Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm A

Mt 14: 22-33

Mới mấy tuần trước đây, trong một tai nạn, một người mẹ mất một lúc ba đứa con, vì bị đuối nước. Trong đám tang ấy, người mẹ vật vã gào lên: Ông Trời ơi! Ông ở đâu? Sao ông để như thế này? Tôi có tội tình gì mà sao ông đối xử với tôi như thế?

Thưa quý OBACE, trong lúc người ta đau khổ tột cùng, dù là người có đạo hay không có đạo, họ vẫn như muốn trách móc Thiên Chúa trách Ông Trời, và muốn Thiên Chúa trả lời ngay cho những đau khổ của họ, hoặc là muốn Chúa phải ra tay giải thoát ngay. Trong lúc đau khổ đó người ta thấy dường như Chúa vẫn im lặng trước những nỗi đau của họ? Phải chăng Chúa làm ngơ trước đau khổ của con người?

Các bài đọc của chúa nhật XIX hôm nay trả lời cho chúng ta rằng: Thiên Chúa không im lặng, nhưng Thiên Chúa vẫn đang nói, đang ở kề bên đưa tay ra để nâng đỡ an ủi chúng ta, có điều là chúng ta có nhận ra sự hiện diện an ủi của Ngài, có tin vào quyền năng của Ngài, có đưa tay ra để Ngài kéo ta lên hay không mà thôi?

Bài đọc một kể lại tâm trạng của Elia, sau khi đương đầu với các sư sãi của hoàng hậu Giêzabel, đã bị hoàng hậu trả thù, ông phải trốn lên rừng, chịu đói chịu khát. Trong lúc khốn khổ vì bị lùng bắt như thế, ông cũng cảm thấy như Thiên Chúa không còn ở với ông, Thiên Chúa bỏ rơi ông, ông nghĩ rằng: Dù sao ông cũng đã chiến đấu cho Thiên Chúa, đã hết mình bênh vực giới răn lề luật của Thiên Chúa, tại sao Chúa lại cư xử với ông như thế? Trong lúc ông băn khoăn oán trách Thiên Chúa như thế, thì Thiên Chúa đã hứa cho ông được gặp Ngài. Tuy nhiên Isai lại muốn chờ đợi một vị Thiên Chúa oai hùng như sấm sét giông bão, vì thế ông ra cửa hang để mong gặp Chúa, nhưng Chúa đã không ở trong sấm sét. Rồi ông lại chờ đợi gặp một Thiên Chúa có sức mạnh làm rung chuyển trời đất núi lửa, song ông cũng không gặp được ngài. Mãi đến buổi chiều khi làn gió hiu hiu thổi nhẹ, ông nghe được tiếng Chúa và lấy áo choàng che mặt rồi ra ngoài cửa hang và ông đã gặp được Chúa. Điều đó cho thấy rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện bên ông một cách nhẹ nhàng, mơn man như cơn gió nhẹ ban chiều. Chúa vẫn ở bên ông dưới những hình thức rất đỗi bình thường, song ông đã không nhận ra Ngài. Chỉ khi ông bình tâm, ông mới có thể cảm nhận được sư hiện diện nhẹ nhàng của Ngài trong cuộc đời ông.

Thánh Phaolô trong bài đọc hai cũng chia sẻ cùng một kinh nghiệm như tiên tri Isai, khi ông đã miệt mài rao giảng về Chúa Giêsu, song đổi lại, ông đã phải chịu bao nhiêu đau khổ vì những anh em đồng đạo, vì những kẻ đã thụ ơn ông gây ra, ông đã tâm sự: Có Thiên Chúa chứng giám: Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi khôn nguôi, vì anh em đồng bào đã gây ra cho tôi. Song Phaolô đã nhận ra rằng: Thiên Chúa là Đấng hiểu lòng ông và Ngài chứng giám cho sự nhiệt thành của ông và Ngài chính là nguồn an ủi cho ông.

Thánh Mátthew đã kể lại câu chuyện của Phêrô và các tông đồ đương đầu với sóng gió một mình. Câu chuyện này xảy ra sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người đàn ông ăn no và còn dư. Trong lúc các tông đồ như đang say mê trong thành công, trong sự nể phục của dân chúng, thì Chúa Giêsu đã làm các ông mất hứng khi Ngài bắt các ông phải xuống thuyền để qua bên kia bờ hồ. Lúc đó có lẽ các tông đồ cũng đang ảo tưởng vì nghĩ rằng các ông đã góp phần vào sự thành công này, thì giờ đây các ông phải xuống thuyền mà không có Chúa đi cùng.

Chính lúc các ông đang còn như tiếc nuối sự thành công, thì đêm tối đã bao phủ lấy thuyền của các ông, và sóng gió bắt đầu nổi lên. Tin Mừng cho thấy, con thuyền và các tông đồ đang chèo chống chính là hình ảnh của Giáo Hội, bóng đêm là những thế lực của thế gian và ma quỷ, sóng gió là những thử thách đang muốn nhấn chìm cả con thuyền của Giáo Hội. Qua chi tiết này kinh Thánh còn cho thấy rằng, một khi không có Chúa Giêsu trong tâm hồn, trong Giáo Hội, thì chắc chắn bóng tối của sự dữ sẽ xâm chiếm tâm hồn và xâm chiếm cả Giáo Hội.

Trong lúc các tông đồ đang phải đương đầu với sóng gió như thế, thì chính Chúa Giêsu đã xuất hiện. Tuy nhiên ngay đến các tông đồ là những người đã bao năm sống với Chúa, chứng kiến bao phép lạ Chúa làm, vậy mà vào lúc gặp sóng gió này, họ cũng không nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu. Khi thấy Ngài đi trên mặt nước mà đến với các ông, các ông hoảng sợ và nghĩ đó là ma. Trong lúc thấy học trò của mình hoảng loạn như thế, Chúa Giêsu đã trấn an các ông: Thầy đây, đừng sợ. Khi sự sợ hãi đi đến tuyệt vọng, thì dường như lời trấn an của Chúa Giêsu lúc đó đã không được các tông đồ đón nhận cách tin tưởng.

Chính vì chưa hoàn toàn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu, nên Simon Phêrô mới lên tiếng: Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Ngài. Một lời cầu xin trong hồ nghi! Với lời xin này, Phêrô như muốn đặt cho Chúa một điều kiện, mà là một điều kiện vượt khỏi lẽ thông thường, hay nói đúng hơn, Phêrô đang muốn thử thách sự hiện diện của Chúa, khi ông đòi đi trên mặt nước để đến cùng Chúa Giêsu.

Đòi đi trên mặt nước, là đòi hỏi một phép lạ, đòi được như Chúa,  tức là có thể giẫm đạp trên các sự dữ và thế lực của ma quỷ. Trước một đòi hỏi như thế, Chúa Giêsu vẫn chiều lòng Phêrô và ra lệnh cho ông bước trên mặt nước mà đến cùng Ngài. Tuy nhiên, Phêrô vẫn không đủ đức tin để hưởng đặc ân này, ông hồ nghi và đã để mình bị chìm trong sợ hãi. Nhưng rất may, trong lúc ông như bị chìm ngập trong sóng to gió lớn của thử thách như thế, ông vẫn còn tin vào sự hiện diện và lời mời gọi của Chúa Giêsu, vì thế ông đã kêu lên: Thầy ơi! Xin cứu con với! Thế là Chúa đã đưa tay ra kéo ông lên thuyền và sóng yên biển lặng. Điều đó cho thấy, dù trong hoàn cảnh dường như tăm tối không lối thoát, nếu chúng ta tin tường và kêu lên như Phêrô: Chúa ơi xin cứu con, thì Chúa sẽ đưa tay ra để đỡ chúng ta chỗi dậy.

Thưa quý OBACE, Trong cuộc sống đã nhiều lần chúng ta phải đương đầu với đau khổ, và cũng nhiều lần, những đau khổ ấy làm cho đức tin của chúng ta bị chao đảo, có những đau khổ và thử thách liên tục vùi dập khiến chúng ta có cảm tưởng như Thiên chúa đã không còn hiện diện. Đã nhiều lần chúng ta trách Thiên Chúa: Tại sao tôi vẫn đi nhà thờ vẫn đi lễ, tại sao tôi vẫn sống tốt, tôi có gian dối tội lỗi gì đâu mà Chúa lại để cho sự khốn khó xảy ra với gia đình tôi thế này? Có những lúc dường như ngã lòng, chúng ta còn đặt vấn đề Thiên Chúa ở đâu? Thiên Chúa có nhìn thấy tôi đau khổ không mà sao Ngài không ra tay cứu giúp tôi?

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài không bao giờ đứng ngoài sự đau khổ của chúng ta, và càng không bao giờ muốn chúng ta phải đau khổ thử thách. Tuy nhiên đau khổ sự dữ vẫn xảy ra là do ma quỷ, do con người đã lạm dụng tự do Chúa ban để rồi quay lại gây đau khổ cho anh em. Những lúc đau khổ như thế, Thiên Chúa vẫn đang ở bên ta, nhẹ nhàng như cơn gió chiều để an ủi đỡ nâng. Ngài hiện diện bên ta qua sự yêu thương của cha mẹ, qua sự nâng đỡ của người thân và của bạn bè, và nhất là Ngài đã cùng chung vai để chia sẻ gánh nặng của cuộc sống với chúng ta, và đã dám chấp nhận cái chết để cho chúng ta được sống và ban ơn trợ lực để chúng ta có thể đương đầu với sóng gió thử thách của cuộc đời.

Đừng bao giờ để cho cuộc đời chúng ta thiếu vắng Chúa, vì một khi thiếu vắng Chúa trong cuộc đời, thì sự dữ và ma quỷ sẽ xâm nhập và tấn công chúng ta. Những khi gặp thử thách đau khổ, đừng bao giờ chúng ta oán trách Chúa, vì qua những thử thách ấy chúng ta sẽ nhận ra được sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa và nhận ra bàn tay tình yêu của Ngài. Trong mọi thử thách của cuộc sống, đừng ngại kêu lên như Phêrô: Thầy ơi, cứu con với. Chúa sẽ đưa tay ra để kéo chúng ta lên và trả lại cho chúng ta sự bình an trong tâm hồn.

Thầy đây, đừng sợ! Đó chính là lời khích lệ an ủi cho chúng ta. Đừng bao giờ tuyệt vọng khi đối diện với đau khổ, cũng đừng tuyệt vọng về chính mình, vì cuối đường hầm tăm tối, luôn có một tia sáng hy vọng, giữa nhưng tăm tối của cuộc đời Thiên Chúa vẫn hiên diện, những lúc chán nản mệt mỏi muốn buông xuôi, hãy tin tưởng để nói với Chúa Giêsu rằng: Thầy ơi, xin cứu con, Chúa sẽ trả lời cho mỗi chúng ta: Thầy đây, đừng sợ.

Xin cho mỗi chúng ta dù trong mọi hoàn cảnh sóng gió của cuộc sống, xin cho chúng ta biết tin tưởng đưa tay ra để cho Chúa nâng chúng ta chỗi dậy, vì Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí