CN_5_PSBChúa Nhậ 5 Phục Sinh, Năm B

Ga 15: 1- 8

Cây nho là hình ảnh quen thuộc của người Dothái. Ngay từ xa xưa, nó đã đi vào văn chương và thực tế đời sống của người DoThái. Chẳng hạn, Thời dòng họ Macabê, thế kỷ thứ hai trước công nguyên, bắt đầu có việc sử dụng hình ảnh cây nho trên các đồng tiền Do thái.

Josephus, một sử gia nổi tiếng người Dothái đã được trao nhiệm vụ viết sử Dothái cho người Rôma, đã viết rằng vua Hêrôđê cho gắn một cây nho làm bằng vàng trên cửa vào đền thờ ông đã xây (Antiquities, 15.395).

Vì phổ biến như thế, đi trên đường phố Giêrusalem, Giêrikhô, Galilê, người ta gặp hết vườn nho này tới vườn nho khác. Vườn nho, do đó trở thành phổ biến và quen thuộc.

Hình ảnh cây nho có nhiều ý nghĩa:

- Từ bao thế kỷ, cây nho hoặc vườn nho đã được áp dụng vào mọi lãnh vực của Ítraen. Nhưng trong Kinh Thánh Cựu Ước, cây nho, vườn nho nói lên một quốc gia bất trung với Thiên Chúa và không sinh hoa trái trong sứ mệnh làm Dân Chúa của họ. Thí dụ: “... Ta đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hóa thành những cây nho tạp chủng?” (Gr 2, 21)…

- Hình ảnh cây nho đề cao lòng trung thành của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Cây nho là chính Chúa Cha. Cành nho là Chúa Giêsu. Tình yêu giữa Ngôi Cha và Ngôi Con lưu chuyển mãi, luôn phong phú, luôn đầy ắp, luôn căng tràn sức sống, luôn lớn mạnh. Thiên Chúa và Chúa Giêsu là cây nho kiểu mẫu cho mọi người chúng ta về lòng trung thành.

- Nhưng hình ảnh cây nho còn được áp dụng rộng hơn: Chính Chúa Giêsu khẳng định: Chúa Giêsu là cây nho, các môn đệ Người là cành nho. Qua lối diễn tả cành nho gắn vào thân nho, Chúa Giêsu nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa chúng ta với chính Chúa Giêsu. Cũng bằng hình ảnh ấy, Chúa diễn tả sống động sự thân mật giữa Chúa với ta.

Dù vậy, Kitô hữu hãy nhớ: Dân Israel đã bất trung. Họ bị Thiên Chúa xét xử vì đã không sinh hoa trái. Họ đã không hoàn thành nhiệm vụ của một dân tộc mang ơn cứu độ.

Và chúng ta, tương tự như người Israel, với sự bất trung, sự phạm tội, sự sống tự do theo kiểu buông thả của mình, chúng ta cũng sẽ trở thành cành nho vô ích, phải cắt bỏ đi.

Để giữ mãi sự hiệp thông trong Chúa Giêsu, chúng ta hãy mang lấy chính lòng trung thành của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Hãy tháp nhập vào Chúa Giêsu bằng lòng tín thác, tin tưởng, yêu mến, trung thành…, để cùng được là cành trên cây – nho – Thiên – Chúa.

Hãy nhớ, cây và cành cùng sẻ chia một dòng nhựa sống: Kitô hữu không chỉ sống với Chúa Giêsu, sống như Chúa Giêsu, sống cho Chúa Giêsu, mà còn sống trong Chúa Giêsu, sống chính sự sống của Chúa Giêsu phục sinh.

Mà Chúa Giêsu nên một trong Thiên Chúa, nên gắn chặt vào Chúa Giêsu, cũng là tháp nhập làm một cùng Thiên Chúa.

Nếu không sống trong Chúa Giêsu, ta cũng sẽ như dân tộc Dothái bất trung: mang danh Kitô hữu, nhưng không thực sự là Kitô hữu, không xứng đáng sống trên cây – nho – Thiên – Chúa. Một khi ta không còn xứng đáng gắn vào Thiên Chúa, không còn khả năng sinh trái, “thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ héo khô”.

Sống trong Chúa Giêsu, chúng ta sẽ tự nguyện mang lấy tình yêu của Chúa, hy sinh như Chúa, đặt quyền lợi của người khác bên trên bản thân mình.

Như một bằng chứng cho việc gắn mình vào cây – nho – Thiên – Chúa, chúng ta nói đến biến cố khủng bố kinh hoàng của nước Mỹ và tấm gương một linh mục đã khắc sâu trong tâm khảm của lòng biết ơn, mà nhiều người, nhiều phương tiện truyền thông nhắc đi, nhắc lại…

Cuộc khủng bố đã tàn sát trên ba ngàn con người, mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại, và ghi đậm nét hãi hùng trong lòng dạ mọi người trên khắp thế giới.

Bên cạnh những cái chết và những thương tích quằng quại tan thương, là hình ảnh đẹp vô song của những tấm gương dũng cảm. Đó là những con người dám băng mình đương đầu với cái chết vì người khác.

Giữa những đổ nát, vụn vỡ và cát bụi, trổ sinh những bông hoa của hy sinh sự sống. Trong thân phận bụi tro, con người phải trở về tro bụi. Nhưng bên kia tro bụi là sự sống mà sự hiến thân vô vị lợi làm cho trở nên vĩnh cửu...

Một bản tin trên internet ghi rằng: Trong mười một mẫu gương phục vụ nổi tiếng nhất của Hội Thánh Công giáo năm 2001, tạp chí “Inside Vatican” (Bên Trong Ðiện Vatican), đã đề cao cha Micheal Giorgie, dòng Phanxicô, vị linh mục tuyên úy của Ðội Cứu Hỏa, đã hy sinh trong khi cấp cứu các nạn nhân cuộc khủng bố ngày 11.09.2001 tại New York, Hoa Kỳ.

Cha Giorgie sinh ra trong một gia đình di dân gốc Ái Nhĩ Lan. Là thành viên của đội cứu hỏa New York, cha săn sóc tinh thần cho các nhân viên cứu hỏa. Một trong những nhiệm vụ của cha là an ủi và nâng đỡ tinh thần cho các gia đình của những nhân viên qua đời.

Nhưng hơn cả sự an ủi và nâng đỡ các nhân viên cứu hỏa, tất cả những ai quen biết cha đều nhắc đến việc cha chia sớt tiền của cho những người vô gia cư. Và các bạn của cha sẽ không bao giờ quên được hình ảnh cha ngồi cạnh giường bệnh của các em bé…

Người ta lại càng thấy rõ tấm gương hy sinh quảng đại ấy chiếu sáng trong khi cấp cứu các nạn nhân của cuộc khủng bố.

Khi những nhân viên cứu hỏa ùa vào trong tòa nhà thương mại thế giới đang bốc cháy để tìm cứu các nạn nhân, họ biết rõ mình đang đương đầu với chính cái chết.

Vì là tuyên úy của lính cứu hỏa, cha Giorgie cùng các anh em cứu hỏa len lỏi vào tòa nhà đang đổ thi hành phận vụ. Cha ban bí tích xức dầu bệnh nhân cho những người hấp hối. Là người của đức tin, cha tin ơn cứu rỗi muôn đời, và cha đã hy sinh mạng sống để mang lại ơn cứu rỗi ấy cho những ai đang đối diện với sự chết…

Vị linh mục tạm tháo bỏ chiếc mũ bảo vệ đội trên đầu để cử hành nghi thức cuối cùng cho anh lính cứu hỏa bị người phụ nữ từ trên một cửa sổ của toà nhà nhảy xuống đè chết. Trong khi đang cử hành nghi thức, cha bị một khối gạch rơi trúng đầu. Cha chết tại chỗ.

Cha Micheal Giorgie trả giá cho một đời hiến thân làm linh mục, là chính sự sống. Cha hy sinh mạng sống cho các nhân viên mà cha hằng yêu thương và gọi họ là con cái của mình.

Năm người lính cứu hỏa mang cha vào một nhà thờ gần đó. Họ đặt cha dưới bàn thờ trong y phục của người lính cứu hỏa. Họ khóc cha. Nhưng không thể ở bên cha lâu hơn. Họ nhanh chóng về lại hiện trường, trở về nhiệm vụ để cứu những nạn nhân khác. Giấy chứng tử của cha mang số 1, bởi thi thể của cha là thi thể đầu tiên được mang ra khỏi nơi đổ nát…

Cho đến nay, không chỉ tại New York, mà khắp nơi trên thế giới, người ta nói, cha phải là người chết số một, bởi cha đã hướng dẫn bao nhiêu người khác vào cửa thiên đàng…

Vậy, chúng ta hãy mau đến cùng Chúa Giêsu. Hãy để linh hồn mình, để đời mình gắn liền, gắn chặt vào Chúa Giêsu. Chỉ như thế, chúng ta, những cành nho trong Chúa, mới sinh nhiều hoa trái.

Hãy để sức sống của Chúa Giêsu, cây nho đích thực tuôn trào đến từng cành nho là mỗi chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ luôn luôn xanh tốt, luôn luôn căng tràn nhựa sống.

Bởi chỉ có gắn chặt vào Chúa, đời người Kitô mới thực là kẻ sống trong ơn Chúa, sống nhờ chính sự cứu độ của Chúa, làm phát sinh nhiều lợi lộc cho cuộc đời và cho con người, mới đạt tới sự cứu độ đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết luôn không ngừng vươn lên, trở thành cành nho xanh tươi trong Chúa. Xin cho chúng con biết tận dụng ơn Chúa ban, để tự thánh hóa mình, tự làm cho cuộc đời mình mãi đẹp, mãi gắn chặt vào Chúa, mãi được hiệp nhất trong Chúa. Amen.

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng