Chúa Nhật Phục Sinh, Năm B

Ga 20: 1-9

Vâng! Kính thưa quý vị, đây không phải là lời của người ta, mà là Lời của Kinh Thánh. Kinh Thánh là dòng chảy của lịch sử thuộc về Thiên Chúa. Nên chi, dù tin hay không Kinh Thánh vẫn thuộc về Thiên Chúa. Đó là chân lý.

Đây là chóp đỉnh của lịch sử ơn cứu độ và là chóp đỉnh của Đức Tin. Ngôi Mộ trống, cả bốn Tin Mừng đều ghi là “Ngôi Mộ Trống”. Mầu nhiệm Tử Nạn, thì người ta được mục kích rõ ràng, nhưng mầu nhiệm phục sinh thì không ai được nhìn thấy, kể cả các môn đệ. Điều nầy nói lên điều gì, thưa quý vị?

Thưa nói lên rằng: Khi Đức Kitô từ cõi chết sống lại, thì Người không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì thuộc về trần thế. Đồng thời nói rõ, Người là Thiên Chúa Hằng Hữu. Người không lệ thuộc vào không gian và thời gian, con người và lịch sử, không một thế lực nào không chế được Người. Nói lên, phần Thiên tính của Người là vô biên. Chúng ta thấy biên giới giữa cái chết và sự sống thật gần gũi đối với mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Tam Nhật Tuần Thánh là giai đoạn đau khổ tột đỉnh của mầu nhiệm Vượt Qua, đưa Con Người vào cái chết bi thương. Có thể nói, không ai là không hãi hùng đối với cuộc Tử Nạn của Đấng Cứu Thế, một người bình thường không thể chịu đựng nỗi sự đau khổ cùng cực và thể xác đau đớn đến khiếp đảm như cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu. Sự cứu chuộc của Người vượt quá sự chịu đựng của một con người. Vì vậy có thể nói dù Đấng Cứu Thế chịu đựng bởi phần nhân tính của Người, nhưng trong kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa, Người mới có thể hoàn tất.

Biết bao cuộc suy niệm, biết bao lời dẫn chứng, cùng biết bao sách vở nói về cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu, nhưng không ai có thể cảm nghiệm hoàn toàn đủ về cuộc khổ nạn của Người, nhất là trong những giây phút hoàn toàn bi thương nhất.

Vì vậy, để đối nghịch lại với cuộc thương khó, sự Phục Sinh của Người hoàn toàn là một mầu nhiệm của sự chiến thắng, hai mầu nhiệm của cùng một Đấng Cứu Thế, nhưng hoàn toàn phản diện nhau. Như vậy giá trị của đau khổ không phải là đau khổ mà là vượt qua đau khổ. Hiển nhiên bên kia của đau khổ là vinh quang, nhưng sự đau khổ của Con Thiên Chúa là sự đau khổ vinh quang, giá trị đau khồ mà Chúa Giêsu đã thực hiện là giá trị của Hy Lễ dâng lên Thiên Chúa Cha khác với giá trị đau khổ của phàm nhân. Vì vậy, người mang đau khổ vì Hy lễ thì khác với người mang đau khổ không có giá trị hy lễ.Như vậy, con người thì phải chết, nhưng Con Thiên Chúa thì Phục Sinh. Đó là niềm tin và hy vọng tuyệt đối cho những ai được xưng danh Kitô hữu đến giây phút cuối cùng.

Đoạn Tinh Mừng (Ga 20,1-9) hôm nay, cũng như (Lc 24,1-12), hay (Mc 16,1-8), (Mt 28,1-8) tường thuật cùng một sự kiện là “Mồ Trống”. Như vậy, sự Phục Sinh của Chúa Giêsu chỉ cho thấy là mồ trống. Còn những yếu tố khác hiển nhiên là không ai thấy được. Điều nầy có nghĩa là khi đã hoàn tất cuộc khổ nạn. Con Thiên Chúa không còn giới hạn trong nhân tính của Người, cũng như mầu nhiệm Phục Sinh không mặc khải như mầu nhiệm Tử Nạn. Chúa Giêsu không còn là Người, nghĩa là nhân tính của Người bây giờ là siêu nhiên trong sự Hữu Hình. Phần nhân tính đã ở lại trong Phép Thánh Thể mà Người đã thiết lập ngày thứ năm Tuần Thánh. Như vậy, sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là sự kiện mồ trống, không dừng lại ở yếu tố nầy, mà là hàng loạt cuộc hiện ra với các môn đệ, mà đặc biệt chỉ có Thánh Luca ghi lại “trên đường Emau” (Lc 24, 13-35). Còn thánh Gioan thì ghi lại ba lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, sau khi Người từ cõi chết trỗi dậy. Rõ ràng sự kiện Phục Sinh không dừng lại ở đoạn Tin Mừng hôm nay, mà liên kết những lần hiện ra sau Phục Sinh, vì vậy, Lễ Phục Sinh không phải chỉ Mừng Kính Trọng Thể một ngày, mà là Lễ Phục Sinh với tuần Bát Nhật Phục Sinh, và một mùa Phục Sinh.

Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể vũ trụ đều nhảy mừng, đồng thời cả Triều Thần Thiên Quốc cùng nhau chúc tụng tung hô rằng: Thánh! Thánh! Thánh!

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, Chúa đã sống lại thật! Alleluja! Người đã sống lại thật như Lời đã phán hứa. Alleluja! Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Alleluja!

Phêrô Trần Đình Phan Tiến

Trích từ ‘Bước Theo’