LE_CHUA__CHIU_PR_CLễ Chúa Chịu Phép Rửa, Năm C

Is 40:1- 5: 9-11; Tt 2:11- 14; 3:4-7; Lc 3:15-16, 21-22

Khi ông Gioan  tiền hô rao giảng phép rửa sám hối, thì dân chúng tuốn đến tấp nập để xin được chịu phép rửa. Ðức Giê-su cũng phê chuẩn phép rửa của Gio-an bằng cách xin chịu phép rửa tại sông Giô-đan.

Tuy nhiên phép rửa của Gio-an không phải là bí tích rửa tội. Phép rửa của Gioan chỉ là hình bóng của Bí tích Rửa tội mà Chúa sẽ thiết lập sau này để sửa soạn cho dân chúng tiếp nhận đạo Kitô, nhưng chưa làm cho họ trở nên người Ki-tô hữu.

Hôm nay nhân ngày lễ Chúa chịu Phép Rửa, ta cùng nhau suy niệm về trách nhiệm của bậc làm cha mẹ trong việc đem con đến giếng nước rửa tội. Qua Bí tích Rửa tội ta được trở thành dân mới đuợc chọn, không phải do dòng dõi máu huyết của tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng là do việc tái sinh bằng ơn thánh. Cũng qua Bí tích Rửa tội, ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Ta được gọi Thiên Chúa là Cha, Abba. Bí tích Rửa tội là giao ước ta thiết lập với Chúa qua cha mẹ và người đỡ đầu. Cha mẹ và người đỡ đầu tuyên xưng lời hứa thay cho con cái mà con cái sẽ phê chuẩn sau này. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc xin rửa tội cho con, vì chính cha mẹ đứng ra xin cho con được rửa tội. Cha mẹ xin đức tin cho con cái mà con cái chưa trưởng thành đủ để bầy tỏ đức tin lúc này. Như vậy ta có thể nói con cái được rửa tội trong đức tin của cha mẹ.

Trong phần đầu Nghi thức Rửa tội, linh mục chất vấn phụ huynh: Khi xin phép Thánh tẩy cho con, ông bà lãnh nhận trách nhiệm giáo dục con em trong đức tin, để các em tuân giữ các giới răn là mến Chúa yêu người như chính Chúa Kitô đã dạy chúng ta, ông bà có ý thức điều đó không? (1). Nhận thức được tầm quan trọng của Bí tích Rửa tội nên có những linh mục trì hoãn rửa tội cho trẻ thơ, nếu không thấy có dấu hiệu là con cái sẽ được lớn lên trong bầu khí đức tin. Ðức Cha Elden F. Curtis, Giám Mục Helena viết trong báo Địa phận: Ðiều tối thiểu mà Giáo Hội đòi hỏi trong việc rửa tội cho con cái là cha mẹ và người đỡ đầu phải chia sẻ đức tin và tham dự vào đời sống đức tin với con cái. Nếu không, người ta đã mặc nhiên coi Bí tích Rửa tội như là một hình thức trống rỗng và làm mất đi ý nghĩa của Phép Rửa tội (2).

Trước khi đổ nước rửa tội, linh mục mời gọi cha mẹ và người đỡ đầu tuyên xưng đức tin: Anh chị em hãy để tâm giáo dục con em trong đức tin, để sự sống của Chúa khỏi bị thiệt thòi vì ảnh hưởng tội lỗi, nhưng ngày cành nảy nở trong các em (3).

Cha mẹ xin rửa tội cho con cái mà không làm gì để giáo dục con em trong đức tin là chủ trương giữ đạo theo hình thức bên ngoài, mà thiếu tinh thần  nội tâm và trách nhiệm. Có những cha mẹ lý luận rằng họ không muốn gây ảnh hưởng đức tin nơi con cái nhỏ tuổi. Họ muốn con cái sau này tự quyết định nên tin theo tôn giáo nào. Ðiều mâu thuẫn ở đây là nếu cha mẹ đặt tên cho con, dạy con nói tiếng mẹ, dạy con giữ truyền thống, phong tục gia đình, thì tại sao lại không dạy con giữ truyền thống đức tin trong gia đình?

Thống kê cho thấy: nếu trẻ em học trường công giáo, hoặc học trường công mà đến nhà thờ học giáo lý tới lớp 12, thì dù sau này có bỏ việc thực hành đức tin, cuối cùng đương sự cũng tìm đường trở về với Chúa qua Giáo Hội. Và đó là một tin an ủi. Vì nhận thức được tầm quan trọng của việc học giáo lý, cho nên Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa việc học giáo lý vào  giới răn của Hội Thánh. Ðiều răn thứ ba của luật Hội Thánh tại Hoa Kỳ dạy: Học giáo lý dọn mình xưng tội và thêm sức và tiếp tục học thêm giáo lý. Trong Bí tích Rửa tội, cha mẹ và người đỡ đầu hứa tuyên xưng đức tin thay cho con cái, để con cái sau này có thể phê chuẩn. Ðể con cái có thể phê chuẩn đức tin khi chịu phép rửa tội, nếu không được hướng dẫn và dạy bảo? Ðó chính là vấn nạn mà Thánh Phao-lô đã  nêu lên khi viết:

-          Làm sao họ kêu cầu Ðấng họ không tin?

-          Làm sao họ tin Ðấng họ không được nghe?

-          Làm sao mà nghe, nếu không có người rao giảng? (Rm 10:14-15).

Lời nguyện cầu cho được giữ vững đức tin:

Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa đã ban cho con

được ơn nhận lãnh đức tin qua cha mẹ và người đỡ đầu.

Xin tha thứ những lần con bỏ bê việc thực hành đức tin.

Xin thứ tha những lần con tỏ ra cứng lòng tin,

không chịu tìm đến ánh sáng của lời Chúa,

lại còn biếng nhác trong việc học hỏi giáo lý của Ðạo,

và  không tìm đến những người có lòng tin vững mạnh,

để giúp củng cố và làm phát triển đời sống đức tin của con.

Xin làm mới lại đức tin của con vào lời Chúa và quyền năng Chúa

để con lại được vững tâm bước di trong ánh sáng chân lý. Amen.

 Lm Trần Bình Trọng

______________________

1. Ngi thức Thánh tẩy # 39

2. Báo Địa phận Helena, số ra Tháng 01. 1978

3. Nghi thức Thánh tẩy # 56