LE_C__KITO_VUA_CChúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua, Năm C

2 Sm 5:1-3; Cl 1:12-20; Lc 23:35-43

Là người công giáo, họ có hai quyền công dân: công dân của một nước trần thế và công dân của Nước Trời. Là công dân của Nước Trời, họ thuộc dòng tộc Kitô giáo, mang dòng máu đức tin vào Đức Kitô, Vua vũ trụ.

Như trong kinh Tiền tụng Thánh lễ Chuá nhật Thường niên I, Giáo hội tuyên xưng qua miệng chủ tế: Bởi đó, chúng con được hân hạnh mang danh là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tư tế, là dân thánh, dân riêng của Chúa.

Hôm nay Giáo hội mừng lễ Chúa Kitô Vua. Khi quan Philatô hỏi Chúa Giêsu xem Người có phải là vua dân Do thái không? Chúa trả lời đó là ý tưởng của Philatô. Philatô phải hiểu rằng câu trả lời của Chúa có nghĩa là Người khước từ danh hiệu là vua dân Do thái. Tuy nhiên Philatô vẫn cho khắc trên Thập giá dòng chữ: Đây Là Vua Dân Do Thái (Lc 23:38). Thực ra dòng chữ khắc trên Thập giá là một tính toán sai lầm của Philatô. Bởi vì các Thầy cả Thượng phẩm trong dân không muốn Chúa Giêsu làm vua của họ. Và Chúa cũng không muốn tước hiệu là vua của dân Do thái. Sau khi chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn vinh Chúa làm vua. Còn Chúa Giêsu thì lại không muốn can dự vào việc cai trị một vương quốc trần thế.

Vậy thì vương quốc của Đức Kitô là gì và ở đâu? Theo Phúc âm thánh Gioan, Chúa trả lời cho Philatô rằng: Vương quốc của tôi không thuộc thế gian này (Ga 18:36). Đứng bên thánh giá Chúa, người ta thấy có hai loại người: một loại chế diễu và nhạo báng Chúa, số người khác khóc than và thương tiếc Chúa. Trong số những người khóc than và thương tiếc Chúa, có một người trộm lành, cùng chịu đóng đinh với Chúa, đã nhận ra được tội lỗi mình. Anh ta có lòng kính sợ Chúa và tin vào sự sống vĩnh cửu. Người trộm lành nhận ra Đức Kitô đích thực là Con Thiên Chúa và là Vua vũ trụ nên đã xin với Chúa: Lạy Ngài Giêsu, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi (Lc 23:42). Bằng lời nói đó, người trộm lành đã tuyên xưng vương quốc và chấp nhận vương quyền của Chúa. Và Chúa hứa với anh ta: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng (Lc 23:43).

Giáo hội thiết lập lễ Chúa Kitô vua để kêu gọi loài người công nhận vương quyền của Chúa trong đời sống cá nhân và gia đình. Lời kêu gọi này rất cần thiết trong thời đại người ta đang sống  khi mà những đam mê thế gian và tham vọng trần thế đang lôi kéo tâm trí loài khỏi Thiên Chúa và những lãnh vực thiêng liêng.

Hôm nay mỗi người cần tự hỏi xem mình đã chấp nhận vương quyền của Chúa chưa? Ta có để Chúa làm chủ tâm hồn và đời sống chưa? Ta đã tuyên xưng và loan truyền vương quốc của Chúa như thế  nào? Nhận Chúa làm Vua là việc xem ra dễ dàng. Còn để Chúa  làm chủ tâm hồn và đời sống mình lại là chuyện khác. Vậy để Chúa làm chủ tâm hồn và đời sống có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là để Chúa làm chủ tư tưởng, lời nói, ước muốn và hành động. Khi chấp nhận để Chúa làm chủ tâm hồn mà trong đời sống người ta có gặp những lời nói, việc làm hay hoàn cảnh trái ý, người ta sẽ chấp nhận vì lònh yêu mến Chúa. Người ta cũng có thể chấp nhận, dâng lên Chúa những lời nói, việc làm hay hoàn cảnh trái ý để đền tội cho chính mình và cho nhân loại. Đem ý tưởng yêu mến Chúa và ý tưởng đền tội vào việc chấp nhận những trái ý, sẽ giúp cho người ta dễ dàng chấp nhận hơn. Đang bực bình khó chịu vì lời nói hay việc làm của người làm trái ý mình mà đem ý tưởng đền tội vào việc chịu đựng vì yêu mến Chúa thì giống như lấy gáo nước lạnh mà dội lên đầu mình vậy, làm máu đang bốc lên đầu hạ xuống.

Còn khi người ta bực mình về những sự việc xẩy ra ngoài ý muốn như mưa, bão, tuyết hay yếu đau làm hỏng chương trình làm việc nọ chuyện kia, là ta không muốn để Chúa làm chủ đời sống. Để Chúa làm chủ tâm hồn và đời sống sẽ không gặp khó khăn khi ta được thành công. Còn khi gặp thất bại, người ta sẽ nảy sinh ta hai thái độ: hoặc là hận Chúa rồi bỏ Chúa hay phó thác vào Chúa, để Chúa làm chủ. Có những người nghĩ rằng nếu để Chúa làm chủ, họ sẽ mất tự do. Những ai đã sống theo đường lối và thánh ý Chúa, chắc hẳn đã cảm nghiệm được thế nào là tự do của con cái Chúa. Tự do đó chính là sự bình an trong tâm hồn. Vậy hiện thời thì ai đang làm chủ tâm hồn và đời sống ta? Có phải Chúa làm chủ đời sống hay ta đã để cho tiền tài, danh vọng, thú vui làm chủ? Ta có mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa để quyền năng Chúa biến đồi hay ta vẫn còn chần chừ trong bóng tối của tính ích kỷ, đam mê và lười biếng.

Lời cầu nguyện xin Chúa làm chủ tâm hồn và đời sống:

Lạy Chúa là Đấng cầm giữ vận mệnh loài người.

Con người tuỳ thuộc vào Chúa trong mọi sự.

Nếu có gì trong đời sống con mà Chúa chưa làm chủ,

xin mời Chúa đến thiết lập chủ quyền trên đời sống con.

Xin Chúa là Chúa của đời sống con và là vua tâm hồn con.

Xin giúp con loại bỏ những chướng ngại vật trong tâm hồn,

để dọn chỗ cho Chúa vào và cho quyền năng Chúa tác động. Amen.

Lm Trần Bình Trọng