CN_1_MC_BChúa Nhật 1 Mùa Chay, Năm B

St 9:8-15; 1Pr 3:18-22; Mc 1:12-15

Theo Thánh kinh, thì mỗi khi Thiên Chúa có điều chi thoả thuận với dân mình, thì Người lập giao ước. Giao ước Thánh kinh khác với hợp đồng giữa hai phe nhóm hoặc hiệp định giữa hai quốc gia.

Một bên của hợp đồng hay hiệp định có thể giầu mạnh hoặc ảnh hưởng hơn bên kia, nhưng hai bên coi nhau như ngang hàng. Trong hợp đồng hay hiệp định, nếu một bên lỗi phạm, thì bên kia không phải tuân giữ. Còn giao ước Thánh kinh thì có tính cách đơn phương. Thiên Chúa luôn đứng chủ động để khởi sự giao ước bằng việc bày tỏ tình yêu của Người cho nhân loại. Và Thiên Chúa mời gọi loài người đáp trả lại tình yêu đó.

Giao ước đầu tiên được ghi lại trong Thánh kinh là giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nô-ê khi Chúa phán: Ðây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi (St 9:9-10). Bài trích sách Sáng thế hôm nay ghi lại: Sau khi Chúa cứu gia đình ông Nôê khỏi hồng thuỷ, thì Chúa cho cầu vồng xuất hiện như là một biểu hiệu của lòng nhân từ hay thương xót của Chúa. Cầu vồng là biểu hiệu của giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nôê có nghĩa là bão táp đã qua đi và nước lụt đã rút xuống.

Còn giao ước quan trọng nhất trong thời Cựu ước là giao ước Chúa ban cho dân Người qua Môsê trên núi Sinai (Xh 20:1-21) khi Chúa ban Mười Giới luật cho dân Người và được phê chuẩn bằng máu chiên đổ trên bàn thờ (Xh 24). Trong thời Cựu ước, qua các ngôn sứ, Thiên Chúa luôn nhắc nhở cho dân Người phải trung thành với lời giao ước và Thiên Chúa luôn trung thành với lời giao ước. Tuy nhiên dân riêng Chúa không mấy khi giữ lời giao ước. Họ thường bất trung, phản bội. Lỗi lời giao ước thì Chúa chỉ phạt, rồi Chúa lại giang tay đón nhận họ trở về khi họ thực lòng ăn năn sám hối.

Sau cùng Thiên Chúa làm một giao ước vĩnh cửu với dân riêng qua chính Con Một của Người. Giao ước đó được kí kết, không phải bằng máu hiến tế của chiên cừu trong Cưu ước, nhưng bằng Máu Con Thiên Chúa như ta nghe linh mục chủ tế công bố lời Chúa truyền phép trên chén rượu trong thánh lễ: Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và muôn người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy (Mt 26:28; 1Cor 11:25).

Thư thứ nhất của Thánh Phêrô tông đồ cho thấy có sự song hành giữa giao ước của Thiên Chúa với ông Nôê và giao ước Chúa thiết lập trong Bí tích Rửa tội. Theo thánh Phêrô thì việc gia đình ông Nôê được cứu thoát khỏi nạn hồng thuỷ, là dấu báo hiệu người tín hữu cũng được cứu thoát qua nước rửa tội (1Pr 3:20-21).

 Hôm nay Giáo hội muốn nhắc nhở cho ta một biến cố đã xẩy ra cho mỗi người khi còn ở tuổi măng sữa: đó là Bí tích Rửa tội. Các nhà tâm lý học thường nhấn mạnh đến những gì ta có kinh nghiệm, ngay cả khi còn nhỏ tuổi, đều có ảnh hưỏng đến đời sống hiện tại. Bí tích rửa tội là một biến cố vĩ đại. Hoặc ta chịu phép Rửa tội khi còn ở tuổi măng sữa, hay khi đã lớn, ta phải tìm hiểu ý nghĩa của phép Rửa tội và sống phù hợp với ý nghĩa của Bí tích.. Bí tích Rửa tội là một giao ước giữa Thiên Chúa với loài người. Trong Bí tích Rửa tội, Thiên Chúa ban tình yêu và lòng thương xót, còn người chịu phép rửa tội hứa giữ lòng trung tín, lo tròn bổn phận làm con.

Theo truyền thống cổ xưa, thì Giáo hội luôn nhấn mạnh việc rửa tội người dự tòng trong mùa Chay. Ngay từ hồi khởi đầu, Giáo hội đòi hỏi người dự tòng phải dùng suốt mùa Chay để học đạo, sửa soạn cho việc rửa tội trong đêm thánh Vọng Phục sinh.

Giáo hội thiết lập mùa Chay kéo dài bốn mươi ngày để ghi nhớ 40 ngày Chúa Giêsu đi vào hoang địa, ăn chay và chịu Xa-tan cám dỗ (Mc 1:13). Ngày nay Giáo hội khuyến khích người tín hũu giữ truyền thống mùa Chay, thời gian cầu nguyện, ăn năn sám hối và làm việc từ thiện bác ái. Mùa Chay là thời giờ giúp ta từ bỏ tội lỗi và đền tội, cải tạo đời sống để trở về với Chúa. Ðể sửa soạn cho giao ước trên núi Sinai, Môsê cũng ăn chay 40 ngày (Xh 34:28; Ðnl 9:9). Êlia, một ngôn sứ có giọng thét ra lửa, ăn chay 40 ngày trong cuộc hành trình lên núi Khôrếp (1V 19:8). Theo truyền thống Kitô giáo, Gioan tiền hô, một đại ngôn sứ cuối cùng thời Cựu ước, cũng ăn chay 40 ngày trước khi được gọi để sửa soạn cho việc Chúa đến bằng cách kêu gọi dân chúng chịu phép rửa thống hối. Như vậy việc người tín hữu ăn chay, không phải là một hành động tách biệt riêng rẽ, nhưng là ăn chay cùng với Ðức Kitô và theo gương các ngôn sứ và đồng thời với các tín hữu khác.

Trong Đêm thánh vọng Phục sinh, Giáo hội mời gọi người tín hữu ôn lại lời hứa khi chịu Phép Rửa tội là từ bỏ Xa-tan, cùng những xúi giục và quyến rũ của nó. Xatan đã được nhắc đến trong Thánh kinh năm mươi bảy lần. Riêng bốn Phúc âm thì nhắc đến Satan mười bốn lần. Như vậy Xatan phải có thật. Xatan là tướng quỉ đã được phép cám dỗ Ðức Giêsu thì quỉ - hoặc qủi đực hay quỉ cái - lại càng nhất quyết tấn công loài người để lôi kéo người ta vào thế giới tối tăm. Theo các nhà dẫn đàng thiêng liêng và theo lời dạy bảo của thánh Giacôbê thì, nếu ta dứt khoát với Xatan một vài lần, quỉ dữ sẽ cụt hứng không còn dám bén bảng đến nữa (Gc 4:7). Ðể cho việc ôn lại lời hứa khi chịu phép rửa tội khỏi trở thành vô nghĩa, ta cần sống tinh thần mùa chay: đó là tinh thần cầu nguyện, tạ tội và làm việc từ thiện bác ái.

Lời cầu nguyện xin Chúa giúp chống trả cám dỗ:

Lạy Chúa, Chúa đã chịu để Xa-tan cám dỗ

và Chúa lướt thắng cám dỗ.

Xin tha thứ những lần con không tránh xa dịp tội,

những lần con không chịu kỉ luật hoá mình,

cho nên cám dỗ mới đến với con.

Xin dạy con biết luyện chưởng thiêng liêng

để con có thể chống trả cám dỗ. Amen.

Lm Trần Bình Trọng