CNPS_AChúa Nhật Lễ Phục Sung, Năm A

Cv 10, 34a. 37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9

Không biết đây là lần thứ mấy, tôi và quý vị tham dự Thánh lễ nói chung và lễ Phục Sinh nói riêng? Có thể là 10, 20, 30, hay 40, 60… lần?

Và cũng không ít hơn từng ấy lần, chúng ta đã nghe các đoạn Tin mừng nói về câu chuyện Đức Kitô Phục Sinh. Tóm tắt câu chuyện rất đơn giản. Trước đó, vào ngày thứ Sáu, ngày áp lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu đã bị hàng lãnh đạo Do Thái kết án và sau đó, Ngài đã bị đóng đinh và chết trên thập giá, rồi xác Ngài đã được mai táng trong huyệt đá. Và rồi vào sáng sớm Ngày Thứ Nhất trong tuần, sau đại lễ Vượt Qua của người

Do Thái. Các người phụ nữ ra thăm mồ, vì quá thương nhớ một con người hiền lành đã bị kết oán oan ức, nhưng có lẽ cũng là để ướp lại xác Chúa bởi lẽ, hôm trước quá vội vã, họ làm chưa được cẩn thận.

Thế nhưng ra đến nơi, trước mắt họ chỉ còn lại một ngôi mộ trống, chỉ còn lại tấm khăn liệm và các dải băng nhỏ, nhưng xác Chúa thì không còn. Vâng, trước mắt chỉ là một ngôi mộ trống với tấm khăn liệm và những dây băng, nhưng chỉ cần từng ấy thôi cũng đủ để cho người môn đệ Chúa yêu tin rằng: Thầy mình đã Phục sinh. Tin mừng thuật lại: “Ông thấy và ông tin”. Đây không phải là một niềm tin mơ hồ, chung chung, nhưng là một niềm xác tín thật sự của tông đồ Gioan. Một niềm tin đủ để ông giao trọn cuộc sống đời mình cho Đấng Phục Sinh.

Trở lại với bài đọc một được trích từ sách Công vụ Tông đồ, thuật lại bài giảng của thánh Phêrô cho viên bách quản Cornêliô. Chúng ta thấy: Trong lần rao giảng này, một lần nữa, thánh Phêrô loan báo cho viên bách quản cũng như cho mọi người chúng ta về con người của Đức Giêsu Kitô. Ngài đã thực sự sinh ra và sống như một con người tại miền đất Palestina. Ngài đã sống, rao giảng và làm nhiều phép lạ tại đất nước Do Thái. Ngài đã chết thật bởi bị đóng đinh trên thập giá, nhưng “ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại”.

Thánh nhân còn cho biết rằng: sau khi sống lại, Đấng Phục Sinh cũng đã hiện ra với các tông đồ là “nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước”. Và thánh nhân còn khẳng định “chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại”. Nếu nhớ lại cảnh thánh Phêrô ba lần chối Thầy mình trước những người đầy tớ, trong sân nhà vị Thượng Tế hôm nào. Chắc hẳn chúng ta sẽ thấy lời rao giảng quả quyết này là một dấu chứng thực sự sống động cho niềm tin của thánh Phêrô vào Đấng Phục Sinh. Chính niềm tin vào Đấng Phục Sinh đã làm cho thánh Phêrô trở nên một con người mới, một nhân chứng sống động về sự Phục Sinh của Đức Kitô. Niềm tin đó đã thúc đẩy thánh nhân vượt qua mọi nỗi sợ hãi, để lên đường rao giảng cho mọi người, kể cả gia đình viên bách quản Cornêliô là những người ngoài Do thái. Và thánh nhân còn quả quyết: “Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ Danh Người mà được tha tội”. Thế nhưng, chỉ nguyên một việc tuyên xưng đức tin nơi môi miệng hay việc tham dự các lễ nghi phụng vụ đông đảo, sầm uất thì chưa đủ bảo đảm cho đức tin của mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chớ đừng nghĩ đến những sự dưới đất”. Như thế, một đức tin chân thật cần được minh chứng bằng chính cuộc sống thường ngày của mỗi người chúng ta.

Tới đây, tôi nhớ có một câu chuyện kể rằng: Một hôm có một người nông dân vô tình nhặt được một trứng đại bàng. Anh ta đem về cho ấp chung với trứng gà. Ít lâu sau, cả trứng gà lẫn trứng đại bàng đều nở. Tất cả đều đi theo gà mẹ để kiếm ăn. Thế rồi, ngày tháng dần trôi, bầy gà con và cả đại bàng cùng lớn lên bên chân gà mẹ, cạnh đống rơm, bụi cỏ. Thỉnh thoảng, đại bàng cũng thấy hình như mình có một cái gì đó khác với các anh em gà của mình, nhưng chú cũng không biết rõ là cái gì.

Một hôm, đại bàng ta đang bới đất để tìm con giun, con dế như các con gà khác, bỗng nhiên bầu trời như tối sầm đi, các con gà đều chạy lại với nhau một chỗ. Ngước mắt lên bầu trời, chú thấy có một con chim gì thật to lớn, bay lượn trên bầu trời thật hiên ngang, hùng dũng. Chú liền lên tiếng hỏi, thì được trả lời: “Đó là đại bàng. Vua của các loài chim đó!”. Tự nhiên, như một bản năng, chú cũng muốn vươn đôi cánh của mình để cất cánh bay lên bầu trời tự do như những con đại bàng kia, nhưng lập tức, những con gà khác liền nói với chú: “Chú mày là gà, chúng tao cũng là gà. Không bay được đâu”. Và thế là chú đại bàng con lại tiếp tục, bới đất kiếm ăn và rồi chết trong thân phận của một con gà.

Nghe xong câu chuyện, có lẽ mỗi người chúng ta đều nghĩ tội nghiệp cho chú đại bàng con. Chú là đại bàng, nhưng không biết bay cao, bay xa như đại bàng, để rồi sống và chết như một con gà tầm thường.

Thế nhưng có thể trong cuộc sống hàng ngày, tôi và quý OBACE vẫn đang sống như chú đại bàng kia. Chúng ta đã được nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy, được vinh dự trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, được mời gọi sống “thánh thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng Thánh” (Mt 4, 48), vậy mà chúng ta vẫn chưa hướng được lên trời cao. Chúng ta vẫn cứ mãi chạy theo những cái “dưới đất”, tức là những lợi lộc trước mắt. Chúng ta chưa đủ niềm tin và nghị lực để vượt qua những rào cản của thành kiến, dư luận để tự mình “bay” đến với những anh chị em đang bị đẩy ra bên lề xã hội, những người bệnh tật, nghèo hèn.

Chúng ta cũng chưa thể nói rằng mình tin vào Đấng Phục Sinh, nếu sau khi rời khỏi ngôi thánh đường này trở về nhà, chúng ta lại tiếp tục nói hành, nói xấu anh chị em mình.

Chúng ta cũng không thể nói rằng tôi tin vào Đấng Phục Sinh, nếu trong cuộc sống hàng ngày của mình, chúng ta vẫn tiếp tục sống giả dối, lừa gạt lẫn nhau; vẫn tiếp tục một cuộc sống tranh quyền, đoạt lợi bằng mọi thủ đoạn.

Và nếu trong cuộc sống của mình, chúng ta còn có những suy nghĩ phân biệt người sang, kẻ hèn; chúng ta còn phân biệt giữa người tới trước và những anh chị em mới gia nhập cộng đoàn chúng ta sau này, thì chắc chắn, lối sống đó không phải là một dấu hiệu của một niềm tin chân thật vào Đấng Phục Sinh, bởi lẽ, với cuộc Vượt Qua của mình, Đấng Phục Sinh đã phá tan mọi rào cản về ngôn ngữ, chủng tộc, phá tan sự ngăn cách giữa người Do Thái và “dân ngoại”, để đôi bên được trở nên một (x. Ep 2, 14; Dt10, 20).

Mừng đại lễ Phục Sinh hôm nay, chúng ta cùng hiệp ý xin Thánh Thần của Đấng Phục Sinh ngự đến biến đổi tâm hồn của mỗi người chúng ta, để chúng ta thực sự trở nên những con người mới, những con người biết “tìm những sự trên trời”, chớ không chỉ là “những sự dưới đất”. Nhờ đó, khi “Đức Kitô là sự sống chúng ta xuất hiện, bấy giờ, chúng ta cũng sẽ được xuất hiện với Người trong vinh quang”. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn