CN_23_TN_BChúa Nhật 23 Thường Niên, Năm B

Is 35:4-7; Gc 2:1-5; Mc 7:31-37

Thường người ta coi sự vật mà họ có là ngẫu nhiên và không đánh giá được sự vật họ có cho tới khi người ta mất đi sự vật đó. Chẳng thế mà cổ nhân mới nói: Có hay đau mắt mới thương người mù.

Về khả năng nói và nghe, người ta cũng coi là ngẫu nhiên. Tuy nhiên nếu đặt mình vào địa vị người điếc và ngọng trong Phúc âm hôm nay, người ta mới đánh giá được cơ quan nói và nghe. Người ngọng và điếc phải cảm thấy ước muốn được chữa lành nên người ta mới xin Ðức Giêsu đặt tay chữa anh ta. Phúc âm ghi lại Chúa đặt ngón tay vào lỗ tai anh ta và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở hơi và bảo: ‘Ephata’, nghĩa là hãy mở ra. Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được dễ dàng (Mc 7: 34-35).

 

Việc Chúa Giêsu làm trong Phúc âm hôm nay là việc hoàn thành lời ngôn sứ Isaia tiên báo là Ðấng Thiên sai sẽ đến làm cho người điếc được nghe (Is 35:5) và người câm được nói (Is 35:6). Hai việc này cũng được dân chúng trong Phúc âm hôm nay chứng kiến khi họ nói: Ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được (Mc 7:37).

Mục đích của việc Thiên Chúa tạo dựng lưỡi và tai, là để ta có thể thông đạt cho người khác, nghĩa là nói cho người khác nghe và nghe người khác nói. Có bao giờ ta cảm đội Thiên Chúa đã ban cho ta cái lưỡi để nói và tai để nghe không? Một cách tốt nhất để cảm đội ơn Chúa  về hai cơ quan nói và nghe là biết dùng cho đúng mục đích của Ðấng Tạo dựng. Miệng lưỡi ta được dựng nên để thông đạt tin tức, nói sự thật và sự thiện hảo, chứ không phải nói lừa dối và nói lời ghen ghét. Tai ta phải được dùng một cách khôn ngoan chứ không phải để nghe và khuyến khích người khác nghe nói hành, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian. Nghe người khác nói hành, nói xấu, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống là lạm dụng mục đích của Ðấng tạo dựng đôi tai. Khi vào toà cáo giải, ta có thể xưng tội nói hành nói xấu người khác, nhưng có bao giờ ta xưng tội đã nghe người khác nói hành nói xấu không?

Việc người ta xin Ðức Giêsu chữa người điếc và ngọng bao hàm lòng tin tưởng cậy trông vào quyền năng Chúa. Và việc Chúa chữa người ngọng và điếc xẩy ra trong lãnh thổ dân ngoại của miền Thập tỉnh. Ðiều đó chỉ cho thấy Chúa Giêsu cũng để ý đến dân ngoại và thương xót họ. Việc Chúa chữa người điếc và ngọng còn ám chỉ mục đích gì khác nữa chứ không phải chỉ để người đó có thể nghe và nói chuyện giữa loài người với nhau thôi. Miệng lưỡi và lỗ tai còn được tạo dựng với mục đích cao hơn nữa là để nghe và loan truyền lời Chúa nữa. Ðó là việc mà người điếc và ngọng được chữa khỏi và bạn hữu anh ta đã làm. Họ loan truyền với nhau: Ông ấy làm việc gì cũng tốt cả (Mc 7:37).

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, linh mục chạm vào tai ta, và đọc chính lời Chúa nói trong Phúc âm hôm nay: Hãy mở ra. Ðây có nghĩa là tai ta phải được mở ra đón nhận lời Chúa và lắng nghe lời Chúa bằng đức tin. Ðức tin mở tai ta cách thiêng liêng. Ta có thể nghe lời Chúa trong Thánh kinh. Tuy nhiên nếu không có đức tin, ta chỉ nghe như đọc chuyện thường, chứ không phải nghe lời Chúa. Lời Chúa phải có sức tác động tâm hồn và thay đổi đời sống con người. Lời Chúa mạc khải trong Thánh kinh là kho tàng chung của nhân loại. Tuy nhiên chỉ có những người mở rộng tâm hồn, những người khiêm tốn, mới lãnh hội được lời Chúa. Biết lắng nghe là một yếu tố quan trọng trong việc thông đạt hàng ngày. Người biết lắng nghe là người không những chỉ nghe bằng tai, mà còn nghe với cả tâm hồn.

Tóm lại mục đích của việc tạo dựng miệng lưỡi và lỗ tai là để dùng vào việc ca tụng và làm vinh danh Thiên Chúa. Chúa cho ta lỗ tai nghe để nghe những lời ca tụng Người. Chúa cho ta miệng lưỡi để tung hô ngượi khen Chúa.

Hôm nay ta cầu xin Chúa dạy ta biết sống trong tâm tình biết ơn: biết ơn Chúa cho ta có thể nói được với nhau và nói được với Chúa trong lời cầu nguyện và thờ phượng, biết ơn Chúa vì ta có thể nghe được người khác, cũng như nghe được lời Chúa khi có người tuyên xưng. Trong thánh lễ ta lắng nghe lời Chúa trong Thánh kinh và trong bài giảng, và cả trong thánh ca và thánh nhạc.. Lời Chúa không phải là tiếng nói một chiều, nhưng bao hàm việc đáp trả. Nghe lời Chúa rồi ta cầu xin cho được biết đáp trả bằng cách loan truyền lời Chúa, bằng việc thờ phượng và cầu nguyện, bằng đời sống đức tin.

Trong bài giảng lễ Chúa nhật, có linh mục kia hỏi cử toạ xem có ai nhớ tuần trước linh mục giảng về điều gì không? Cử toạ yên lặng một lúc. Cuối cùng một thanh niên có vẻ bụi đời, giơ tay phát biểu:

-          Dạ thưa Cha, con nhớ rồi.

-          Sao Anh nhớ thế nào? Linh mục hỏi.

-          Thưa Cha, con nhớ Cha giảng thế này: Ðó... đó.. đ. đó là lời Chúa.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn biết nghe và loan truyền lời Chúa:

Lạy Thiên Chúa toàn năng!

Con xin tạ ơn Chúa đã ban cho con

miệng lưỡi và lỗi tai để thông đạt với loài người

và để cảm tạ Chúa.

Xin Chúa soi sáng cho giới bác sĩ và khoa học gia,

biết tìm phương tiện và cách thế,

giúp người điếc và ngọng được thông đạt

với nhau và với Chúa theo cách thế của họ. Amen.

Lm Trần Bình Trọng