở đó với Đức Chúa bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn không uống, và ông viết trên những bia các điều khoản của giao ước, tức là Mười Điều Răn” (Xh 34:18).

 40 ngày cũng còn nhắc nhớ lại trật lụt Ðại Hồng Thủy kéo dài 40 ngày, 40 đêm, cũng như cuộc hành trình 40 ngày trong sa mạc của Tiên Tri Êlia, lúc ông trốn khỏi cơn thịnh nộ của Hoàng Hậu I-de-ven, để đi xa và rồi Chúa trao cho ông sứ vụ mới (x. 1Vua: 19)...

Ý Nghĩa Của Mùa Chay

  Mùa chay, dĩ nhiên là chúng ta nghĩ đến việc ăn chay nhưng cũng có “Nhiều người thắc mắc: Ăn chay là gì? Phải chăng là để dằn vặt thân xác,    hành khổ con người cho Chúa vui lòng? Hỏi như vậy là chưa hiểu đạo, chưa hiểu hết ý nghĩa của việc ăn chay. Chúa đâu phải độc ác, khắt       khe,  hài lòng khi thấy con người chịu khốn khổ. Ăn chay một phần để hy sinh đền tội, nhưng mục đích chính của việc ăn chay là thao luyện tâm hồn chống lại ma qủy”. (ÐC Ngô Quang Kiệt 2/02).

Mùa Chay là thời kỳ liên tục trong cầu nguyện, sám hối, suy tư, trong thanh vắng bằng những hy sinh, những công việc bác ái, đặc biệt đối với các anh chị em nghèo khổ, để chúng ta có thể được tái sinh thiêng liêng trong ngày Chúa Phục Sinh. “Mùa Chay là thời gian quan phòng nhằm hoán cải, giúp chúng ta chiêm ngưỡng tình yêu lạ lùng của Đức Kitô.” Và “Anh em đã được ban tặng nhưng không, anh em cũng hãy cho không như vậy”. (Gioan. Phaolô II dẫn Mt 10:8).

 Gương mẫu của Đức Kitô khi Người tự hiến trên thập gía đồi Canvê, là để ta hiểu rằng cuộc tử nạn của Người là một ân huệ nhưng không ban cho chúng ta. Cũng như lời hứa “Khi nào treo Ta lên, thì Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” (Ga 12,32). Chính vì thế và nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần, Người canh tân cuộc sống, làm cho chúng ta tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa và cảm nếm tình yêu của Người. Đây là một ân huệ cao cả mà mỗi Kitô hữu chúng ta hân hoan, vui mừng và loan báo.

 Thực Hành Sống Mùa Chay

Mùa Chay, theo truyền thống của Giáo Hội, là để thực thi ba điều căn bản :

- Ăn chay

- Cầu nguyện

- Bác ái và Hy sinh

1- Ăn Chay

Xã hội ngày nay là một xã hội tiêu thụ. Nó khuyến khích người ta tiêu xài, mua sắm càng nhiều càng tốt. Nhưng tiêu thụ càng nhiều càng làm con người mê mải của cải thế gian, càng “thỏa mãn đam mê của tính xác thịt” [Gl 5,16]. Vì thế “những ai thuộc về Ðức Kitô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” [Gl 5, 24].

Ăn chay tốt cho thân xác, tốt cho linh hồn” [Gioan Phaolo II]. Ăn chay là một sự tự chế, thao luyện tâm hồn để chống lại cám dỗ và tội lỗi. Sách Lễ Rôma, trong lời nguyện nhập lễ, đọc rằng: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay, hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống, tiết chế, đồng hóa với khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh chiến thắng ác thần”.

Trong Kinh Tiền Tụng Mùa Chay cũng đọc rằng: “Lạy Cha, Cha muốn chúng con dùng việc hãm mình để cảm tạ Cha. Nhờ đó, chúng con là những người tội lỗi, giảm bớt được tính kiêu căng và khi giúp nuôi dưỡng những người thiếu thốn, chúng con biết noi theo lòng nhân hậu của Cha”.

 Vậy mục tiêu của việc ăn chay kiêng thịt là để rèn luyện ý chí, bằng hy sinh khắc khổ trong việc ăn uống và tiêu xài, để chúng ta đương đầu và lướt thắng các đam mê dục vọng, đồng thời thực thi công việc từ thiện, bác ái, giúp đỡ người nghèo khó, khốn cùng.

Nhưng thái độ ăn chay của chúng ta phải thế nào? Chúa nói: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức gỉa: Chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt. 6:16-18). [Theo thông điệp của Ðức Mẹ Medjury, thì ăn chay chỉ dùng bánh mì và nước lã].

Mùa chay là mùa Chúa kêu gọi chúng ta trở về với Chúa. Muốn trở về với Chúa, chúng ta phải chiến đấu chống lại mưu ma, chước qủy, tập luyện bỏ ý riêng, từ bỏ tự hãnh, kiêu căng, khoác lác, gĩa từ tự cao tự đại. Kiến tạo bình an cho bản thân, an vui trong gia đình. Kết hợp với anh em, vơi cộng đoàn, đoàn thể, tái tạo những giá trị Chân, Thiện, Mỹ và nhiều điều tốt đẹp khác đã bị lường gạt, đánh cắp. Luôn luôn biết hướng về vĩnh cửu.

Tìm về những gía trị và cùng đích của cuộc sống. Phó thác cuộc đời cho Chúa, thực thi lời Chúa dậy và vâng phục ý Chúa. Vì chỉ có Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Ngài chậm giận và giầu tình thương (Xem Xh 34,6 – Tv 103,8). Luôn trông cậy và phó thác, chúng ta sẽ được Ngài ban cho sức mạnh cần thiết để đủ sức chống lại các cám dỗ và lôi cuốn trần gian.

 2- Cầu nguyện

Trong Thánh vịnh sám hối –  Chương 59 Isaia

Thánh vịnh này gợi cho chúng ta biết, là trong cuộc sống dù dỉ vãng, hiện tai hay tương lai, chúng ta không thể nào tránh khỏi những lấm lỗi nơi con người chúng ta.

 1 Này, không phải ĐỨC CHÚA ngắn tay không thể cứu, cũng chẳng phải Người nặng tai không nghe được,

2 mà chính lỗi lầm của các ngươi đã phân cách các ngươi với Thiên Chúa các ngươi; chính tội lỗi các ngươi đã khiến Người ẩn mặt để khỏi nhìn, khỏi nghe các ngươi.

3 Quả thật, bàn tay các ngươi vấy máu, ngón tay các ngươi đầy tội ác tầy trời, môi miệng các ngươi nói lời giả dối, lưỡi các ngươi thốt ra điều bất công.

4 Chẳng ai theo lẽ công minh mà kiện cáo, không ai xét xử theo đường chân thật. Người ta tin tưởng điều hư không và nói lời gian xảo,

cưu mang chuyện xấu xa, đẻ ra điều gian ác.

5 Chúng ấp trứng rắn, chúng dệt màng nhện: ai ăn trứng của chúng sẽ phải chết liền, giả như  trứng vỡ, sẽ nở ra rắn con!

6 Sợi chúng dệt ra, không thể may thành áo, sản phẩm chúng làm, không thể dùng che thân,

vì sản phẩm chúng làm là sản phẩm của gian ác, và bàn tay chúng đầy những việc bạo tàn.

7 Chúng nhanh chân chạy theo sự dữ và mau lẹ đổ máu người vô tội: chúng suy nghĩ toàn những chuyện độc ác gian tà, chúng đi đâu cũng bạo hành tàn phá.

8 Chúng không biết đường dẫn tới bình an, đường lối chúng chẳng có gì chính trực, chúng làm cho đường mình đi nên quanh co khúc khuỷu, ai đi theo đường đó, không hề được bình an.

9 Vì thế, đức chính trực vẫn còn xa chúng ta, lẽ công chính không gần chúng ta được! Chúng ta mong ánh sáng, thì này đây bóng tối, mong xán lạn huy hoàng, lại bước đi trong mù mịt tối tăm.

10 Tựa như người mù men theo tường, chúng ta mò mẫm, mò mẫm như người không có mắt.

Chúng ta lảo đảo cả trưa lẫn chiều, đang sung sức mà như người đã chết.

11 Tất cả chúng ta gầm gừ như gấu, chỉ biết rầm rì chẳng khác bồ câu. Mong được xét xử, mà đâu có thấy, mong được cứu thoát, nhưng sao quá xa vời!

12 Vì lạy Chúa, trước Thánh Nhan, tội chúng con thật nhiều vô kể, lỗi chúng con lại tố cáo chúng con. Quả thế, tội chúng con sờ sờ trước mặt, lỗi chúng con, chúng con biết cả rồi:

13 Chúng con đã phạm tội, đã lìa bỏ ĐỨC CHÚA, đã lìa xa Thiên Chúa chúng con, còn nói lời thâm độc và nổi loạn với Chúa, ngấm ngầm mưu tính và lẩm nhẩm thốt lời điêu ngoa.

14 Đức chính trực đã bị bỏ rơi, lẽ công minh sao xa vời quá! sự liêm chính không thể chen chân.

15 Lòng thành tín đã không còn nữa, kẻ xa điều gian ác bị cướp bóc liền tay. ĐỨC CHÚA thấy rồi và gai cả mắt, vì chẳng có chi là chính trực.

16 Người đã thấy chẳng có ai phản ứng, Người ngạc nhiên vì không ai can thiệp. Bởi thế, cánh tay của Người đã giải cứu và đức công chính của Người đã phù trợ.

17 Người lấy đức công chính làm áo giáp hộ thân, lấy ơn giải cứu làm mũ chiến đội đầu, dùng báo oán làm áo mặc, và lấy ghen tương làm áo choàng.

18 Người đáp trả xứng với việc làm: thịnh nộ với ai chống đối, Người trả báo những kẻ thù địch; Người trả báo các đảo xa xăm.

19 Từ phương Tây, người ta sẽ kính sợ danh ĐỨC CHÚA, và từ phương Đông, người ta sẽ kính sợ vinh quang Người, vì Người sẽ đến như dòng sông chảy xiết, và Thần Khí của ĐỨC CHÚA đẩy nó mạnh thêm.

20 Nhưng đối với Xi-on và những ai thuộc nhà Gia-cóp đã từ bỏ tội lỗi, Người sẽ đến như Đấng Cứu Chuộc. Đó là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

21 Phần Ta, đây là giao ước của Ta với chúng - ĐỨC CHÚA phán : thần khí của Ta ở trên ngươi và các lời Ta đặt nơi miệng ngươi sẽ không rời khỏi miệng ngươi, khỏi miệng con cái ngươi, và khỏi miệng cháu chắt ngươi - ĐỨC CHÚA phán - từ nay cho đến mãi muôn đời.

 Vì thế, mùa chay là nùa Cầu nguyện:

Nhưng chúng ta cầu nguyện thế nào? Thánh Gioan Kim Khẩu nói, “Dù ở ngoài chợ hay đi dạo một mình, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện và cầu nguyện sốt sắng. Ngồi trong tiệm của bạn, hoặc khi mua bán, cả khi làm bếp, bạn vẫn có thể cầu nguyện”.

 Trong Mùa Chay, chúng ta cần cố gắng hơn trong việc đọc Phúc Âm, Sách Thánh, các sách thao luyện tâm hồn, tham dự các lễ nghi phụng tự, lãnh nhận Phép Thánh Thể và các phép bí tích khác, hoặc ngắm nguyện, đọc kinh, hát ca Thánh Vịnh.

Cầu nguyện cũng có nghĩa là tham dự vào phụng vụ. Qua việc tham dự các lễ nghi phụng vụ, người tín hữu được tháp nhập một cách sâu sắc vào Nhiệm thể Chúa Kitô.

Việc ăn chay chúng ta có thể lâu lâu mới làm một lần, nhưng cầu nguyện là một việc mà người tín hữu phải làm thường xuyên. Cầu nguyện, có thể là những lời nguyện tắt, nếu không liên lỉ, thì ít ra một ngày cũng phải phải năm, ba lần. Cầu nguyện giúp chúng ta khiêm tốn hơn và tâm hồn bình an hơn.

 3- Làm việc bác ái

 Mùa Chay là thời giờ khám phá ra các nhu cầu của anh chị em mình và nhắc nhở chúng ta tìm mọi cách để gặp gỡ và giúp đỡ những người đau khổ thể xác cũng như tinh thần.

Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm 2002, Đức Gioan Paul II trích dẫn câu hỏi của thánh Phaolô trong thư thứ Nhất gửi Corintô: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?” (1Cor 4:7). Và  “Một khi đã nhìn nhận như thế thì bạn phải yêu mến anh chị em và hy sinh cho họ.”

Vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành Lễ Chúa Rửa Chân cho các môn đệ và tường thuật lại việc Chúa Giêsu truyền một giới răn mới được gọi là luật Yêu Thương: “Thầy truyền cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13: 34-35).

Thế nhưng, yêu thương như thế nào? Đức Khổng Tử nói : “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là, điều gì chúng ta không muốn người khác làm cho mình thì mình cũng đừng làm cho người ta. Chúa Giêsu dạy chúng ta một cách tích cực hơn. Ngài nói: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em hãy làm cho người ta” (Mt. 7:12).

Mẹ Teresa cũng nói : “Hãy cho, cho đến khi bạn thấy đau mới là cử chỉ bác ái”. Đây là điều nhắc bảo chúng ta biết quên mình để hướng về tha nhân. Sẵn sàng “Ai xin thì cứ cho”. Và chia sẻ cho mỗi nơi một chút, không chỉ ở một chỗ, cũng đứng nhìn xa qúa hay gần qúa, xa hay gần phải là cái nhìn ứng dụng sốt sắng và sáng suốt.

Trong Mùa Chay, chúng ta cần đặc biệt làm việc bác ái qua các hành động cụ thể. Giúp đỡ tiền bạc đã đành, nhưng chúng ta còn có thể làm các việc khác như hy sinh thì giờ, tài, sức  cho các việc công ích, tha thứ cho kẻ làm mất lòng mình, bớt nóng giận, làm hoà với người mình có chuyện bất hòa… Trong thực tế, thực hiện các hành vi này nhiều khi còn khó khăn hơn là hy sinh tiền bạc.

Mùa Chay đòi hỏi chúng ta thống hối để kết hiệp một cách mật thiết vào cuộc tử nạn của Chúa Kitô, để cùng hưởng sự Phục Sinh vinh hiển của Người. Vì vậy, ăn chay, cầu nguyện, bác ái và hy sinh là thực hành sống những điều cốt yếu của tinh thần Mùa Chay.

4. Hy sinh 

- Hy sinh vì vâng phục : như Abraham hy sinh con mình là Isa-ác

- Hy sinh vì đức tin: Như các thánh tử đạo VN

- Hy sinh mạng sống để cứu mạng sống : Như Cha Thánh Maxima Kolbe trong trại tập trung thời Ðức quốc xã, ngài đã chết thay cho một tội nhân.

- Còn chúng ta : Chúng ta cầu nguyện cho nhau, hy sinh, bác ái với mọi tình huống của tha nhân, bác ái trong tương quan gặp gỡ, trong cùng một hướng đi mật thiết, chân thành. Tóm lại : ăn chay, cầu nguyện, bác ái và hy sinh, cần hỗ trợ cho nhau, làm cho nhau trong sốt sắng, sáng suốt và cụ thể.

 

Lạy Chúa

“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103, 8). Chúa không đành bẻ gẫy, chà đạp, cây sậy bị dập nát, cũng không lỡ dập tắt, thổi phụt tim đèn còn vương khói (Mt 12,20)”   Xin cho chúng con hết lòng ăn năn sám hối và hy vọng vào nước trời. (x. Mt 3,2)  Amen.

Vũ Công Chính