8_Sun-Ord-AChuá Nhật 8 Thường Niên, Năm A

Mt 6:24-34

Bản văn này còn thuộc “Bài Giảng Trên Núi”, ở đó thánh Matthêu đã quy tụ những lời dạy khác nhau của Chúa Kitô. Cung giọng của đoạn văn này gần với văn chương minh triết của Cựu Ước ở đó những châm ngôn, thành ngữ, dụ ngôn quen thuộc, hình ảnh thi vị, được tô điểm với những lời khuyên xử thế thực tiển.

Nhưng bên kia sự giống nhau này xuất hiện một ghi nhận mới, cao vời: bài diễn từ mặc khải về Chúa Cha và sự ân cần chăm lo không ngừng của Ngài. Đức Giêsu vừa mới dạy cho các môn đệ Kinh Lạy Cha; Ngài vừa mới đòi hỏi các ông phải có đức ái không giới hạn theo hình ảnh đức ái của Cha trên trời. Bây giờ Ngài tiếp tục khi gợi lên đại gia đình tình yêu: tình phụ tử của Đấng đã sáng tạo hoa đồng cỏ nội, chim trời và con người. Đây là một trong những trang Tin Mừng rất đẹp về tấm lòng nhân ái của Thiên Chúa.

1. Thiên Chúa và tiền của:

Trước tiên Chúa Giêsu nhắc lại sự đòi hỏi mà Ngài đã phát biểu từ mối phúc đầu tiên: tinh thần siêu thoát khỏi những của cải trần thế. Ngài dựa trên câu châm ngôn thịnh hành: “Không ai có thể làm tôi hai chủ” mà Ngài áp dụng đặc biệt bằng cách đối lập Thiên Chúa với tiền của. Bản văn Hy-lạp đã gìn giữ từ A-ram “mammon”, nguyên nghĩa là của cải vật chất hay tài sản. Chắc chắn Chúa Giêsu đã muốn nhân cách hóa của cải vật chất để chỉ nó như một ông chủ.

Việc tôn thờ tiền của không xứng hợp với sự phụng sự Thiên Chúa. Những người quá lo lắng trích trử của cải tiền của tức tự mình làm nô lệ cho của cải và do đó không thể được tự do để thờ phượng Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói trước đó: “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó”. Hơn nữa, Thiên Chúa muốn một tình yêu trọn vẹn, không phân chia đối với Ngài. Việc từ chối của cải là điều kiện tiên quyết cho trọn một đời dâng hiến mà Ngài đòi hỏi.

2. Đừng lo lắng thái quá:

Chúa Giêsu không đòi hỏi phải từ bỏ những của cải thiết yếu, nhưng đừng quá cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn (6, 25-30), cho thân thể: lấy gì mà mặc (6, 31-33) và về ngày mai (6, 34). Những môn đệ Ngài sẽ có kinh nghiệm về lời khuyên này. Ở Tiệc Ly, Chúa Giêsu sẽ nhắc lại cho họ điều đó: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?”. Các ông đáp: “Thưa không” (Lc 22,35).

Cũng như cô Mácta tất bật lo toan nhiều việc để đón tiếp Ngài cho thật chu đáo trong khi cô em Maria ngồi dưới chân Chúa lắng nghe Lời Ngài. Chúa Giêsu đánh giá rằng cô Maria chọn phần tốt nhất. Chúa Giêsu thiết lập thứ bậc về hai cách thế bận lòng. Vào thời thiên sai, nỗi bận lòng ưu tiên phải là của cải tinh thần.

3. Tin tưởng vào Chúa quan phòng:

Việc Đấng Tạo Hóa ân cần chăm lo cho các loài thọ tạo của mình là một chủ đề Kinh Thánh, được khẳng định trong nhiều bản văn. Các Thánh Vịnh ca ngợi: “Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa đợi chờ Ngài đến bữa ăn” (Tv 104, 27. 145,15; 136,25; 147,9).

Giữa những thọ tạo khiêm hạ nhất, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ: chim trời và hoa đồng cỏ nội để mời gọi con người phải sống trong sự tin tưởng và phó thác trọn vẹn vào Người. Người đã ban cho chim trời có thức ăn hằng ngày, mặc dù chúng không nhọc công gieo vãi, không gặt hái và không trích trử lúa thóc vào kho lẫm. Người cũng sẵn sàng trang điểm hoa đồng cỏ nội nay còn mai mất một tấm áo sắc màu tuyệt vời hơn cả một cẩm bào của vua Sa-lô-mon.

“Hoa huệ”, từ ngữ chỉ không chỉ hoa huệ nhưng nhiều loại hoa đồng cỏ nội. Vào mùa xuân, miền Ga-li-lê nở rộ những hoa đồng cỏ nội này. “Nay còn, mai đã quăng vào lò”. Chúa Giêsu biết điểm xuyết những dụ ngôn của Ngài bằng chi tiết cụ thể: hoa đồng cỏ nội, bị héo khô, được các nông dân Galilê thu lượm lại, không chỉ dùng làm cỏ khô để nuôi gia súc, nhưng còn làm chất đốt để nướng bánh.

Từ những tạo vật hèn mọn như chim trời hay hoa đồng cỏ nội, Chúa Giêsu đề cập đến phẩm chất cao cả của con người. Con người là một tạo vật cao vời khôn sánh đối với chim trời hay hoa đồng cỏ nội. Ý thức về sự cao cả của mình phải cho giúp người Kitô hữu có một thái độ hoàn toàn khác với thái độ lương dân. Người môn đệ của Chúa Kitô phải tín thác trọn vẹn vào ơn quan phòng của Thiên Chúa, Cha chúng ta ở trên trời.

4. Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa:

“Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”. Từ “công chính” phải được hiểu theo nghĩa kinh thánh: “sự thánh thiện”. Tìm kiếm sự công chính, tức là nổ lực nên thánh và thực thi thánh ý Thiên Chúa.

“Còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”, tức là những điều Ngài vừa mới đề cập đến: thức ăn, áo mặc, đây là những căn nguyên lo lắng đối với dân ngoại, nhưng không đối với con cái Thiên Chúa. Đức Giêsu không hứa với “những người công chính” là sẽ ban cho họ dư đầy của cải trần thế, nhưng đơn giản là đảm bảo cho họ nhu cầu cần thiết hằng ngày, như trong lời kinh mà Ngài vừa mới dạy: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.

“Anh em đừng lo lắng về ngày mai”. Đừng bận lòng này mai là một thái độ tin tưởng và một sự biểu lộ tinh thần nghèo khó: “Chúa là hạnh phúc và tình yêu đời con, vì ngoài Chúa ra con tìm đâu thấy tình yêu và hạnh phúc đời đời”.

Lm Hồ Thông

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch