CN_26_TN_CChúa Nhật 26 Thường Niên, Năm C

Am 6:1a, 4-7; 1 Tm 6:11-16; Lc 16:19-31

Nếu đời này là cùng đích của con người, thì những cảnh nghèo khổ, đói rách, bệnh hoạn, tật nguyền, sầu khổ.. là những bất hạnh của con người. Nếu đời này là cứu cánh, thì người ta phải tận hưởng cho tới mức tối đa: người ta phải tìm ăn ngon mặc đẹp, người ta phải kiếm tìm những thú vui cho thoả mãn. Tuy nhiên đời này chỉ là tạm gửi. Trừ ra những người theo chủ nghĩa duy vật vô thần, còn đa số loài người đều tin có đời sau. Nếu không có đời sau, thì nhiều việc xẩy ra ở đời này là bất công, bởi vì nhiều người hiền đức, thánh thiện và công chính đã phải chịu kiếp sống nghèo đói, tù đày và phải mang bệnh tật đau đớn.

Vì thế mới có dụ ngôn vể người giàu và người nghèo trong Phúc âm hôm nay. Người giàu có trong Phúc âm chỉ dùng tiền của để thoả mãn tính ích kỷ: Ông mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình (Lc 16:19). Ông ta từ khước việc dùng tiền của để giúp đỡ người đói khổ. Ông ta bịt tai nhắm mắt trước cảnh lầm than quẫn bách của người khốn cùng. Ðiều lỗi lầm của người phú hộ trong Phúc âm là ông ta chỉ dùng tiền của để thoả mãn tính ích kỷ của mình. Người phú hộ bị kết án, không phải vì ông ta giàu có, nhưng vì ông ta ích kỷ. Tính ích kỉ đã làm ông ta mù quáng trước nỗi thống khổ của người nghèo đói. Lí do khiến ông ta bị phạt ở đời sau dưới âm phủ là vì thiếu quan tâm và thiếu lòng thương xót người nghèo đói. Có nhóm Việt kiều du lịch về thăm quê hương  thấy có quán âm phủ ở cố đô Huế, tò mò vào thử. Một người trong nhóm thắc mắc: không biết dưới âm phủ có quán ăn không hả? Người kia thêm thắt: dưới đó mà có quán ăn thì cũng đỡ nhỉ.

Ngược lại với lối sống trưởng giả của người phú hộ là cảnh người đói rách tả tơi: Mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thức trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống (Lc 16:21). Cũng lạ là người nghèo đói trong dụ ngôn lại có tên, mà tên là Ladarô. Và danh xưng Ladarô có nghĩa là Thiên Chúa cứu giúp. Ðời sau ông Ladarô được chúc lành ở nơi an ủi, còn người phú hộ bị kết án trong âm phủ.

Ông Ladarô trong dụ ngôn này không phải là Ladarô, em của hai chị em bà Mác-ta và Maria tại làng Bêtania, được Chúa Giêsu cho sống lại ở đời này. Lí do là vì ông Ladarô làng Bêtania không phải là người nghèo. Gia đình ba chi em làng Bêtania được coi là khá giả và thường được dùng làm nhà trọ miễn phí cho Chúa và các tông đồ (Mt 21:17; Mc 11:11; Lc 10:38-42; 21:37; Ga 11:11,17; 12:1) mỗi khi Thầy trò về Giêrusalem. Cô Maria lại có thể cung ứng loại dầu cam tùng hảo hạng để xức chân Chúa khi Chúa đến dùng bữa tại Bêtania (Mt 26:6-7; Mc 14:3-9; Ga 12:3). Rồi hai chị em còn có khả năng cho lập mộ cho em là Ladarô trong hang với tảng đá lớn lấp mộ (Ga 11:38-39).

Giàu hay nghèo theo tinh thần Phúc âm là tuỳ thuộc vào thái độ của người ta đối với của cải vật chất. Do đó người giàu có về phương diện vật chất có thể được coi là nghèo khó về phương diện tinh thần, nếu họ làm giàu cách chính đáng, không để lòng dính bén vào của cải vật chất và biết giúp đỡ người nghèo đói: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó (Mt 5:3). Trái lại một người nghèo túng về phương diện vật chất, có thể được coi là giàu có về phương diện thiêng liêng, nếu họ luôn mơ ước làm giàu. Như vậy giàu không phải là tội. Và nghèo nếu chỉ vì nghèo cũng không phải là một nhân đức. Vậy giầu hay nghèo tự bản chất không phải là điều xấu. Tuy nhiên nếu người ta coi của cải đời này như cùng đích là người ta đi vào đường sai lầm. Con người được tạo dựng với những nhu cầu vật chất để sinh tồn và phát triển đời sống. Tuy nhiên người ta không được để cho của cải đời này làm cản trở mối liên hệ với Chúa.

Vậy thái độ ta phải có đối với của cải vật chất là tâm tình biết ơn Chúa, Ðấng ban phát mọi sự. Theo chương trình quan phòng của Thiên Chúa và cũng theo chủ thuyết công giáo xã hội (gl/GHCG # 2544-2547) thì của cải phải khơi dạy trong ta tâm tình tạ ơn Chúa và liên kết ta lại với tha nhân trong tinh thần liên đới trách nhiệm. Một cách tạ ơn cụ thể và thực tế nhất là việc giúp đỡ và chia sẻ với người lầm than, xấu số và bất hạnh. Của cải là để phục vụ con người, chứ không phải là con người phục vụ của cải. Vì thế người ta phải biết quản lí của cải một cách khôn ngoan, trong tinh thần trách nhiệm: không phung phí cũng không ích kỉ. Mỗi người tín hữu dù giầu hay nghèo, hay trung lưu, dù tu hay không tu cũng phải cố gắng sống tinh thần siêu thoát của Phúc âm trong việc sở hữu, quản lí và sử dụng của cải.

Nếu không, người ta có thể phải làm nô lệ cho của cải ở đời này và mang án phạt ở đời sau. Cũng lạ là người phú hộ bị kết án, nhận ra người nghèo đói có tên là Ladarô. Còn lạ nữa là trong âm phủ mà người phú hộ không hận ông Áp-ra-ham, lại còn gọi ông là cha (Lc 16:24) và Áp-ra-ham gọi người phú hộ là con (c. 25). Nghe cách xưng hô thân tình đó mà lòng cảm thấy thương tâm và xót xa cho cảnh cực hình mà người phú hộ phải chịu. Cách xưng hô cha con đó có thể có nghĩa là người phú hộ là con ông Áp-ra-ham. Ðiều đó còn có nghĩa là Áp-ra-ham là tổ phụ của người Do thái (Mt 3:9) và người Do thái thuộc dòng dõi Áp-ra-ham (Ga 8:33, 37, 56). Dầu sao đi nữa thì thuộc dòng dõi Áp-ra-ham không bảo đảm cho việc được chúc phúc. Nói cách khác tổ phụ Áp-ra-ham cũng không thể dùng thế giá của mình mà che chở cho người phú hộ được. Do đó Phúc âm mới cảnh giác nhóm người Pharisêu và nhóm Xa-đốc: Thiên Chúa có thể biến những hòn đá trở nên con cháu Áp-ra-ham (Mt 3:9). Như vậy người ta cũng có thể suy ra rằng: giấy chứng chỉ rửa tội cũng không phải là thẻ thông hành để vào nước trời, nếu người ta không thực hành lời Chúa

Theo Phúc âm thánh Mát-thêu thì những người bị kết án vì đã không cho người đói, cơm ăn; không cho người khát, nước uống (Mt 25:41-42). Chúa Giêsu bảo không cho người đói khát cơm ăn nước uống là không cho chính Chúa ăn uống. Nói như vậy có nghĩa là người đói khát là hình ảnh của Thiên Chúa. Theo ngôn sứ Amốt thì đôi khi người ta còn bị kết án phạt ngay tại đời này vì tính tham lam, ích kỷ và hưởng thụ, nên họ bị lưu đầy vì không biết quan tâm đến số phận nhà Giuse sụp đổ (Am 6:7).

Hôm nay ta cùng suy niệm và cầu nguyện xin Chúa ban cho lương thực hằng ngày như Chúa Giêsu dạy trong Kinh Lạy Cha và xin Chúa giúp ta nhìn thấy hình ảnh của Người nơi những người nghèo túng, đói khổ, mồ côi, bệnh hoạn, tật nguyền, vô gia cư, vô nghề nghiệp, cô thân, cô thế.

Lời nguyện cầu của ông A-gua trong Cựu ước xin cho biết dùng của cải vật chất1:

Lạy Chúa, con chỉ xin Chúa hai điều:

Xin đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt.

Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa.

Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng để con giầu có.

Chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng,

kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Chúa,

mà nói: Chúa là ai vậy?

Hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp,

mà làm ô danh Thiên Chúa của con. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

___________________

1. Bản dịch của Nhóm Phiên dịch các Giờ Kinh Phụng vụ theo sách Châm ngôn (Cn 30:7-9).