CN_4_PS_CChúa Nhật 4 Phục Sinh, Năm C

Cv 13:14, 43-52; Kh 7:9,14b-17; Ga 10:27-30

Chúa nhật thứ bốn mùa Phục sinh của cả ba chu kì niên lịch phụng vụ được mệnh danh là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Nghệ thuật Kitô giáo cổ xưa thường phác họa Ðức Giêsu như là Ðấng chăn chiên lành. Hình ảnh người chăn chiên đã được mô tả trong Cựu ước về Thiên Chúa như là: Ðấng chăn dắt dân Người. Người Do thái xưa kia là dân du mục. Vì thế văn chương của họ là những sách Cựu ước cũng thường đề cập đến đời sống chăn nuôi và du mục. Chính Ðức Giêsu cũng dùng những hình ảnh về chăn nuôi quen thuộc để dạy ta những chân lý thiêng liêng về đạo giáo.

Trong Phúc âm hôm nay, Chúa căn dặn: Chiên tôi thì nghe tiếng tôi (Ga 10:27). Tiếng Chúa là lời Chúa trong Thánh kinh. Lời Chúa trong Thánh kinh gồm những lời ngọt ngào êm ái, những lời khích lệ ủi an và cả những lời trách móc và cảnh giác. Có những lời Chúa trong Thánh kinh mà người ta không muốn nghe. Ðối với họ thì đó không phải là tin mừng bởi vì để chấp nhận lời Chúa, họ phải trả một giá mắc mỏ. Tuy nhiên nếu muốn là môn đệ đích thực của Ðức Kitô, ngưởi ta phải lắng nghe toàn bộ lời Chúa. Người ta không thể lắng nghe lời này, mà bỏ qua lời kia. Người ta không thể bịt tay nhắm mắt hoặc giả điếc trước những lời trách mắng và cảnh tỉnh trong Thánh kinh. Lời Chúa cũng không phải là tiếng nói một chiều nhưng bao hàm việc đáp trả và cộng tác của loài người.

Người ta kể lại câu chuyện về người ngoại quốc kia du lịch sang miền Trung Ðông, thấy ba người chăn chiên dẫn đàn chiên của họ đến suối nước. Khi ba đàn chiên bắt đầu tụ lại, người khách du lịch không còn phân biệt chiên nào thuộc đàn nào. Khi ba đàn chiên đã uống nước no nê, người chăn chiên thứ nhất bắt đầu gọi đàn chiên của mình, rồi đến người thứ hai, và người thứ ba. Người khách du lịch nghĩ bụng có lẽ mình có thể đánh lừa những con chiên này. Ông ta bèn mượn bộ quần áo của một người chăn chiên bận vào, rồi toan bắt chước giọng của một người chăn chiên để gọi con chiên. Tuy nhiên khi người khách du lịch gọi, không một con chiên nào nhúc nhích (1). Người ta tưởng chiên là  con vật khù khờ, nhưng trong trường hợp này chiên lại rất khôn. Chiên không theo tiếng người lạ, bởi vì người lạ không biết đàn chiên, không nuôi dưỡng, không bảo vệ đàn chiên khi bị sói rừng tấn công. Cũng như con chiên không nghe tiếng người du lịch giả làm người chăn, người chăn chiên thực sự phải trung thành với đường lối giáo huấn của Giáo hội, dựa theo đường lối Phúc âm trong việc quảng diễn lời Chúa, thì mới có sức lôi kéo được người nghe đến với Chúa và trở về hiệp nhất với Giáo hội.

Ngày nay người ta nghe nhiều lời nói từ sách vở, báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, mạng tin; từ những đảng phái chính trị, xã hội và tôn giáo khác nhau bảo điều gì phải tin, điều gì phải từ khước, điều gì phải hồ nghi, điều gì phải làm, điều gì không nên làm, điều gì cần phải được xét lại. Do đó người ta cần tỉnh táo nhận định xem lời nói nào đáng nghe, chứ chưa nói đến việc chấp nhận. Có những vấn đề mà trong quá khứ bị coi là tội lỗi bởi đa số quần chúng, thì ngày nay phương tiện truyền thông coi như là một lối sống mới. Và như vậy thì khi một vấn đề được coi là một lối sống, thì người ta không còn coi là tội nữa.

