Chua_Nhat_12_TN_CChúa Nhật 12 Thường Niên, Năm C

Lc 9,18-24

Nhóm 12, tức là các tông đồ, sau một thời gian được ở bên Chúa, được chứng kiến mọi việc Ngài làm, được Ngài dạy dỗ cách riêng, được tham dự vào chính công việc rao giảng Tin Mừng của Ngài, được dự phần vào việc Ngài nuôi dân chúng bằng năm chiếc bánh và hai con cá, nay đến lúc Chúa muốn các ông dứt khoát lập trường, nói lên lòng tin vào Chúa.

Nhưng đây cũng là khúc quanh quan trọng: Chúa bắt đầu tỏ ra cho các môn đệ biết con đường đau khổ Ngài phải đi để hoàn thành sứ mạng. Bởi vậy việc ông Phê-rô tuyên xưng lòng tin và việc Chúa báo trước con đường đau khổ của Ngài là một biến cố bản lề trong quá trình thi hành sứ mạng của Chúa cũng như trong quá trình huấn luyện các môn đệ, vì khi nói về con đường của Ngài thì Chúa cũng nói đến con đường các môn đệ phải đi theo Ngài. Đó là nội dung bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể nhận ra ba điều rõ ràng: Người ta nghĩ gì và các môn đệ nghĩ gì về Chúa Giê-su, con đường đau khổ Chúa phải đi, và con đường các môn đệ và mọi người đi theo Chúa.

Mở đầu, Chúa Giê-su hỏi các môn đệ về dư luận của quần chúng: người ta bảo Ngài là ai ? Hẳn các ông phải biết, vì các ông vẫn ngồi lẫn trong đám đông khi Chúa giảng dạy, bởi vậy các ông có thể trả lời dễ dàng: người thì bảo là Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Ê-li-a, người khác lại cho là một vị ngôn sứ nào thời trước đã sống lại. Câu trả lời cho thấy dư luận quần chúng khá hoang mang về Chúa Giê-su, họ nhận ra một khía cạnh nào đó của Ngài, và cố gắng diễn tả bằng những hình ảnh quen thuộc, do kinh nghiệm hoặc do truyền thống, như vậy họ mới chỉ biết mập mờ về Chúa và bập bẹ nói về Ngài.

Nhưng câu hỏi mở đầu của Chúa chỉ là để chuẩn bị cho một câu hỏi quyết liệt và liên quan trực tiếp tới các tông đồ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”. Ông Phê-rô đã thay mặt cho anh em đáp ngay: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. Sau câu trả lời ấy, chúng ta có thể ngạc nhiên khi thấy Chúa không vỗ tay hoan hô cũng không nói một lời khen hoặc xác nhận ông Phê-rô nói đúng, nhưng lại trịnh trọng truyền cho các ông không được nói điều đó với ai, và chính Chúa giải thích lý do tại sao Ngài truyền như thế: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”, đó là con đường Ngài phải đi. Liền sau đó Chúa nói với mọi người chứ không phải chỉ nói với các môn đệ, về con đường họ phải đi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

Từ bỏ mình và vác thập giá không phải là hai hành động riêng biệt, nhưng là hai mặt của một hành động. Từ bỏ mình ở đây không phải là một sự vong thân, nhưng là một điều kiện để thành công, để vươn tới một cái gì cao hơn. Trong cuộc sống chúng ta thấy muốn theo bất cứ một lý tưởng nào, cũng phải từ bỏ mình để đi theo, thực hiện lý tưởng ấy. Muốn đi theo Chúa lại càng phải từ bỏ mình để đi vào con đường của Ngài. Đánh mất mạng sống mình vì Đức Ki-tô nghĩa là chọn lấy tương lai của Chúa làm của mình. Đánh mất ở đây không phải chỉ bằng cách đưa đầu cho đao phủ chém như các vị tử đạo, đó chỉ là hạnh phúc của một số ít, nhưng là sự từ bỏ liên lỉ hằng ngày. Suốt cuộc đời của người Ki-tô hữu là một cuộc chết dần đi để cho Đức Ki-tô sống mạnh hơn. Nói tóm lại, Chúa Giê-su đã không che đậy, không giấu diếm về con đường Ngài phải đi và con đường những người tin Ngài phải đi theo Ngài, đó là đi tới vinh quang bằng con đường gian nan đau khổ. Mơ ước vinh quang thì dễ, nhưng chấp nhận con đường đau khổ để đi tới vinh quang thì khó. Đó là bài học Chúa dạy chúng ta hôm nay.

Trong đời sống, hầu như hằng ngày chúng ta đều gặp phải những điều bực mình, khổ tâm, và cuộc đời chúng ta được thêu dệt bằng nhiều thứ đau khổ về thể xác và tâm hồn: bệnh tật, đau yếu, lo âu, bất công, túng thiếu, cực nhọc, nghèo khổ… nên người ta nói trần gian là chốn khổ ải, là thung lũng nước mắt quả thực không sai chút nào. Từ trong nôi cho đến khi nằm yên nơi phần mộ, đời sống con người phải trải qua bao nhiêu khóc lóc, thở than, và có một điều kỳ khôi là thường những người tốt lại gặp đau khổ nhiều hơn. Cũng như sét thường đánh những cây cao hay những tòa nhà nhiều tầng, cũng vậy, sự thử thách hình như cũng thường “thăm hỏi” những người cao thượng và thánh thiện, vì thế, Chúa Giê-su, cũng chính là sự thánh thiện và cao thượng tuyệt đối, đã muốn vác cây thập giá nặng nhất để khuyến khích chúng ta và cho chúng ta một mẫu gương cụ thể, sống động.

Trước những đau khổ và thử thách, chúng ta phải hiểu thế nào ? Chúng ta đừng bao giờ hiểu đó là hình phạt Chúa trừng phạt, nhưng đó là một cách Chúa dùng để giáo dục chúng ta, chẳng hạn: một hoạn nạn, một sự cám dỗ dạy chúng ta biết cầu nguyện tha thiết hơn; một cái chết của người thân yêu khơi dậy nơi chúng ta lòng gắn bó với nước trời và cố gắng sống tốt đẹp hơn; một lời xỉ nhục, một lòng phụ bạc, một sự phản bội tách chúng ta xa lánh các tạo vật để bám chặt vào Chúa hơn; một lỗi lầm làm chúng ta nghĩ đến sự công chính của Chúa và hy vọng vào lòng nhân từ của Ngài. Đàng khác, mỗi thử thách, mỗi đau khổ chúng ta gặp là hình như Chúa trao cho chúng ta một cái gai đội trên đầu Ngài, chúng ta đừng vất cái gai ấy, nhưng hãy nhận lấy và mạnh dạn bước theo chân Thầy. Người Ki-tô hữu phải sẵn sàng chịu đau khổ một cách phó thác, và phải biết nhìn lên thập giá của Chúa để thêm tin tưởng và hy vọng. Chúng ta hãy nhớ rằng: đau khổ thường đi trước niềm vui, thánh giá phải đi trước triều thiên, vì thế, mỗi đau khổ chúng ta chấp nhận vì tình yêu Chúa, mai này sẽ trở thành một viên ngọc vĩnh cửu cho chính mình.

Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP