LE_MINH_MAU_THANH_CHUA_BLễ Mình Máu Thánh Chúa, Năm B

Xh 24:3-8; Dt 9:11-15; Mc 14:12-16, 22-26

Trước khi về trời, Ðức Giêsu không nỡ để các môn đệ mồ côi, Chúa để lại cho các môn đệ một kỉ vật cao quí là Mình Máu thánh Người trong Bí tích Thánh thể, để làm của ăn uống thiêng liêng cho người tín hữu, ban sức mạnh linh thiêng và niềm an ủi cho dân Người: Ðây là mình Thầy (Mc 14:22). Rồi Người cầm lấy chén rượu mà phán: Ðây là máu Thầy, máu Giao ước đổ ra cho muôn người (Mc 14:24).

Giao ước mới giữa Thiên Chúa với dân Người không phải được kí kết bằng máu hiến tế của chiên cừu, mà Môsê đã dùng trong Cựu ước (Xh 24:6-8), nhưng bằng máu Con Thiên Chúa được ghi lại trong Phúc âm hôm nay và được thánh Phaolô thuật lại trong thư gửi tín hữu Do thái (Dt 9:14). Để tiếp tục Bí tích Thánh thể, Chúa còn lập chúc linh mục. Thánh lễ misa là việc làm mới lại lễ hi sinh thánh giá. Tham dự vào bàn tiệc thánh là dấu chỉ người tín hữu chấp nhận giao ước mới với Thiên Chúa.

Nếu có ai hỏi người công giáo xem họ có tin vào sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh thể không, chắc ai cũng trả lời là có. Ðó là một trong những điểm khác biệt giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Tin lành. Người Công giáo tin có Chúa hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh thể, do lời truyền phép của linh mục trong thánh lễ. Việc Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh thể là một mầu nhiệm mà người ta chỉ có thể chấp nhận được bằng đức tin. Ðó là lí do tạo sao Giáo hội qua linh mục chủ tế mời gọi cộng đoàn tuyên xưng mầu nhiệm đức tin sau lời truyền phép bánh rượu.

Tuy nhiên trong số những người có đức tin vững mạnh cũng có thể có khi hồ nghi về sự hiện diện thực của Chúa trong Bí tích Mình thánh. Có khi nào ta bị lung lạc trước những tiếng cám dỗ bảo ta: điều gì không nên tin, việc gì không nên làm, vấn đề gì cần phải được xét lại không? Có bao giờ ta hồ nghi không biết bánh rượu có thực sự trở thành Mình Máu thánh Chúa hay không, sau khi khi linh mục chủ tế đọc lời truyền phép trong thánh lễ: Ðây là Mình Thầy.. Ðây là Chén Máu Thầy. Sở dĩ có câu hỏi như vậy là vì bánh rượu sau khi được truyền phép trông bề ngoài không khác biệt bánh rượu trước khi truyền phép?

Nếu quả thật bánh rượu sau khi được truyền phép không biến đổi thành Mình Máu thánh Chúa thì muôn vàn thánh lễ được cử hành trên bàn thờ trên khắp thế giới từ xưa đến nay  là giả tạo sao? Chẳng lẽ từ khi Chúa lập Bí tích Thánh thể và lập chức linh mục, có vô vàn vô số linh mục trên thế giới đã đọc lời truyền phép trên bánh rượu khi dâng lễ mà lại không tin sao? Nếu không tin, thì sao khối linh mục này có thể tự dối mình mà tiếp tục dâng thánh lễ được? Có thể giả sử rằng có những linh mục đôi khi cũng hồ nghi về sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Hi vọng những giây phút hồ nghi đó không kéo dài bao lâu.

Vào năm 1263, một linh mục người Ðức, nổi tiếng về khôn ngoan và đạo đức, nhưng lại đa nghi: cho rằng sao bánh rượu sau khi truyền phép có thể trở thành thịt máu thánh Chúa? Vào một dịp kia khi linh mục đương sự đến thăm Bolsena, Ý Đại Lợi, xin dâng thánh lễ tại nhà thờ thánh Christina. Lúc đọc lời truyền phép, thấy bánh thánh biến thành thịt có vết máu và khăn thánh có thấm máu. Hoảng sợ, linh mục đó ngừng dâng lễ, đặt Mình Thánh với lòng kính tin và tôn thờ vào nhà trạm, ăn năn sám hối về tội hồ nghi, vội vàng đến xưng thú tội với Ðức Giáo hoàng Urbano I đang cư ngụ tại Orvieto gần Bolsena lúc bấy giờ. Ðức Giáo hoàng cho rước Mình Thánh Chúa qua phép lạ về nhà thờ chính toà Orvieto và đặt trong nhà trạm. Đó là buổi rước kiệu Thánh Thể đầu tiên trong Giáo hội. Năm sau: 1264, Ngài thiết lập lễ Mình Máu Thánh Chúa. Hằng năm vào ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, phép lạ Thánh Thể này được trưng bầy cho dân chúng đến chiêm ngưỡng. Ngoài ra còn có những phép lạ Thánh Thể khác xẩy ra tại Ý Đại Lợi. (1)

Cứ giả sử người công giáo tin trong đầu óc rằng có Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, và khi rước lễ là rước Mình Thánh Chúa. Tuy nhiên ta có cảm nghiệm được bằng con tim có Chúa hiện diện thực sự trong Bí tích Mình Máu Thánh không, lại là chuyện khác. Ðể có thể cảm nghiệm được sự hiện diện thực sự của Chúa trong Bí tích Thánh Thể, ta đáp trả lời Chúa mời gọi: Hỡi tất cả những ai đang vất vả, mang gánh nặng nề, hãy đến với ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11:28).

Ðể có được cảm nghiệm về việc cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa, ta đến cầu nguyện và thờ lạy trước Thánh Thể Chúa, để bày tỏ nỗi lòng với Chúa, để trút những gánh nặng của cuộc sống, những nỗi khổ tâm của cõi lòng, những tủi hổ của đời mình vào lòng từ ái của Chúa. Bày tỏ tâm tình với Chúa khi đến nhà thờ dâng thánh lễ hay cầu nguyện, mà có người khác đang hiện diện, có thể khó lòng, nhất là đối với người hay mắc cở. Nếu vậy thì có thể tìm đến với Chúa vào giờ thanh vắng trong dịp tĩnh tâm, để ở một mình với Chúa, để có thể tâm sự với Chúa hay chỉ cần ngồi đó thinh lặng, cho lòng mình nói với Chúa. Ta cũng có thể đến bất cứ nhà thờ công giáo nào lúc vắng người, để ở một mình với Chúa.

Trước Thánh Thể Chúa mà cảm thấy nước mắt tự nhiên trào ra, thì cứ để cho dòng lệ tuôn chảy. Ðó có thể là nước mắt đau khổ, nước mắt thống hối, nước mắt tủi hổ, nước mắt sợ hãi, nước mắt cô đơn, thất vọng. Nước mắt trào ra cũng có thể được coi là phép lạ Thánh Thể, bởi vì có những người chỉ có thể khóc được trước Thánh Thể Chúa mà thôi. Lần kia một linh mục VN kia sống ở ngoại quốc quyết định đi cấm phòng riêng tại một tu viện nhỏ. Chiều tối linh mục đương sự vào nhà nguyện một mình, quì trước Thánh Thể Chúa ngự chỉ cách nhà trạm khoảng một mét. Trước khi nói ra lời, nước mắt linh mục đó tuôn trào đầm đìa trên hai gò má. Từ đó đời ông linh mục đó, về một vài phương diện nào đó được thay đổi.

Khi mẹ Têrêsa thành Calcutta được hỏi tại sao bà có đủ nghị lực để tiếp tục phục phụ người nghèo bên Ấn độ một cách liên tục và hăng say như vậy? Bà trả lời Chúa Thánh Thể là sức mạnh của bà và bà cầu nguyện hằng giờ trước Mình Thánh Chúa. Chúa bảo ta qua thánh Phêrô: Con lại không thức (với Thầy) được một giờ sao (Mc 14:37)? Ðể đáp lại lời Chúa mời gọi, Chúa bảo ta canh thức và cầu nguyện với Chúa một giờ trước Thánh Thể Chúa. Nếu lần đầu không cảm thấy gì, thì lần sau, rồi lần sau nữa, xem lời Chúa và Mình Thánh Chúa có sức tác động và biến đổi tâm hồn và đời sống không, xem Chúa có thực sự là sức mạnh, là nguồn vui, là niềm an ủi, là sự cậy trông và là lẽ sống của đời ta không? Giờ phút cảm nghiệm được sự thân mật với Chúa, đến với mỗi người vào những thời điểm, hoàn cảnh và trường hợp khác nhau. Không mấy ai giống ai. Đây, lời Thánh vịnh ghi lại: ‘Hãy nghiệm xem Thiên Chúa tốt lành dường bao; hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người (Tv 34:9).

Lời cầu nguyện xin cho cảm nghiệm được sự gần gũi với Chúa Thánh Thể:

Lậy Chúa Giêsu Thánh thể!

Khi nào qùi bên nhà trạm, có Thánh thể Chúa ngự,

một mình con với Chúa, trong bóng tối mập mờ,

xin Chúa làm thức tỉnh tâm hồn con,

cho con cảm nghiệm được rằng Chúa ở đó thực sự.

Và Chúa mong chờ con bày tỏ nỗi lòng với Chúa.

Xin Chúa nói thầm với con,

sao cho lòng con nghe được tiếng Chúa.

Và xin ban cho con một dấu chỉ

để con không bao giờ quên Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

___________________________

  1. Phép lạ Thánh thể ghi trong bài này được tóm tắt từ: Coggi, R. Little Catechism on the Eucharist. New Hope, Kentucky. New Hope Publications, 2005, trang 62-65. Có thể xem thêm những phép lạ Thánh thể khác, trang 56-79 hoặc xem trong bài: ‘Lời mời gọi tin và ăn bánh hằng sống’, trong tập Hằng tuần Chúa nói với Ta - Ta đáp trả lời Chúa, Năm B, Chúa nhật 20, trang 196-197 của Lm Trần Bình Trọng.