LE_CHUA_TT_HIEN_XUONG_BLễ Chúa TT Hiện Xuống, Năm B

Cv 2:1-11;  1Cr 12:3-7, 12-13; Ga 20:19-23

Khi Ðức Giêsu hiện ra với các tông đồ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, Người phán bảo các ông: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20:22). Giáo lý công giáo dạy thêm thêm: nhận lấy Thánh Thần là tiếp nhận bảy ơn Chúa Thánh Thần là: Ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông thái, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Thiên Chúa. Bảy ơn Chúa Thánh thần là những ơn căn bản, cần thiết cho đời sống người tín hữu.

Ngoài ra còn nhiều ơn khác quen gọi là đặc sủng của Chúa Thánh thần được ban tặng để nhắm lợi ích chung cho Giáo hội như đặc sủng khôn ngoan để giảng dạy, hiểu biết để trình bầy, lòng tin để củng cố; đặc sủng chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân biệt thần khí; đặc sủng nói tiếng lạ, giải thích tiếng lạ (1Cr 12:7-11). Khi loài người đang cặm cụi xây thành phố và tháp chọc trời Baben để cho danh tiếng được lừng lẫy, thì họ bị phạt vì tội kiêu ngạo, khiến loài người không còn hiểu được tiếng nói của nhau và còn bị phân tán trên mặt đất (St 11:4-8). Trong ngày lễ Chúa Thánh thần hiện xuống, ơn hiểu biết ngôn ngữ đã được ban tặng để hiệp nhất những người dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mêsôpôtamia, Giu-đê, Ca-pa-đô-mi-a, Pon-tô, A-xi-a; những người Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai Cập; những người vùng Libya, những người Rôma, những người Do Thái và cả người đạo theo; những người Cơ-rê-ta và người Ả Rập (Cv 2:9-11).

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô giải thích là ơn Chúa Thánh thần không chỉ giới hạn nơi các tông đồ mà thôi, nhưng còn tác động nơi nhiều người, dưới nhiều cách thức và trong mọi thời đại. Muốn thấy ơn Chúa Thánh thần tác động như thế nào trong đời sống của Giáo hội, có thể đọc thư thánh Phaolô: Có nhiều thứ ân sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa là Ðấng làm mọi sự trong mọi người (1Cr 12:4-6). Như vậy các phần tử trong Giáo hội đều đóng những vai trò khác nhau và thi hành những phận vụ khác nhau.

Ơn Chúa Thánh thần ban cho mỗi phần tử khác nhau, nhưng chung qui lại về một mối như thánh Phaolô viết: Tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể (1Cr 12:13). Dấu chỉ của việc Chúa Thánh Thần làm là khi người tín hữu làm việc tông đồ nhằm mục đích tìm kiếm vinh danh Chúa và hiệp nhất với Giáo hội. Còn việc phân tán giữa thế giới Kitô giáo là một cớ vấp phạm cho những người không tin Chúa hoặc chưa tin theo Chúa. Vậy sứ vụ của người Kitô giáo là cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa những người tin theo Chúa.

Khi chịu phép Thêm sức, người tín hữu được học hỏi về Ngôi Ba Thiên Chúa, về các ơn Chúa Thánh thần và các hoạt động của Chúa Thánh thần trong Giáo hội và trong đời sống người tín hữu. Công Ðồng Vaticanô II dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh thần đã làm sáng tỏ trong việc giáo huấn là tất cả mọi phần tử của Giáo hội đều được gọi để sống đời thánh thiện và làm chứng nhân của đức tin. Như vậy thì tất cả mọi người đều được gọi để đóng vai trò khác nhau trong việc hoạt động tông đồ của Giáo hội tuỳ theo khả năng, phương tiện và hoàn cảnh có thể. Cũng như một thân thể gồm nhiều chi thể: tai, mắt, mũi, miệng, lưỡi, chân, tay.. và mỗi chi thể có phận vụ khác nhau. Chi thể nọ cần đến chi thể kia để bổ túc cho nhau và để nhắm lợi ích chung cho toàn thân. Dụng cụ Chúa dùng trong việc mở mang nước Trời không chỉ tuỳ thuộc vào tài khéo, mức độ học vấn, hay địa vị xã hội của mỗi người mà thôi, nhưng còn tuỳ thuộc vào quyền năng của Chúa với sự cộng tác của mỗi người với ơn Chúa và còn nhắm hiệp nhất với nhau.

Khi so sánh những hoạt động của Chúa Thánh thần trong thời Giáo hội sơ khai với thời nay, một số người tự hỏi tại sao Chúa Thánh thần không làm những việc lạ lùng vĩ đại trong thời đại họ đang sống? Ðể trả lời, người ta cần nhận định rằng Thánh thần của Thiên Chúa vẫn làm những công việc lạ lùng vĩ đại trong bất cứ thời đại nào nơi những  người biết mở rộng tâm hồn và cộng tác với ơn Chúa và để Chúa làm chủ đời sống. Có những người nghĩ rằng họ không có đủ tài năng và ân huệ để hoạt động tông đồ. Vì thế họ rút lui vào bóng tối, không muốn xuất đầu lộ diện làm việc tông đồ. Những người khác nghĩ rằng họ yếu hèn và tộị lỗi nên không muốn hiến thân trong đời sống thực hành đức tin. Lại có những người cho rằng họ phải được hàng giáo sĩ mời gọi làm việc tông đồ, thì họ mới tham gia.

Khi để Chúa Thánh thần hoạt động trong tâm hồn và đời sống, người ta sẽ không phân chia trí óc, trái tim thành những ngăn ô khác nhau như là một ngăn dành cho công việc làm ăn, một ngăn cho việc giải trí, nghỉ ngơi, ngăn kia cho việc ăn uống. Và những ngăn đó thì người ta không cho Chúa vào. Còn ngăn cuối cùng nhỏ bé nhất thì người ta mới dành cho Chúa, cho việc thờ phượng và cầu nguyện. Ðể cho ơn Chúa Thánh thần có thể tác động trong đời sống, ta phải đem Chúa vào tất cả mọi ngăn ô và lãnh vực của cuộc sống. Ðó chính là điều mà thánh Phaolô nói: Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi (Gl 2:20).

Lời cầu nguyện: xin ơn hiệp nhất trong Giáo hội:

Lậy Chúa Thánh Thần, xin hiệp nhất chúng con.

Xin dậy con biết làm việc tông đồ cộng tác

với người cùng chia sẻ một đức tin, một phép rửa.

Xin ban cho con một tâm hồn khiêm tốn

để con biết quên mình, bỏ ý riêng

mà tìm kiếm sự hiệp nhất trong Giáo hội

hầu cho danh Chúa được cả sáng. Amen.

Lm Trần Bình Trọng