CN15CChuá Nhật 15 Thường Niên, Năm C

Lc 10: 25-37

"Ai là người thân cận của tôi?" Đó là câu hỏi của thầy thông luật đặt ra với Đức Giêsu. Để trả lời, Đức Giêsu đưa ra một câu chuyện, xảy ra trên đường từ Giêrusalem đến Giêrikhô.

Giêrusalem là thủ đô nước Do thái từ thời vua Đavít, cao hơn mặt biển 700m. Giêrikhô là một trong những thành phố cổ nhất thế giới, có từ khoảng năm 8000 trước công nguyên, thấp hơn mặt biển 250m. Từ Giêrusalem xuống Giêrikhô chỉ có một đường duy nhất dài khoảng 23 km, đi qua núi Cây Dầu là sa mạc, ngoằn ngoèo bên những tảng đá lớn, thường là nơi ẩn núp của những băng cướp. Hiện nay, còn lưu lại một lá thư viết từ năm 171 sau công nguyên, phàn nàn với nhà cầm quyền địa phương về tình trạng tội ác xảy ra dọc theo con đường đó. Có nhiều chứng cứ lịch sử cho thấy, các du khách đã phải nộp tiền cho lũ côn đồ địa phương tổ chức trấn lột, để được an thân khi đi qua con đường đó. Vì thế, chính con đường tai tiếng đó, đã cung cấp cho Đức Giêsu bối cảnh thực tế, để người nêu lên dụ ngôn người Samaria nhân hậu.

Chuyện xảy ra: Có một người đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Đức Giêsu không gán một nhãn mác tôn giáo hay xã hội nào cho người này, dầu có lý hiểu, đó là một người Dothái. Ông ta là người tốt hay xấu? Quan trọng hay không quan trọng? Những vấn đề đó không được nêu ra. Ông ta là một người bình thường. Tất cả chỉ có thế. Ông bị rơi vào tay bọn cướp, chúng lột sạch, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ có thầy tư tế, thầy Lêvi và người Samaria đi qua. Đức Giêsu đặt cả ba vào trong một tình huống, phải chọn lựa một quyết định: Giúp hay không giúp người bị nạn kia, hoặc tiếp tục công việc riêng của mình? Họ không có lối thoát, cũng không có chỗ để trốn tránh. Họ phải dấn thân cách này hay cách kia. Thầy tư tế và thầy lêvi quyết định bỏ qua mà đi. Còn người Samaria quyết định dừng lại, và giúp đỡ nạn nhân.

Thầy tư tế và thầy lêvi cho mình có lý không giúp nạn nhân, vì các thầy vừa thực hiện lễ nghi phụng tự trong đền thờ xong. Các thầy còn đang thanh sạch, trên đường đi xuống Giêrikhô trở về nhà (thành này là một trong các thành cho thầy tư tế và lêvi ở). Các thầy không thể để mình dơ, vì theo luật Maisen: "Ai chạm vào xác chết, vào máu, vào một người bị ám sát, sẽ mắc dơ trong bảy ngày" (Ds 19, 11-13). Để giữ mình thanh sạch, các thầy đã chọn giải pháp là không dây dưa vào nạn nhân. Tuy nhiên, các thầy đã không nhớ lời ngôn sứ Ôsê 6, 6: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn nghi lễ". Thiên Chúa không thích lễ lạy của các thầy, Người chờ đợi các thầy bên ngoài đường phố, lúc các thầy sẽ ra khỏi nơi tế lễ, các thầy sẽ gặp người thân cận. Hãy yêu thương! Phải, các thầy hãy yêu thương. Đó chính là sự thờ phượng thật.

Vả lại, xưa cũng như nay, tất cả những ai không giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn, đều bị các tòa án kết tội. Thầy tư tế và lêvi mắc tội bỏ qua. Tội bỏ qua có thể là tội xấu xa nhất của con người, vì người ta cho rằng càng không dính dáng tới người khác, càng tốt cho mình. Thầy tư tế và lêvi là những người "vô can", khi đứng ngoài mà nhìn người khác gặp hoạn nạn. Việc đó đã nói lên tính cách của thầy tư tế và lêvi, họ là những người lấy mình là trung tâm, đã không mở lòng giúp đỡ người khác. Khi gặp vấn đề, họ đều đặt mình lên trước hết.

Người Samaria, trông thấy người bị nạn, ông cảm thông, thương xót và lập tức giúp đỡ người đó. Ông không lo ngại về điều phiền phức có thể xảy đến với bản thân. Ông cũng không lảng tránh, cho dù đó là một người Dothái. Thời đó, người Dothái và Samaria coi nhau như kẻ thù. Ở đây, ông chỉ thấy nạn nhân là một kẻ bất hạnh, một người như mình, nhưng lại không được như mình. Ông thấy bổn phận phải yêu thương người ấy như chính mình. Ông đầy ắp tình người, đã săn sóc nạn nhân, sau đó đưa về quán trọ. Ông là người có nhân bản, đã trở thành người thân cận với nạn nhân.

Làm sao người Samaria có thể thực hiện được điều đó? Điều đó không thể đạt được trong ngày một ngày hai. Những việc lớn không thể hoàn thành được trong một tính cách bốc đồng, nó là kết quả của mỗi việc nhỏ liên kết với nhau. Phần thưởng đích thực cho một việc tốt, là nó tạo ra việc tốt tiếp theo dễ hơn, tốt hơn. Tính cách con người được tạo ra hay không, đều do mỗi hành vi nhỏ mọn thường ngày. Người Samaria có hành động nhân ái, tự phát đối với người bị nạn, rõ ràng lòng tốt của ông đã trở thành một thói quen, bản tính thứ hai của ông. Ông luôn luôn hướng về người khác, lấy người khác làm trung tâm.

Với câu hỏi thầy thông luật "Ai là người thân cận của tôi? Câu trả lời chung thời đó có lẽ là "người thân cận của ta là người thuộc bộ tộc của mình, hoặc thuộc nhóm giới của mình, hoặc cùng tôn giáo với mình". Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu lại là "người thân cận là bất kỳ người nào mà ta chọn để kết thân với họ. Vấn đề thật sự không phải là coi ai là thân cận của ta, nhưng là ta sẵn sàng đối xử như thân với ai?". Kết thúc cuộc đối thoại, Đức Giêsu bảo thầy thông luật: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy", nghĩa là như người Samaria.

Lạy Chúa, xin cho con phụng thờ Chúa trong đền thờ. Nhưng đừng quên phụng thờ Chúa trên đường phố nơi người anh em.

Lm Giuse Nguyễn An Khang

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch