Theo sau một số bài viết hoặc tin viết đăng lại trong Mục Vụ Văn Bút, thấy có những độc giả bình luận, đề nghị hoặc góp ý khác nhau, với số lượt truy cập tương đối nhiều. Tuy nhiên những bình luận, đề nghị và góp ý này bị mất,

vì lí do kĩ thuật ngoài ý muốn sau khi Mục Vụ Văn Bút được thăng cấp lên Version mới từ một Version khá cũ. Ban Biên Tập và Ban Điều Hành cảm thấy tiếc về những bình luận vắn tắt, súc tích và cô đọng, bằng Việt ngữ cũng như Anh ngữ, đánh giá cao về những bài viết liên hệ, đã bị mất đi. Môt số bài viết/ tin viết mà bình luận bị mất được liệt kê sau đây:

  • Bình luận và góp ý về buổi toạ đàm tại Mĩ của Nhóm Phiên Dịch Thánh Kinh từ VN”. Chuyên mục: Bài Viết của Nhóm Tác Giả Chủ trương. Được đăng 28 Tháng 5 2016.
  • Comments on Charismatic healing prayer service with the ‘falling’ phenomenon”. Chuyên mục: Bài Viết của Nhóm Tác Giả Chủ trương. Được đăng 30 Tháng 10 2015.
  • “Tại sao cần làm di chúc và làm di chúc thế nào”.  Chuyên mục: Bài Viết của Nhóm Tác Giả Chủ trương. Được đăng 04 Tháng 7 2015.
  • “Nghe, thấy và ghi nhận về Đại Hội Cursillo toàn quốc Mĩ tại Philadelphia 2015”. Chuyên mục: Bài Viết của Nhóm Tác Giả Chủ trương. Được đăng 03 Tháng 8 2015.
  • “Nghe và thấy và nhận xét về Đại Hội Ngộ Cursillo Toàn Quốc Mĩ 2013”.  Chuyên mục: Bài Viết của Nhóm Tác Giả Chủ trương. Được đăng 22 Tháng 8 2013.
  • Nhận định về buổi cầu nguyện Thánh Linh xin ơn chữa lành với hiện tượng ‘té ngã’”.  Chuyên mục: Bài Viết của Nhóm Tác Giả Chủ trương. Được đăng 18 Tháng 4 2012.
  • “Một Cách Làm Gia Phả Họ Nội hoặc Họ Ngoại”.   Chuyên mục: Bài Viết của Nhóm Tác Giả Chủ trương. Được đăng 30 Tháng 10 2009.

Trước khi Trang Mục Vụ Văn Bút được thăng cấp, một số bình luận, đề nghị và góp ý về những vấn đề khác nhau trong nhà đạo đã được Ban Biên Tập gom lại và giữ lại, nên không bị mất và nay được đăng lại trong mục này cho độc giả tiếp tục truy cập.

---------------------------

                   1./ Những kiểu xưng hô thưa bẩm khác xưa trong nhà đạo.

Bình luận về: “Những kiểu xưng hô thưa bẩm khác xưa trong nhà đạo”được đăng trong www.mucvuvanbut.net, dưới mục “Tin Giáo Hội Việt Nam”, 2015-09-15. Truy cập vào bình luận này từ 2015-09-15 đến 2017-04-20 là 6220 lượt. Nay bình luận được cho in lại sau đây để độc giả dễ tiếp tục truy cập:

Trước khi đất nước chia đôi vào năm 1954 thì ở ngoài Bắc, giáo sĩ cũng như giáo dân gọi, nói hay viết về Đức Cha nọ kia bằng tên cha mẹ đặt cho như: Giám mục (Gm) Nguyễn Bá Tòng, Đức Cha Tòng, Gm Lê Hữu Từ, Đức Cha Từ, Gm Trịnh Như Khuê, Đức Cha Khuê, Gm Phạm Ngọc Chi, Đức Cha Chi v.v. Sau năm 1954 ở trong Nam, hàng linh mục cũng như giáo dân Công Giáo đặc biệt Bắc Kì đều xưng hô là: Tổng Gm Ngô Đình Thục, Đức Cha Thục, Giám mục Nguyễn Văn Hiền, Đức Cha Hiền, Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, Đức Cha Bình, Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Đức Cha Thuận, v.v. Ở hải ngoại, người ta cũng gọi Tổng Gm Nguyễn Văn Tốt, Đức Cha Tốt, Đức Cha (M.T.) Lương, Đức Cha (N.M.) Hiếu, Đức Cha (N. V.) Long theo tên cha mẹ đặt trong giấy khai sinh.

Ở Sài Gòn thời bấy giờ, đôi khi có những nhóm linh mục gặp nhau bắt chước cách phát âm của người Trung Hoa mới tới Chợ Lớn, nói về Đức Cha Bình một cách thân tình là Tổng Pìn, không phải với ý gì hạ giá, nhưng chỉ để giởn cho vui vậy thôi. Nghe nói người Trung Hoa mới sang không phát âm chữ “h” ở tận cùng. Họ cũng không phát âm được chữ “b” và “đ” nên đọc là tồng pạc thay vì đồng bạc, hoặc phát âm chữ “đ” ra chữ “l” như đầu đề câu chuyện tán gióc: ‘Lái xe kiểu Tầu”, khi một hành khánh người Trung Hoa nài nẵng với tài xế người Việt: ‘Để cho ngộ lái”.

Còn Nữ Tổng Thống Cristina Fernandez de Kirchner của Argentina trước khi sang thăm Trung Quốc diễu trên Mạng Xã hội 04 Tháng 02, 2015 như câu chuyện làm quà nói là người Trung Hoa đọc rice ra lice, petroleum ra petloleum, Campora (tên đảng của bà) ra Campola. Điều này khiến một số người Trung Quốc không hài lòng, số người khác hiểu như vậy chỉ là nói vui đùa. Còn bà Cristina thì bào chữa cho rằng nói vậy chỉ để giỡn cho vui thôi.

Sau năm 1975 nghe những bài thưa bẩm ở cấp giáo phận hoặc giáo xứ là: kính trình, kính thưa Đức Cha Giuse, Đức Cha Phaolô, Đức Cha Phêrô.. hoặc thấy viết trên mạng của nhiều giáo phận tại VN là: Đức Cha Phêrô, Đức Cha Phao-lô, Đức Cha Giuse… Điều đó khiến độc giả théc méc. Nếu không muốn gọi tên thì chỉ cần nói kính trình, kính thưa Đức Cha là người ta hiểu là Đức Cha nào rồi. Còn nếu có hai Đức Cha hiện diện thi có thể phân biệt là: Kính Thưa Đức Cha Chính, kính thưa Đức Cha Phó, hay Đức Cha phụ tá là đủ và người nghe cũng hiểu. Còn trên mạng mà viết như vậy thì độc giả không hiểu là Đức Cha Phê-rô, Phao-lô, Giu-se nào cả.

Tên thánh chỉ được ghi trong sổ rửa tội trước kia, chứ không được ghi trong sổ khai sinh. Cho nên nói kính thưa Đức Cha Phê-rô, Đức Cha Phao-lô, Đức Cha Giu-se.. khiến người ngoài Công Giáo cảm thấy lạ tai. Còn nếu bàn đến việc hội nhập văn hoá, thì thưa bẩm và viết như vậy lại đi ngược lại với tiến trình hội nhập văn hoá bản địa. Người ngoài Công Giáo rất khó nhận ra hoặc nhớ lại Đức Cha Giu-se, Đức Cha Phê-rô, Đức Cha Phao-lô là ai cả.

Gia Huấn

---------------------------------------------

            2./ Cách thế đón tiếp Hồng Y Filoni tại VN và lời khen của Ngài.

Bình luận về: “Cách thế đón tiếp Hồng Y Filoni tại VN và lời khen của Ngài” được đăng trong: www.mucvuvanbut.net , dưới mục “Tin Giáo Hội Việt Nam”, 2015-01-28. Truy cập vào bình luận  này từ 2015-01-28 đến 2017-04-20 là 3111 lượt. Nay bình luận liên hệ được cho in lại sau đây để độc giả dễ  tiếp tục truy cập:

1.- Theo nhận xét của Hồng Y Fernando Filoni, thì việc Giáo Hội địa phương “đón tiếp tôi rất tốt đẹp, nhưng còn vượt quá tất cả những mong đợi của tôi”. Đó là lẽ dĩ nhiên rồi, vì người VN được tiếng là hiếu khách. Người mình cũng có những thời kì có óc bài ngoại, nhưng cũng có những thời kì và những trường hợp mang đầu óc vọng ngoại đấy. Tuy nhiên lòng hiếu khách và óc vọng ngoại cũng tuỳ thuộc vào khách ngoại quốc nào và ở cấp bậc nào nữa, nghĩa là vọng ngoại và hiếu khách cũng tuỳ thuộc vào khách giữ địa vị nào và từ đâu đến.

Việc Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc, đáp lại lời mời của Tổng Giám Mục, Chủ Tịch Hội Đồng GMVN, đến thăm mục vụ tại Việt Nam từ 19- 25 Tháng 01/2015 là đặc biệt. Hồng Y Filoni đến thăm Tổng Giáo Phận Hà Nội, gặp gỡ hầu hết các Giám Mục Việt Nam tại Toà Tổng Giám Mục Hà Nội, thăm xã giao Thủ Tướng Chính Phủ và Bí Thư Đảng Cộng Sản, thăm chớp nhoáng Giáo xứ Hoà Bình thuộc Giáo Phận Hưng Hoá, thăm Tổng Giáo Phận Huế, Giáo Phận Đà Nẵng, Giáo Phận Xuân Lộc và Tổng Giáo Phận Sài Gòn, là cơ hội thuận lợi cho 6 chủ nhà giáo quyền địa phương, và Chủ Nhà chính quyền Nhà Nước tỏ lòng hiếu khách và quảng bá cho thấy sự việc là ‘tốt đẹp’ như vậy đấy, hầu gửi đi cho thế giới một tín hiệu nào đó. Đoán là độc giả hiểu nhiều nên người viết chỉ cần nói vắn tắt vậy thôi.

