CN_24CChúa Nhật 24 Thường Niên, Năm C

Lc 15:1-32

Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại ba dụ ngôn: - người chăn chiên đi tìm con chiên lạc. Người đàn bà tìm đồng tiền mất. Và người cha nhân hậu đón nhận đứa con phung phá trở về. Ba dụ ngôn đó nội dung khác nhau nhưng đều quy về một đề tài là: lòng thương xót bao la của Thiên Chúa đối với con người có tội.

Ta có thể nói, toàn bộ Thánh Kinh, Cựu ước cũng như Tân Ước chứng minh rằng: Thiên Chúa hằng đi tìm và kêu gọi kẻ có tội, Thiên Chúa nhẫn nại chờ đợi họ quay về và vui mừng đón nhận khi họ quay trở lại.

Trước hết Thiên Chúa đi tìm và kêu gọi kẻ có tội.

Tất cả lịch sử cứu độ, Cựu ước cũng như Tân ước cho ta thấy: Thiên Chúa hằng làm mọi cách để đưa con người tội lỗi trở về, bằng sự ngăm đe, bằng lời hứa hẹn, bằng tiếng kêu gọi, bằng những cử chỉ ưu ái, những phép lạ vĩ đại, những hình phạt nặng nề, những lần xuất hiện uy linh, bằng sai các vị tiên tri khuyến cáo, và sau cùng bằng sai chính Con Ngài xuống trần gian chịu chết trên thập giá để cứu chuộc kẻ có tội.

Trong vườn địa đàng, Thiên Chúa đã đích thân đi tìm con người lẩn trốn và Ngài đã lên tiếng kêu gọi: “Ngươi ở đâu?”. Đây là tiếng gọi đầu tiên trong muôn vàn tiếng gọi. Về sau Thiên Chúa thôi thúc con người, kêu gọi trong oán trách như một người tình bị phụ bạc, kêu gọi trong đau buồn như người mẹ xót thương con. Những lời kêu gọi đó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần qua miệng các tiên tri. Thí dụ, qua tiên tri Ô-zê Chúa phán như sau: “Khi Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương chúng, và từ nước Ai-cập Ta đã gọi con Ta về. Nhưng khi kẻ khác gọi chúng, chúng liền bỏ Ta. Chúng đã đốt lễ vật dâng kính các thần tượng. Dù thế, chính Ta đã tập cho chúng bước đi, Ta đã bồng bế chúng trên cánh tay Ta, nhưng chúng nào biết rằng mình được chăm sóc. Chúng đã từ chối không trở lại cùng Ta. Vì thế, lưỡi gươm sẽ vung lên trong thành của chúng và tiêu diệt đồn luỹ của chúng”.

Lời Thiên Chúa kêu gọi con người tội lỗi ăn năn trở về, lời kêu gọi đó luôn được nhắc đi nhắc lại trong Cựu ước và đã tiếp tục vang lên một cách mạnh mẽ trong Tân ước qua những lời giảng dạy, qua cuộc đời của Đức Giêsu nhất là qua cái chết của Người trên thập giá.

Trong những năm giảng Đạo, Chúa không quản ngại hy sinh thời giờ sức lực và cả danh dự để đi tìm kẻ có tội, gần gũi họ, ngồi ăn đồng bàn với họ, tha thứ và cứu giúp họ, thái độ đó đã làm cho người Biệt phái bất bình, phản đối. Họ gọi Chúa là bạn bè với những người thu thuế và tội lỗi. Nhưng Chúa cương quyết trả lời: không phải những người khoẻ mạnh cần đến thầy thuốc nhưng là những người đau yếu. Ta đến không để kêu gọi người công chính, mà kêu gọi người tội lỗi. Con Người đến tìm và cứu vớt những gì đã hư mất.

Không những Thiên Chúa đi tìm và kêu gọi người có tội trở về mà Ngài còn chờ đợi một cách kiên nhẫn không biết mệt mỏi như người cha hằng ngày ra đứng cửa trông đợi đứa con phung phá trở về. Thánh Augustinô nói: Biết bao kẻ mê ngủ trong tội lỗi nhiều tháng nhiều năm. Họ còn khoe khoang về những tội ác của họ, thế mà Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Thánh nhân tiếp: “Lạy Chúa, chúng con khiêu khích cơn thịnh nộ Chúa, còn Chúa thì lại đưa chúng con tới lòng thương xót của Người”.

Trong cuộc đời, có khi chúng ta thắc mắc vì thấy người nọ người kia quá gian ác mà Thiên Chúa không phạt nó chết đi, để nó làm khổ người khác, làm khổ những người vô tội. Chúng ta thắc mắc như vậy vì không hiểu  lòng Thiên Chúa. Cũng như một ông bố trong gia đình có đứa con hư không ai chịu nổi muốn tống cổ nó ra khỏi nhà, thế mà ông bố kia vẫn kiên nhẫn chịu đựng chỉ vì nó là con mình và mình đã sinh ra nó. Thiên Chúa cũng kiên nhẫn chờ đợi kẻ có tội chỉ vì Ngài là Cha nhân lành đã sinh ra nó, đã cứu chuộc nó bằng giá Máu cực trọng Con Ngài, có thế thôi.

Thiên Chúa đi tìm và kêu gọi kẻ có tội, Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi nó hối cải, hơn nữa Ngài còn vui mừng đón nhận nó khi trở về. Dụ ngôn người đàn bà tìm thấy đồng tiền mất, người chăn chiên tìm thấy con chiên lạc và ông bố gia đình đón nhận người con phung phá trở về, cả ba dụ ngôn đó chứng minh như vậy.

Người đàn bà tìm thấy đồng tiền mất, mời chị em bạn bè đến chia vui. Người chăn chiên tìm thấy con chiên lạc không hắt hủi đánh đập nó vì đã làm cho ông mất bao thì giờ, hao tốn sức lực và liều để 99 con khác ở một nơi. Trái lại,ông vui mừng sung sướng âu yếm vuốt ve nó, ôm nó lên ngực, vác nó trên vai đem về nhà mời chúng bạn đến chia vui với mình. Cũng thế, người bố trong gia đình, khi thấy đứa con phung phá trở về, ông không hề xua đuổi trách mắng vì nó bỏ nhà ra đi, phụ bạc tình cha, phung phí tài sản, ăn chơi truỵ lạc, bôi nhọ danh dự gia đình… không, ông không hề trách mắng, mà trái lại, khi nó ở đàng xa ông đã vội vã chạy ra ôm choàng lấy nó mà hôn thật lâu, ông cũng không cần nghe nó thú tội xin lỗi, ông truyền đầy tớ lấy áo đẹp mặc cho nó, lấy nhẫn đeo vào tay, lấy giầy xỏ vào chân nó. Hỏi rằng ở trần gian có ông bố nào đối xử với đứa con phụ bạc một cách lạ lùng như vậy? Ông bố trong dụ ngôn đón nhận đứa con phung phá chính là Cha trên trời nhận kẻ có tội quay trở về. Thật  âu yếm biết bao! Cảm động biết bao! Lạ lùng biết bao! Nếu Đức Giêsu không tỏ ra thì ai có thể tin được?

Sau đây, ta rút ra hai bài học thực hành:

* Trong đời ta dù có sa ngã phạm tội, dù tội ta nhiều và nặng đến đâu cũng cứ vững lòng trông cậy Chúa sẽ khoan hồng tha cho ta như người cha trong Phúc âm tha thứ cho người con phung phá trở về.

* Theo gương người con đó, ta phải thành khẩn và khiêm tốn nhìn nhận tình trạng khốn nạn của ta khi phạm tội lìa xa Chúa. Khi bỏ nhà ra đi, người con đó tưởng mình sẽ được tự do sung sướng, nhưng tự so không thấy, lại phải làm đầy tớ chăn lợn cho người, sung sướng không thấy lại phải đói khổ cùng cực muốn ăn cám lợn cũng chẳng ai cho. Khi phạm tội lìa bỏ Thiên Chúa chúng ta cũng mất địa vị và sự tự do của con cái Thiên Chúa rơi vào ách nô lệ của tà thần. Sung sướng không thấy lại phải nhiều sự khốn khó đời này và nhất là đời sau trong hoả ngục, vì tội là nguyên nhân sinh ra mọi sự dữ. Người con phung phá đã hối hận lên đường trở về. Theo gương người con đó, ta cũng quyết tâm từ bỏ tội lỗi ăn năn hối cải và nói như anh: “Tôi đi về cùng cha tôi”.

H.Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng