CN_15_TN_CChúa Nhật 15 Thường Niên, Năm C

Ðnl 30:10-14; Cl 1:15-20;  Lc 10:25-37

Ý thức được con người có xác và hồn, cho nên ước muốn của người luật sĩ trong Phúc âm hôm nay là làm thế nào để được hưởng sự sống đời sau. Vì thế ông ta bèn hỏi Ðức Giêsu làm sao để được hưởng sự sống vĩnh cửu? Ðọc Phúc âm, ta thấy đôi khi Chúa Giêsu trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác, nhất là khi gặp câu hỏi hai ý, hay khi người hỏi, không phải muốn biết, nhưng hỏi để bắt bẻ.

Người luật sĩ hôm nay đặt câu hỏi, không phải để bắt bẻ, nhưng là muốn biết. Tuy vậy Chúa Giêsu cũng hỏi lại để cho ông ta ý thức về bổn phận của mình, cho ông ta thức tỉnh và suy nghĩ, khiến ông ta tự tìm ra câu trả lời. Chúa Giêsu hỏi lại viên luật sĩ rằng: Trong lề luật đã chép như thế nào?(Lc 10:26). Người luật sĩ thưa: Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình (Lc 10: 27). Ở nơi khác trong Phúc âm, Chúa Giêsu bảo người thông luật/kinh sư hai giới răn quan trọng nhất nhì trong các giới răn là: mến Chúa và yêu người (Mt 22:37-39; Mc 12:30-31). Tuy vậy người luật sĩ không mãn nguyện với câu trả lời trong sách luật mà ông ta coi là quá tổng quát và trừu tượng. Ông ta muốn thấy có gì cụ thể nên mới hỏi lại: Nhưng ai là người thân cận của tôi? (Lc 10:29).

Chúa Giêsu cụ thể hoá lề luật yêu thương bằng dụ ngôn người Samari nhân hậu. Người Samari đã áp dụng giới răn yêu thương của Chúa bằng cách chấp nhận mối nguy hiểm để đi đến cứu chữa, băng bó vết thương và săn sóc cho người bị kẻ cướp hành hạ. Ông ta bỏ qua mối ác cảm giữa người Samari và người Do thái thời bấy giờ để đi đến giúp đỡ nạn nhân. Tình huynh đệ bác ái đã thúc đẩy ông ta đưa người bị thương đến quán trọ để được chữa trị và còn trả tiền phí tổn cho nạn nhân nữa.

Ðoạn đường Giêrusalem-Giêrikhô chạy dài ba mươi sáu cây số, khoảng hai mươi dậm đường. Vào thời đó đoạn đường này có vẽ tấp nập vào dịp lể lớn cũa người Do thái, khi dân chúng phải lên đền thờ Giêrusalem dự lễ cầu nguyện. Tuy nhiên đoạn đường này hồi đó cũng nguy hiễm vì có đồi núi, thung lũng quanh co, nên đạo tặc thường ẩn náu để cướp bóc khách qua lại. Coi bản đồ thì thấy Giêrikhô nằm ở phía bắc Giêrusalem mà Phúc âm lại ghi có một người đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Ðáng lẻ phải ghi từ Gêrusalem lên Giêrikhô mới đúng hướng. Tuy nhiên khi tra cứu cao độ thì thấy Giêrusalem cao hơn mặt nước biển là 729 mét (bảy trăm hai mươi chín), còn Giêrikhô thấp hơn mặt nước biển là 291 mét (hai trăm chín mươi mốt). Vì thế Phúc âm dùng từ ngữ xuống Giêrikhô cũng  đúng, nghĩa là đi xuống dốc về phía Giêrikhô.

Dụ ngôn trong Phúc âm hôm nay nói lên quan niệm tứ hải gia huynh đệ - bốn bể đều là anh em một nhà. Tình huynh đệ bác ái không hẳn chỉ nhắm đến người bà con ruột thịt, hay người bạn bè, làng xóm. Tình huynh đệ bác ái mà ta dành cho người không quen biết cũng nằm trong giới răn yêu thương của Chúa.

Chủ nghĩa cá nhân và thái độ dửng dưng, củng như những bất tiện, tính ích kỉ và mối nguy của cạm bẫy có thễ bảo ta không nên dấn thân làm việc bác ái giúp đỡ tha nhân khi họ gặp sa cơ quẫn bách. Còn qua việc làm của người Samari nhân hậu, Chúa dạy ta đừng giới hạn tình yêu và việc bác ái vào một số người nào đó như bà con bạn hữu. Viêc người Samari đã làm, Chúa bảo ta hãy đi và làm như vậy (Lc 10:37).

Việc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người Samari nhân hậu để dạy người thông luật là việc làm không đắc nhân tâm đối với người Do thái. Thời bấy giờ người Do thái và người Samari không giao thiệp với nhau. Giữa họ với nhau có gì ngăn cách. Ðó là mối ác cảm, nghi kị và kì thị. Vì thế ta nhớ lại tại sao khi Chúa Giêsu xin người đàn bà xứ Samaria bên giếng Giacóp cho nước uống, thì chị ta lên giọng châm biếm thắc mắc: Ông là người Do thái mà lại xin tôi, người xứ Samaria cho nước uống sao?(Ga 4:9). Chúa Giêsu biết như vậy. Tuy nhiên việc Chúa phải dạy, Chúa vẫn dạy chứ không quan tâm đến óc địa phương hay mối ác cảm của người nghe.

Sứ điệp Phúc âm hôm nay thách đố người tín hửu tránh hai thái độ: hoặc là chỉ tuyên xưng đức tin và bày tỏ lòng đạo đức mà không làm việc phục vụ bác ái, hoặc là chỉ cổ võ việc bác ái xã hội mà không có đời sống đức tin và cầu nguyện. Ta cũng giống như thày tư tế và thày Lêvi nếu ta chỉ quan tâm đến liên hệ hàng dọc từ trên xuống dưới giữa Thiên Chúa và mỗi cá nhân mà không quan tâm đến mối liên hệ hàng ngang giữa người với người. Trong đạo Chúa còn có một mối liên hệ hàng ngang giữa nguời với người nửa như Thánh kinh dạy ta: Loài người đuợc dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1:27) và được máu con Thiên Chúa đổ ra để cứu chuộc (Mt 26:28).

Việc người tín hữu phục vụ tha nhân sẽ không có nền tảng nếu không được xây dựng trên đức tin vào Chúa, tin rằng Chúa hiện diện nơi tha nhân và phục vụ tha nhân là phục vụ Thiên Chúa một cách gián tiếp. Ta được gọi để phục vụ người thân cận với toàn diện con người. Toàn diện con người gồm thân xác, trí khôn và linh hồn. Việc phục vụ tha nhân phải có đức tin và lời cầu nguyện đi kèm. Không có đức tin và lời cầu nguyện, thì việc giúp đỡ phục vụ tha nhân chỉ là việc xã hội hay việc nhân bản, chứ không phải là viêc bác ái Kitô giáo.

Lời cầu nguyện xin Chúa dạy cho biết cụ thể hoá tình yêu bằng việc làm:

Lạy Thiên Chúa là tình yêu.

Vì yêu, Chúa đã tạo dựng con người và vạn vật.

Cũng vì yêu, Chúa đã sai Con Một xuống thế,

chấp nhận khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người.

Xin Chúa dạy con biết cụ thể hoá tình yêu

bằng việc hi sinh phục vụ giúp đỡ tha nhân

với niềm tin, cậy, mến. Amen.

Lm Trần Bình Trọng