CN-4-MC-B

Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm B

Ga 3:14-21

Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng thánh giá rất đặc biệt: Chúa Giêsu chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành.

Chuyện kể rằng, một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó. Ra khỏi tòa giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe: “Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội này cho anh”.

Hối nhân ra khỏi tòa giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ. Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khốt: “Anh đừng có đùa với Chúa, tôi không tha!” Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên đầu mình. Từ cây thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình: “Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.

Kể từ đó, bàn tay phải của tượng Chúa Giêsu chịu nạn không gắn vào thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi: “Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.

Lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa trong cuộc đời là điều có thật, không phải chỉ vì Hội Thánh và giáo lý của Hội Thánh dạy như thế, nhưng là vì sự cảm nghiệm của con tim bao nhiêu người, nhất là nơi các vị thánh trên suốt dòng lịch sử Hội Thánh. Lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa lớn lắm, mạnh lắm, làm cho người trong cuộc, một khi thấy mình tội lỗi ê chề bao nhiêu, thì càng yêu mến chân thành bấy nhiêu. Lòng tha thứ đó, có lẽ, dù có đem trời cao, biển rộng mà so sánh, thì sự so sánh ấy vẫn khập khiễng như thường. Bởi lòng tha thứ của Thiên Chúa lớn cho đến mức, tội lỗi dù có quá sức chịu đựng của lòng người, Thiên Chúa vẫn một lòng tha thứ. Người tha thứ đến cùng. Dẫu cho mọi người rất kinh nghiệm về nỗi yếu đuối của mình, nhưng vẫn khó tha thứ cho anh chị em, thì Thiên Chúa không mảy may vướng một lỗi lầm nào, lại rất dễ dàng tha thứ.

Đọc Tin Mừng Chúa nhật thứ IV mùa Chay, ngay câu đầu tiên, câu nói của Chúa Giêsu: “Như Môisen giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy”, tôi bỗng nhớ tới câu chuyện cảm động bên trên, để càng cảm nhận rất nhiều lần rằng: Thiên Chúa là Chúa của tình yêu. Tha thứ là khuôn mặt chói ngời của tình yêu Thiên Chúa. bởi tôi nhận ra trong câu nói của Chúa Giêsu bộc lộ cả một nỗi lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa.

Vậy câu nói của Chúa Giêsu: “Như Môisen đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy”, có liên quan thế nào với tình yêu tha thứ của Thiên Chúa?

Quay về câu chuyện con rắn đồng trong sa mạc, sẽ cho ta câu trả lời. Sau khi ra khỏi Aicập, bốn mươi năm ròng rã trong hoang địa, dân Israel gặp mọi thử thách. Họ ốn trách Chúa đã để họ lầm than. Một lần cơn thịnh nộ của Chúa đã để cho rắn độc cắn chết nhiều người. dân Chúa quá sức khiếp sợ. Họ nhìn nhận tội lỗi của mình, và Chúa đã đối thương nỗi thống khổ của họ. Người dạy ông Môisen hãy làm một con rắn bằng đồng, treo lên cây, để bất cứ ai bị rắn cắn, nếu nhìn lên con rắn đồng, sẽ được cứu. Như vậy, khi con rắn đồng được giương lên, thì ngay chính lúc đó, lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa lại tỏa sáng và trao ban. Từ nay, Thiên Chúa sẽ cứu sống dân, những kẻ đã từng ốn trách, thậm chí chống đối Người.

Hình ảnh con rắn đồng là biểu trưng của Đấng Cứu Chuộc. Cũng như con rắn đồng được giương cao, Chúa Kitô sẽ giương cao như vậy. Nếu con rắn đồng nói lên lòng tha thứ, thì Chúa Kitô được giương cao, chính là lòng tha thứ của Thiên Chúa đạt đến tuyệt đối, chiếu sáng ngời và lan tỏa đến bất cứ người nào đã từng được sinh làm người trong cuộc trần. Chúa Kitô giương cao, nghĩa là lòng tha thứ của Thiên Chúa giương cao cho cả nhân loại nhìn vào mà học lấy, mà tha thứ cho nhau.

Lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa mạnh lắm, mạnh đến nỗi, Thiên Chúa như ném chính Người Con duy nhất và yêu quý nhất của mình cho trần gian để thực hiện lòng tha thứ đối với chính trần gian vô vàn lần xúc phạm Thiên Chúa.

Trong mạch văn của bài Tin Mừng, thánh Gioan còn ghi thêm chính lời Chúa Kitô: “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban chính Con Một… Thiên Chúa không sai Con của Người đến luận phạt trần gian, nhưng để trần gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Thiên Chúa luôn ở về phía chúng ta để ra tay cứu chứ không phải phạt.

Mùa Chay là mùa của lòng yêu thương tha thứ. Bởi thế, việc ăn chay trong mùa Chay, trước hết phải là xóa bỏ hận thù và hãy tha thứ. Nhưng để có tha thứ, cần đến sự hòa giải. Anh chị em mất lòng nhau, anh chị em có hố sâu ngăn cách bởi hận thù. Tinh thần chay tịnh đòi anh chị em phải lấy lại lòng nhau, phải lấp đầy những ngăn cách, để những gì thuộc về thù hận bị chôn xuống, những gì là trao ban, là yêu thương sẽ bùng lên, vươn mạnh. Anh chị em và tôi hãy nhớ kỹ, nhớ rõ hai điều quan trọng: Làm sao có thể tha thứ, nếu không bao giờ muốn hòa giải. Làm sao có thể nhận được ơn tha thứ, nếu không biết thứ tha.

Không biết câu chuyện về cánh tay Chúa Giêsu trên thánh giá ban phép lành để tuôn đổ ơn tha thứ cho tội nhân thực hư thế nào, nhưng lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa ngàn đời vẫn thế: bền vững và cao ngất. Câu chuyện có thể không có thật, nhưng lòng yêu thương tha thứ của ThiênChúa mãi mãi vẫn thật. Vì thế, dẫu cho không có thật, câu chuyện vẫn đáng quý, vì nó phản ánh một sự thật rất thật: LÒNG THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG THA THỨ. Câu chuyện càng đáng quý, khi nó giúp ta ghi lòng để học lấy lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa mà tha thứ cho anh chị em.

Thiên Chúa đã không dạy bài học tha thứ suông, nhưng đã dạy bài học tha thứ bằng chính mạng sống của Chúa Kitô. Nếu ngày xưa, con rắn đồng trong sa mạc được giương lên, thì hôm nay, chính Chúa Kitô được giương lên. Mãi mãi chúng ta biết ơn Chúa Kitô và khắc sâu lời của Người: “Như Môisen đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy”.

Lm. Vũ Xuân Hạnh

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch