silenceChúa Nhật 3 Mùa Chay, Năm C

Xh 3:1-8a, 13-15; 1Cr 10:1-6’ 10-12; Lc 13: 1-9

Sám hối là một đề tài được lập đi lập lại trong Tin Mừng.  Hẳn sám hối phải là một điều quan trọng và là mối quan tâm của Chúa Giê-su khi rao giảng.  Chẳng vậy mà ngay từ ngày đầu tiên rao giảng, Người đã đặt vấn đề sám hối như điều kiện không thể thiếu để tiếp nhận Tin Mừng.  Không sám hối thì không thể đón nhận Tin Mừng.  “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15).  Hôm nay bài Tin Mừng cho ta một cơ hội khác để xác nhận lại sự cần thiết của sám hối, nhất là trong mùa Chay này.

1)  Những cơ hội nhắc nhở ta thực hành sám hối. 

Thường là những biến cố đau thương và nghịch cảnh trong cuộc đời làm cho ta đặt câu hỏi liên hệ tới sám hối.  Một tai nạn xe người khác đụng vào xe mình, thế là xe phải sửa, người phải nằm bệnh viện vài ba tuần.  Ồ, chắc là Chúa phạt tôi vì tội gì đó!  Hoặc đứa con từ ngày sinh đến giờ cứ quặt quẹo ốm đau.  Có lẽ ít năm nay chồng tôi không nhà thờ nhà thánh, gần như bỏ đạo, nên đứa nhỏ mới bị nông nỗi này...  Cho nên tôi sẽ siêng năng đọc kinh lần hạt; tôi sẽ thúc giục chồng tôi đi lễ Chúa Nhật và tham gia vào công việc cộng đoàn.  Rất nhiều chuyện giống như thế và đều trở thành nguyên nhân giục giã người ta sám hối, sống đạo tốt hơn.

 

Đó là người trong cuộc và người có con mắt đức tin biết nhìn những biến cố cuộc đời như sứ điệp Chúa muốn nói với ta.  Nhưng lại có những người ngoài cuộc, thấy như vậy thì vội vã đi ngay tới kết luận:  Tại người ấy đạo nghĩa bê bối nên chúa phạt.  Và họ dừng lại ở đó, chứ không muốn đi xa hơn. 

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta một câu chuyện tương tự.  Một nhóm người đến kể cho Chúa nghe chuyện thời sự.  Tổng trấn Phi-la-tô giết một số người Ga-li-lê. Thánh sử Lu-ca không ghi lại tại sao họ bị giết, nhưng có thể vì lý do chính trị.  Tuy nhiên qua câu trả lời của Chúa Giê-su, ta biết chắc những người kể chuyện đã đưa ra lý do:  vì những người bị giết là những người tội lỗi nên bị Chúa phạt như vậy.  Họ muốn tranh luận với Chúa về một quan điểm đã có từ xưa, nên đưa câu chuyện thời sự để đặt vấn đề và thử xem quan điểm của Người như thế nào.  Nhìn biến cố qua sự xét đoán nông cạn, họ không thể nào nhận ra được ý nghĩa đích thực của nó.  Nếu chỉ vì tội lỗi mà đám người Ga-li-lê bị phạt như thế, thì thử hỏi chính những người xét đoán như họ có hơn gì, vì ai dám vỗ ngực xưng mình là công chính trước mặt Chúa. 

 

Ý thức thân phận tội lỗi mình là điều kiện căn bản để bắt đầu hành trình sám hối.  Nhóm người đến kể chuyện cho Chúa nghĩ rằng họ thánh thiện hơn những người bị giết.  Nhưng Chúa Giê-su đã nắm lấy ngay cơ hội ấy để dạy cho họ bài học sám hối.  Trước hết Người nói thẳng tới tình trạng tội lỗi của chính họ.  “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn hết mọi người Ga-li-lê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao?  Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu”.  Nói như thế, Người đã khéo léo vạch mặt chỉ tên nhóm người đến với Người là những người còn tội lỗi hơn nhiều!  Chỉ còn kết luận thôi:  “Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. 

 

2)  Sám hối và tin vào Tin Mừng    

 

          Tin Mừng của Chúa Giê-su được gieo vào tâm hồn ta như “cây vả trồng trong vườn nho”.  Nhưng liệu Tin Mừng có được phát triển và sinh trái trong ta không?  Ta có thể hình dung cảnh chủ cây vả thất vọng khi thấy đã ba năm mà nó không ra trái nào.  Đó có thể cũng là hình ảnh của chính Chúa Giê-su.  Ba năm trời Chúa cất bước rao giảng Tin Mừng.  Vậy mà Người vẫn thường gặp cảnh “đã ba năm nay, tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy”, nghĩa là Tin Mừng vẫn không sinh hoa kết trái nơi nhiều người.  Tại sao vậy?  Là vì họ không sám hối, không thay đổi, vẫn khư khư giữ đầy lòng họ những “vệ đường, sỏi đá, bụi gai”, để không còn chỗ cho Lời Chúa hoạt động.

 

          Sám hối là lời kêu gọi rõ ràng và khẩn thiết vì nó dọn đường để ta tin vào Tin Mừng.  Khi sám hối, ta quay lưng lại với tội lỗi.  Mà quay lưng lại tức là ta tiến về một hướng đối nghịch là hướng của Tin Mừng và tinh thần của Thiên Chúa.  Do đó, sám hối và tin vào Tin Mừng là một hành động với hai động tác:  bỏ đi những giá trị thế gian để thay thế bằng những giá trị Tin Mừng, bỏ đi lối sống của thế gian để thay thế bằng lối sống của Chúa Ki-tô.

 

          Tin Mừng được rao giảng cho ta.  Nhưng Tin Mừng không thể cứ đứng đấy mà chờ đợi ta.  Có chờ đợi cũng là một thời gian nào đó thôi.  Mỗi người có một kỳ hạn để tiếp nhận Tin Mừng và để cho Tin Mừng phát triển trong cuộc sống.  Người làm vườn xin ông chủ cho cây vả thêm một năm nữa để anh ta vun xới bón phân.  Kỳ hạn cuối cùng thật là minh bạch và cho thấy lòng kiên nhẫn của chủ vườn lớn lao như thế nào.  Cây vả được trồng trong vườn nho là một diễm phúc, vì thực ra nó chỉ được người ta trồng nơi những vỉa đất thừa thãi!  Ông chủ có chặt cây vả đi để khỏi hại đất vườn nho thì cũng đáng.  Vậy mà ông sẵn sàng cho để thêm một năm nữa.  Thiên Chúa kiên nhẫn với ta như thế đó.

 

          Điều đáng buồn là ta lại không nhận ra diễm phúc của ta và không thèm lưu tâm tới “kỳ hạn cuối cùng”.  Được làm phần tử của Giáo Hội, có cơ hội thấm nhuần và sống Lời Chúa, nhưng ta lại coi thường những ân sủng đó.  Sau Công Đồng Vatican II, Phụng vụ Lời Chúa đã được đổi mới để ta có dịp nghe hầu hết toàn bộ Kinh Thánh.  Nhưng ta để ý lắng nghe được bao nhiêu, chứ chưa nói đến việc sống Lời Chúa? 

 

3)  Sám hối là một tiến trình của đời Ki-tô hữu 

          Nhiều người nghĩ sám hối chỉ là đi xưng tội, tham dự những buổi hòa giải cộng đồng.  Đó mới chỉ là một việc nhỏ của sám hối.  Sám hối khởi đi từ một thái độ, một quyết tâm thay đổi, không phải một lần cho tất cả, nhưng là từng ngày từng giờ trong cuộc sống.  Tiến trình thay đổi cả đời cho ta thời gian để loại bỏ những cái xấu và thay thế bằng những cái tốt.  Mà muốn làm như vậy, ta phải vận dụng mọi sự:  trí khôn để hiểu biết điều hay lẽ phải Chúa dạy, ý chí để quyết tâm thực hành, lòng mến để gắn bó với Chúa và lề luật của Người...  Tuy gọi là tiến trình, nhưng cũng có lúc thụt lùi, té ngã, để rồi sau đó chỗi dậy và tiến xa thêm.  Tuy sám hối là việc của ta, nhưng thực ra Chúa là Đấng khởi đầu khi Người kêu gọi ta, là Đấng trợ giúp khi Người ban ơn thánh cho ta.  Ta cố gắng hết sức ta, còn Chúa mới giúp ta được tấn tới.  Có thể hôm sau nhìn về hôm trước, ta không nhận ra được sự tấn tới.  Nhưng nếu nhìn từ năm nay trở lại năm trước, có lẽ ta thấy được những tiến triển đáng kể.

 

          Ta đừng sợ thời gian dài như thế thì lấy gì mà thay đổi, vì có bao nhiêu đã đổi hết rồi!  Đâu có dễ dàng như vậy.  “Ngày nào có đủ sự khốn khó cho ngày đó”.  Cuộc sống là trường học để ta thực hành những điều học được qua Lời Chúa, những thực hành muôn hình vạn trạng giúp ta mỗi ngày một trở nên giống Chúa Ki-tô hơn. 

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện 

 

          Tôi còn giữ quan niệm thông thường, cho rằng những tai nạn, những nghịch cảnh là cách Chúa phạt hay không?

 

          Vấn đề không phải là người này tội lỗi hơn người kia, nhưng là mỗi người có biết sống sám hối hay không.  Vậy lời cảnh cáo của Chúa Giê-su “nếu các ông không sám hối...” có ý nghĩa gì đối với tôi?  Tôi phải làm gì trước lời cảnh cáo đó?

 

          Tôi xét lại cách thực hành sám hối trong mùa Chay này.  Tôi cần làm gì thêm để thực sự thay đổi? 

 

Cầu nguyện 

 

          “Lạy Chúa Giê-su,  sám hối không phải là điều dễ dàng,

 

          bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi.

 

          Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội 

          mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gio-an ban phép rửa.

 

          Chúa đã muốn nên bạn đồng hành

 

          với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

 

          Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình,

 

          tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình.

 

          Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,

 

          dám đi đến những hành động cụ thể,  và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.

 

          Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Da-kêu,

 

          hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.”

 

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 89) 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 

 

 

--------------------------------------------------------------------------------

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch