CN_19_TN_CChúa Nhật 19 Thường Niên, Năm C

Kn 18:6-9; Dt 11:1-2, 8-19; Lc 12:32-48

Trong đời sống thường ngày, đôi khi người ta phàn nàn hay nghe phàn nàn: Nếu biết trước được sự thể sẽ xẩy ra như vậy, người ta đã đề phòng, để khỏi xẩy ra nông nỗi này. Nếu biết trước được tai nạn xẩy ra, người ta đã thắt đai an toàn, đã thế nọ thế kia khi lái xe. Nếu biết trước được máy bay rớt, người ta đã không đi chuyến bay đó. Sự thật thì người ta không nắm chắc được tương lai và số phận, người ta không lường được chữ ngờ.

Trong Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu kêu gọi loài người phải tỉnh thức và sẵn sàng, chờ ngày Chúa đến. Rồi Chúa kể dụ ngôn khi người chủ nhà đi vắng, thì người đầy tớ khôn ngoan sửa soạn đợi chủ về (Lc 12:36-38). Còn người đầy tớ  không tỉnh thức chờ đợi, nên khi chủ về bị bắt quả tang làm chuyện bất lương, thì thật là vô phúc cho anh ta (c. 45-46). Chúa bảo ta cũng hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút ta không ngờ, thì Con Người sẽ đến (c. 40). Trong thời Cựu ước, việc thiên thần Chúa đến giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ bên Ai cập cũng đã xẩy ra bất ngờ (Kn 18:7). Ai đã là hướng đạo sinh thì hiểu được ý nghĩa của khẩu hiệu: Sắp sẵn hay sẵn sàng của Hướng đạo.

Khi căn dặn các môn đệ phải tỉnh thức và sẵn sàng, Chúa Giêsu muốn ta phải tỉnh thức cầu nguyện, chống trả cám dỗ và dịp tội. Việc tập luyện để tỉnh thức sẽ làm tăng sức mạnh thiêng liêng hầu giúp ta có thể sẵn sàng chống trả cám dỗ. Việc tỉnh thức còn bao gồm viêc trung thành tuân giữ giới răn Chúa và sống theo đường lối Chúa. Ðó là gương tổ phụ Áp-ra-ham đã để lại cho ta về lòng trung thành, tin vào lời hứa của Chúa mặc dầu với những thử thách ngược lại với lời Chúa hứa (Dt 11: 8, 11, 17).

Ðể làm tăng thêm tầm quan trọng của việc tỉnh thức, Chúa còn cho ví dụ là người ta không biết khi nào kẻ trộm sẽ đào ngạch, khoét vách nhà mình (c. 39). Dụ ngôn trong Phúc âm ám chỉ về cái chết và việc phán xét của mỗi cá nhân, cũng có thể được hiểu theo nghĩa là ngày tận thế. Người ta không biết được khi nào mình sẽ lìa đời và lìa đời bằng cách nào. Không ai biết được khi nào thiên thần Chúa sẽ đến gõ cửa nhà linh hồn.

Nếu tin rằng chết là hết thì đâu có cần tỉnh thức và sửa soạn chờ ngày Con Người đến. Ngụ ý của bài Phúc âm là người ta phải trả lẽ trước mặt Chúa về đời sống của mình. Và nếu người ta khôn ngoan, người ta phải làm hoà với Chúa trong khi còn thời giờ để làm việc đó. Vì thế người ta không thể thờ ơ lãnh đạm. Ai tưởng rằng mình có đủ thời giờ để sửa soạn thanh toán nợ nần với Chúa hoặc với tha nhân là tự lừa dối mình. Sở dĩ có việc sửa soạn là vì Chúa dạy ta rằng chết không phải là hết, nhưng còn có ngày phán xét và ta cũng tin như vậy.

Thường người ta quan niệm Chúa Giêsu là Ðấng chăn chiên lành. Khi nhìn Chúa dưới lăng kính người mục tử chăn chiên lành, người ta nghĩ đến việc Chúa săn sóc, nghĩ đến lòng nhân từ, thương yêu và hay tha thứ của Chúa. Tuy nhiên nếu chỉ nhìn đến tình yêu, lòng thương xót và lòng tha thứ của Chúa thì đó là cái nhìn khiếm diện có tính cách một chiều. Chúa Giêsu còn đến để phán xét. Và Chúa phán xét theo việc người ta có nghe và thực thi lời Chúa giảng dạy không? Mỗi người chúng ta không sớm thì muộn sẽ phải đối diện với cái chết, thời giờ mà ta phải đến toà phán xét.

Có những nền văn hoá khiến người ta ít có dịp nghĩ về cái chết. Văn hoá xã hội muốn bảo vệ người ta khỏi cảnh phiền lụy và buồn khổ do cái chết gây ra. Khi có người chết, thì nhà quàn hầu như đảm nhận hầu hết mọi dịch vụ: tẩm liệm, nhập quan, di quan và chôn cất. Ngoài nấm mộ ra, người ta thường không có gì, ngay cả hình chụp người chết cũng không có - để nhắc nhở cho mình và cho con cháu về cái chết của người thân yêu. Có lẽ không mấy ai muốn nghĩ về cái chết. Người ta thường quan niệm chết chỉ xẩy ra cho người khác, chứ không xẩy đến cho chính mình. Tuy nhiên chết là một điều bí mật. Chết có thể xẩy đến cho bất cứ ai, bất thình lình, ở bất cứ nơi nào, ngay cả những nơi mà người ta coi là an toàn nhất. Mỗi phút trên thế giới có khoảng hai trăm người chết. Cứ vậy mà nhân lên cho mỗi giờ, rồi mỗi ngày.

Trong đời sống, ta thường nghe người ta nói: Ngày đó, tôi sẽ đi xưng tội để làm hoà với Chúa, và bắt đầu cuộc sống mới và trung thành giữ đạo. Ngày đó tôi sẽ thế nọ thế kia. Tuy nhiên ngày đó có thể không bao giờ đến cho người đã đi vào kiếp sau. Như vậy Chúa muốn ta sống trong giờ phút hiện tại, trong đức tin và trong ơn nghĩa với Chúa.

Thiết tưởng hôm nay, mỗi người cần  tự hỏi:

-         Tại sao sinh ra ở đời này?

-         Cuộc sống ở trần gian có mục đích và ý nghĩa gì?

-         Con người khác con vật ở điểm nào, hay cũng chỉ trải qua cái chu kỳ như loài vật và cỏ cây: sinh, bệnh, lão, tử.

-         Ai có thể lấp đầy được sự trống rỗng trong tâm hồn của mỗi người?

-         Ai có thể mang lại ý nghĩa, lẽ sống và cùng đích cho đời mình?

Lời cầu nguyện xin cho được biết tỉnh thức sẵn sàng:

Lạy Thiên Chúa là Ðấng con thờ!

Bao giờ Chúa đến viếng thăm con lần cuối đời này?

Xin dạy con biết tỉnh thức đợi chờ ngày Chúa đến,

viếng thăm linh hồn con lần cuối,

để con sẵn sàng đón rước Chúa,

vào nhà linh hồn con. Amen.

Lm Trần Bình Trọng