CN_6_PS_CChúa Nhật 6 Phục Sinh, Năm C

Cv 15:1-2, 22-29; Kh 21:10-14, 22-23; Ga 14:23-29

Khi Chúa Cứu thế giáng sinh tại Bêlem, các thiên thần ca hát vang dội: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm (Lc 2:14). Khi sai các môn đệ đi rao giảng tin mừng cứu độ, Chúa dặn họ chúc bình an cho nhà mà họ vào (Lc 10:5). Khi giã từ các môn đệ như Phúc âm hôm nay ghi lại, Chúa hứa ban bình an cho các ông (Ga 14:27). Khi sống lại từ cõi chết, lời đầu tiên của Chúa nói với các môn đệ là lời chào bình an (Lc 24:36; Ga 20:19, 21, 26). Ðôi khi ta tự hỏi: tại sao Chúa Cứu thế đến hứa ban bình an mà nhân loại vẫn phải chịu cảnh chiến tranh bạo động? Theo dòng lịch sử nhân loại, chiến tranh đã xẩy ra liên tiếp giữa các quốc gia, phe nhóm, bộ lạc khi những vấn đề tranh chấp không được giải quyết cách ổn thoả.

Theo mấy bản thống kê đáng tin tưởng, trong khoảng thời gian 5560 năm (năm ngàn năm trăm sáu mươi), nghĩa là từ khi có lịch sử ghi chép cho tới khi khối Cộng Sản Liên bang Xô Viết sụp đổ vào cuối năm 1991, đã xẩy ra chừng 14.000 cuộc chiến (mười bốn ngàn) trên thế giới. Những năm tương đối yên ổn chỉ đếm được vỏn vẹn có 292 năm (1) (hai trăm chín mươi hai). Sau Thế Chiến I, những nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới lập ra Hội Vạn Quốc gia và sau Thế Chiến II, Liên Hiệp Quốc được thành lập để vãn hồi và duy trì hoà bình. Trong thế kỉ 20, người ta đọc thấy được 14 bức tông thư của các vị Giáo Hoàng như Bênêđictô XV, Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI về việc kiến tạo hoà bình đã được ban bố.

Hiện tại trên thực tế thì chiến tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản được coi là đã ngưng. Không còn tranh chấp về ý thức hệ, người ta lại tranh chấp về những vấn đề lãnh thổ, nòi giống, tôn giáo và kinh tế. Những nước cộng sản trước kia lại chuyển hướng phát triển về kinh tế với sự trợ giúp của các nước tư bản. Người ta sẽ tranh chấp nhau vì lý do kinh tế nếu có chuyện quốc gia nọ bao vây kinh tế của quốc gia kia, hoặc nước này thao túng thị trường kinh tế của nước khác.

Hoà bình là điều mà đa số loài người mong muốn, nhưng ít khi đạt được. Hoà bình hiểu theo nghĩa loài người là vắng bóng chiến tranh, không còn tiếng súng đạn. Tuy nhiên mầm mống chiến tranh không phải là do súng đạn. Mầm mống chiến tranh là do từ bên trong phát ra: do lòng tham lam ích kỉ của con người, điều mà người ta gọi là lí do kinh tế. Mầm mống chiến tranh cũng có thể do lòng kiêu căng thù ghét, muốn làm bá chủ hoàn cầu, như là chiến tranh ý thức hệ. Mầm mống chiến tranh cũng do lòng ghen tuông, hận thù, ganh tị, do tôn giáo tính hoặc chủng tộc tính quá khích gây ra. Vì vậy súng đạn chỉ là phương tiện người ta dùng để chém giết lẫn nhau. Ðời xa xưa khi chưa có súng đạn, người ta dùng đá ném nhau, dùng cung tên để bắn nhau. Nếu không có khí giới nào khác cho người ta dùng để đánh nhau, thì người ta dùng chân tay để đấm đá nhau hay miệng lưỡi để mạt sát nhau.

Hoà bình, trên bình diện quốc gia và quốc tế, theo nghĩa từ điển Webster’s, có nghĩa là tình trạng, hay thời kì hoà hoãn và đình chiến giữa các quốc gia, hoặc phe nhóm. Tuy nhiên hoà bình có nghĩa gì đối với cá nhân mỗi người? Cũng theo từ điển Webster’s, hoà bình có nghĩa là trạng thái tĩnh, không bị tư tưởng xung khắc đè nén, nhưng là một sự hoà hợp trong mối tương quan và liên hệ giữa loài người.

