Chúa Nhật 4 Thường Niên, Năm A

Xp 2:3; 3: 12-13; 1Cr 1:26:31; Mt 5:1-12a

CN4_thuong_nien_nam_AThưở xưa, Thiên Chúa nói với loài người qua miệng các ngôn sứ, các tổ phụ. Ngôn sứ Xophônia đã đề cập đến đường lối của Chúa: Hãy tìm Chúa, hỡi tất cả những người hiền lành trong nước, là những kẻ tuân giữ luật Chúa; hãy tìm công lý, hãy tìm sự khiêm tốn, nếu các ngươi muốn được che chở trong ngày thịnh nộ của Chúa (Xp 2:3). Cuối cùng Thiên Chúa sai Con Một đến để làm đảo lộn những giá trị của loài người. Nếu xét theo đường lối loài người thì những điều Chúa dạy trong Tám mối Phúc thật làm người ta ngỡ ngàng, nghi ngờ và không an lòng. Thánh Phaolô cũng đã nhận ra đường lối của Chúa trong thư gửi tín hữu Corintô: Những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có (1Cr 1:28).

Nếu những người sống Tám mối Phúc thật bị coi là khờ dại, thua thiệt, thì trước mặt Chúa, họ lại được chúc phúc (Mt 5:1-12a). Dưới cặp mắt người đời, thì tiền của đồng nghĩa với quyền thế và danh vọng, vì người ta quan niệm: Có tiền mua tiên cũng được. Còn khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa là sống tinh thần nghèo khó (c. 3). Ở đây ta cần lưu ý đến tinh thần nghèo khó hơn là thực tại nghèo khó. Như vậy giàu hay nghèo theo tinh thần Phúc âm là tuỳ thuộc vào thái độ của mỗi người đối với của cải vật chất. Do đó một người nghèo xơ xác, mà cứ để lòng trí mơ ước của cải và ước muốn làm giàu bằng những phương tiện bất chính, thì có thể được coi là giầu có trong tư tưởng và ước muốn.  Trái lại một người giầu có về của cải vật chất, nhưng nếu họ làm giàu cách chính đáng, nếu biết dùng của cải vào việc từ thiện bác ái, và không để lòng trí dính bén vào của cải, thì trước mặt Thiên Chúa họ cũng được chúc phúc.

Theo quan niệm người đời thì nếu người ta cứ ăn ở hiền lành, người ta sẽ bị ăn hiếp. Ở đây Chúa bảo họ cứ ăn ở hiền lành mà theo nghĩa Thánh kinh thường đi đôi với khiêm hạ và bé mọn để được đất hứa làm cơ nghiệp (c. 4). Dưới con mắt trần gian thì đau buồn là một bất hạnh. Ðể bù lại Chúa hứa cho người sầu khổ sẽ được an ủi (c. 5). Dưới cặp mắt người đời, nếu người ta ao ước sống đời công chính, người ta sẽ bị coi là ảo tưởng. Chúa lại hứa cho người đói khát sự công chính được no thoả (c. 6). Dưới cái nhìn đời, nếu người ta cứ thương xót mãi, người ta có thể bị lợi dụng. Còn Chúa lại hứa cho họ được xót thương (c. 7). Dưới lăng kính trần thế, người ta phải tìm hưởng thú vui cho thoả mãn ở đời này. Ðiều Chúa hứa cho người có lòng trong sạch là được nhìn xem Thiên Chúa (c. 8). Theo kinh nghiệm loài người, thì những người ăn ở thuận hoà, thường hay bị qua mặt. Còn Chúa lại hứa cho họ được làm con Thiên Chúa (c. 9). Trong thế giới ngày nay vẫn còn có những người đang bị bách hại, bị ghét bỏ, bị vu khống vì lẽ công chính do việc tin theo Chúa, Chúa hứa cho họ nước Trời (c.10). Ta có thể tưởng tượng những người bị bách hại vì lẽ công chính, những người bị cấm đạo ở những miền đất vẫn còn bị cấm thực hành đức tin sẽ được an ủi biết bao khi nghe phúc thứ Tám của Tám mối Phúc thật.

Có những người có thể đặt câu hỏi: giữ Mười Giới răn Chúa không đủ hay sao mà còn  cần đến Tám mối Phúc thật? Thưa rằng Mười Giới răn là những điều kiện tối thiểu đòi buộc người tín hữu phải sống và làm thế này, mà không được sống và làm thế kia để giúp họ chu toàn bổn phận với Chúa và tha nhân. Tuy nhiên là người con thảo, người tín hữu phải vượt lên trên những điều kiện tối thiểu để sống Tám mối Phúc thật hầu được trở nên hoàn thiện như Chúa muốn họ trở nên hoàn thiện và hưởng hạnh phúc đời sau. Người sống Tám mối Phúc thật còn được hưởng hạnh phúc ngay tại đời này. Hạnh phúc đó là tâm hồn bình an và lòng thư thái. Tại sao người sống Tám mối Phúc thật lại được chúc phúc?  Lý do là người sống theo đường lối Tám mối Phúc thật là sống theo đường lối của Chúa. Người không cậy dựa vào tiền của, người không có ai và không có gì để nương tựa, thường tìm đến nương tựa vào Chúa, đặt niềm cậy trông phó thác vào Người. Họ tìm  đến Chúa là  gia nghiệp đời họ.

Nếu có ai nghĩ rằng Tám mối Phúc thật chỉ thích hợp cho những người mà tóc đã đổi mầu, và vì thế Giáo hội không nên rao giảng Tám mối Phúc thật cho giới trẻ. Suy nghĩ như vậy là sai. Trong dịp Ngày Giới trẻ Thế giới tại Toronto, Gia nã Ðại năm 2002, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II thách đố giới trẻ sống và loan truyền Tám mối Phúc thật trên thế giới. Ðức Thánh Cha lặp lại lời Chúa nói: Con đường Tám mối Phúc thật là con đường đưa tới hạnh phúc thật. Theo Ðức thánh Cha thì đạt tới hạnh phúc thật không phải chuyện dễ. Mặc dầu khó để đạt tới hạnh phúc thật, giới trẻ đã đón nhận sứ điệp cách nhiệt tình. Coi truyền hình Ngày Giới trẻ, người ta có thể thấy sự nhiệt tình của giới trẻ được biểu lộ trên nét mặt, trong ánh mắt, nơi môi miệng, chân tay và cả thân người của người trẻ.

Trải qua suốt dòng lịch sử Giáo hội, có những người, gồm cả người ngoài Kitô giáo đã tự ý sống đường lối Tám mối Phúc thật với hi vọng rằng đời sống tinh thần của họ được nâng cao. Sống Tám mối Phúc thật, người ta sẽ bị chìm xuống, để rồi lại được vươn lên. Ðó là một định luật mà người ta gọi là ‘định luật sức cố gắng đảo ngược’ mà Thiên Chúa đã đặt để vào tâm khảm loài người.

Lời cầu nguyện xin cho biết sống đường lối đem lại phúc thật:

Lạy Chúa Giêsu, Ðấng toàn năng, hiện hữu từ đời đời!

Chúa đến để làm đảo lộn những giá trị của loài người.

Ðường lối Chúa đi ngược với đường lối thế gian.

Những gì thế gian coi là bất hạnh, thua thiệt và khờ dại

thì lại được coi là khôn ngoan và được chúc phúc.

Xin dạy con biết sẵn sàng áp dụng đường lối Phúc thật

để quyền năng Chúa biến đổi đời sống con. Amen.

Lm Trần Bình Trọng