PhucSinh6-CChúa Nhậ 6 Phục Sinh, Năm C

Ga 14:23-29

Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 14, 23-29) nằm trong bối cảnh của nỗi bất an, lo sợ. Đây là thời gian diễn ra bữa tiệc biệt ly của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người. Chúa Giêsu chuẩn bị bước vào cuộc tử nạn. Chúa cũng đã nhìn thấy sự hoang mang, dao động hiện trên khuôn mặt của những người theo Chúa.

Giữa lúc sợ hãi và u sầu bao trùm tâm tư mọi người hiện diện, thì lời an ủi của Chúa lại là lời chúc bình an: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.

“Bình an của Thầy” ư? Bình an của Thầy là bình an như thế nào? Sao lại “không như thế gian ban tặng”? Đã gọi là bình an sao còn phân biệt “của Thầy”, “của thế gian”? Thốt lên lời trao ban bình an giữa lúc bất an nhất, xáo trộn nhất, hình như lời Chúa Giêsu trở thành lời không thích hợp trong lúc ấy?

Trước khi tiếp tục suy nghĩ, chúng ta cần khẳng định dứt khoát rằng, Lời Chúa là Lời chân lý. Vì thế, bình an mà Người trao ban là chính bình an của Đấng Cứu Độ ban tặng người trần thế.

Trong Thánh Kinh, bình an (salom) không có nghĩa là thoát ly khỏi mọi đớn đau, lo sợ. Nói đến bình an, chúng ta hay nghĩ, đó là cuộc sống thoải mái, không đụng chạm rắc rối hay đối đầu với đau khổ. Bình an mà Chúa muốn nói không như thế. Đúng hơn, đó là bình an mà thế gian phải tìm tòi. Thực tế, bình an của thế gian thường là thứ bình an do tránh né đương đầu với khó khăn, do chạy trốn những bất ổn mua lấy sự yên thân hơn là tạo được một tâm hồn bình an. Bình an đó không bền vững, nhưng chóng vánh. Chỉ có bình an thật sự trong tâm hồn mới là bình an cần thiết cho cuộc đời chúng ta. Bình an mà Chúa ban cho chúng ta là bình an chiến thắng của nội tâm con người. Nó là kết quả của bao nhiêu cam go, dằn vặt, chấp nhận, và chịu đựng mới có thể có được. Một khi đã có được tâm hồn bình an, không có bất cứ một hoàn cảnh nào của cuộc sống trần thế có thể cướp mất được. Bình an của tâm hồn hoàn toàn độc lập với mọi hoàn cảnh bên ngoài. Giữa lúc môn đệ rơi vào bi quan nhất, giữa lúc các ông sắp phải đối diện với những mất mát tận cùng, Chúa ban ơn bình an của tâm hồn để các ông đủ can đảm mà chiến thắng. Ơn bình an này cần thiết biết bao nhiêu cho đoàn môn đệ của Chúa. “Bình an của Thầy” là như thế. Bình an ấy không thể nào thế gian có thể có được để mà ban tặng.

Chính cái chết thập giá của Chúa nói lên tất cả ý nghĩa nội tâm của một tâm hồn bình an. Cái chết ấy bày ra trước mắt ta một nghịch lý thật lớn: Bởi nhìn bên ngoài, Chúa bị hành hạ, bị đánh đập, bị lột trần, bị đóng đinh, bị sỉ nhục cách tàn bạo và cái chết đang treo trước mắt…, làm sao một con người như thế lại có bình an? Còn những kẻ hả hê, những kẻ chủ mưu của tội ác giết người, những kẻ xem ra chiến thắng vì đã hoàn tất cuộc loại trừ dành cho Giêsu, chắc chắn phải là những kẻ cảm thấy bình an hơn ai hết? Bởi loại trừ được Giêsu, là loại trừ thành công một con người đã làm cho họ mất ăn, mất ngủ bao nhiêu năm tháng. Loại trừ Giêsu là loại trừ thành công một con người đã lấy mất ảnh hưởng của họ nơi dân chúng vì phép lạ, vì giáo lý, vì lời giảng dạy, vì lối sống… của Người.

Nhưng đó là cái nhìn bên ngoài. Suy niệm thật thấu đáo về cái chết của Chúa Giêsu, ta thấy hoàn toàn ngược lại. Chính kẻ tấn công Chúa mới không một chút bình an. Họ liên tục sợ dân chúng gây áp lực, gây khó dễ, vì họ giết một người mà toàn dân mến mộ. Họ phải nhiều lần nặn đầu óc để tìm kế sách gài bẫy, sát hại Chúa Giêsu. Đến khi họ trút tất cả nỗi căm thù lên bàn tay vấy máu của mình để hoàn tất cuộc sát hại rồi, họ vẫn cứ hoang mang vì đã giết chết một người vô tội. Họ càng hoang mang vì đã giết chết Đấng đã từng xưng mình là Con Thiên Chúa. Nhiều người trong họ đã phải buộc miệng thốt lên: “Người này thật là Con Thiên Chúa”.

Còn Chúa Giêsu, dù bị giết chết ô nhục, vẫn là người chan chứa bình an trong tâm hồn. Bình an của Chúa là bình an của Đấng đã hoàn thành thánh ý Chúa Cha. Chúa đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự dữ và trao ban ơn cứu độ cho trần gian. Chúa biết rõ, Chúa chết vì ai, chết cho ai, ích lợi do cái chết của Người mang lại cho trần thế lớn như thế nào. Chúa biết rõ, cái chết của Chúa không vô nghĩa. Cái chết ấy sẽ là cái chết làm vang lên tiếng yêu thương trên khắp trần thế qua mọi thế hệ. Tâm hồn Chúa bình an cho đến độ, trên thập giá đớn đau, giữa đám đông hầm hầm sát khí, Chúa vẫn cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ giết Chúa. Chúa thanh thản trối phú thánh Gioan cho Đức Mẹ, bình tĩnh trao linh hồn trong tay Chúa Cha và nhẹ nhàn nói lời hoàn tất rồi trút hơi thở trong bình an sâu lắng. Bình an trong nội tâm của Chúa Giêsu là bình an của sự tự nguyện hiến dâng mạng sống mình: “Không ai cất mạng sống Ta được nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta, Ta có quyền thí mạng sống Ta và Ta cũng có quyền lấy lại, đó là lệnh truyền Ta đã lĩnh nơi Cha Ta” (Ga 10, 18).

Chính Chúa là nguồn bình an. Vì thế, Người cũng là Đấng ban phát bình an. Chúa biết các môn đệ yếu đuối, mỏng dòn. Chúa biết các môn đệ sẽ vấp ngã vì Chúa. Chúa biết các ông cần bình an của Chúa. Trong giờ phút thử thách nhất của các môn đệ, Chúa ban bình an của Chúa cho các ông, giúp các ông vững vàng mạnh mẽ mà vượt qua. Lãnh lấy bình an của Chúa, các môn đệ dần dà củng cố đời sống của mình. Nhất là sau khi Chúa về trời, các ông đã can đảm thật sự, trưởng thành thật sự. Các ông bất chấp mọi bắt bớ, mọi thù hận và giết chóc. Các ông lao mình về phía trước, để nên giống Chúa Giêsu, các ông trở thành nguồn bình an và trao ban bình an tâm hồn cho con người trên khắp thế giới.

Chúng ta cũng hãy tiếp nối bước chân các tông đồ, lãnh nhận bình an của Chúa, để tâm hồn mãi mãi thuộc về Chúa. Khi đã có một tâm hồn bình an, chúng ta cũng sẽ trở thành nguồn bình an cho muôn người như Chúa và như các tông đồ.

Lm JB Nguyễn Minh Hùng