Chúa Nhật 4 Thường Niên, Năm C

Gr 1:4-5, 17-19; 1Cr 12:31-13:13; Lc 4:21-30

Cn_4_TN_CMột trong những điều khó nói ra hay nói ra làm mất lòng là khi phải nói cho ai biết, điều mà họ không thích nghe hay không muốn nghe. Ðó là trường hợp mà các ngôn sứ phải đối đầu. Ðọc Thánh kinh Cựu ước, người ta thấy thế nào là một ngôn sứ hay tiên tri. Tiên tri không nhất thiết phải tiên đoán sự việc xẩy ra trong tương lai. Ðúng hơn tiên tri là người phát ngôn viên hay ngôn sứ của Thiên Chúa, được gọi để nhắc nhở cho dân chúng biết về việc họ được gọi và được mong đợi sống thế nào để xứng đáng với tước vị là dân được chọn. Bài trích sách Giêrêmia hôm nay ghi lại, khi ông được Chúa sai đến để nói cho dân về sự thật, thì bị dân chúng chống đối vì họ không chấp nhận sứ điệp của ông. Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu trong Phúc âm hôm nay nhắc nhở cho dân chúng là giới ngôn sứ trong Cựu ước thường được sai đến với dân ngoại hơn là dân được chọn. Và họ cũng thường không làm phép lạ cho dân của họ, nhưng cho dân ngoại bang.

Đặc biệt Chúa Giêsu nhắc lại việc ngôn sứ Êlia được sai đến với bà goá ngoại quốc xứ Syria để hứa với bà rằng hũ bột của bà sẽ không hề cạn, vì bà đã tỏ ra hiếu khách với ngưòi của Thiên Chúa. Bà chỉ còn một rúm bột cho bà và con bà. Tuy nhiên nghe lời người của Thiên Chúa, bà đã dùng rúm bột nhỏ làm bánh cho Êlia, rồi mới cho mẹ con bà phần còn lại. Còn ngôn sứ Êlisa đươc sai đến chữa lành viên sĩ quan ngoại quốc, tư lệnh quân đội Syria, tên là Naman cho khỏi bệnh phong cùi, bởi vì ông tỏ ra có lòng tin mạnh. Khi Chúa Giêsu ám chỉ sứ mệnh của Người là đến với dân ngoại bang, thì họ bực tức và căm phẫn, và tìm cách thanh toán Người.

Khi Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy trong đền thờ Nadarét, mọi người đều thán phục và tán thành những lời lẽ khôn ngoan từ miệng Người nói ra (Lc 4:22). Tuy nhiên khi họ nhận ra Chúa Giêsu không thích hợp với quan niệm họ sẵn có về đấng cứu thế, họ trở mặt chống đối Người và tẩy chay sứ điệp Người giảng dạy. Khi Chúa Giêsu nhận định: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình (Lc 4:24), Chúa muốn đồng hoá với hàng ngũ các ngôn sứ trong Cựu ước, cũng cùng chung một số phận bị tẩy chay. Như vậy vị ngôn sứ nào nhắc nhở cho dân chúng về những điều họ không muốn nghe, thường không được dân chúng chấp nhận. Vị ngôn sứ nào mà cứ phê bình dân chúng về sự giả dối, việc làm vô luân và bất chính của họ, về việc họ bất trung, phản nghịch cùng Thiên Chúa, thì thường bị dân chúng tẩy chay. Tuy nhiên đó là điều khác biệt giữa ngôn sứ thật và ngôn sứ giả. Ngôn sứ giả là người không xác tín về điều họ nói, không có kinh nghiệm sống những điều họ giảng dạy. Do đó họ thường nói hươu nói vượn để nhắm làm vừa lòng người nghe. Ngôn sứ thật là ngưòi nói lời của Chúa, chứ không phải của họ.

Theo nghĩa này thì Chúa Giêsu là một vị đại tiên tri hay ngôn sứ. Người có một sứ điệp để ban bố. Người giảng lời Chúa và nói lời Chúa. Và hơn thế nữa, Người còn là lời Chúa, Ngôi lời nhập thể. Lời Người là lời Chúa, lời hằng sống. Việc chấp nhận hay từ chối là tuỳ thuộc vào sự tự do của loài ngưòi. Sứ điệp của Chúa và đường lối của Người đã gây ra hai phản ứng khác nhau: tẩy chay hoặc chấp nhận. Tẩy chay là phản ứng của thính giả trong Phúc âm hôm nay. Họ toan đưa Chúa vào quan niệm họ có sẵn về Người. Họ toan đem Chúa vào khuôn mẫu của họ lựa chọn. Và khi họ bắt đầu cảm thấy tâm trí bị xáo trộn và đe doạ bởi sứ điệp của Người, thì họ tẩy chay Người. Phản ứng tẩy chay các ngôn sứ cũng giống như phản ứng coi thường những người quen biết ở gần kề: Bụt chùa nhà không thiêng. Khi quan niệm như vậy, người ta sẽ coi thường tiên tri tại quê nhà, và coi thường bụt chùa nhà, nghĩa là không muốn lắng nghe, hay không muốn cầu xin với tiên tri hay bụt chùa nhà. Và như vậy thì đời sống thiêng liêng của người ta sẽ bị thiệt thòi.

Tại sao người ta lại có khuynh hướng không chấp nhận ngôn sứ tại quê nhà? Có thể là vì người ta đã biết rõ gia cảnh tầm thường của ngôn sứ nhà rồi. Người ta có thể thán phục khi ngôn sứ nhà nói hay, làm giỏi như dân chúng Nadarét đã thán phục Chúa Giêsu: Ông ta được sự khôn ngoan như vậy, nghĩa là sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? (Mc 6:2). Tuy nhiên, có lẽ vì tự ái, hoặc ghen tuông họ vẫn không chấp nhận Người.

Hôm nay mỗi người nên tự xét xem mình thuộc loại người nào? Ta nghĩ và hành động như người trong Phúc âm hôm nay khi ta muốn Chúa rập theo mẫu chúa của riêng ta: chúa tiện nghi, chúa đặc quyền, chúa của phe nhóm, chúa của quyền lợi đảng phái, chúa theo dư luận chung của quần chúng, chúa theo cách ta chọn lựa. Nếu ta nghĩ rằng Chúa đã khác xưa, thì đó là vì ta đã qui định cho Chúa như vậy để cho phù hợp với quan niệm riêng của ta về đạo Chúa. Vậy thì hôm nay ta cần nhận thức một lần nữa cho tất cả mọi lần rằng Chúa là Thiên Chúa, và đường lối của Chúa khác đường lối của loài người. Ta cũng cần nhận thức rằng Chúa của quá khứ, hiện tại và tương lai cũng là một Chúa và chỉ là một Chúa.

Hằng ngày Chúa hằng chờ đợi ta mời Chúa vào nhà tâm hồn để Chúa làm thức tỉnh tâm hồn ta, biến đổi đời sống ta và uốn nắn đường lối của ta vào khuôn mẫu của đường lối Chúa. Có lẽ chưa bao giờ ta nhận thức được tầm quan trọng của việc mời Chúa vào nhà tâm hồn, vì ta cho rằng Chúa đã biết những vấn nạn của ta và biết ta cần gì. Ðúng vậy. Tuy nhiên cánh cửa chỉ có thể được mở từ phía của ta. Nếu ta chọn không mở, thì Chúa cũng đành chịu, không vào được vì Chúa tôn trọng tự do lựa chọn của ta.

Lời cầu nguyện xin cho được biết mở rộng tâm hồn trước quyền năng Chúa:

Lạy Chúa là Ðấng toàn năng và quyền phép.

Con xin cảm tạ Chúa đã đến với con và hứa sẽ còn đến.

Xin đừng để con cứng lòng tin.

Xin uốn nắn lòng trí con và mở rộng tâm hồn con

Xin ban cho con một tấm lòng khiêm tốn

để quyền năng Chúa có thể tác động

và biến đổi tâm hồn và đời sống con. Amen.

Lm Trần Bình Trọng