Làm sao thượng khách không hài lòng được, khi thấy những phái đoàn hùng hậu ra tận Sân bay Nội Bài, sân bay Huế, Sân bay Tân Sơn Nhất đón chào vị thượng khách. Quan sát thấy việc tiếp đón tại những địa phương khác nhau hình như có vẻ săn đón, chăm sóc, nặng vẻ trình diễn và có vẻ khoe đạo với những hội đoàn bận đồng phục đứng làm hàng chào danh dự, với kèn trống, những màn rước sách, che lọng và tặng những bó hoa đẹp mắt, rồi thăm những nhà thờ, những toà nhà mới mẻ và rộng lớn. Nơi có nhiều thì khoe nhiều, nơi có ít khoe ít. Về việc khoe đạo thì một linh mục VN kia có lối truyền giáo bình dân ở miền sông nước, được giới đàn ông chít khăn mỏ quạ, miệng rít thuốc rê, thở khói ra phì phào qua miệng, qua mũi, qua cả lỗ tai và giới các bà bận quần áo bà ba, trùm khăn ca-rô trên đầu, nhai trầu cau tóm tém, gọi linh mục đó một cách thân tình là: ‘Anh Tám H’. Có lần ‘Anh Tám H’ nhận định trong bài giảng tại một Nhà thờ chính toà của một tổng giáo phận lớn kia thế này: ‘Khoe đạo chỉ khiến cho người ngoài đạo ghét đạo mà thôi’.

Làm sao thượng khách quên được những món ăn VN mĩ vị, lành mạnh và ngon miệng được. Hồng Y Filoni vừa về đến Rome mà hôm sau đã có bài phỏng vấn về chuyến thăm VN do Lm giám Đốc đài phát Thanh Vatican, chương trình Việt Ngữ phỏng vấn. Phải chăng đã có sự giàn xếp trước của nhân vật nào đó trong Giáo Hội VN, để cư dân mạng hoàn cầu có thể đọc chăng? Nghr nói có linh mục giữ địa vị cao cấp trong Tổng Giáo Phận Sàigòn tiễn chân tiễn tay Hồng Y Filoni sang mãi tận Roma.

Nói đến việc tặng hoa cho nam giới thì người ta phải xét đến mối liên hệ và tuổi tác của người nhận hoa như tặng hoa cho bố, cho chồng, cho bạn trai, thì phải tặng những loại hoa nào tuỳ theo biểu hiệu của loại hoa theo cái nhìn của văn hoá dân tộc họ. Nếu ý nghĩa của loại hoa là xấu đối với văn hoá của người nhận hoa, thì họ đâu có hài lòng. Rồi cũng phải xét xem mầu giấy bao quanh cọng bó hoa là mầu của đàn ông hay đàn bà. Trường hợp tặng hoa ở đây là của chủ nhà giáo phận tặng hoa cho khách cao cấp thuộc hàng giáo phẩm bên Vatican. Cả hai đã lớn tuổi và cùng phái, mà thấy chọn những bó hoa lớn, tươi đẹp và mầu sắc. Trường hợp bố hay chồng trong gia đình hay bạn trai nhận hoa thì có thể trưng trong nhà cả tuần lễ để ghi nhớ lòng thảo hiếu và tâm tình của người tặng. Còn đây không biết sau đó vị thượng khách được tặng hoa, sẽ làm gì với những bó hoa đó vì nay đến thăm địa điểm này mai thăm địa điểm khác, đâu có mang theo được. Không biết thói quen phái nam tặng hoa cho phái nam bắt đầu từ đâu. Có những người cho rằng người nam mà tặng hoa cho người cùng phái thấy có vẻ yểu điệu và còn ủy mị nữa, có vẻ như là một cặp cùng phái tặng hoa cho nhau vậy. Có lẽ nên giàn xếp cho một bé trai hay bé gái tặng chỉ một bông hoa, nhét vào túi áo ở ngực thượng khách thì có vẻ đơn sơ, tự nhiên và thực tế chăng. Như vậy trong mỗi chặng đường viếng thăm lúc nào khách và khán giả chủ nhà cũng thấy được quà tặng.

Ý hướng quá quan tâm về việc làm vui lòng khách, cộng với óc vọng ngoại khiến chủ nhà có thể bầy tỏ những cử chỉ săn đón và chăm sóc khách, như có vẻ khép nép và khúm núm mà đương sự có thể không ý thức được chăng? Tuy nhiên người coi có thể cho đó là làm mất sĩ diện dân tộc khi chủ nhà đại diện cho một khối người nào đó.

Còn những địa điểm vị khách được đưa đến thăm, thấy có vẻ được xếp đặt và sửa soạn trước. Đến thăm mà có giàn xếp và sửa soạn trước như vậy và nghe những bài tường trình về hoạt động truyền giáo mà chỉ đưa ra những con số và hình ảnh tốt đẹp, thì khách không thấy được những mặt trái của Giáo Hội nói riêng và của Xã Hội nói chung.

Trước đó hơn một tuần khi đến thăm Sri Lanka (Tích Lan - Ceylon), Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm cả người Tamil là thiểu số và theo Ấn Giáo sống ở miền Đông Bắc để tỏ mối ưu ái. Tại Sri Lanka, Đức Giáo Hoàng cổ võ hoà giải giữa người Singalais là đại đa số, theo Phật Giáo và sống ở miền Nam sau cuộc nội chiến tương tàn khi người Tamil nổi dạy đòi độc lập, chứ không phải chỉ thăm người Singalais ở miền Nam và thủ đô Colombo mà thôi.

Rồi chỉ một tuần khi Đức Giáo Hoàng đến thăm Phi Luật Tân, Ngài đến thăm thủ phủ Tacloban, nơi cách đây hơn một năm bị trận bão lịch sử Haiyen với sức gió 300 kilômet1/giờ tàn phá bình địa, làm thiệt mạng cả chục ngàn sinh mạng trong tỉnh Leyte. Còn ở chính thủ Đô Manila, trong buổi gặp gỡ giới trẻ ngày 18/01/2015 với phần trình bày chứng từ của ba bạn trẻ, một em gái bụi đời 14 tuổi, bị đưa vào nhà điếm, rồi được hội TKF giải thoát, đã bật khóc nức nở, hỏi Đức Giáo Hoàng đại khái làm sao em phải là nạn nhân của một tệ trạng trong xã hội như vậy. Súc động, Đức Giáo Hoàng ôm em và an ủi. Lời phát biểu của em cũng như cử chỉ an ủi của Đức Giáo Hoàng hi vọng làm thức tỉnh Chính quyền cũng như Giáo quyền và dân chúng quan tâm phải làm gì để đối đầu với tệ trạng xã hội như vậy.

Trước khi sang Phi Luật Tân, Đức Phanxicô có ngỏ ý với Hội Đồng Giám Mục Nước này là Ngài muốn được đón tiếp đơn giản để đồng cảm với người nghèo nhất là những nạn nhân của trân bão lịch sử Haiyen. Có lẽ Ngài cũng không muốn Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân còn nghèo mà phải học làm sang trong việc đón tiếp.

2.- Hồng Y Filoni còn khen: “Lòng quí mến của các tín hữu Việt Nam phần nào giống như sóng thần (tsunami” đối với hàng giáo-sĩ-phẩm nói chung và đặc biệt đối với ngài nói riêng. Sơ dĩ có được lòng kính mến như vậy là vì người Công giáo VN, nhất là những người đạo đức đơn sơ miền quê còn mang đầu óc thần thánh hoá hàng giáo sĩ và giáo phẩm. Họ được dạy rằng linh mục là Alter Christus (Đức Kitô khác) mà hình như không được giải thích phải phân biệt trong hoàn cảnh và trường hợp nào. Trong những lần tổ chức đón tiếp một vị cao cấp trong giáo hội địa phưong hay bên Toà Thánh, Ban tổ chức thường cho chăng biểu ngữ viết: ‘Chào mừng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến’. Họ thấy Đức Hồng Y đi đến đâu, thì có ‘tiền hô, hậu hét’. Lại có một phái đoàn giáo-phẩm-sĩ hùng hậu gồm: Giám mục, Đại Diện Đức Thánh Pha Pha không thường trực tại VN, Tổng GM, Chủ tịch HĐGMVN, một số Giám mục VN cùng đi trong phái đoàn. Bên cạnh có một ‘Đức Ông’ VN từ Toà Thánh Vatican đi kè kè để thông dịch và giúp Đức Hồng Y tìm hiểu sự tình. Có thể họ thấy chức vị của Đức Ông VN kém Đức Hồng Y, cũng là Đức Cha, mà tước hiệu lại cao hơn Đức Cha là Hồng Y, mà phải phục dịch Đức Hồng Y, thì lòng kính mến của họ đối với Đức Hồng y như sóng thần là phải. Vậy theo ngôn ngữ VN, muốn cho chức vị và tước hiệu trong hàng giáo-sĩ-phẫm đi song hàng theo thứ tự từ dưới lên trên hay từ trên xuống dưới, thì cần đổi tước hiệu ‘Đức Ông’. Nếu không thì khi thăng chức cho một ‘Đức Ông’ làm giám mục, thì tước hiệu của ngài lại bị hạ bệ, vì phải xuống làm ‘Đức Cha’. Tréo cẳng ngỗng thiệc/thực/thật!

Người Công giáo VN nói riêng và dân VN nói chung còn chịu ảnh hưởng văn hoá Khổng Mạnh với quan niệm: ‘Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ’, và ‘Tứ Đức Tam Tòng’ được giới nho sĩ VN, nhất là hàng quan lại trong triều đình dưới thời phong kiến cổ võ, nên họ cũng đã quen hay nghe biết về quan niệm ‘Quân Thần, Vua Tôi’, rồi đem ra áp dụng cho cả Cha cụ, Giáo dân nữa.

Hồi mới di cư vào Nam sau năm 1954, tại một nhà xứ đạo di cư ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, thấy một bé gái vào trạc tuổi 11, quan sát có vẻ rất ngạc nhiên khi thấy một linh mục cũng vào nhà vệ sinh kiểu dã chiến ngoài trời, rồi đóng cửa lại. Hỏi ra mới biết em đó tưởng linh mục không có nhu cầu phế thải. Đó có thể là ‘Kính nhi viễn chi’ thôi. Còn nếu ở ‘Gần chùa’ có thể ‘gọi Bụt bằng anh’ đấy. Hoặc ‘Ở trong chăn, mới biết chăn có rận’, cả rệp và bọ chét nữa kia.

Giả sử họ biết được ’15 căn bệnh của Giáo Triều Rôma, mà Đức Phanxicô đề cập đến, áp dụng cho cả cấp địa phương là giáo phận, dòng tu nam nữ, giáo xứ, hội đoàn Công Giáo Tiến hành.. chắc lòng kính mến của họ cũng phải giảm xuống nhiều đấy.

Gia Vị

----------------------------------------

3./ Góp ý về việc: Thành lập & điều hành Học Viện Công Giáo VN

Bản góp ý về việc:Thành lập & điều hành Học Viện Công Giáo VN” đăng trong: www.mucvuvanbut.net, dưới mục “Tin Giáo Hội Việt Nam”, 2014-11-03. Truy cập vào Bản góp ý từ 2014-11-03 đến 2017-07-20 là 4534 lượt. Nay bản góp ý được cho in lại dưới đây để độc giả dễ tiếp tục tuy cập:

Trong cuộc phỏng vấn sau khi Hội Nghị kết thúc, Biên Tập Viên Gia Minh của Đài RFA, có nêu câu hỏi về Học Viện Công Giáo Việt Nam ở mục 4 của Biên bản, và được Tổng GM Bùi Văn Đọc trả lời:

“Lúc đầu chỉ là Học viện Công Giáo, Học viện Thần Học của Công Giáo thôi” để cấp bằng Bachelor (Cử Nhân), rồi Master (Cao Học) về Thần Học, rồi gửi đi du học tiếp, “chứ chưa phải là một đại học tư thục, nhưng hướng của nó là như ‘Institut Catholique de Paris’. Ở đó chủ yếu là thần học, triết học, nhưng cũng có khoa học xã hội, khoa này, khoa kia”. Trong tương lai có thể cấp bằng tiến sĩ nếu có đủ giáo sư và điều kiện.

Rồi Gia Minh hỏi tiếp: Như thế có trùng với đào tạo của đại chủng viện không?

Tổng giám mục Phao lô Bùi Văn Đọc: Chương trình cũng thế nhưng sẽ đầy đủ hơn, kỹ lưỡng hơn và đòi hỏi giáo sư nhiều hơn về phương diện bằng cấp, sách vở cũng như ngoại ngữ. Thư viện phải khá đầy đủ, người ta mới công nhận chứ. Số giáo sư có bằng cấp tiến sĩ thì phải có 12 nhưng chúng tôi có trên 12 rồi.

Coi vậy chứ nhiều khía cạnh lắm: tài chánh, nhân sự … Hồi xưa Giáo hội Công giáo Việt Nam có đại học Công giáo ở Đà Lạt: Giáo hoàng Học viện. Lúc đó cũng có 20 ngàn sinh viên rồi. Nên chúng tôi cũng có kinh nghiệm. Nhưng bây giờ khởi đầu thì chừng vài trăm rồi lên từ từ.

Sau đây là vài góp ý của Gia kế:

Trước hết theo hoàn cảnh chính trị hiện hành của đất nước và điều kiện hạn hẹp về nhân lực và vật lực của Giáo Hội hiện tại, việc mở Học viện một cách từ từ tiệm tiến như vậy thì cũng hợp thời/hợp lí thôi. Sau này nếu cần đổi tên trường và rời địa điểm của Học viện cũng không tạo thành vấn đề. Thực ra trường mà không có tên đại học (university) thì quần chúng hiểu là cấp bằng thấp hơn. Tuy nhiên trường không có tên đại học như Boston College của Dòng Tên ở Boston, Massachusetts, USA lại cấp bằng tiến sĩ. Còn New School for Social Research của người Mĩ Do Thái ở New York City, New York, USA chỉ dạy có 5 môn là Chình trị học, Tâm lí học, Xã hội học, Nhân chủng học, và Kinh tế học cũng cấp bằng tiến sĩ.

Việc có nhiều sách vở ngoại ngữ thì cũng không phải là điều kiện tiên quyết để mở học viện hay đại học. Đời nay chỉ cần máy vi tính laptop, người ta có thể đọc tài liệu, sách vở thích hợp bằng ngoại ngữ cách dễ dàng. Ở Mĩ có trường đại học mà người ta không phải đến trường, chỉ cần học ở nhà, rồi làm bài, thỉnh thoảng mới cần đến trường là đủ. Còn việc có đủ giáo sư có bằng cấp là một chuyện. Rồi không biết có đủ giáo sư có bằng cấp cho riêng Học viện Công giáo hay mượn giáo sư từ đại chủng viện nọ kia cho Học viện? Sau này nếu có đủ số giáo sư ưu tú mà muốn bảo đảm cho tính cách ưu thế, đặc thù và khác biệt của Học viện Công giáo, thì Hội Đồng Giám mục có thể ra lệnh cấm giáo sư của Học viện, không được dạy thêm ngay cả ở đại chủng viện của giáo phận nọ kia.

Còn việc người có bằng cấp có thích dạy học không hoặc việc dạy học có thích hợp cho người có bằng cấp không, lại là chuyện khác. Cứ hỏi những linh mục đã học ở những đại chủng viện khác nhau trong quá khứ thì biết. Có những vị giáo sư khi không dọn bài dạy hay chỉ dọn sơ sài, mà vào lớp thì nói hiêu, nói vượn, còn nói lạc đề, hoặc kể chuyện này chuyện kia cho hết giờ, cả chuyện tiếu lâm nữa. Nóí vậy chứ, trong khi dạy mà chêm những mẩu chuyện tiếu tâm vắn gọn: một, hai, ba phút, thì nghe cũng vui và thích đấy. Có vị thì có tính quá bối rối, cứ hay sợ tội khi phải đả động (bàn) đến vấn đề riêng tư của phái tính. Có vị dọn bài dạy kĩ, nhưng khi chấm bài thì quá tỉ mỉ, sửa từng dấu chấm, dấu phảy và dấu chấm phảy, khiến chủng sinh phải để ý đến chi tiết văn phạm chính tả khi làm bài. Vị khác có soạn bài, cho đánh máy vào từng trang giấy, dịch từ ngoại ngữ ra Việt ngữ, nhưng đọc cả trang mà không biết tác giả viết gì.

Có một thời vào giữa thập niên 1960 tại một đại chủng viện triết học và thần học kia, ban giám đốc/giáo sư xin hẳn một thầy đại chủng sinh - thay vì đi giúp xứ đạo - thì về đại chủng viện đánh máy bài dạy của các cha giáo cho các thầy đại chủng sinh triết học và thần học. Khi đánh máy thì chữ ở phím chữ đụng vào tờ giấy stencil, giống như giấy bóng và bền hơn giấy thường, làm in hình chữ vào, làm giấy mềm ra rất mỏng để mực thấm qua, nhưng không làm giấy đứt hẳn. Rồi khi quay máy cho mực thấm vào chữ ở giấy stencil, rồi mực in vào giấy trắng. Vì quay bằng tay cho nên in ra rất chậm.

Ở Mĩ cuối năm có những đại học phát cho sinh viên tờ đánh giá bằng cách hỏi những câu hỏi về những phưong diện, những khiá cạnh khác nhau trong việc dạy học của giáo sư này, nọ, kia. Rồi sinh viên căn cứ vào mức độ từ số 1 đến số 10 để đánh giá: hoặc số 4 là dưới trung bình hay số 7 là trên trung bình, số 8 là khá, số 9 là ưu, số 10 là tuyệt hảo. Sau đó nhà trường cho cộng điểm đánh giá của lớp học, lấy điểm trung bình, rồi gửi bản đánh giá của sinh viên cho giáo sư. Sau 3, 4 lần đánh giá bởi những lớp khác nhau mà vẫn thấy điểm giáo sư dạy thấp, thì giáo sư đó có thể tự xin rút lui hoặc nhà trường sẽ không cho lên ngạch chẳng hạn.

Như vậy, nếu cứ tiếp tục theo truyền thống chọn giáo sư và dạy lối cũ, thi học viên ở học viện theo Học viện Công giáo, chưa chắc đã lãnh hội được gì hơn học viên ở đại chủng viện giáo phận hay liên giáo phận. Để cải tiến việc dạy học, có lẽ phải cho học viên có cơ hội đánh giá việc dạy học của giáo sư cuối năm. Nếu áp dụng việc cho học viên có cơ hội đánh giá việc dạy học ở Học viện Công giáo thì cần bảo đảm tính cách bỏ phiếu kín, nghĩa là không đề tên học viên đánh giá, không xếp bản đánh giá theo ghế ngồi của học viên để bảo đảm tính cách ẩn danh và trung thực của việc đánh giá và bảo đảm liên hệ bình thường giữa cá nhân học viên và giáo sư liên hệ.

Trong quá khứ để trả đũa chủng sinh nào trong chủng viện mà nói hay làm gì súc phạm đến giáo sư nọ kia, hoặc dám phê bình cách dạy học của cha giáo này nọ, chủng sinh đó có thể bị bỏ ‘tủ lạnh’, nghĩa là bị cầm chức mấy năm, mới được tiến chức hoặc bị loại. Phải nói rằng có những chủng sinh tiểu chủng viện cũng như đại chủnh viện bị loại một cách ‘oan uổng’ đấy.

Như vậy không phải hễ có bằng cấp cao là dạy hay đâu. Người viết hay, nói hay, không nhất thiết phải là người dạy hay. Có những người chỉ biết làm mà không biết dạy, nghĩa là không biết diễn tả cho người ta dễ hiểu và không biết chỉ dẫn. Người có bằng cấp cao, nếu không có khiếu dạy học, thì có thể làm việc khác như viết sách và làm nghiên cứu. Giáo hội cũng như xã hội cần gây ý thức đó trong quần chúng để khi người có bằng cấp cao mà không dạy học, khỏi bị mặc cảm.

Trong thời đại Tự Do Mậu Dịch Hoàn Cầu và thời đại a còng @, thì nhiều ngành nghề, nhiều công tác ti xí nghiệp phải cạnh tranh với đồng nghiệp, mới sống được, nghĩa là mới có khách hàng. Nếu không sẽ phải dẹp tiệm. Để sửa soạn cho việc cạnh tranh theo nghĩa tốt giữa Học việc Công giáo của Hội Đồng Giám mục VN và Đại chủng viện thần học của mỗi giáo phận hay liên giáo phận, cũng như để có thể cạnh tranh với những đại học công hay tư khác về những môn xã hội, nhân văn, văn chương .. Học viện hay đại học Công Giáo trong tương lai cũng phải sửa soạn cho việc cạnh tranh. Cũng cần nói thêm là cùng một loại và một cỡ bằng cấp mà mỗi trường ở mỗi quốc gia cấp phát, cũng khác nhau xét theo trình độ hiểu biết về việc chọn luận án và bảo vệ luận án. Có những trường tại những quốc gia mà khi sinh viên làm luận án, chỉ cần đọc một số sách liên hệ được chỉ định, rồi tóm tắt lại, cũng có thể lãnh bằng. Do đó mà người ta mới nói trường này trường nọ cấp bằng tiến sĩ thứ thiệc/thực/thật; còn trường nọ trường kia cấp bằng tiến sĩ giấy. Rồi lại còn chuyện mua bán, khai báo bằng cấp giả mạo nữa.

Nếu dạy học cũng giống như việc viết lách hay diễn giảng lời Chúa, thì Gia Kế xin mượn và trích đoạn văn trong mục ‘Vào Đề’ của cuốn sách: “Hằng tuần Chúa Nói – Ta Đáp” của Linh mục Trần Bình Trọng để kết luận:

‘Viết lách và diễn giảng giống như nghệ thuật nấu ăn. Nấu ăn cho ngon và hấp dẫn thì phải biết cắt thái những kiểu khác nhau cho từng loại thịt, cá hoặc rau, quả. Món nào thái kiểu nào, cần loại gia vị nào, ướp bao lâu. Rồi món nào cần đun lâu cho nhừ, món nào chỉ cần đảo qua trên xo-ong chảo nóng. Vì thế phải nấu riêng từng món trước, rồi nếu hợp mới trộn chung lại. Như vậy ăn mới ngon, mới dễ nhai, dễ nuốt và dễ tiêu hoá. Viết lách hay giảng giải lời Chúa sao cho người ta thức tỉnh để dễ nghe, dễ hiểu và dễ lãnh hội được thì đó cũng là một nghệ thuật’.

Gia Kế

----------------------------------------------

4./ Có nên phê phán những lời nói hay việc làm sai trái của những cá nhân trong Giáo Hội không?

Bình luận về việc:Có nên phê phán những lời nói hay việc làm sai trái của những cá nhân trong Giáo Hội không?” đăng trong: www.mucvuvanbut.net , dưới mục “Tin Giáo Hội Việt Nam”, 2012-12-27. Truy cập vào bình luận này từ 2012-12-27 đến 2017-04-20 bị thất lạc. Tuy nhiên, bình luận liên hệ được cho in lại sau đây để độc giả có thể tiếp tục truy cập:

Khi nhắc đến ý niệm ‘Sentire cum Ecclesia’ (đồng cảm với Giáo hội), thấy vị Tổng Giám mục lưu ý là ‘Không nên đứng ngoài Giáo Hội mà phê phán vì như vậy là phê phán chính mình’.

Tuy nhiên người viết nghĩ không phải vì thế mà tránh né việc phê phán. Không phải cái gì cũng phê phán, nhưng có những điều cần phải phê phán. Những người phê phán không phải họ ở ngoài Giáo hội, nhưng là những vị giáo sĩ cũng như giáo dân, ở trong Giáo hội, hiệp thông với Giáo hội và quan tâm đến sự phát triển của Giáo hội. Họ không phê phán Giáo Hội, nhưng là phê phán những lời nói hay việc làm sai trái, làm chướng tai gai mắt của những cá nhân trong Giáo hội, gây thiệt hại cho Giáo Hội. Những lời phê phán đó khiến những ai ‘có tật thì giật mình’ mà sửa đổi và giúp người khác xa tránh. Theo vị Tổng Giám Mục, thì những người đứng ngoài Giáo hội mà phê phán là ‘phê phán chính mình’. Như vậy không được phê phán chính mình hay sao? Nếu cần người ta cũng phải tự kiểm thảo và phê phán chính mình nữa, chứ không phải sợ hãi gì đó hay sợ sự thật mà im lặng. Tự kiểm để phê phán chính mình thì mới cải thiện được.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã nhiều lần (hơn 9 lần) lên tiếng xin lỗi một số nhóm người trên thế giới về những việc làm bất chính / bất công trong quá khứ của Giáo hội hoặc những thành phần trong Giáo Hội. Xin lỗi là công nhận mình có lỗi hoặc người tiền nhiệm hay người thừa hành làm lỗi để được bỏ qua. Nếu không người ta sẽ uẫn ức khiến cho mối liên hệ của những bên liên hệ bị cản trở, không phát triển được.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị FACB tại Xuân Lộc vào ngày 13-12, 2012, Giám mục Peter Kang U-il, Giám mục Giáo phận Tế Châu, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, cũng đã xin lỗi nhân dân Việt Nam về tội sát hại 5.000 người dân Việt trong khoảng thời gian từ năm 1968 đến 1974 do Sư Đoàn Mãnh Hổ của Quân Đội Nam Hàn. Theo nhiều nguồn tin khác, thì con số người dân bị sát hại còn cao hơn gấp bội. Bài báo về lời xin lỗi của Giám mục Kang trên trang nhà của Hội Đồng GMVN ngày 21/12/2012 viết: “Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, Giám mục Kang giải thích rằng đây là lần đầu tiên ngài đến Việt Nam, nên ngài cảm thấy phải xin lỗi vì các tội ác chiến tranh do quân đội Hàn Quốc gây ra tại đây nhiều chục năm trước. Ngài nói: “Đây là lời xin lỗi của cá nhân tôi, không phải nhân danh Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, nhưng tôi tin các anh em giám mục của tôi cũng ủng hộ điều tôi đã làm”. Bài báo còn viết tiếp: ‘Khi Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung đến thăm Việt Nam vào năm 2001, ông đã xin lỗi vì nỗi thống khổ mà đất nước của ông gây ra cho người Việt Nam trong chiến tranh - dù không chủ ý - nhưng đa số người Hàn Quốc vẫn không được biết về những tội ác đó hay về lời xin lỗi của vị cựu Tổng thống’.

Gia Nhân

------------------------------

5./ 'Niềm tin chân chính không được dừng lại ở những nghi thức bên ngoài nhưng phải có chiều sâu nội tâm’

Bình luận về: 'Niềm tin chân chính không được dừng lại ở những nghi thức bên ngoài nhưng phải có chiều sâu nội tâm’ đăng trong: www.mucvuvanbut.net, dưới mục “Tin Giáo Hội Việt Nam” 2012-10-16.  Truy cập vào bình luận này từ 2012-10-16 đến 2017-04-20 bị thất lạc. Tuy nhiên bình luận liên hệ được cho in lại sau đây cho dễ tiếp tục truy cập:

Huấn từ của Tổng Giám Mục Girelli trong buổi lễ khai mạc Năm Đức Tin của GHCGVN: 'Niềm tin chân chính không được dừng lại ở những nghi thức bên ngoài nhưng phải có chiều sâu nội tâm’ đáng cho những độc giả quan tâm suy nghĩ. Có lẽ huấn từ này không hẳn như là áp dụng chung cho mọi người Công giáo trên thế giới. Đức TGM đã có dịp quan sát và ghi nhận những lần đến thăm mục vụ hầu hết các giáo phận Việt Nam từ hơn một năm qua - có mấy Giáo phận Ngài đã đến thăm hơn một lần. Chắc TGM Girelli đã chứng kiến những hình ảnh tổ chức tiếp đón Ngài cách rầm rộ cũng như những lần tham dự những buổi lễ long trọng với những nghi thức bên ngoài, nên mới có huấn từ như vậy. Quảng diễn huấn từ của Tổng Giám mục Girelli, người ta cũng có thể nói thêm rằng niềm tin chân chính cần tránh việc giữ đạo hình thức, trình diễn và phô trương cũng như những kiểu giới thiệu bốc thơm nhau quá lố.

Gia Nhân

-----------------------------------

6./ Về việc chuẩn bị thật chu đáo để tỏ lòng qúi trọng khách (là Hội Đồng Gm Á Châu)

Bình luận:Về việc chuẩn bị thật chu đáo để tỏ lòng qúi trọng khách” đăng trong: www.mucvuvanbut.net , dưới mục “Tin Giáo Hội Việt Nam, 2012-10-12. Truy cập vào bình luận từ 2012-10-12 đến 2017-04-20 bị thất lạc. Tuy nhiên bình luận liên hệ được cho in lại sau đây để độc giả dễ tiếp tục truy cập:

Trong Nhật ký Hội Nghị Thường niên Kỳ II-2012 Hội Đồng GMVN (8-12/10/2012 [3] khi nói về việc mời các giám mục đại diện các Hội Đồng GM Á Châu đến dự Hội nghị khoáng đại của Liên Hội Đồng GM Châu Á cuối tháng 11/2012 tại Xuân Lộc và Sài Gòn thấy ghi lại: Các Đức cha chủ nhà đón tiếp thay mặt HĐGMVN mong muốn tổ chức chuẩn bị thật chu đáo để bày tỏ lòng quý trọng khách, nhưng sao cho không quá sang trọng. Tổ chức một buổi tiếp đón thượng khách, không quá sang trọng, nhưng vẫn sang trọng, có hẳn là thành công và tỏ lòng hiếu khách không? Và tổ chức một buổi lễ tôn giáo cho sang trọng có hẳn là đem lại lợi ích thiêng liêng cho người tham dự không? Mà sang trọng thì dễ đưa đến việc trình diễn và phô trương đấy. Một linh mục VN với cách truyền giáo bình dân ở miền sông nước, mà người ngoài công giáo gọi một cách thân tình là anh tám H. đã chia sẻ trong một nhà thờ chính toà tại một thành phố lớn rằng: ‘Phô trương về đạo chỉ khiến cho người ta ghét đạo mà thôi’.

Có lẽ có những giám mục Á Châu sẽ đến dự Liên Hội Đồng GM Châu Á tại Xuân Lộc và Sài Gòn không quen kiểu đón tiếp sang trọng đâu mà phải tổ chức cho sang trọng. Chẳng hạn Đức Cha Socrates Villegras, người Phi Luật Tân, trong bài phát biểu tại Thượng Hội Đồng Giám mục tại Vatican ngày 9 Tháng 10/2012 đã gây chú ý đặc biệt khi ngài phát biểu: “Chỉ có thể rao giảng Tin Mừng cho người nghèo nếu người truyền giảng chia sẻ sự nghèo khó của họ. Tin Mừng có thể được giảng cho những bao tử trống rỗng, nhưng chỉ khi nào bao tử của người giảng thuyết cũng trống như bao tử các giáo dân của mình” (Lời dịch Việt ngữ của G. Trần Đức Anh, OP). Tại quê hương VN cũng không thiếu người nghèo túng đâu, mà còn nhiều nữa. Trong vùng sâu vùng xa, bao tử của dân quê còn trống rỗng nữa.

Vào dịp tổ chức mừng Đại Lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, báo chí: gồm Báo Lao Động, báo Công An Nhân Dân, trong nước cũng như ngoài nước và giới blogger đưa ra một trong số những nhận xét là phô trương. Có nhà báo nhắc lại kiểu nói của báo chí về việc phô trương là do kết quả của: ‘Văn hoá lùn, nên cái gì cũng phải muốn thật to, thật hoành tráng, thật xa xỉ, thật nhiều theo kiểu có bao nhiêu thì phô ra bằng hết’.

Rồi đến việc tổ chức Đại Hội Dân Chúa mừng Năm Thánh cuối năm 2010 và Đại Lễ bế mạc Năm Thánh tại La Vang đầu năm 2011 cũng thấy có vẻ hình thức, trình diễn và phô trương. Phải chăng kiểu nói ‘văn hoá lùn’ mà báo chí bàn đến trong việc tổ chức Ngàn Năm Thăng Long cũng đã được áp dụng trong việc tổ chức mừng Năm Thánh tại đây?

Gia Nhân

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch