BurbidgeNgày 04 Tháng 10, 2016, Đức Cha Michael Burbidge được Toà Thánh Vatican đặt làm Giám mục thứ 4 của Giáo phận Arlington, Virginia và lễ nhậm chức được ấn định vào ngày 06  tháng 12, 2016.

Trước khi tường thuật về lễ nhậm chức vị Giám mục Thứ 4 của Giáo phận Arlington, tác giả muốn bàn đến bối cảnh đại cương về địa chính trị Quận Arlington và Bang Virginia, có ảnh hưởng phần nào đến Giáo Phận Arlington. Tiếp theo là việc thiết lập Giáo xứ Các Thánh TĐVN, ba vị giám mục tiền nhiệm của Giáo Phận Arlington  để độc giả có được cái nhìn bao quát.

Bối cảnh đại cương về địa chính trị của Quận Arlington

Arlington trước đây là một phần đất của Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C.). Trước đó, Thủ Đô tạm thời của Mĩ được đặt Arlingtontại Philadelphia, Pennsylvania, là nơi bản Tuyên Ngôn Nhân quyền được kí kết và Chuông Tự Do vẫn còn được treo tại đó. Tại đó vào năm 1783 đã xẩy ra vụ phản đối Chính Phủ Liên Bang khi nhóm binh lính ở Pennsylvania li khai (Pennsylvania Mutiny). Năm 1800, Thủ Đô Mĩ được chuyển về Washington, DC là một phần đất của bang Maryland. Năm sau 1801, bang Virginia  nhượng quận Arlington cho Chính Phủ Liên Bang để làm thành một phần Thủ Đô Hoa Kì. Nghe kể lại sở dĩ Quốc Hội chọn phần đất của 2 Tiểu bang làm Thủ Đô và đặt tên Tổng Thống đầu tiên cho Thủ Đô là vì Miền đất này thưòng không có thiên tai như bão tố, lụt lội lớn, không xẩy ra gió lốc càn quét, không cháy rừng, không động đất. Lí do nữa là nếu quân lính của Bang Maryland muốn khởi nghĩa, thì còn hi vọng có quân lính của Bang Virginia đến kịp thời để giải vây.

Ngày nay khi xem bản đồ, người ta thấy nhiều Cơ quan của Chính Phủ Liên Bang như Ngũ Giác Đài, cơ quan quân sự đầu não của Chính phủ Hoa kì nằm trong quận Arlington. Nghĩa trang Quốc gia cũng nằm trong đất Arlington. Sân bay Ronald Regan Washington National cũng thuộc đất Arlington và còn nữa. Xem hình trong bản đồ người ta vẫn có cảm tưởng Arlington là một phần của Thủ Đô với hình vuông, mà 2 góc chỉ thẳng về hướnh bắc nam và hai góc kia chỉ thẳng vể hướng đông tây. Gần nửa thế kỉ sau vào năm 1846, Quốc Hội Hoa Kì trả lại Arlington cho Bang Virginia làm chủ quyền. Theo một nghiên cứu cuả Bankrate.com vào năm 2016, Arlington là Quận nhỏ nhất trong các quận của Mĩ, nhưng lợi tức trung bình mỗi gia đình lại cao nhất vào năm 2016 với những cao ốc, trung tâm buôn bán sang trọng gần nhau, có xe lửa hầm như một thành phố, mà không phải thành phố. Arlington cũng là nơi tập trung nhiều độc thân nhất trong miền.

Bối cảnh đại cương về địa chính trị của Bang Virginia

Map_of_VirginiaVirginia đặt Thủ Đô tại Richmond, theo khuynh hướng chính trị thiên về bảo thủ. Thủ Đô đầu tiên của Virginia là Williamsburg. Richmond một thời cũng là Thủ Đô của Miền Nam gồm 13 Bang, muốn duy trì chế độ nô lệ để có người da mầu giúp việc gia đình và nông trại, chống lại Miền Bắc được kĩ nghệ hoá, nên không cần người giúp việc. Chiến tranh nội chiến xẩy ra năm 1861 và kết thúc năm 1865 một cách không chính thức. Năm 1865 các lực lượng của quân đội Confederate Miền Nam lần lượt ra đầu hàng hay tự giải tán vì thiếu ngân khoản để tiếp tục chiến đấu. Nghe nói có chuyện này mà tác giả nêu lên một cách dè dặt vì chưa được kiểm chứng là khi chính phủ Liên bang cấp ngân khoản cho Virginia để giúp người nghèo, Virginia không chịu tiêu khoản tiền đó cho họ, nhưng kí thác vào nhà băng để lấy lời. Khi bị Liên Bang phạt tiền, thì tiền lời mà Virginia có được do để nhà băng vẫn còn cao hơn tiền bị phạt.

Gần đây nhiều hãng xưởng và công ti, công cũng như tư ở nơi khác, đã xây dựng và thiết lập cơ sở ở Miền bắc Virginia để cho tiện việc đấu thầu và làm ăn với chính phủ Liên Bang nên thu hút nhân viên trẻ có bằng đại học chuyên ngành từ những bang khác về. Do đó dân số Miền Bắc Virginia tăng lên đáng kể. Có thời kì mà người ta thường nghe dân Miền Nam Virginia hay than thở là chính phủ Virginia tiêu nhiều tiền thuế của họ cho những dịch vụ  xã hội và hành chánh ở Miền Bắc Virginia. Cùng với dân số tăng ở Miền Bắc Virginia thì khuynh hướng chính trị của khối dân Miền Bắc Virginia, đặc biệt là Quận Arlington, Quận Fairfax, phần đông nam của quận Loudon, phần đông bắc của quận Prince William cũng chuyển hướng, nghĩa là thiên về tự do cấp tiến hơn. Cử tri của Bang Virginia trước đây thường bầu phiếu cho Đảng Cộng Hoà. Tuy nhiên trong những cuộc bầu cử tổng thống Mĩ gần đây vào những năm 2008, 2012 và 2016, Virginia bầu cho Đảng Dân Chủ. Riêng năm 2016 chỉ có Virginia trong các bang Miền Nam đi theo Đảng Dân Chủ. Lí do là ứng cử viên Phó Tổng Thống Dân Chủ là cựu Thống Đốc Virginia, đích thân vận động tích cực cho ứng viên chánh phó Tống Thống Đảng Dân Chủ.

Giáo Phận Arlington trong bối cảnh địa chính trị của bang Virginia & Quận Arlington

Diocese_of_Arlington_map_1Giáo phận Arlington được thiết lập ngày 28-05-1974 do Đức Thánh Cha Phaolô VI, tách ra khỏi Giáo Phận Richmond, Virginia.  Thường tên của mỗi giáo phận được đặt theo tên của một thành phố. Tuy nhiên Giáo phận Arlington không phải là tên của thành phố, mà là tên của quận Arlington. Vì thế khi linh mục John Keating được thông báo là Toà Thánh Vatican muốn đặt Ngài làm Giám mục  Arlington, và hỏi ý xem Ngài có muốn chấp nhận không? Dĩ nhiên là Ngài chấp nhận, nhưng tưởng là Giáo Phận Arlington, Texas. Arlington nằm sát Thủ Đô Washington, chỉ cách con sông thơ mộng là Potomac. Hỏi một linh mục cao niên trong Giáo Phận về lí do dùng tên quận mà đặt tên cho Giáo phận, thì được trả lời khi linh mục chánh xứ Thánh Thomas More ở Arlington xây nhà thờ, ngài muốn nhà thờ này trở thành nhà thờ chính toà cho một giáo phận tương lai. Nhà thờ Chính toà St Thomas More của Giáo Phận Arlington nằm bên Đường 50, con đường ruột chạy từ bờ biển Atlantic phiá đông tới bờ biển phía tây là Thái Bình dương. Đi trên đường 50 người ta có thể thấy rõ tháp nhà thờ St Thomas More.

Diện tích của Giáo Phận Arlington gồm 21 quận. Biên giới của Giáo phận Arlington giống như cái chảo với tay cầm. Một bên của tay cầm giáp giới sông Potomac; bên kia Sông Potomac là đất của Tổng Giáo Phận Washington. Một bên của tay cầm là Sông Rappahannock; bên kia sông Rappahannock là đất của Giáo Phận Richmond. Lòng chảo không phải là hình tròn, nhưng là hình vuông với những cạnh lồi lõm. Nếu có ai hỏi tại sao không cắt phần đất giống tay cầm cho Giáo phận Richmond để đổi lấy phần đất khác của Giáo phận Richmond để tạo điều kiện tiện lợi cho việc đi lại và hoạt động. Có mấy ý kiến khác nhau cho việc chuyển đất hình tay cầm cho giáo phận mới mà người viết cảm thấy không tiện nói ở diễn đàn này.

Chỉ phân tích cư dân Công Giáo  trong Giáo Phận Arlington thì thấy rõ sự tăng trưởng dân số nói chung ở Miền Bắc Virginia. Dân số Công giáo của cả Tiểu Bang Virginia cách đây 50 năm về trước chỉ vào khoảng 5%. Theo Wikipedia, dân số Công giáo của cả Bang Virginia năm 2008 là 11%. Dân số Công giáo của Giáo Phận Arlington ở Miền Bắc Virginia vào năm 2013 là hơn nửa triệu (453.916) người, chiếm 15% dân số trong Giáo Phận. Cũng vào năm 2013 toàn dân số trong Giáo Phận Arlington là 2, 968,916 người gồm Công Giáo và ngoài Công Giáo. Do đó Giáo phận Arlington trong vòng 40 năm qua đã phải thiết lập và xây thêm hơn 10 giáo xứ mới nữa. Trong số 69 giáo xứ của Giáo phận vào năm 2016, có 14 giáo xứ với giáo dân của mỗi giáo xứ từ 10097 tới 17021 (mười bảy ngàn) nhân danh. Tiền quyên lần hai của các giáo xứ trong Giáo phận cộng lại vào mỗi Chúa Nhật thường đứng đầu sổ, nghĩa là thu được nhiều nhất trong bất cứ tổng giáo phận hoặc giáo phận nào tại Mĩ.

Cùng với khối dân miền Bắc Virginia có 2 khuynh hướng chính trị, thì dân Công giáo tại một số giáo xứ trong Giáo Phận Arlington cũng có 2 khuynh hướng chính trị, luân lí đạo đức: bảo thủ và cấp tiến và ngay cả cách thế  điều hành giáo xứ. Số đông quân nhân, sĩ quan và nhân viên dân sự Công giáo làm việc ở Ngũ Giác Đài Pentagon trong quận Arlington, hoặc dự những khoá huấn luyện luân phiên ở Trại quân sự Fort Myer cũng trong quận Arlington, hoặc  ở trại lục quân lớn Fort Belvir trong quận Fairfax, hoặc ở Căn cứ Thuỷ Quân Lục Chiến Quantico trong quận Prince William, đều thuộc một số giáo xứ trong giáo phận Arlington. Họ đã quen với quan niệm Luât Lệ và Trật Tự với kỉ luật nhà binh, nay có thể muốn đem áp dụng vào tổ chức và sinh hoạt giáo xứ. Quan niệm và lập trường này khác với tư tưởng tự do, cấp tiến và chủ nghĩa cá nhân của những nhóm giáo dân Công giáo có bằng cấp đại học chuyên ngành từ những bang khác về và giáo dân làm nghề chân tay mong có bình đẳng và nhân quyền từ những quốc gia khác di dân đến làm việc ở miền Bắc Virginia, rồi gia nhập những giáo xứ trong Giáo phận Arlington. Điều này khiến cho giám mục cũng như linh mục chánh xứ tại một số giáo xứ cảm thấy khó làm vừa lòng mọi nhóm..

Vài nét về việc thiết lập Giáo xứ Các Thánh Tứ Đạo VN, Arlington, Virginia

nhathoVNNăm 1974 khi Đức Cha Thomas Welsh về Giáo phận Arlington được gần một năm thì vào mùa hè  năm 1975, có những người Việt tị nạn đến Giáo Phận Arlington. Trước khi người Việt tị nạn tới, đã có một số người Việt làm việc ở Toà Đại sứ VN Cộng Hoà, một số người Việt làm việc ở Đài VOA Tiếng Việt, một số sinh viên đại học và sĩ quan VN Cộng Hoà tu nghiệp ở Virginia gần Thủ đô Mĩ. Từ mùa hè 1975, họ nhập với người tị nạn trong những sinh hoạt tôn giáo, văn hoá và cộng đồng. Lúc đầu họ đi lễ Việt Nam ở một số nhà thờ được chỉ định. Tuy nhiên vì chưa có xe nên người bảo lãnh phải chở họ đi lễ hàng tuần. Những người có xe thì bị lạc đường vì đường xá ở miền Bắc Virginia rất ngoắt nghoéo và hay bị cắt quãng. Vì thế có câu nói: Con bò đi ăn cỏ theo lối nào, thì người ta làm đường theo lối đó.

Cuối cùng họ tìm được một nhà thờ Tin Lành đề bảng bán. Họ muốn mua. Nếu xét theo lẽ thường thì không giám mục nào muốn họ mua cả vì không có gì bảo đảm là họ sẽ trả được hết nợ nếu dựa vào tiền quyên của họ mỗi Chúa Nhật chỉ được vỏn vẹn mấy trăm. Tuy nhiên Đức Cha Welsh đồng ý cho họ mua và đồng thời kí giấy cho thiết lập Giáo xứ Việt Nam vào năm 1979 và đặt Lm Trần Duy Nhất làm Chánh xứ tiên khởi trong Giáo phận. Đây là Giáo xứ VN đầu tiên được thiết lập tại Mĩ. Lúc đầu Giáo xứ phải trả tiền lời 17 % cho nhà băng thời bấy giờ. Sau đó có một giáo xứ Mĩ bên cạnh cho Nhà thờ VN mượn tiền để trả nợ chỉ tính lời 6 % thôi. Sau này Giáo phận đòi các giáo xứ trong Giáo Phận phải gửi tiền chưa cần tiêu đến về Giáo Phận để Giáo Phận đầu tư giùm và trả tiền lời cho giáo xứ là 5%. Còn khi giáo xứ mượn tiền của Giáo Phận thì trả lời 6 % cho Giáo phận. Nếu Giáo phận đầu tư mà lời 10% thì Giáo Phận được lời 4%. Như vậy kể là Giáo phận cũng khôn. Phải nói rằng thời gian đầu của những năm di cư, hàng Giám mục Mĩ không muốn thiết lập Giáo xứ thế nhân cho người Việt Nam vì muốn cho tiến trình hội nhập văn hoá cuả người Việt vào xã hội Mĩ được dễ dàng và mau lẹ hơn. Có những người cho rằng Đức Cha Welsh cho thiết lập Giáo Xứ VN là theo cảm tình Ngài có được trước đó với người VN, chứ không theo lí luận. Sau đó đức Cha Loverde cho thiết lập thêm Cộng đoàn LaVang trong Giáo Phận. .

Ở Mĩ trước đây người ta đưa ra thuyết “Lò Đúc” (Melting Pot) để miêu tả dân tộc Hoa Kì. Họ cho rằng người Mĩ thuộc nhiều chủng tộc khác nhau đến hợp lại thành một khối dân đồng nhất, giống như các thứ quặng bỏ vào nấu trong lò đúc để hoà lẫn với nhau. Thuyết đó ngày nay đã lỗi thời vì sau cả mấy trăm năm, người ta thấy nước da của người da mầu vẫn như cũ, mũi tẹt của một số người Á Đông vẫn không nhô lên được, trừ khi trải qua nhiều cuộc hôn nhân nối tiếp khác chủng tộc, thì có đổi đôi chút. Ngoài ra người Mĩ gốc Phi Châu và Á Châu, dù sinh trưởng ở Mĩ vẫn còn hướng về căn nguyên cội nguồn của họ ở Phi Châu và Á Châu. Vì thế ngày nay người ta cổ võ thuyết “Đa Chủng – Đa Diện” (Structuralism-Pluralism) để mô tả người Hoa Kì. Người ta còn cổ võ hiện tượng “Trăm Hoa Đua Nở”, nghĩa là khuyến khích mỗi sắc tộc duy trì những sắc thái độc đáo của nền văn hoá tổ tiên, để góp phần làm giầu cho văn hoá Hiệp Chủng Quốc. Để duy trì văn hoá tổ tiên, người ta còn khuyến khích việc học tiếng cha mẹ, ông bà, tổ tiên, vì còn biết tiếng nói mới còn văn hoá.

Có lẽ lúc đầu các giám mục Mĩ học được bài học của những giáo xứ người di dân sang Mĩ từ Ba Lan, Ý Đại lợi trước đây.  Đến đời cháu chắt, họ không còn biết tiếng Ba Lan và Ý Đại Lợi, cũng không còn gắn bó với Giáo xứ của ông bà, cha mẹ họ nữa, nên họ đi lễ Mĩ. Do đó nhiều nhà thờ giáo xứ cho người Ba Lan và Ý Đại lợi đã phải đóng cửa vì không đủ tiền đóng góp để bảo trì.

Tuy vậy đối với người Việt Nam thì sau khi giáo xứ VN được thiết lập tại Arlington, VA thì thấy có khá nhiều giáo xứ VN ở những giáo phận Mĩ khác cũng được thiết lập cho người VN. Phải chăng qúi vị giám mục nghĩ rằng thiết lập giáo xứ cho người VN thì cũng “không mất gì của nhà”, mà sau này có đóng cửa nhà thờ, thì tài sản giáo xứ cũng thuộc về giáo phận. Giáo phận có thể dùng cơ sở của giáo xứ VN để làm những việc khác hoặc bán đi, chuyển tiền vào quĩ giáo phận.

Vài nét về việc thiết lập giáo xứ và xây dựng cơ sở nhà thờ VN tại Mĩ nói chung

Muốn có giáo xứ và nhà thờ riêng thì cần cân nhắc những lí do / yếu tố hai chiều với nhiều khía cạnh trước khi làm quyết định. Việc có giáo xứ và nhà thờ riêng thì được tự do sử dụng cơ sở theo giờ giấc và cách thế của mình. Tuy nhiên Giáo xứ phải chi nhiều thứ tiền như trả tiền đất, tiền xây nhà thờ và cơ sở và bảo trì, tiền trả lương cho nhân viên gồm linh mục và người làm, tiền bảo hiểm cơ sở và nhân viên. Về việc xin bổ nhiệm nhân sự gồm giáo sĩ thì phải phân tán để phục vụ giáo xứ và nhà thờ riêng. Nếu trong giáo phận hoặc trong nhà dòng không có đủ linh mục VN để phục vụ giáo xứ cho người Việt, thì phải đi tuyển mộ linh mục VN từ xa dến.

Những ai đã làm chủ nhà của mình, không phải nhà thuê đều biết, hàng tháng phải trả nhiều thứ tiền chi phí cho căn nhà. Vì thế muốn có giáo xứ và nhà thờ riêng mà xây cất cơ sở lớn, trong khi số giáo dân ít, đóng góp không đủ, thì giáo xứ phải tìm cách bù vào tiền quyên Chúa nhật. Nếu giáo xứ vẫn không đủ phương tiện về tài chính để trả lương và cung cấp những dịch vụ khác nhau thì có những giáo xứ đã phải đi quyên từ những nơi khác trong khi nơi khác cũng có thể có nhu cầu. Nếu vẫn không đủ, giáo xứ có thể phải gây quĩ như bán đồ ăn thức uống và những vật dụng khác sau lễ Chúa Nhật. Có những giáo xứ bán đồ thường xuyên sau mỗi lễ Chúa Nhật, gần như là cái chợ. Có những giáo xứ mà linh mục quản xứ tự gán cho nhà thờ giáo xứ một danh hiệu như “đền thánh” nọ kia để mỗi năm tổ chức đại hội hành hương, mở chương trình văn nghệ và bán vé số gây quĩ với hi vọng thu lợi tức về cho giáo xứ để trang trải các thứ chi phí.

Một yếu tố nữa cũng cần xét đến là thời điểm đã ở Mĩ bao lâu rồi, giáo dân có còn cần hay còn muốn có nhà thờ và giáo xứ riêng không? Nếu còn cần hay còn muốn, thì đa số giáo dân có sẵn sàng và quyết tâm quyết chí đầu tư nữa để đóng góp về nhân lực và tiền bạc hầu có thể mua đất, xây nhà thờ, nhà xứ, hội trường và bảo trì không? Nếu đời  cha mẹ chưa trả nợ xong, thì đời con cháu còn muốn đóng góp để duy trì và trả nợ nhà thờ và cơ sở riêng không?

Có những người thắc mắc hỏi sao ở quận Cam, được gọi một cách nôm na là“Thủ đô” tị nạn Việt Nam trên thế giới vì có số đông người Việt, mà không có giáo xứ VN nào cả. Nếu đặt mình vào vị thế giám mục mĩ bên đó, người ta mới hiểu sự việc. Giáo phận Orange (Quận Cam theo cách gọi của Người Việt) nằm trọn trong Orange County là Quận Cam. Trong Giáo phận này cách đây hơn 20 năm đã có chừng 15 cộng đoàn Công giáo VN có lễ VN và sinh hoạt hằng tuần trong các giáo xứ Mĩ. Mà nếu thiết lập giáo xứ cho người Việt thì phải thiết lập bao nhiêu giáo xứ cho người Việt mới đủ. Đất của giáo phận Orange chỉ nằm vỏn vẹn trong đất của Quận Orange. Giả sử thiết lập 15 giáo xứ cho người Việt, thì tìm đâu ra đất để xây nhà thờ Việt Nam. Mặc dù không có giáo xứ riêng, nhưng giáo dân VN có ghi tên nhập giáo xứ và đóng góp tài chính cho giáo xứ Mĩ nên giáo dân VN có quyền sử dụng cơ sở chứ không phải là mượn hay thuê gì cả. Bây giờ nghe nói có một số linh mục VN bên đó làm chính xứ cho cả Mĩ và Việt, nên thiết nghĩ những cha sở VN đâu có để cho giáo dân cùng dòng máu bị thiệt thòi trong việc sử dụng cơ sở đâu.

Vài nét cá nhân về ba vị Giám mục tiền nhiệm của Giáo phận Arlington

Trong phần này, tác giả không đả động gì đến chính sách, đường lối điều hành của mỗi vị giám mục, và cách làm việc của mỗi vị, hoặc những thành quả của mỗi vị đạt được trong Giáo Phận. Phần đó tác giả dành cho những nhà viết sử về Giáo phận sau này. Trong phần này tác giả chi ghi lại những mẩu chuyện mà tác giả thấy, hoặc nghe biết được về các Ngài, có thể là những chuyện bên lề, đôi khi có vẻ tiếu lâm. Hi vọng quí Ngài không giận, mà còn có thể thích mà cười nữa.

Bp_Welsh-11./ Giám mục Thomas Jerome Welsh: Giám mục đầu tiên của Giáo Phận từ 13/08/1974 đến 08/02/1983. Trước khi về Arlington, Ngài là Giám mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Philadelphia, PA. Trước khi được đặt làm Giám mục, Ngài la giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Charles Borromeo, một đại chủng viện vừa lớn về con số Đại chủng sinh, vừa lớn về đất đai và các toà nhà xây cất. Trước năm 1975, nghĩa là trước cuộc di cư của người Việt tị nạn, đã có một nhóm bà Sơ Việt Nam ở ngay trong nhà dòng thuộc khuôn viên  Đại Chủng Viện làm việc chính là dọn phòng cho Ban giám đốc Chủng viện; cũng có mấy bà làm phụ trong nhà bếp và phòng giặt ủi. Không biết mấy bà Sơ còn làm gì nữa không, nhưng chắc là không thể nấu ăn cho một đại chủng viện lớn như vậy. Khi đón tiếp người tị nạn VN đến Giáo Phận Arlington, người ta thấy Ngài có hình chụp với một bé gái người ta đặt ngồi trên lòng. Ngài cho phóng lớn ra hình này và treo trong toà Giám Mục có lẽ để “khoe” chăng? Thỉnh thoảng người ta cũng thấy Báo Địa Phận cho đăng lại hình này. Người ta nghĩ rằng khi Đức Cha Welsh làm quyết định thiết lập Giáo xứ Các Thánh TĐVN trong Giáo Phận, có thể đã nhớ lại hình ảnh đã dâng lễ tại nhà nguyện của các Sơ VN trong Đại Chủng Viện tại Philadelphia và việc các Sơ đã giúp việc cho ban linh mục giáo sư của Đại Chủng Viện chăng, hoặc có lẽ cũng đã nhớ lại  hình ảnh Ngài đã chụp với em bé ngồi trên lòng chăng? - RIP.

Bishop_Keating2. / Giám mục John Richard Keating:  Giám mục Thứ 2 của Giáo Phận Arlington, tấn phong và nhậm chức từ 04/08 đến 22/03/1998 khi qua đời tại Roma. Trước khi được cử làm giám mục, Ngài chỉ là linh mục, mà đã nắm giữ 3 chức vụ quan trọng là Chưởng Ấn, Tổng Đại diện và Giám đốc nhân viên (linh mục) trong Tổng giáo phận Chicagô, một giáo phận rất lớn và phức tạp thời bấy giờ. Ngài tự đi chợ Safeway, góc đường Wilson và George Mason và mua thức ăn về tự nấu. Ngài khiến nhân viên tính tiền ngạc nhiên và thầm thán phục khi trao những coupons, những miếng giấy tính tiền hạ giá. Ngài nấu một bữa để ăn cho cả bữa hôm sau.  Có lần Ngài đến làm phép Thêm Sức tại một giáo xứ Mĩ do một linh mục Việt Nam làm chính xứ vào năm 1986. Trước khi ngồi vào bàn ăn, linh mục Việt Nam hỏi Ngài muốn dùng nước uống gì không? Ngài nói cho Ngài thứ gì uống cho ấm bụng. Hôm đó là vào mùa đông. Ông Cha VN liền mang ra một chai Jim Beam và chai Johnnie Walker (Vỏ chai có hình gã chống gậy) cho Ngài tự chọn và chai nước khoáng hiệu Perrier nếu Ngài muốn pha. Ngài bèn nói: “You are of high class” (Cha sài sang nhỉ). Linh mục VN đương sự nghĩ bụng trong những bữa ăn đoàn tụ của những nhóm bạn VN, thấy cánh đàn ông và đám thanh niên mới lớn lên còn dùng Hennessy, Courvoisier, Rémy Martin  pha nước Perrier. Vậy mà Ngài nói “mình” sài sang.

Một lần trong buổi họp linh mục giáo phận, Ngài nói trong năm, Ngài cũng có những cuối tuần rảnh. Vậy linh mục nào muốn Ngài đến dâng lễ Chúa Nhật, (không phải lễ Thêm Sức), Ngài sẽ đến dâng lễ và coi nhà luôn cho.  Khi linh mục Việt Nam đó cần sang Âu Châu, bèn kêu mời Đức Cha đến dâng lễ cuối tuần. Đức Cha nhận lời xuống. Sau đó Ngài viết báo Địa phận, “khoe” là Ngài đã đến làm việc mục vụ bằng cách dâng lễ cuối tuần tại giáo xứ đó thay Cha xứ. Trong báo Ngài còn “khoe” là Giáo xứ đó năm đó đạt chỉ tiêu trước tiên trong cuộc quyên tiền Mùa Chay cho Giám mục để dùng làm những việc của Giáo phận. Phải nói rằng không mấy linh mục chính xứ dám mời giám mục đến dâng lễ cuối tuần ở giáo xứ mà vắng bóng Cha Sở đâu, vì sợ bị “dòm ngó”, hoặc sợ giáo dân tâu điều nọ kia hoặc phàn nàn về Cha sở đấy. Khi Ngài qua đời ở Rôma về bệnh tim mạch, người ta mới biết Ngài mắc bệnh tim mạch từ trước nên mới cần nấu ăn riêng. – RIP.

Bp_Lovverde3./ Giám mục Paul S. Loverde: Giám mục Thứ 3 của Giáo Phận Arlington, tấn phong 25/03/1999 tới 06/12/22016 thì được về hưu trí. Khi về Arlington, Ngài cũng không giấu là trước đó Ngài đã làm nghề chạy thơ cho Bữu Điện. Dịp lễ nhậm chức, báo Địa phận có đăng hình ngài mặc đồng phục bưu điện. Khi học tại đại chủng viện ở Rochester, New York, ngài ở cùng phòng với Đức Cha Mai Thanh Lương. Không biết ban giám đốc đại chủng viện xếp cho qúi Ngài ở chung hay các ngài tự chọn, mà trông hình thời bấy giờ thấy hai ngài rất hợp nhau về dáng vóc và kích thước . Kể là cũng hi hữu khi hai đại chủng sinh ở cùng phòng mà sau này cả nhị vị được đắc cử làm giám mục và về hưu cùng năm. Ông bà cố Đức Cha Loverde là người gốc Ý Đại Lợi. Do đó tên của Ngài là tên Ý. Thường tên Ý thì dễ đọc. Tuy nhiên khi Ngài nhậm chức, thì có những người không biết phát âm tên của Ngài thế nào cho đúng cách. Có những người kêu đến Phòng Chưởng Ấn hỏi thì được chỉ cách đọc là: Lơ-Vơ-đi (nhấn mạnh vào vần thứ hai). Khi đến Giáo xứ VN làm phép Thêm Sức, thấy Ngài thích được chụp hình với những gia đình Việt Nam có con lãnh nhận Phép Bí Tích. Biết Ngài thích được chụp hình nên họ càng thích mời Ngài chụp với gia đình để làm kỉ niệm.

Giám mục # 4 đến thăm Giáo Phận Arlington trước khi về nhậm chức

Birbidge_at_Press_ConfBuổi họp báp tại nhà thờ chính toà Arlington. Photo Courtesy of Arlington Catholic Herald.

Vào bữa ăn sáng ngày 04, 2016 tại nhà hưu đưỡng trong Giáo phận, một linh mục trong Nhà nói với một linh mục VN là chiều nay, Đức Cha mới sẽ đến thăm các Cha trong nhà hưu. Linh mục VN tưởng là linh mục Mĩ nói giởn, nên bỏ ngoài tai vì trước đó không linh mục nào nghe biết gì và đoán được bao giờ sẽ có tân giám mục và Ngài sẽ từ đâu tới. Sau cơm coi bảng thông tin thì thấy là tin thiệc, chứ không phải tin vịt, ghi là Ngài sẽ tới lúc 2:30 chiều. Lúc 2:40 linh mục VN xuống thì thấy Ngài đang trên đường vào cùng với mấy linh mục khác. Chào Ngài, Ngài nói Cha cầu nguyện cho tôi với. Lm Việt Nam chúc mừng Ngài và nói là dĩ nhiên. Ngài vào Nhà nguyện cầu nguyện ít phút rồi hỏi sang thăm phòng của Đức Cha cũ sẽ về hưu ở đó đang được thiết kế. Ngài cũng thăm một phòng hưu của một linh mục hưu trí. Trong hai ngày ở Arlington, Ngài còn đi thăm Christ House cho những người cô thế ăn uống và ở tạm. Ngài còn thăm Dòng kín Poor Clare, thăm 1 nhà thờ và dĩ nhiên thăm mấy cơ sở và dâng lễ tại Nhà thờ Chính Toà và toà Giám mục mới của Ngài.

Sau đó thấy có cuộc họp báo giửa hai vị Giám mục cựu và tân và báo chí. Đức Cha Loverde giới thiệu Đức Cha mới. Trong buổi họp báo đồng chủ toạ với Đức Cha cũ, Ngài cám ơn Đức Cha tại chức và nói bài diễn văn đã có sửa soạn trước.

Ngài nói phải chăng có việc quan phòng khi thông báo này đến trong ngày lễ Thánh Phanxicô. Đó là tên mà Đức Giáo Hoàng được linh ứng để chọn cho Triều Đại Giáo Hoàng của Ngài. Ngài cũng nghĩ về một liên kết cá nhân với vị thánh mang tên Phanxicô khi Ngài nói thân phụ của Ngài, bào huynh, cháu và chắt Ngài đề có tên là Phanxicô và cũng là tên Ngài nhận khi lãnh nhận Bí Tích Thêm sức. Ngài còn nói tiếp hôm nay là ngày nhắc nhở cho chúng ta hằng ngày phải noi gương đơn sơ, khiêm tốn, khó nghèo và bác ái của Thánh Phanxicô.

Trong cuộc họp báo, có nhà báo hỏi Đức Cha có thể cho biết có gì đi song hàng giữa Ngài và Đức Cha Welsh, vị Giám mục tiên khởi, khi một thời cũng là Giám Đốc Đại ChủngViện St Charles Borromeo ở Philàdelphia và có sự liên kết nào giữa Đức Cha và Đức Cha Welsh không? Đức Cha Burbidge nói đúng rồi. Đức Cha Welsh và Ngài còn là Giám mục Phụ Tá ở Philadelphia nữa. Ngài biết Đức Cha Welsh. Đức Cha Welsh có lòng đạo đức, trung thành phục vụ Giáo Hội và có lòng mến Đức Mẹ. Ngài cũng muốn sống theo gương mẫu của Đức Cha Welsh.

Theo báo điện tử newsobserver.com “The New & Observer”, Ngài chỉ được Toà Thánh Thông Báo 2 ngày trước là 02 Tháng 10 mà trước đó chính Ngài cũng không nghe biết gì. Theo Báo này, hàng linh mục và nhân viên Toà Giám mục Raleigh chỉ nghe tin Ngài đổi lúc 6 giờ sáng 04 Tháng 10. Còn trên Giáo Phận Arlington, hàng linh mục củng chỉ biết tin này qua email sáng sớm 04 Tháng 10. Như vậy tìn Ngài về Arlington kể lả bí mật tới phút chót.

Như vậy từ 04 Tháng 10, 2016, Đức Cha Loverde không còn là Giám mục (Bishop) Arlington nữa, mà trở thành Giám Quảm của Giáo Phận Arlington. Còn Đức Cha Burbidge cũng không còn là Giám mục Raleih  mà chỉ là Giám Quản cho tới 06/12/2016. Trong ngày này Đức Cha Loverde mới chính thức về hưu và Đức Cha Burbidge mới nhậm chức giám mục Arlington.

Lễ nhậm chức Giám mục Arlington của Đức Cha Michael F Burbidge

Đức Cha Loverde đã dọn đồ đạc cá nhân và ngủ tại Nhà Hưu Giáo phận Arlington được một tuần lễ đề nhường phòng ốc trống tại Toà Giám mục cho Đức Cha Burbidge có đủ thời giờ dọn đồ đạc tới. Hôm nay 06/12/2016 các văn phòng Giáo Phận đóng cửa.  Muốn đi dự lễ nhậm chức cần phải có vé. Linh mục cũng như giáo dân có vé cũng không được đậu xe trong bãi đậu xe của nhà thờ và trường học nhà thờ Chính Toà, nhưng được chỉ định đậu ở những nhà thờ giáo xứ gần kề, rồi có xe bus đưa đón đến Nhà thờ Chính toà, rồi trở về nơi đậu xe để lấy xe.

Đoàn rước vào nhà thờ bắt đầu lúc 1:45 giờ chiều. Trong đoàn rước có thánh giá nến cao với ban giúp lễ, người ta đếm được hàng chục phó tế vĩnh viễn, mấy trăm linh mục, 39 vị giám mục và 3 vị hồng y. Sau cùng là giám mục nhậm chức. Tất cả 43 vị đều đội mũ hàm ếch. Khi vào nhà thờ, phó tế, hàng linh mục và hàng giám mục đều phải ngồi dưới vì cung thánh không thể chứa nổi mấy trăm vị như vậy.

Trên cung thánh, người ta thấy có 2 bộ ba bậc vị vọng: một bộ ba áo mũ đỏ và một bộ ba áo mũ tím. Bộ ba áo mũ đỏ là Hồng y hưu trí Justin F. Regali, nguyên tổng giám mục Philadelphia, Hồny Y hưu trí Theodore E. McCarrick, nguyên Tổng Giám mục Washington, Hồng Y Donald Wurld, Tổng Giám mục Washington. Người ta cho rằng Hồng Y Rigali được mời vi một thời Giám mục Michael Burbidge là phụ tá của ngài ở Philadelphia; còn hai Hồng Y McCarrick và Wurld được mời vì Tổng Giáo phận Washington là hàng xóm láng giềng của Giáo phận Arlington. Toà giám mục Arlington và toà Tổng Giám mục Washington  chỉ cách nhau mấy cây số bằng con sông thơ mộng Potomac. Bộ Ba áo mũ tím là Giám mục Christophe Pierre, người Phú Lãng Sa là Sứ Thần Toà Thánh tại Hoa Kì, Giám mục William Edward Lori, Tổng Giám mục Baltimore và Giám mục Paul Loverde, Giám mục Arlington tiền nhiệm. Giáo phận Arlington thuộc giáo tỉnh Baltimore.

Đầu lễ, sau khi Sứ thần Toà Thánh đọc tông thư bổ nhiệm của Đức Thánh Cha, rồi trao cho Tổng Giám mục Lori. Đức Cha Lori cầm tông thư đi quanh cung thánh quay xuống giơ lên chiềng cho dân chúng coi, rồi trao cho chưởng ấn của giáo phận Arlington cất giữ.

Hình ảnh lễ nhậm chức của Giám mục Burbidge . 27 Photos by MVVB

Nhân vật chính trong thánh lễ nhậm chức là Đức Cha Michael Burbidge, trụ trì ghế chủ sự và chủ tế thánh lễ đồng tế lễ nhậm chức. Giảng thuyết trong thánh lễ cũng là Đức Cha Burbidge. Có điều lưu ý là ba vị Hồng y hôm nay chỉ chủ toạ thánh lễ và rước lễ dưới hai hình thức mà không đồng tế lễ.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 3:30 phút, nghĩa là kéo dài 1 giời rưỡi. Sau lễ hàng giáo sĩ về phòng thay áo lễ. Thấy có bánh sandwich, nước chai và cà phê để đó cho quí ngài tự lấy mà ăn uống. Còn hàng giáo phẩm thì được hướng dẫn xuống hội trường của nhà thờ chính toà. Ở đây chắc phải có nhân viên tiếp bàn khi các ngài ngồi vào bàn ăn.

Hôm nay trời mưa cả ngày khiến việc thu hình bị giới hạn chỉ trong nhà thờ. Vì trời mưa nên người thu hình phải đến dịa điểm đợi để đón xe buýt về bãi đậu xe St Agnes để lấy xe nên không thể vào phòng ăn dành cho hàng giáo phẩm xem có những món gì và bầu khi ra sao. Cũng vì trời mưa nên không thể có những hình chụp bên ngoài nhà thờ những cảnh dân chúng gặp nhau hàn huyên, cười nói thế nào.

Trời mưa nên những cách thế biểu lộ việc mừng lễ bị giới hạn. Tuy nhiên nếu hiểu theo nghĩa khác thì mưa rơi được hiểu như “ơn Chúa xuống như mưa móc”. Người tường thuật lễ nhậm chức tân Giám Mục và thu hình bỏ nhà lúc 10:45 sáng. Khi về đến nhà là đúng 6 giờ chiều.

Gia Đạo / Mục Vụ Văn Bút

 

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch