CN_3_MC_CChúa Nhật 3 Mùa Chay, Năm C

Lc 13,1-9

Chúng ta đang sống trong Mùa Chay là mùa nhắc nhở, kêu gọi ăn năn sám hối và sửa đổi đời sống, vì thế, bài Tin Mừng hôm nay cũng nằm trong ý hướng đó, gồm hai câu chuyện thời sự và một dụ ngôn. Chúa Giê-su đã dùng hai mẩu thời sự này để dạy bài học phải khẩn trương sám hối, rồi Chúa kể dụ ngôn cây vả để củng cố bài học đó.

Hai câu chuyện thời sự : người ta kể cho Chúa câu chuyện mới xảy ra tại Giê-ru-sa-lem : một nhóm người xứ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem tế lễ đã bị tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh tàn sát ngay lúc họ đang dâng của lễ. Có lẽ đây là một nhóm người quá khích tranh đấu cho một nước Do Thái độc lập, thoát ách ngoại bang Rô-ma bằng phong trào “cứu thế” chống đế quốc ngay tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Vì tổng trấn có trách nhiệm với Rô-ma nên đã thẳng tay tiêu diệt nhóm nổi loạn, ông ra lệnh sát hại họ và lấy máu của họ hòa trộn với máu các con vật được dùng làm của lễ rồi đem tế thần.

Khi nghe câu chuyện này, Chúa Giê-su hiểu ý của người Do Thái muốn nói gì với Chúa, họ muốn Chúa đồng tình với họ để phản đối Phi-la-tô và chính quyền đế quốc. Nhưng Chúa không làm như vậy, Ngài đã dựa vào quan điểm thông thường của dân chúng để đưa ra suy nghĩ của Ngài về biến cố này. Thông thường người ta cho rằng : những người bị chết thảm thương như thế là những người có tội nặng bị Thiên Chúa trừng phạt. Chúa mời gọi người ta thay đổi lối nhìn đó : đừng nghĩ họ là những người tội lỗi nhất, đừng làm khách bàng quan mà bình luận về biến cố ấy, nhưng hãy nghĩ về bản thân mình, vì mình cũng là những người tội lỗi, vậy hãy lo mà ăn năn sám hối.

Rồi nhân câu chuyện này, Chúa nhắc tới một câu chuyện thời sự khác mà chắc là những người nghe Ngài đều đã biết, đó là vụ 18 người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết. Chúa bảo những người đó không phải là những người tội lỗi nhất trong thành Giê-ru-sa-lem, rồi Chúa bảo những người đang nghe Ngài : nếu các ông không ăn năn sám hối thì các ông cũng sẽ chết y như vậy. Chúng ta thấy câu chuyện này cũng được trình bày theo cùng một sơ đồ như câu chuyện trước, và cũng kết luận giống y như nhau. Quan niệm của Do Thái cho rằng : có tội là có hình phạt, Thiên Chúa phạt người có tội để ngăn ngừa kẻ lành. Chúa Giê-su đã sửa sai quan niệm này, tất nhiên Chúa không chối có thể có một tương quan giữa tội lỗi và hình phạt, có thể Thiên Chúa phạt kẻ dữ ngay ở đời này, nhưng không phải luôn luôn như thế, bởi vì những điều dữ xảy đến không nhất thiết là hình phạt mà còn có thể là phần thưởng, một thử thách có lợi, một dịp để tinh luyện nết xấu và tăng cường nhân đức. Tóm lại, Chúa Giê-su đã dùng hai mẩu thời sự này để mời gọi mọi người hãy lo sám hối.

Sau đó, Chúa kể dụ ngôn cây vả. Chúng ta biết cây vả là một loại cây ăn trái rất phổ thông tại thánh địa như cây chuối ở nước ta. Cây vả dễ trồng và mau có trái, người ta trồng nó ở bất cứ một góc đất trống nào, nhất là trong vườn nho; trái vả tương tự trái sung, nhưng to hơn và ngon hơn, ăn ngọt và dùng làm bánh ga-tô. Kinh Thánh thường dùng cây vả để ám chỉ về dân Do Thái. Trong dụ ngôn này Chúa Giê-su dùng hình ảnh cây vả để khích lệ người Do Thái ăn năn hối cải. Họ được ví như cây vả lâu ngày không sinh trái, nên Thiên Chúa định chặt đi, nhưng người làm vườn là Chúa Giê-su xin khất một hạn kỳ, nhưng họ vẫn cứng lòng, cuối cùng Thiên Chúa đã ra tay. 40 năm sau lời Chúa Giê-su nói dụ ngôn này, thủ đô Giê-ru-sa-lem bị thất thủ và bị tàn phá tan hoang, còn dân Do Thái phải bị lưu đầy khắp nơi.

Đọc dụ ngôn này chúng ta thấy hai đặc tính của Thiên Chúa như trái ngược nhau : Thiên Chúa từ bi thương xót nhưng cũng công bình chính trực : Thiên Chúa công bình vì bản tính của Ngài là chân thật, Ngài không chấp nhận một điều gì sai trái, phản nghịch với bản tính của Ngài, Ngài không thể dung túng tội lỗi, Ngài không thể im lặng cho tội lỗi gia tăng, như Chúa nói : “Cây nào Cha Ta không trồng, phải chặt phứt đi”, “Cây nào không sinh hoa trái tốt lành, sẽ bị chặt quăng vào lửa”. Nhưng đồng thời Thiên Chúa từ bi hay thương xót đối với các tội nhân, Ngài kiên trì chờ đợi tội nhân đến phút chót, Ngài thông cảm tha thứ cho những yếu đuối của con người.

Qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta điều gì ? Trước hết, Chúa dạy chúng ta phải có một thái độ đúng đắn, một cái nhìn đức tin qua mọi biến cố, như tai nạn, tai họa, chiến tranh, đói kém, bệnh tật thất bại… trước những sự kiện đó, chúng ta phải hết lòng khiêm nhường tôn kính ý định của thiên Chúa, chúng ta phải vâng phục thánh ý của Ngài. Thay vì phán đoán phiếm diện vội vã rồi lên án, kết án hoặc kêu trách, phẫn nộ thì chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta biết mở con mắt đức tin mà đọc ra bài học Chúa muốn dạy, chúng ta phải tin chắc rằng Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, Ngài không bắt chúng ta phải chịu sự khó quá đáng, Ngài không bắt chúng ta phải chịu một tai họa như thế nếu không trông được nhiều lợi ích thiêng liêng.

Thật ra có nhiều linh hồn được cứu rỗi nhờ những cái mà chúng ta cho là hình phạt, bao nhiêu người đã trở về với Chúa qua những gian nan thử thách. Chúng ta phải nắm chắc tư tưởng này là Thiên Chúa cầm cân nảy mực tất cả, một sợi tóc trên đầu rụng đi còn được Thiên Chúa biết đến, nghĩa là Thiên Chúa lo lắng cho từng chi tiết của đời chúng ta, vấn đề là chúng ta có bằng lòng để Thiên Chúa can thiệp vào từng chi tiết đời sống chúng ta hay không ? Thiên Chúa rất có thể che chở chúng ta khỏi một tai họa trong khi những người khác mắc phải, và ngược lại, có những trường hợp chỉ có một mình chúng ta gánh chịu trong khi mọi người an bình. Cho nên, điều chúng ta cần có là trao phó tất cả cho Thiên Chúa, phần chúng ta xin được chịu đựng cho nên, xin được sống đẹp lòng Chúa trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.

Đàng khác, mỗi người tín hữu là một cây vả Chúa trồng ở trần gian, trong một không gian, thời gian và hoàn cảnh khác nhau. Từ khi được tái sinh trong phép rửa tội cho đến khi nhắm mắt thở hơi cuối cùng, chúng ta đã nhận dược biết bao ơn lộc của Chúa, chúng ta đã lãnh nhận nhưng không thì phải cho nhưng không. Cho đi không những bằng ước muốn, bằng lời nói, mà còn bằng việc làm. Việc làm chứng minh cho tấm lòng, việc làm tốt chứng minh cho một tấm lòng tốt. Nhìn quả biết cây, cây tốt sinh trái tốt, trái cây tốt thì không bao giờ đủ cho người dùng. Cũng thế, không bao giờ Thiên Chúa lại cho rằng Ngài đã ban đủ cho chúng ta, và không bao giờ chúng ta làm đủ cho Ngài. Tình yêu không bao giờ có thể nói là đủ được. Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta làm hết mức, làm tối đa cho Ngài, ít nhất phải có tối thiểu, đó là một đời sống trong sạch, chứ đừng như cây vả không có trái, và giả như chúng ta đang trong tình trạng này thì chúng ta hãy nghe lời Chúa dạy hôm nay mà ăn năn sám hối, Thiên Chúa luôn luôn gia hạn cho chúng ta, Ngài luôn luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài.

Vì thế, chúng ta hãy nhớ : chúng ta yếu đuối, nhưng Thiên Chúa không yếu đuối; chúng ta yếu đuối, nhưng tội lỗi không phải là một định mệnh, chúng ta có đủ tự do và nghị lực để thắng sự xấu nếu chúng ta biết quyết tâm phấn đấu. Đàng khác, mỗi người chúng ta đều có thể phải đối diện với Đấng phán xét bất cứ lúc nào, bởi vậy, ngày nào, giờ nào cũng mang tính khẩn trương, vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng.

Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP