CN26TN-BChúa Nhật 26 Thường Niên, Năm B

Mc 9:37-42, 44, 46-47

Ta đã biết lần thánh Phêrô tuyên xưng về Đức Yêsu ở miền đất Xêgiarê Philipphê là một biến cố lớn lao và một khúc quặt quan trọng, khởi đầu một giai đoạn mới : giai đoạn Đức Yêsu nhận thấy Nhóm tông đồ  của Ngài đã bắt đầu có một hiểu  biết chính xác về con người của Ngài, để từ đây Ngài  dần dần có thể  mạc khải tất cả  đường lối của Ngài cũng  như  những  đòi hỏi của Nước Trời  sắp đến.

Theo cái nhìn của Chúa, Nước Trời sẽ là một thế giới khác hẳn với  thế gian về lối sống và người môn đệ của Chúa là những người thuộc về Nước Trời, những công dân của một Vương quốc mới. Họ phải sống khác với môi trường chung quanh, có tinh thần khác, có cách ứng xử khác.

1/ Theo các  bài đọc Kinh Thánh hôm nay, các  kẻ thuộc về Chúa phải có tấm lòng và dức tính khác thế gian, nhất là có tinh thần cởi mở và bác ái, đối chọi với thái độ co cụm khép kín và ích kỷ hẹp hòi.

Thông thường con người chúng ta  rất dễ có khuynh hướng sống  khép kín, cục bộ, phe nhóm và độc quyền. Đó là khuynh hướng đã ăn sâu vào lối sống  của nhiều cá nhân cũng như nhiều tập thể. Ngược về thời Cựu ước xa xưa, vào thời Môsê, khi dân Do thái mới xuất hành khỏi Ai cập, như bài đọc I vừa kể, có hai người thuộc nhóm kỳ mục không đến Lều gặp Môsê khi ông chia sẻ Thần khí của ông cho nhóm kỳ mục, vậy mà họ lại phát ngôn trong  trại như những vị kỳ mục kia và Gio-duê, người sẽ kế vị Môsê, đã xin được  ngăn cấm hai vị này phát ngôn, Môsê đã phản ứng khác hẳn. Ông nói  : Đừng ngăn cấm họ. Càng có nhiều  người được ơn phát ngôn càng tốt. Phải chi Thiên Chúa ban Thần khí trên  toàn dân, để mọi người đều trở thành ngôn sứ.

Đó là chuyện ta tưởng là rất cũ rồi và không còn có nữa, vì đã xảy ra trước Công nguyên cả hơn 1000 năm. Thế nhưng đến mãi thời Đức Yêsu, thói ích kỷ đó vẫn  tồn tại. Tông đồ Yoan lấy làm khó chịu về việc người kia không thuộc nhóm Tông đồ dám nhân danh Thầy Yêsu mà trừ quỷ. Yoan không muốn  người ngoài lại truyền giáo, lại làm các phép lạ và xin Thầy ngăn cấm. Cũng như Môsê, Chúa đã không đồng ý.

Vậy Chúa muốn các Tông đồ Chúa có tinh thần cởi mở, đón nhận mọi người, chia sẻ với mọi người hồng ân Chúa muốn ban cho các ông. Bởi vì  tự bản chất Chúa là Đấng cởi mở : khi hiện hữu, Người không muốn giữ riêng cho mình niềm hạnh phúc là được hiện hữu, nhưng đã mở ra, đã tạo dựng muôn loài, chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Người cho muôn loài. Nhiều lần Người cũng cho biết Người  yêu thương hết mọi người và muốn cứu rỗi mọi người. Nối tiếp Thiên Chúa Cha, khi Đức Yêsu ra hoạt động công khai, ban đầu Ngài giời hạn công việc của Ngài cho dân Do thái mà thôi,  nhưng Ngài không co cụm mãi trong  một môi trường ấy , mà còn mở ra cho Dân Ngoại, cho muôn dân. Có lần người ta muốn giữ chân Ngài ở lại, nhưng Ngài tuyên bố Ngài còn phải đến các làng các nơi khác nữa, vì sứ mạng Ngài là đến trần gian để cứu độ mọi người.

2/ Cùng với tinh thần cởi mở, kẻ thuộc về thời đại Nước Trời còn phải tránh thói hưởng thụ và có tinh thần bác ái – như tư tưởng gián tiếp trong đoạn thư của thánh Giacôbê. Trong đoạn thư này, thánh tông đồ đưa ra nhiều nhận định và tuyên bố nghiêm khắc đối với  hạng giàu có.  Theo Người, tai họa sắp đổ xuống  trên  đầu họ : tài sản sẽ bị hư nát, quần áo bị mối ăn, vàng bạc bị rỉ sét, thân xác sẽ bị thiêu đốt. Sở dĩ thế vì họ sống ích kỷ, không có tấm lòng quảng đại. Họ giàu có vì gian tham và keo kiệt : như giữ lại tiền lương của thợ làm thuê – như hẹp hòi, không giúp đỡ kẻ nghèo, không chia sẻ cho người túng quẫn. Và đó là đi ngược lại với  tinh thần của Nước Trời, của đại gia đình Thiên Chúa, trong đó mọi người đều là anh chị em với nhau, đều cùng chia vui sẻ buồn trong tình huynh đệ. Chẳng  những thế, mọi người còn là hiện thân của chính Chúa, đến nỗi một việc tốt dù nhỏ bé mà mình  làm cho một anh chị em sẽ không bị Thiên Chúa quên lãng và phần rỗi của từng người, từ những người nhỏ hèn, đều phải được tôn trọng, không ai được làm gương xấu khiến kẻ khác bị mất linh hồn, cũng như mỗi người phải trân trọng phần rỗi của mình, thậm chí tự chặt tay, chặt chân, móc mắt, nếu đó là những nguyên cớ đưa mình xuống hỏa ngục.

Vậy biết cởi mở đón nhận tha nhân, muốn chia sẻ những hồng ân mình được hưởng, muốn tha nhân cũng  được diễm phúc như mình, đó chính là hiểu được tinh thần của Đức Yêsu – biết hy sinh của cải, biết hạn chế những chi tiêu và mọi sự hưởng thụ để giúp tha nhân bớt thiếu thốn đói khát, đó chính là bắt đầu đi vào con đường Đức Yêsu  đang đi, khi Nước Trời sắp được Ngài thiết lập.

Xin Chúa giúp mọi người chúng ta trỏ thành những  môn đệ xứng danh của Ngài : những môn đệ hiểu Thầy và nối gót Thầy trên  con đường cứu thế.

Lm. Antôn Trần thế Phiệt, DCCT