Còn hoà bình theo nghĩa Thánh kinh là bình an - sàlôm. Dân Do thái cổ xưa coi bình an là ân huệ của Giavê Thiên Chúa. Sàlôm là từ ngữ họ dùng để chào hỏi nhau trong đời sống hằng ngày. Ngày nay đi du lịch sang Do thái mà gọi điện thoại, người ta vẫn nghe người bên kia đầu giây trả lời: sàlôm - phát âm là sơ-lom - có nghĩa là chúc mừng mọi sự tốt đẹp. Bình an bao hàm sự công chính (Is 60:17) và việc tuân giữ giới răn Chúa (Is 48:18). Trong Phúc âm hôm nay Ðức Giêsu hứa với các môn đệ: Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi (Ga 14: 27). Sách Công vụ Tông đồ ghi lại cộng đoàn tín hữu gốc dân ngoại (không phải Do thái) tại An-ti-ô-khi-a bị xáo trộn và hoang mang (Cv 15:24) khi có những người tín hữu gốc Do thái từ miền Giuđê đến bảo họ phải cắt bì theo tục lệ Môsê thì mới được cứu độ (Cv 15:1). Nghe vậy các tông đồ và các kì mục quyết định gửi ông Phaolô và Banaba đến trấn an họ, bảo rằng họ không cần phải cắt bì để trở thành người Kitô hữu (Cv 15:28).

Bình an mà Chúa Giêsu hứa ban thì khác với hoà bình mà nhân loại quan niệm. Hoà bình theo kiểu nhân loại là do thoả ước song phương giữa hai chính phủ hay phe nhóm kí kết hoặc do quyền lực ngoại bang áp đặt. Còn bình an là ân huệ của Chúa ban tặng trong tự do. Ðó là ơn giải thoát và ơn cứu độ. Như vậy bình an theo nghĩa Thánh kinh được nhắm về ngày cánh chung, là ngày sau hết vào đời thế mạt. Trong Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu hứa ban bình an cho các tông đồ và qua các tông đồ cho người tín hữu ngay tại đời này. Giáo hữu thời Giáo hội sơ khai thường chào nhau bằng lời chúc bình an. Thánh Phaolô cũng thường chào cộng đoàn tín hữu với lời chúc bình an cùng với ân sủng của Chúa Giêsu Kitô (2). Ngày nay trong thánh lễ, khi chúc bình an, linh mục chủ tế chúc cộng đoàn giáo hữu bằng lời chúc bình an của Chúa Giêsu: Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.

Bình an theo tinh thần Phúc âm phải được ăn rễ và phát triển trong tâm hồn mỗi người. Có được tâm hồn bình an là điều người ta có thể học để tìm kiếm và duy trì. Khi nói hay làm điều gì mà làm tâm trí bị xáo trộn hay xao xuyến nghĩa là mất sự bình an, và nếu người ta coi giá trị của bình an là quí giá cho tâm hồn, người ta sẽ tìm cách lấy lại bình an. Và rồi người ta còn tìm cách để tránh những lời nói hay việc làm có thể khiến cho tâm trí bị xao xuyến hay xáo trộn để duy trì bình an và hoa quả của sự bình an. Bình an là quà tặng của Chúa ban cho các tông đồ, và qua các tông đồ cho người tín hữu. Tuy nhiên bình an không phải là tác động một chiều từ trên xuống. Tiếp nhận bình an rồi, người tín hữu cũng phải làm gì để duy trì bình an trong gia đình và cộng đoàn nữa bằng cách sống đời ngay lành, chân thật, lương thiện và công chính. Bình an là sứ điệp mà Giáo hội rao giảng. Bình an cũng phải là sứ điệp mà người môn đệ đích thực của Đức Kitô phải cố gắng đạt tới, duy trì và cô võ.

Lời nguyện hoà bình theo Kinh nguyện của Thánh Phanxicô:

Lạy Chúa từ nhân!

Xin biến đổi con thành dụng cụ hoà bình của Chúa,

để con đem yêu thương vào nơi oán thù,

đem thứ tha vào nới lăng nhục,

đem an hoà vào nơi tranh chấp,

đem chân lý vào chốn lỗi lầm,

đem niềm tin vào nơi nghi kỵ,

đem trông cậy vào nơi thất vọng,

đem ánh sáng vào nơi tối tăm,

đem niềm vui tới chốn u sầu.

Lạy Chúa, xin hãy dạy con,

tìm an ủi ngưòi, hơn được người ủi an;

tìm hiểu biết người, hơn được người hiểu biết;

tìm yêu mến người, hơn được người mến yêu.

Vì chính khi cho đi, là khi được nhận lãnh,

chính lúc thứ tha, là khi được tha thứ;

chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời.. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

_________________________

  1. Christopher News Notes. Peace, War and the Christian Conscience. New York, N.Y.  Trong bản tin này, Richard Armstrong, M.M., Director of The Christophers ghi lại người ta ước lượng về con số những trận chiến xẩy ra trên thế giới từ khi có lịch sử ghi chép cho tới khi khối Cộng Sản Liên bang Xô Viết sụp đổ.
  2. Theo thư thánh Phaolô: 1Cr 1:3; 2Cr 1:2; Gl 1:3; Ep 1:2; Pl 1:2; Cl 1:2; 1Tx 1:1; 2Tx 1:2; 1Tm 1:2; 2Tm 1:2; Tt 1:4; Pl 1:3.