Nha_Tho-1Lời Phi lộ: Bài viết theo lối văn bình luận, đôi khi tả chân và đi vào chi tiết của vấn đề mà không rườm rà. Có khi thêm gia vị hành tỏi tiêu ớt vào cho dậy mùi. Khi khác lại đượm vẻ tiếu lâm nhà đạo với những nhận xét ít khi nghe biết đến.

Theo đường lối điều hành nhân sự thông thường trong Giáo Hội, thì linh mục giáo phận hay còn gọi là linh mục triều nhận chỉ thị của giám mục giáo phận đi làm việc mục vụ tại những giáo xứ trong giáo phận. Còn linh mục dòng thì sống thành cộng đoàn trong các nhà dòng tu khác nhau của dòng tu và làm những việc mục vụ mà bề trên nhà dòng xếp đặt.

Tuy nhiên có khi do sự kiện thiếu linh mục triều trong giáo phận mà có những giám mục mời một dòng tu nào đó gửi linh mục dòng đến làm việc quản trị và mục vụ tại một vài giáo xứ trong giáo phận. Có những trường hợp một giáo phận có đủ linh mục triều, nhưng để cổ võ chính sách ‘trăm hoa đua nở’, một giám mục giáo phận có thể mời những dòng tu gửi linh mục dòng đến làm việc trong một số giáo xứ trong giáo phận. Ngược lại có khi chính một dòng tu cũng xin một giám mục giáo phận cho đến điều hành và làm việc mục vụ tại một vài giáo xứ. Mỗi dòng tu có những linh đạo và đường lối sống đạo khác nhau dựa vào một vài khía cạnh trong đường lối Phúc âm, hoặc trong đời sống đạo của Mẹ Maria hay của ông thánh nọ, bà /chị thánh kia. Do đó sự hiện diện của những linh mục dòng làm quản trị và làm việc mục vụ trong những giáo xứ của giáo phận cũng giúp làm giầu đời sống mục vụ thiêng liêng của giáo dân trong giáo phận.

Từ những lí do như các linh mục dòng sống trong các nhà khác nhau của dòng tu, ít làm việc trong giáo xứ như các linh mục triều (giáo phận) nên có nhiều thời giờ trau giồi về những ngành sở thích chuyên môn khác nhau như về tu đức, học vấn và giảng thuyết hay dạy học nên thường được mời đến giáo xứ triều để giảng tuần đại phúc trong Mùa Vọng, Mùa Chay hoặc những khoá canh tân khác nhau trong giáo xứ.

Triều hay dòng: linh mục nào giảng hay hơn?

Do đó nảy sinh ra quan niệm thứ nhất trong đầu óc giáo dân cho rằng linh mục dòng thì giảng hay hơn linh mục triều. Thêm vào đó trong nhà dòng lại có phòng đọc sách chung cho các linh mục tu sĩ trong dòng sử dụng, nhất là nhà dòng chính còn có thư viện với nhiều sách vở hơn cho các nhà dòng chi nhánh của cả tỉnh dòng để các linh mục dòng tham khảo. Còn linh mục triều thì phải bận tâm với những công việc như xây cất, sữa chữa và quản trị trong giáo xứ, lại còn làm việc mục vụ, bác ái, xã hội. Quan niệm cho rằng linh mục dòng thì giảng hay hơn linh mục triều thì cũng đúng và không đúng vì không phải linh mục dòng nào cũng giảng hay. Trái lại cũng không phải không có linh mục triều nào giảng hay cả. Khi bàn đến việc giảng hay thì cũng phải xét xem  giảng hay như thế nào, hay về những phương diện nào nữa, chẳng hạn giảng hay, nói hay và có giọng truyền cảm hoặc giảng hay về ý tưởng sâu sắc và cách áp dụng thực tế và cụ thể vào đời sống hằng ngày. Khi nói đến hay người ta cũng cần định hưóng xem là hay với tầng lớp thính giả nào: hay với giới trẻ, hay với sinh viên-giáo sư, hay với lớp người trí thức, hay với giới lao động, hay với lớp người bình dân, hay với giới cao niên nhà quê thật thà và chất phác?

Vào dịp kia một cha dòng được mời đến giảng tĩnh tâm tại một giáo xứ có cha sở triều. Nghe nói linh mục dòng đề nghị với linh mục chánh xứ triều nên đi nghỉ tuần lễ đó để ngài giúp làm việc mục vụ trong giáo xứ thay cho. Linh mục chánh xứ triều trả lời ngài sẽ ở nhà để dự tuần cấm phòng và nghe giảng. Thiết tưởng lời đề nghị của cha dòng giảng phòng cũng không nên vì nếu phải bận tâm thêm việc giáo xứ dù chỉ là tạm thời một tuần cũng có thể khiến cho việc giảng phòng bị sao lãng. Còn việc cha sở triều trả lời sẽ dự tuần phòng và lắng nghe các bài giảng của cha dòng, thì không biết có cần thiết phải nghe hết các bài giảng không, mà còn có thể khiến cha giảng phòng dè dặt và bị khớp, không còn tự nhiên khi giảng.

Vào mùa Vọng, mùa Chay hay trước lễ trọng thể hay những dịp đặc biệt, có những linh mục triều có khuynh hướng mời những cha dòng đến giáo xứ giảng mấy ngày cấm phòng và giúp giải tội để giúp giáo dân sửa soạn tâm hồn mừng lễ. Lí do là vì các cha triều cũng phải làm việc điều hành và mục vụ trong những ngày này. Còn giáo dân cũng muốn xưng tội với những linh mục không quen biết để cho dễ nói. Tuy nhiên nếu giáo dân của xứ đạo triều không dâng cúng cho giáo xứ triều mà lại dâng cúng cho giáo xứ dòng thì chắc cha sớ của giáo xứ triều cũng không được vui đâu.

Linh mục dòng hay triều: ai đạo đức hơn ai?

Một quan niệm nữa len lỏi vào đầu óc giáo dân cho rằng linh mục dòng thì đạo đức hơn linh mục triều. Trong mấy năm mới di cư sang một quốc gia có đông người Việt tị nạn nhất thế giới, một linh mục dòng kia có điạ vị cao trong một dòng, dám cả gan nói với một linh mục bản xứ, được cắt cử làm phối trí viên giữa khối linh mục Việt Nam tị nạn với hội đồng giám mục bản địa rằng: một linh mục dòng thì đạo đức bằng mười linh mục triều. Vì lí do dị biệt chủng tộc và văn hoá, mà vị linh mục phối trí mới đi tìm hiểu sự thật/thực về lời nhận xét của vị linh mục dòng. Từ đó lời phát biểu của cha dòng mới lọt vào tai một số linh mục triều, rồi bay đến tai những linh mục triều khác, khiến một số linh mục triều bất mãn; số khác thì chỉ cười hề vì đoán được khá chắc chắn rằng tại sao lại có lời phát biểu mạo nhận như vậy? Đây không phải là cách đoán mò vì dầu sao hầu hết các linh mục miền Bắc trước năm 1954 và các linh mục miền Nam trước năm 1975 đều học chương trình ‘lí đoán’ hai năm, thêm chương trình thần học 4 năm. Khi đại chủng viện hai Miền được mở cửa lại thì chương trình lí đoán 2 năm và thần học 4 năm lại được tái lập.

Khi nói đến đạo đức của một cá nhân: hoặc là linh mục dòng, linh mục triều, nam tu, nữ tu hoặc giáo dân thì phải xét đến đạo đức về phương diện nào và đạo đức hàng dọc hay đạo đức hàng ngang. Đạo đức hàng dọc là mối liên hệ giữa cá nhân với Thiên Chúa trong việc tuân giữ rới răn Chúa hay việc thờ phượng như đọc kinh, cầu nguyện nhiều hay ít. Đạo đức hàng ngang là việc thực hành đức công bình, bác ái với tha nhân trong lời nói và việc làm. Đạo đức mà tối ngày đọc kinh cầu nguyện, nhưng đối với chính mình thì hay than thân trách phận; đối với Chúa thì kêu trách; còn đối với tha nhân thì hay nói hành, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, ghen tị, để lòng hận thù .. thì đó là một thứ đạo đức không lành mạnh, có thể còn là thứ đạo đức bệnh hoạn nữa.

Triều hay dòng: linh mục nào học cao rộng hơn?

Quan niệm thứ ba nảy sinh trong đầu óc giáo dân khi cho rằng linh mục dòng thì học cao rộng hơn linh mục triều. Quan niệm như vậy cũng là ảo tưởng vì không phải không có những linh mục triều học cao rộng hơn linh mục dòng. Rồi khi nói đến học cao rộng thì cũng phải phân biệt xem đó là kiến thức áp dụng thực hành hay chỉ là kiến thức khoa bảng và sách vở. Chẳng hạn việc phục vụ giáo xứ cho có hiệu quả cũng đòi có óc thực tiễn, cũng như kinh nghiệm điều hành và kinh nghiệm mục vụ. Trong một giáo phận kia tại hải ngoại khi một nhà dòng nọ thuyên chuyển một linh mục dòng về làm sở một giáo xứ trong giáo phận. Linh mục dòng này không biết đã làm sở ở giáo xứ nào khác chưa, nhưng lúc đầu hay kêu điện thoại hỏi một linh mục triều ngoại quốc thuộc giáo bên cạnh về việc nọ việc kia xem phải làm thế nào. Dĩ nhiên linh mục triều thuộc giáo xứ hàng xóm sẵn sàng chỉ những điều biết được.

Khi giáo xứ dòng muốn tổ chức một buổi lễ hay mừng kỉ niệm gì đó thì xem ra có vẻ dễ dàng vì  còn có những linh mục và tu sĩ trong nhà dòng giúp tăng cường- nếu nhà dòng có nhà cho các cha các thầy trong khuôn viên giáo xứ. Còn những giáo xứ triều thì thường chỉ có giáo dân giúp việc tổ chức thôi.

Khi linh mục thích áp dụng kiểu mới mà không hoặc chưa được phê chuẩn vào lễ nghi phụng vụ?

Vào giai đoạn giao thời khi có sự thay đổi lớn trong lễ nghi phụng vụ trước và sau Công Đồng Vaticanô II thì người ta có khuynh hướng giới thiệu những kiểu đổi mới khác nhau trong lễ nghi phụng vụ. Những linh mục dòng hay triều nào có dịp đi thăm giáo phận nọ, dòng tu kia trong nước hoặc đi ngoại quốc, học được những cách áp dụng khác nhau từ miền này qua miền khác hay từ quốc gia nọ qua quốc gia kia vào lễ nghi phụng vụ, thì có dịp đem về áp dụng tại giáo xứ nhà.

Trước khi Bộ Phụng Tự cho phép thiếu nữ được giúp lễ vào thập niên đầu của thiên niên kỉ 2000 nếu giám mục giáo phận nào xét thấy nên áp dụng thì đã có linh mục chánh xứ kia của một giáo phận tại Hoa Kì toan cho con gái giúp lễ. Việc làm này đã đến tai một giám mục địa phương nên bị cấm. Đến thời giám mục kế vị, cũng chính linh mục này lại toan thử một lần nữa. Sự việc cũng đến tai giám mục kết tiếp và rồi lại bị cấm nữa cho tới khi có luật phổ quát cho con gái giúp lễ nếu giám mục giáo phận muốn áp dụng. Mặc dầu vậy có những giám mục địa phương không muốn áp dụng. Trong đó có hai giáo phận tại Hoa Kì, sau này cho tới lúc bài này được xuất bản thì còn lại một giáo phận vẫn không áp dụng. Còn tại Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng văn hoá Nho Giáo và có lẽ vì muốn hội nhập văn hoá cho nên không thấy hay chưa giáo phận nào áp dụng.

Có những linh mục khác lại còn cho đọc một bài văn bản đời thay vì một bài Thánh kinh trong thánh lễ. Có linh mục chính xứ kia, vào giai đoạn đầu của những việc thay đổi sau Công Đồng Vaticanô II, còn lái xe ủi đất vào lòng nhà thờ như là đóng vai trò của Đức Giêsu cưỡi lừa vào thành Giêrusalem trong nghi lễ rước lá vào ngày Lễ Lá. Việc làm đó đã gây xôn xao, bàn tán trong khắp giáo phận trong một thời gian khá lâu.

Có lẽ vì tiện và lợi nên có những linh mục vẫn bận áo dòng (habit), rồi bận áo lễ trùm lên bên ngoài khi cử hàng thánh lễ. Nếu áo dòng là mầu trắng thì trông cũng giống áo bên trong gọi là áo ‘alba’ (Alba là mầu trắng) mà linh mục bận khi cử hành thánh lễ. Mặc dù áo dòng là mầu trắng nhưng nếu có miếng vải gắn liền vào cổ áo làm mũ che đầu (cowl) thì miếng vải che vẫn chìa ra ngoài cổ áo, nên người ta cũng thấy đó không phài là áo alba. Còn nếu áo dòng là áo mầu thì người ta càng dễ thấy rõ, không phải là áo alba. Rồi nếu đeo tràng hạt hột to, mầu đen vào đai thắt lưng bên ngoài áo bên hông bên phải, người ta cũng dễ thấy không phải là áo alba. Áo dòng là áo bận thường ngày của các linh mục dòng, không phải là một phần của phẩm phục khi cử hành thánh lễ. Áo dài đen mà Pháp ngữ gọi là ‘soutane’, Anh ngữ gọi là ‘cassock’ cũng là áo bận thường ngày của linh mục triều nhất là miền quê Á Châu và Phi Châu. Khi dâng lễ cũng thấy linh mục triều bận áo alba phủ lên áo dài đen, rồi mới bận áo lễ. Ở những giáo xứ nghèo vùng nhiệt đới, mà bận áo alba phủ ngoài áo dòng, rồi lại trùm áo lễ bên ngoài áo alba thì lại nóng nảy. Nếu cởi áo dòng ra, người ta có thể thấy quần xà lỏn - nếu không bận quần tây dài - trước khi bận áo alba thì trông lại có vẻ tếu. Như vậy đôi khi vì thời tiết nóng, hoặc vì lí do bất khả kháng như khi dâng lễ tại gia ở miền truyền giáo mà chỉ bận áo dòng, rồi trùm áo lễ bên ngoài, mà không bận áo alba khi cử hành thánh lễ, thì có thể hiểu mà châm chước được. Tuy nhiên vào dịp lễ phong thánh 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam năm 1988 tại Quảng trường thánh Phêrô, là nơi có nhiều tai to mặt lớn quan sát, nghe ngóng và ghi nhận với máy hình có ống kính kéo dài, mà một số khá đông linh mục dòng gồm cả Việt Nam và ngoại quốc chỉ bận áo dòng đủ kiểu, đủ mầu, rồi đeo giây stola. Thấy vậy một ‘Đức Ông’ chưởng nghi trong lễ phong thánh nhắc nhở cho các vị trở lại phòng áo để thay áo dòng bằng áo alba do Đền thờ Thánh Phêrô có sẵn để cho mượn, chứ không được mang về. Nếu áo alba dài quá mà người thấp bận cũng không thành vấn đề vì có thể dùng giây cột bụng rồi vén áo lên, đi cho khỏi vấp ngã.

Sau Công Đồng Vaticanô II, thấy nhiền nơi trên thế giới dùng từ ngữ ‘Bí tích Hoà giải’ (Sacrament of Reconciliation) để chỉ việc xưng tội và giải tội.  Ở Việt Nam trong những văn kiện về phụng vụ và bí tích cũng thấy khá nhiều giáo phận dùng từ ngữ bí tích hoà giải. Xét cho cùng thì không có bí tích nào gọi là bí tích hoà giải, mà chi có Bí Tích Giảo Tội hay Bí Tích Cáo Giải (cáo tội để được giải tội). Nếu có 'bí tích hoà giải' thì nói như vậy là nói ngược, mà phải nói là 'bí tích giải hoà' thì mới đúng thứ tự, nghĩa là giái trước rồi mới hoà sau. Còn nói là 'bí tích hoà giải' khiến người ta chì nghĩ đến hoà mà sao lãng việc xá giải hay không cần giái. Phải có giải rồi mới có hoà. Cũng như trong vấn đề tranh chấp chính trị, cũng phải có giải quyết xung đột rồi mới có hoà bình.

Như vậy chỉ có nghi thức giải hoà mà người ta đã lỡ gọi là hoà giải. Nghi thức giải hoà là nghi thức có thể được cử hành - nếu muốn cử hành -  sau buổi xưng tội có đông người xưng tội và đông linh mục giải tội, được sửa soạn trước bằng việc cầu nguyện, đọc Thánh kinh, giúp xét mình, với nhạc đạo nâng tâm hồn giúp khơi dậy lòng sám hối gọi là Penance Service. Rồi sau đó hối nhân đến xưng tội riêng với từng linh mục. Rồi linh mục ra việc đền tội riêng cho từng hối nhân, chứ không phải giải tội tập thể. Sau đó có thể có nghi thức giải hoà. Chẳng hạn có nghi thức rửa tay lẫn cho nhau, tượng trưng cho tội đã được rửa sạch; hoặc có nghi thức ‘đốt tội’, bằng cách trước khi xưng tội hối nhân viết lên mảnh giấy ghi những tội lỗi đã phạm để khi vào xưng tội đọc cho khỏi quên. Rồi sau khi xưng tội hối nhân đem miếng giấy đã ghi tội mình, bỏ vào bếp than đặt trong nhà thờ để đốt tội đi. Hoặc nghi thức cho hối nhân làm một việc gì đó như đọc kinh Lạy Cha hay hát bài Kinh Hoà Bình, rồi bắt tay nhau. Cũng có thể cử hành nghi thức giải hoà tách biệt khỏi bí tích cáo giải bằng cách tổ chức những buổi cầu nguyện, rồi xen kẽ bắng những bài hát có nội dung hoà giải vào những bài đọc thánh kinh về hoà giải với những màn kịch bỏ túi như về người con hoang đàng trở về. Hoặc thay thì màn kịch bỏ túi thì dùng nghi thức ‘đốt tội’ hoặc rửa tay cho nhau. Sau đó là một chuỗi lời nguyện giáo dân tự phát hay do một người đọc để xin ơn tha thứ và giải hoà,  rồi kết thúc bằng một bài thánh ca tạ ơn. Có những nhà quan sát nhận định rằng dùng từ ngữ 'bí tích hoà giải' nghe có vẻ coi nhẹ tội, nên số người đi xưng tội suy giảm nhiều, nhất là ở Âu Mĩ sau Công Đồng Vaticanô II.

Cũng nghe thấy người ta dùng từ ngữ giáo hội Công giáo quốc gia nọ quốc gia kia, như Giáo hội Công giáo Việt Nam. Đúng ra là phải nói Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Để cho vắn tắt, người ta có thể nói Giáo hội Công giáo Việt Nam, nhưng phải hiểu là Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, hoặc giáo hội Công giáo tại quốc gia nọ, quốc gia kia vì chỉ có một Giáo hội Công giáo. Có điều nói là giáo hội Công giáo quốc gia này, quốc gia nọ có thể nuôi khuynh hướng về một giáo hội tự trị.

Khi giới thiệu những lễ nghi hoặc những tác động phụng vụ không phải là thiết yếu vào lễ nghi phụng vụ trong giáo hội địa phương mặc dầu chỉ trong một thời gian vắn thì cũng nên xét đến những yếu tố khác nhau như yếu tố tâm lí xem có nên áp dụng không? Ví dụ vào dịp kỉ niệm 2000 năm lịch sử ơn cứu độ, một vị bản quyền của một tổng giáo phận lớn kia tại Mĩ, với nhiều sắc dân như Trung, Nam Mĩ và Á Châu, khuyến khích giáo dân cầm tay nhau trong khi đọc kinh Lạy Cha trong Năm Thánh 2000. Vị bản quyền đội mũ đỏ trong tổng giáo phận này có thể có ý tốt trong việc kêu gọi cầm tay nhau. Tuy nhiên nếu xét đến những phản ứng trong việc cầm tay, thì không biết quyết định này có được cân nhắc kĩ lưỡng không? Trên thế giới đã có những linh mục thuộc Phong Trào Thánh Linh khuyến khích những nhóm Thánh Linh cầm tay nhau khi đọc kinh Lạy Cha. Tuy vậy có những lí do tâm lí khiến người ta không muốn cầm tay nhau. Chẳng hạn những người mà trong người thiếu hay thừa chất gì đó khiến tay họ lạnh, hoặc tiết ra mồ hôi, thường không muốn cầm tay người khác; hoặc người khác không muốn nắm tay họ. Vợ chồng trong lúc bất hoà cũng không muốn cầm tay nhau. Những người hướng nội hay những người được lớn lên trong nếp sống và văn hoá thường biểu lộ tình cảm cách kín đáo, cũng ngại cầm tay nhau. Lại có những người khác phái khi cầm tay nhau thì sinh ra ‘lòng động lòng lo’. Những người quen cầm tay nhau trong khi đọc kinh ‘Lạy Cha’, mà sang giáo phận khác cũng chìa tay nắm tay người bên cạnh, có thể làm họ ngỡ ngàng, khó chịu và chia trí.

Khi một linh mục muốn lấy điểm.

Triều cũng như dòng, linh mục có thể bị cám dỗ về phương diện nào đó để lấy điểm khi phát động hay thi hành chương trình hoạt động nào đó trong giáo xứ. Do đó muốn có điểm thì cần làm sao cho người ta dễ thấy những thành công bề ngoài để được điểm thay vì những thành công về phương diện đạo đức, thiêng liêng thì khó thấy. Nhắm lấy điểm về phương diện nào đó có thể khiến giáo dân cố gắng đạt đích cho linh mục do vì nể, nhưng mà mệt mỏi. Và có điểm cao thì có thưởng. Phần thưởng có thể hi vọng được ở lại giáo xứ lâu hơn hay được thuyên chuyển đến giáo xứ lớn hơn và giầu hơn. Trường hợp linh mục kế vị đến có thể không nhắm đến những ưu tiên của linh mục tiền nhiệm. Mà khi không đạt được mức độ mà linh mục tiền nhiệm đã đạt về phương diện nào đó thì cũng nghĩ ngợi với bề trên, mặc dầu giáo dân có thể cảm thấy được nhẹ gánh về phương diện đó.

Phần thưởng cũng có thể là được một tước hiệu danh dự nào đó - không phải là chức thánh. Mà từ ngữ Việt Nam dùng hiện tại để chỉ tước hiệu đó lại có vẻ tréo cẳng ngỗng. Người thưởng công thì có chức thánh cao hơn người được thưởng. Tuy nhiên sau khi lãnh thưởng thì người được thưởng lại vượt người ban thưởng về tước hiệu. Nói cách khác, chức đang có của quí vị linh mục đó là chức cũ thì nhỏ hơn một chức khác, nhưng tước hiệu lại lớn hơn tước hiệu của một chức cao hơn. Lãnh tước hiệu này thì cũng được bận áo giống như áo của một chức cao hơn, chỉ khác là không có mũ chỏm và mũ hàm ếch. Người ta thấy làm cha rồi mới làm ông, mà đây lại làm ông mà không có, hoặc sẽ có thể lãnh tước hiệu nhỏ hơn của một chức cao hơn. Giả sử trường hợp vị mang tước hiệu này được thăng chức, thì chức tước được thăng, nhưng tước hiệu lại bị hạ bệ. Tếu thiệc/thật! Có trường hợp kia một linh mục nhận thư từ Toà Thánh Vatican báo tin Đức thánh ‘Pha-pha’ ban tặng tước hiệu danh dự cho, mà thực sự Ngài đã băng hà cả tháng trời tại Rôma. Kể ra thì cũng hơi tếu. Nói như vậy không có nghĩa là vị nào có tước hiệu này, đều đã có dụng ý làm việc để được lãnh tước hiệu đâu. Có những linh mục Mĩ có tước hiệu này nhưng vẫn tự xưng với giáo dân hay những linh mục khác là cha nọ cha kia.  Ý thức được đang sống trong xã hội dân chủ, cũng có những linh mục Việt được tước hiệu này cũng xưng mình là cha này cha nọ với những linh mục khác thay vì xưng mình là, mà viết tắt là Đ.Ô. Phải viết tắt như vậy người ta mới đọc đúng kiểu được. Còn nếu viết tắt là ‘ĐÔ hay Đô’ mà không có dấu chấm, người ta sẽ đọc là đô, như là tiền đô. Linh mục mà viết tắt là LM hay Lm hay giám mục viết tắt là GM hay Gm không có dấu chấm ở giữa thì người ta lại đọc được và hiểu được. Có lẽ viết tắt là Lm hay Gm, nghĩa là dùng ‘m’ thường thì trông dễ coi và thoáng hơn. Tại một số quốc gia trước đây, nhiều giám mục không tiến cứ linh mục nào lãnh tước hiệu Đ.Ô. Có những giám mục vì những lí do khác nhau, không đề cử linh mục nào trong giáo phận làm Đ.Ô. Còn có những giám mục khác đợi cho tới khi linh mục nào đó trong buổi lễ tiệc về hưu mới xin Toà Thánh ban tặng cho tước hiệu này. Trường hợp mà Hội Đồng Giám Mục VN đặt lại tên cho tước hiệu danh dự đó, thì mời độc giả đề nghị tên gọi mới cho tước hiệu này vào mục ‘comment’ bình luận cuối bài này cho các ngài cứu xét xem sao?.

Khi một linh mục được lệnh thuyên chuyển

Khi một linh mục được lệnh thuyên chuyển đi giáo xứ khác, có thể nói ra những điều muốn nói với giáo dân giáo xứ cũ. Nếu trong thời gian ở giáo xứ cũ xẩy ra những chuyện ‘cơm không lành, canh không ngọt’ giữa linh mục và giáo dân thì trước khi đi, linh mục ra đi có thể nói ra những điều mà trước kia ngại nói hay khó nói với giáo dân. Ở Mĩ một số linh mục dùng kiểu nói ‘thả bom hơi’ khi từ biệt giáo xứ không có liên hệ tốt đẹp. Có linh mục trước khi đi khỏi giáo xứ, quyết  định thả một quả bom hơi, không phải đi thuê máy bay để thả, cũng không phải thả từ ruột già, nhưng từ miệng lưỡi và bài viết lách trong khi từ biệt. Nếu là linh mục dòng mà thả bom hơi, thì khi giáo dân có xì xèo, bàn tán về lời từ biệt, thì cha dòng đã cao bay xa chạy rồi: đổi đi tỉnh khác, giáo phận khác hay tiểu bang khác, hoặc quốc gia khác, không phải ngửi mùi bom đã thả nữa. Còn đối với linh mục triều trong giáo phận thì phải dè dặt trong việc thả bom hơi, vì sau khi đổi xứ cũng chỉ ở trong phạm vi giáo phận thôi. Nếu thả bom hơi, nghĩa là phê bình giáo dân điều gì khiến họ nổi da gà và phản bác lại thì sau đó linh mục triều tha hồ mà ngửi, có thể làm ngạt mũi.

Sau Công Đồng Vaticanô II với việc khủng hoảng ơn gọi làm linh mục, có những dòng tu bên Âu Mĩ, không còn đủ linh mục nên đã xin rút khỏi việc điều hành và mục vụ tại xứ đạo trong những giáo phận. Điều đó khiến cho việc gửi những linh mục triều đến tiếp thu giáo xứ, gặp khó khăn trong giai đoạn đầu. Vì có nhiều nhân sự nên những cha sở dòng có thể lập ra nhiều chương trình hoạt động, nhiều hội đoàn, nhiều ban ngành với nhiều tài khoản khác nhau mà cha sở dòng có thể không kiểm soát được hay không muốn kiểm soát.

Sau khi được gửi đến tiếp thu một giáo xứ, có những linh mục chính xứ triều phải dùng một thời gian cả mấy năm trời để thu dọn và tổ chức lại từ A đến Y. Những linh mục triều đã làm chánh xứ ở những giáo xứ khác thì có kinh nghiệm, nên thường dành một thời gian chuyển tiếp để quan sát và lắng nghe trước khi quyết định thay đổi. Còn những linh mục chánh xứ triều chưa từng trải thì có thể hăng hái muốn sửa đổi ngay. Có những điểm không thiết yếu trong lễ nghi phụng vụ  trong giáo xứ vừa được tiếp thu chỉ là kiểu nội bộ nhà dòng. Điều thắc mắc ở đây là những kiểu cách nội bộ của nhà dòng như cung cách cầu nguyện hoặc cử hành thánh lễ thì có nên áp dụng trong giáo xứ không? Cụ thể là có nên áp dụng cho những chương trình mục vụ và phụng vụ trong nhà thờ không? Nếu những kiểu nhà dòng áp dụng trong nhà thờ giáo xứ mà được cắt nghĩa cho giáo dân hiểu tại sao làm như vậy thì khi linh mục sở triều về tiếp thu, mà có thay đổi thì giáo dân cũng hiểu.

Những cách điều hành giáo xứ hoặc những cách cử hành lễ nghi phụng vụ của linh mục triều hay dòng có thể làm cớ vấp phạm cho giáo dân, hoặc gây hiểu lầm, hoang mang và chia rẽ trong cộng đoàn giáo dân, làm suy yếu giáo hội địa phương. Nếu nhận thức được những hậu quả có thể xẩy ra như vậy thì trong ý hướng, linh mục xứ đạo cần nhắm đến lợi ích toàn diện và lợi ích lâu dài cho giáo xứ. Nhắm đến lợi ích toàn diện và lâu dài sẽ giúp linh mục triều hay dòng kiềm chế những việc làm hay chương trình hoạt động nào đó trong giáo xứ mặc dầu thấy có lợi bề ngoài và vắn hạn trước mắt hay hợp với yêu sách hoặc sở thích của nhóm người nào đó trong giáo xứ, mà có thể gây thiệt hại cho sự đoàn kết trong giáo xứ hoặc không đem lại kết quả lâu bền cho toàn thể giáo xứ. Linh mục cũng cần nhắm đến lợi ích chung cho các giáo xứ trong giáo phận chứ không phải chỉ nhắm vun xới, thu hoạch và tích luỹ cho giáo xứ mà mình phục vụ, hoặc tổ chức mà mình thuộc về mà thôi.

Khi một linh mục đổi xứ có thể mang theo danh sách địa chỉ của giáo dân giáo xứ cũ. Không ai đặt vấn đề nếu linh mục chánh xứ đã đổi xứ liên lạc qua thứ từ điện thoại với một số giáo dân thân quen của giáo xứ cũ để thăm hỏi, chúc mừng vào những dịp đặc biệt. Tuy nhiên nếu linh mục chính xứ khi đã đổi xứ mà thường gửi thư về cho giáo dân giáo xứ cũ, mời đến dự những dịp tổ chức đặc biệt của giáo xứ mới, hoặc quyên góp cho giáo xứ mới, mà không phải giáo xứ nghèo, với bao thư đính kèm có địa chỉ của giáo xứ mới, là việc tạo ra vấn đề. Việc làm này khiến giáo dân giáo xứ cũ thắc mắc và cha xứ mới của giáo xứ cũ cũng không hài lòng. Theo nguyên tắc ‘ăn cây nào rào cây ấy’, thì cha sớ của giáo xứ mới được ăn quả của giáo xứ mới, mà lại gửi thư về giáo xứ cũ muốn ăn quả của giáo xứ cũ nữa, thì cha sở mới của giáo xứ cũ cảm thấy có bổn phận muốn rào cây của giáo xứ. Cha sở cũ nào làm như vậy có tham lam và còn lỗi đức công bằng không?

Theo tinh thần tương ái và tương trợ Kitô giáo, thì đã có những giáo xứ ở ngoại quốc hay giáo phận ngoại quốc giầu hơn về nhân lực và vật lực ‘kết nghĩa’ với một giáo xứ hay giáo phận nghèo hơn ở trong nước hoặc ngoại quốc, nghĩa là bảo trợ cho giáo xứ hay giáo phận nghèo hơn. Làm như vậy thì cũng không mất mát hay thiệt hại gì cho giáo xứ nhà. Giáo dân sẽ hưởng ứng chương trình ‘kết nghĩa’ của linh mục hay giám mục sở tại mà giúp giáo xứ nghèo hay giáo phận nghèo, nhưng cũng không để cho giáo xứ hay giáo phận nhà bị thiệt thòi mất mát đâu.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch