CN14_thuong_nien_nam_AChúa Nhật 14 Thường Niên, Năm A

Dcr 9:9-10; Rm 8:9,11-13; Mt 11:25-30

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay là một trong những lời lẽ an ủi và khích lệ nhất trong Thánh kinh. Chúa Giêsu tạ ơn Thiên Chúa Cha đã ban cho những người bé mọn sự hiểu biết về màu nhiệm nước Trời.

Còn những người khôn ngoan thông thái lại không lãnh hội được. Ðiều được tiết lộ cho những người này thì lại bị giấu kín khỏi những người khác. Vậy đâu là sự khác biệt và tại sao có sự khác biệt? Việc Thiên Chúa bày tỏ cho loài người  qua Thánh kinh là kho tàng chung của nhân loại, nghĩa là ai cũng có thể mua cuốn Thánh kinh để đọc, nếu có tiền.

Tuy nhiên chỉ có những người mở rộng tâm hồn, chỉ có những người khiêm tốn trước Ðấng tối cao, mới có thể lãnh hội được lời Chúa. Ðó chính là ý nghĩa lời Chúa phán trong Phúc âm hôm nay: Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan và thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn (Mt 11:25). Chẳng thế mà văn hào Pascal mới nói: Thiên Chúa của Ápraham, Ixaác và Giacóp, không phải là Thiên Chúa của các triết gia và những nhà thông thái. Pascal là nhà toán học, vật lý học và triết học mà đã nói lên điều đó.

 Vậy có phải Thiên Chúa giấu, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời không? Nếu Chúa xử với bậc khôn ngoan và thông thái như vậy thì có vẻ Chúa không công bình với họ vì chính Chúa đã tạo dựng nên người khôn ngoan và thông thái. Và nếu như vậy thì kể là cũng tội nghiệp cho họ. Thực sự thì Thiên Chúa bầy tỏ cho tất cả mọi người về màu nhiệm nước Trời, nhưng chỉ có những người khiêm tốn và mở rộng tâm hồn mới lãnh hội được mà thôi. Những người khôn ngoan và thông thái mà cậy mình kiêu ngạo thường không muốn tuỳ thuộc vào Chúa. Và khi người ta không muốn tuỳ thuộc vào Chúa là chính lúc mà mầu nhiệm nước Trời bị cất giấu khỏi họ. Khi mà tâm trí người ta đầy ắp những thứ mà người ta cho là của mình, thì những gì thuộc thiên giới không còn chỗ mà vào. Còn những người khôn ngoan và thông thái mà có lòng khiêm tốn và mở rộng tâm hồn thì vẫn có thể tìm đến Chúa để tiếp nhận màu nhiệm nước Trời. Họ là những người to lớn về trí tuệ, mà lại bé mọn về tâm hồn. Bé mọn theo nghĩa Thánh Kinh là đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác vào Chúa.

Ðể có thể đến với Chúa và đặt niềm tin phó thác vào Người như trẻ con phó thác vào cha mẹ, người ta cần có những đức tính của trẻ nhỏ: đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác. Khi lớn lên với những của cải giàu sang, sự hiểu biết sâu rộng và quyền hành, người ta có thể bớt tùy thuộc vào Chúa hay không còn muốn tuỳ thuộc vào Chúa hoặc vẫn muốn tuỳ thuộc vào Chúa tuỳ theo mức độ người ta gắn bó với của cải, quyền thế hoặc tài trí. Ðặc biệt hôm nay Chúa mời gọi loài người: Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11:28).

 Có khi nào ta cảm thấy vất vả vì công việc bổn phận trong gia đình và trách nhiệm ngoài xã hội, khiến ta muốn thoát khỏi những gánh nặng của cuộc sống không? Có khi nào ta phải mang những gánh nặng của cuộc đời như bệnh tật nan trị trong thân xác hoặc những vết thương về tinh thần và tình cảm khiến tâm can ta bị hao mòn, héo hắt không? Có bao giờ ta gặp cảnh khổ đau, sầu não, phiền muộn, âu lo, sợ hãi, chán nản, thất vọng không? Có khi  nào người khác thấy ta có vẻ hạnh phúc, nhưng thực sự ta đang phải mang tủi hổ về bản thân và gia đình, ta phải ngậm đắng, nuốt cay và khóc thầm trong lòng không? Có khi nào ta không có ai hoặc không tìm được ai để thổ lộ nỗi lòng cho vơi nhẹ, vì sợ không được lắng nghe và không được giữ kín không?

Nếu vậy thì hôm nay Chúa mời gọi ta đến với Chúa để bày tỏ nỗi lòng với Chúa, để trút gánh nặng của cuộc sống vào lòng từ ái của Chúa, để hoà lẫn những đau khổ của đời ta với những khổ đau của Chúa trên thập giá mà dâng lên Thiên Chúa Cha, hầu làm giá đền tội cho chính mình và cho loài người. Chúa không hứa  cất đi những gánh nặng khỏi cuộc sống của ta, nhưng còn mời gọi ta mang lấy ách của Người: Hãy mang lấy ách của tôi và học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11:29). Vậy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng như thế nào? Lời Chúa trong sách ngôn sứ Dacaria có mô tả về Ðấng Cứu thế sẽ đến như sau: Khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ (Dcr 9:9). Lừa là con vật hiền lành và dễ chịu khuất phục. Khi vào thành Giêrusalem trong ngày lễ Lá, Chúa Giêsu đã thể hiện lời tiên tri về Người mà cưỡi trên lưng lừa con (Mt 21:7), chứ không cưỡi trên lưng ngựa mặc dầu có ngựa ở Giêrusalem thời bấy giờ. Ðiều đó nói lên ý muốn của Người là sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha, chấp nhận khổ hình thập giá, để làm giá cứu chuộc loài người.

 Và Chúa bảo đảm với ta: Ách của tôi thì êm ái, gánh của tôi thì nhẹ nhàng (Mt 11:30). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma nêu lý do tại sao ách ta vác không được êm ái, và gánh ta mang không được nhẹ nhàng là vì ta không sống theo Thần Khí của Thiên Chúa (Rm 8:10). Ta cảm thấy mệt mỏi trong cuộc sống khi ta dựa vào sức riêng mà không cậy dựa vào ơn Chúa giúp cho ta vượt qua. Có bao giờ ta phàn nàn rằng Thiên Chúa và đạo giáo không đem lại ích lợi gì cho cuộc sống không? Nếu đạo giáo không mang lại được gì ích lợi cho cuộc sống, thì đạo phải tới ngày tàn lụi. Tuy nhiên đạo vẫn đứng vững được cho tới ngày nay và đã đem lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống muôn vàn người tín hữu. Nếu người ta không đạt được lợi ích thiêng liêng đó, thì lỗi tại đâu?

Vậy ta cần xét đâu là động lực thúc đẩy khiến cho ách mà ta vác trở nên êm ái, gánh nặng ta mang trở nên nhẹ nhàng? Thưa chính tình yêu của Ðức Kitô đã khiến cho ách của Người trở nên êm ái, và gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô cũng đã nhận ra hệ quả của tình yêu khi đặt bút viết: Ðâu có yêu, đấy không còn khổ, mà giả như người ta vẫn cảm thấy khổ, người ta lại chấp nhận cái khổ đó vì yêu. Ðến với Chúa, tâm hồn ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng như Chúa hứa (Mt 11:29) và như thánh Augustinô đã xác nhận: Tâm hồn ta sẽ thao thức khắc khoải, cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.

Lời cầu nguyện xin được bổ sức:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa hứa bồi bổ sức mạnh và nghị lực,

cho những ai vất vả và mang gánh nặng của cuộc sống.

Xin dâng lên Chúa những người đau khổ về thân xác và tâm hồn;

những người lo lắng sợ hãi; những người mỏi mệt và chán sống;

những người phải mang tủi hổ và mặc cảm trong cuộc đời.

Xin ban cho họ thêm can trường và hi vọng.

Còn những khó khăn và khắc khoải của đời con,

con cũng xin dâng lên Chúa với lòng trông cậy. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch