CN_2_TN_B_copy_copyChúa Nhật 2 Thường Niên, Năm B

1Sm 3:3-10,19; 1Cr 6:13-15,17-20; Ga 1:35-52

Nhìn thấy Ðức Giêsu đi qua, ông Gioan tiền hô liền giới thiệu hai môn đệ của mình cho Chúa: Ðây là Chiên Thiên Chúa (Ga 1:36). Một trong hai môn đệ đi theo Chúa thì Phúc âm hôm nay nêu danh tính là Anrê, còn ông kia được giấu tên. Tuy nhiên giới học giả Thánh kinh đoán là ông Gioan tông đồ vì ông có khuynh hướng hay giấu tên mình.

Bốn trường hợp khác, ông cũng giấu tên khi viết: Người môn đệ mà Chúa yêu (Ga 13:23; Ga 19:26-27; Ga 20:2; Ga 21:7). Ba trường hợp nữa ông cũng giấu tên khi viết: Môn đệ kia (Ga 20:3; Ga 20:4; Ga 20:8).

 

Hai môn đệ của ông Gioan tiền hô chấp nhận lời mời gọi của Chúa: Hãy đến mà xem (Ga 1:39). Họ đến xem nơi Chúa ở và quyết định ở lại với Người và đi theo Người. Gioan tiền hô không đặt vấn nạn về việc hai môn đệ đào ngũ đi theo Chúa, vì ông chủ trương Ðấng cứu thế phải được tỏ hiện, còn ông phải rút lui vào bóng tối (Ga 3:30). Hành động đầu tiên của ông Anrê khi tìm thấy nơi Chúa ở, là đi tìm anh mình là ông Simon để giới thiệu với Chúa. Khi Simon đến gặp Đức Giêsu, Chúa liền đổi tên ông thành Phêrô, có nghĩa là đá. Chúa đặt cho ông tên này vì Chúa đã dự trù Người sẽ đặt ông làm đầu Giáo hội. Ông sẽ trở nên như tảng đá vững chắc cho toà nhà Giáo hội của Chúa.

Các ông đi theo Đức Giêsu, chắc chắn trăm phần trăm không phải vì Chúa ở nhà cao cửa rộng. Trong đời sống ẩn dật, Chúa ở tại nhà Nadarét. Còn trong đời sống công khai, Phúc âm chỉ nhắc Đức Giêsu ghé lại nhà ông Dakêu (Lc 19:5) và có những lần Người nghỉ tại nhà ba chị em Mác-ta, Maria và Ladarô (Lc 10:38; Ga 12:2). Những trường hợp khác ta có thể đoán khá chắc chắn rằng Chúa sống kiểu bụi đời: nay đây mai đó. Ở đâu thì dựng túp lều vải lưu động để che mưa nắng, đi thì gấp lại rồi mang theo. Lối sống vô gia cư này được Chúa xác nhận khi có người trong Phúc âm muốn đi theo Chúa, thì Người bảo: Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu (Mt 8:20; Lc 9:58). Theo Chúa trong trường hợp và hoàn cảnh như vậy phải kể là mạo hiểm, nếu chưa nói là liều lĩnh vì nước Trời. Bài trích sách Sa-mu-en quyển một cho thấy câu chuyện Chúa gọi Samuen để thi hành sứ mệnh lãnh đạo dân Chúa và làm ngôn sứ. Samuen trả lời sẵn sàng: Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe (1Sm 3:10).

Nói đến ơn gọi nhiều người tưởng rằng chỉ có linh mục và tu sĩ nam nữ mới được ơn Chúa gọi làm việc tông đồ truyền giáo. Thực ra mỗi người tín hữu đều có ơn gọi. Nói chung có ba thứ ơn gọi khác nhau: ơn gọi làm linh mục tu sĩ nam nữ, ơn gọi sống đời hôn nhân, ơn gọi sống độc thân giữa đời. Người giáo dân sống độc thân hay có gia đình qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức đều được gọi để làm việc tông đồ giáo dân bằng lời cầu nguyện, gương sáng, bằng việc bác ái phục vụ theo khả năng và phương tiện có thể.

Theo thánh Phaolô thì trong Giáo hội có những ơn gọi, những chức vụ và vai trò khác nhau khả dĩ để xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô (1 Cr 12:12-34). Công đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, kêu gọi người giáo dân làm việc tông đồ nơi gia đình, trong xã hội, trên bình diện quốc gia và quốc tế qua việc tông đồ cá nhân, việc tông đồ tập thể. Công Ðồng ghi nhận: Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc âm và thánh hoá. Chính chứng tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa (TÐGD # 6).

Như vậy có ơn gọi nọ giá trị và cao qui hơn ơn gọi kia chăng? Cổ nhân thường nói: Tu là cõi phúc, tình là dây oan. Tuy nhiên tu mà không trọn kiếp thì cũng không hẳn là có hạnh phúc. Ðiều quan trọng là mỗi người sống theo ơn gọi của mình, tìm cách phát triển và hoàn thành ơn gọi. Trong một vở kịch mà tài tử chính diễn dở thì làm cho vở kịch kém giá trị. Trái lại người đóng vai phụ mà diễn hay, thì cũng được khen thưởng.

Sống ơn gọi là một tiến trình kéo dài suốt cả cuộc sống. Ngày chịu chức linh mục không phải là dừng bước làm linh mục. Ngày chịu chức linh mục mới chỉ là bước khởi đầu cho đời sống linh mục. Ðời sống hôn nhân cũng vậy. Hôn nhân không dừng lại trong ngày cưới, trong tuần trăng mật. Tình yêu và đời sống hôn nhân phải được nuôi dưỡng và phát triển từ ngày này qua ngày khác, từ năm nọ qua năm kia. Ơn gọi làm người Kitô hữu cũng không dừng lại khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy hay Bí tích Thêm sức. Chứng chỉ rửa tội không phải là giấy thông hành để vào nước Trời, nếu người ta không sống và thực hành lời Chúa và không giữ giới răn Chúa. Mỗi người tín hữu cần tiếp tục học hỏi về đạo giáo và đường lối Phúc âm hầu làm tăng triển mối liên hệ với Chúa, sống đức tin và làm đổi mới đức tin.

Ðó là tíến trình của việc làm môn đệ. Mỗi người Kitô hữu đã chịu Phép Thanh tẩy gồm cả linh mục, nam nữ tu sĩ đều được gọi để làm môn đệ Chúa. Việc người tín hữu đáp lại tíếng Chúa mời gọi không phải là một lần. Mỗi ngày đòi ta làm mới lại việc đáp trả. Còn việc chấp nhận hay không là tùy thuộc vào mỗi người. Bản tính loài người là yếu đuối, nhưng khi Chúa mời gọi ta làm việc nọ chuyện kia, Người ban đủ ơn để ta thi hành công việc.

Lời Chúa mời gọi không phải là tiếng gọi một chiều, nhưng bao hàm việc đáp trả và cộng tác với ơn Chúa. Ân huệ và quyền năng của Chúa tuỳ thuộc vào việc mở rộng tâm hồn và cộng tác của mỗi người.

Lời cầu nguyện: xin cho được đáp trả và sống ơn gọi mỗi ngày:

Lậy Chúa! Chuá hằng kêu gọi mỗi người

đến những vai trò và phận vụ khác nhau

để phụng sự Chúa và phục vụ đồng loại.

Xin cho những người đứng giữa ngã ba đường

không biết phải theo đường nào

được nhận ra đường Chúa muốn họ đi

để họ có thể đáp trả và theo đuổi.

Và xin ban ơn để con hoàn thành ơn gọi. Amen.

 

Lm Trần Bình Trọng