Ngày nay còn có một vấn đề nữa làm đe doạ sự hiệp nhất trong Giáo hội công giáo. Ðó là vấn đề về quyền giáo huấn của Giáo hội và lương tâm cá nhân con người. Có những người nại đến lương tâm để khước từ đường lối giáo huấn của Giáo hội. Tuy nhiên có nhiều loại lương tâm: có lương tâm ngặt nghèo, lương tâm chính trực thì cũng có lương tâm cùn nhụt, lương tâm chai đá. Vậy nếu muốn được lương tâm hướng dẫn, người ta cần phải luyện cho mình một lương tâm tỉnh táo và trung thực. Nếu muốn sống theo tiếng lương tâm, người ta phải nhìn vào Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14:6) và Chúa nói với ta qua Giáo hội mà Người thiết lập: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (2)

Có nhà xã hội học kia định nghĩa: người là con vật xã hội. Như vậy người ta muốn thuộc về nhóm này nhóm kia, tổ chức này tổ chức nọ, đảng phái nọ đảng phái kia. Ðể  thuộc về một phe nhóm, người ta có thể bị cám dỗ sống theo lối sống của phe nhóm mà làm nguy hại cho đời sống đức tin. Ðể thuộc về một tổ chức, người ta có thể bị cám đỗ chối bỏ việc thực hành đức tin truyền thống để theo đường lối của tổ chức. Ðể thuộc về một đảng phái chính trị, người ta có thể bị áp lực bầu phiếu theo cương lãnh của đảng phái mà đi ngược lại đường lối Phúc âm và giáo huấn của Giáo hội. Là người tín hữu, họ phải nhận thức rằng họ không thể làm tôi hai chủ (Mt 6:24; Lc 16:13), nghĩa là không thể lựa chọn cả hai.

Bài trích sách Công vụ Tông đồ ghi lại ông Phêrô và Banaba đã quyết tâm rao giảng Ðức Kitô chịu khổ hình và phục sinh từ cõi chết để cứu chuộc trần gian. Do đó mà hai ông bị người Do thái trục xuất ra khỏi lãnh thổ của họ (Cv 13:50). Cuối cùng bị bách hại và chịu tử đạo cùng với hằng vạn người tín hữu khác trên thế giới. Sách Khải huyền được viết ra để an ủi những tín hữu bị bách hại và chịu tử đạo chỉ vì nghe theo tiếng Chủ chiên. Do đó họ được đứng trước ngai và trước Con Chiên (Kh 7:9). Không phải thời xưa mới có việc bắt đạo và cấm đạo. Ngày nay tại một số nơi trên thế giới người ta vẫn còn cấm đạo và bắt đạo.

Ðến đây, ta cần nhắc lại lời Chúa căn dặn: Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi (Ga 10:27). Nghe là một chuyện, còn theo là chuyện khác. Ta có thể nghe lời Chúa, chấp nhận lời Chúa là sự thật, là lời khôn ngoan, nhưng lại không nghe theo, và không tuân giữ. Chúa ví những người nghe lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người xây nhà trên cát, gặp mưa sa, nước lũ, gió cuốn vào nhà, thì nhà sẽ bị sụp đổ, và trở nên đống hoang tàn (Mt 7:27).

Lời cầu nguyện xin cho được biết nghe theo lời Chúa:

Lạy Chúa lời Chúa là lời hằng sống.

Chúa có lời ban sự sống đời đời.

Xin dạy con biết nhận ra tiếng Chúa,

lắng nghe lời Chúa, và đem ra thực thi trong đời sống.

Xin giúp con loại bỏ những chướng ngại vật trong tâm hồn

để lời Chúa có thể đi vào tâm hồn con. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

______________________

1. Chuyện do Lm Thomas Kemp kể lại

2. Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli