Family-1_copySau khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã sai sứ thần cầm gươm lửa canh giữ Vườn địa đàng để không cho tội lỗi, sự ô uế xâm nhập làm dơ bẩn nơi hạnh phúc và tình yêu mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho con người[1].

Gia đình của bạn là nơi thánh thiêng, vì ở đó Thiên Chúa gặp gỡ con người, ban ơn thánh và giáo dục lòng tin cậy mến; gia đình bạn là tổ ấm, vì là nơi sự sống và tình yêu được nuôi dưỡng và phát triển. Như thế, gia đình bạn là Vườn Địa Đàng Hạnh Phúc. Do đó, vợ chồng phải trở nên những thiên thần canh giữ, bảo vệ gia đình.

1/ Bảo vệ gia sản đức tin và sự thánh thiêng của gia đình

Đức Kitô đã làm người, đã chịu chết trên thập giá và đã sống lại, để chứng tỏ cho con người sự cao cả đích thực của mình, trao cho con người phẩm giá và ý nghĩa của cuộc sống trên trần gian. Một phẩm giá quá cao trọng cho đến độ Thiên Chúa đã tạo thành họ theo hình ảnh Người và trao ban Con Một Yêu Quý của mình để đem lại hạnh phúc cho con người[2].

Trong Huấn từ cho các Giám Mục An-gô-la năm 2004, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II nhắc nhở: “Tình yêu chân thực là một tình yêu thanh khiết, và sự khiết tịnh mang lại cho chúng ta một niềm hi vọng vững vàng, vượt qua được những sức mạnh đang đe dọa định chế gia đình, và đồng thời, giải thoát nhân loại khỏi hiểm họa tàn phá là căn bệnh AIDS”.

Gia đình bạn có sứ mệnh tiếp nối công trình nầy. Do đó, vợ chồng phải luôn thưa lên lời xin vâng đối với tình yêu; cho một tình yêu cao cả, trong sạch; cho một tình yêu trao ban sự sống, một tình yêu có trách nhiệm. Hãy chứng tỏ cho mọi người nhận thức được giá trị căn bản của gia đình và sự sống mà trong đó sự sống được khởi phát, lớn lên và tìm được sự che chở. Hãy can đảm đón nhận sứ mệnh cao cả nầy, sứ mệnh đã được Chúa Quan Phòng ủy thác và hãy hoàn thành sứ mạng ấy bằng đời sống cầu nguyện và nên thánh nơi gia đình[3]. Đó là cách thức bảo vệ gia sản đức tin và sự thánh thiện mà chúng ta đã lãnh nhận từ các tông đồ, qua tay các thánh Tử Đạo Việt Nam, những bậc tiền bối đáng kính phục của chúng ta.

2/ Bảo vệ những giá trị của gia đình

Trong các quốc gia trên thế giới, gia đình đang phải chịu nhiều sức ép khiến gia đình có thể rạn nứt hay đổ vỡ. Nạn ly dị phổ biến và sự lan truyền của nó có thể làm giảm bớt ý thức về ân sủng và bổn phận của hôn nhân Kitô giáo. Giữa các đôi vợ chồng khác đạo, vấn đề ấy lại càng rõ nét hơn, vì thiếu dây liên kết chung về đức tin. Đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, vì các phương tiện truyền thông xã hội trình bày những giá trị của gia đình ngược lại với Tin Mừng, khiến tầm nhìn về cuộc sống bị giới hạn và hướng về những điều hào nhoáng bên ngoài, những thú vui chóng qua.

Vì thế, vợ chồng bạn hãy luôn nhớ rằng hôn nhân và gia đình không phải là những định chế có thể thay đổi tùy xu hướng chóng qua của thời đại, hay theo quyết định của đa số. Cần phải dồn mọi nỗ lực để bảo đảm rằng, gia đình phải được nhìn nhận như tòa nhà tối quan trọng của một quốc gia thật sự tốt lành và mạnh mẽ[4]. Chính Đức Kitô ở lại cách bí tích trong dây Hôn Phối Kitô giáo, bằng cách làm cho vợ chồng và con cái ngụp lặn trong tình yêu bất tận của Người, tỏ ra vinh quang ơn huệ tự hiến của Người và mặc khải cho thế giới sự thật về con người đã được tạo dựng qua tình yêu và vì tình yêu[5]. Thánh Tertulianô đã ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu gia đình:

“Có đôi bạn nào đẹp bằng đôi bạn Kitô hữu, được kết hợp do cùng một niềm hi vọng, cùng một ước nguyện, cùng một nề nếp, cùng một công việc phục vụ. Cả hai cùng là con một Cha, cùng phục vụ một Chúa; không phân rẽ họ trong tinh thần cũng như  trong thể xác; ngược lại, họ là hai trong cùng một thể  xác. Ở đâu có cùng một thể xác, ở đó cũng có cùng một tinh thần”[6].

3/ Loại bỏ những quyến rũ giả dối và những yếu tố xâm hại gia đình

Gia đình là di sản của nhân loại, bởi vì qua gia đình, theo kế hoạch của Thiên Chúa, kéo dài sự hiện diện của con người trên mặt đất. Trong gia đình Kitô hữu, được xây dựng trên bí tích Hôn phối, đức tin chiếu soi cách tuyệt vời gương mặt của Đức Kitô, Chân lý rạng ngời, chan hòa ánh sáng và niềm vui cho các gia đình, gợi hứng từ chính cuộc sống của mình theo Tin Mừng.

Nhưng ngày nay một sứ điệp giả tạo về hạnh phúc, không thể được và cũng không thể có, chỉ mang lại cho mình nỗi bất hạnh và cay đắng, đang tràn lan trên thế giới. Hạnh phúc không thể có được bằng cách đi theo con đường tự do không sự thật, bởi vì đó là con đường ích kỷ vô trách nhiệm, chỉ gây chia rẽ gia đình và làm tan rã xã hội […].Các bạn đừng để cho mình bị khuyến dụ bởi sứ điệp giả dối làm thiệt hại các dân nước, xúc phạm đến những truyền thống và văn hóa tốt lành nhất, và đổ xuống trên con cái bao nhiêu đau khổ và bất hạnh. Sự nghiệp của gia đình mang lại phẩm giá cho thế giới và giải phóng nó trong sự thật đích thực về con người, về mầu nhiệm sự sống, ân huệ của Thiên Chúa, về người nam và về người nữ, những hình ảnh của Thiên Chúa. Cần phải tranh đấu vì sự nghiệp nầy, để bảo đảm hạnh phúc và tương lai của gia đình nhân loại[7]. Những quyến rũ giả dối được phô diễn bằng sách báo phim ảnh dâm ô, bằng lối sống buông thả, hưởng thụ và bằng nhiều hình thức lạm dụng khác. Những quyến rũ nầy xâm hại gia đình, xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân và dần dà đưa đến những suy đồi, như:

1.Những quan hệ tình dục trước Hôn nhân

Những quan hệ nầy không bảo đảm an toàn cho tình yêu và sự chung thủy. Về phương diện luân lý, sự kết hợp thể xác chỉ hợp pháp khi một cộng đồng sống vĩnh viễn giữa người nam và người nữ đã được thiết lập. Tinh yêu của con người không chấp nhận thử nghiệm. Tình yêu đó đòi hỏi sự hiến thân cho nhau trọn vẹn và vĩnh viễn của cả hai người[8].

2.Tự do sống chung

Khi một người nam và một người nữ từ chối thực hiện một hình thức pháp lý và công khai cho mối liên hệ bao hàm sự thân mật về tính dục, nói đơn giản là ăn ở với nhau không cưới xin. Kiểu sống chung như thế chỉ là một cách thức dối trá để tránh né sự ràng buộc lâu dài và để có thể thay đổi khi nào mình muốn. Kiểu sống nầy xúc phạm đến phẩm giá của hôn nhân; phá hủy chính ý niệm về gia đình; làm suy giảm ý nghĩa của lòng chung thủy và nghịch với luật luân lý. Kiểu sống nầy luôn là trọng tội và người vi phạm bị loại ra khỏi sự hiệp thông bí tích[9].

3.Tục đa thê

Tục đa thê là trái ngược với phẩm giá hôn nhân, sự bình đẳng và tình yêu phu phụ, vì tình  yêu nầy là duy nhất và độc hữu. Tục đa thê tuyệt đối nghịch lại với sự hiệp thông phu phụ, trực tiếp khước từ ý định của Thiên Chúa, như đã được mặc khải ngay từ những buổi đầu[10].

4. Ly dị[11]

Chúa Giêsu nhấn mạnh đến ý định nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa, Người đã muốn rằng hôn nhân là bất khả phân ly. Người bãi bỏ những nhân nhượng đã được xen vào trong luật cũ. Giữa những người đã được rửa tội, hôn nhân thành nhận và hoàn hợp không thể được tháo gỡ bởi bất cứ quyền bính nhân loại nào, và vì bất cứ lý do nào, trừ lý do tử vong.

Ly dị là một xúc phạm nghiêm trọng đối với luật tự nhiên. Ly dị cố ý phá vỡ khế ước đã được đôi phối ngẫu tự do ưng thuận, để sống với nhau cho đến chết. Ly dị làm tổn thương Giao ước cứu độ mà bí tích Hôn Phối là dấu chỉ. Việc tái hôn dân sự, càng làm cho tình trạng đổ vỡ thêm nghiêm trọng: người tái hôn, sau khi ly dị, sống trong tình trạng ngoại tình công khai và thường xuyên.

Ly dị cũng mang tính vô luân do sự xáo trộn nó đưa vào gia đình và xã hội. Sự xáo trộn nầy kéo theo những tổn hại nghiêm trọng: cho người phối ngẫu bị ruồng bỏ; cho con cái, bị tổn thương sâu xa bởi sự phân ly của cha mẹ. Trong trường hợp một trong hai người là nạn nhân vô tội của việc ly dị do tòa án dân sự công bố, lúc đó, người nầy không vi phạm luật luân lý.

5. Loạn luân[12]

Loạn luân chỉ những quan hệ tính dục giữa những người cùng họ hàng huyết tộc hoặc họ hàng gần không thể kết hôn. Loạn luân phá vỡ những tương quan gia đình và cho thấy sự thoái hóa trở về thú tính. Có thể kể là loạn luân, những lạm dụng tính dục do những người trưởng thành thực hiện đối với trẻ em hoặc thiếu niên đã được ủy thác cho họ trông coi. Lỗi phạm nầy tăng gấp đôi: một mặt vì gây gương xấu xâm phạm đến sự toàn vẹn thể lý và luân lý của người trẻ, và còn để lại dấu ấn suốt cuộc đời chúng, mặt khác vì họ xâm phạm trách nhiệm giáo dục của mình.

6. Ngọai tình[13]

Ngoại tình là sự không chung thủy giữa vợ chồng. Khi hai người, hoặc ít là một trong hai đã có ràng buộc hôn phối, có quan hệ tính dục với nhau, kể cả nhất thời, thì phạm tội ngoại tình. Đức Kitô lên án ngoại tình, ngay cả khi chỉ là ngoại tình trong ước muốn (Mt 5,27-28). Điều răn thứ sáu và Tân ước tuyệt đối cấm ngoại tình.

Ngoại tình còn là một điều bất công. Người phạm tội ngoại tình bỏ không thực hiện cam kết  của mình. Người đó làm tổn thương dấu chỉ của giao ước là dây liên kết hôn nhân, vi phạm quyền của người bạn đời của mình, và xâm phạm thể chế hôn nhân. Người đó còn làm phương hại đến điều thiện hảo của việc sinh sản và của con cái, vốn cần đến sự kết hợp bền vững của cha mẹ.

7. Truyền hình và phim ảnh dâm ô

-Truyền hình có thể làm cho đời sống gia đình thêm phong phú: có thể liên kết cách chặt chẽ hơn giữa các thành viên trong gia đình, và cổ võ tình liên đới của họ với các gia đình khác, và với cộng đoàn nhân loại; có thể làm tăng thêm những hiểu biết về văn hóa, tôn giáo. Nhưng truyền hình cũng có thể làm tổn hại đời sống gia đình: tuyên truyền các giá trị và những cách sống giả trá và hạ cấp, truyền đi làn sóng dâm ô và những hình ảnh bạo lực; đưa vào chủ thuyết tương đối về luân lý và lãnh đạm về tôn giáo; loan truyền những thống kê sai lạc hoặc các tin tức bị bóp méo về các dữ kiện; truyền đạt những quảng cáo lợi dụng những bản năng thấp hèn; ca tụng những cái nhìn giả dối về cuộc sống, làm ngăn cản việc thực hiện cổ võ lòng tôn trọng nhau, về công lý và hòa bình. Điều nầy thấy rõ nơi những kênh truyền hình nước ngoài, tự cho mình là văn minh tiến bộ[14]!

-Truyền hình, nếu không sử dụng đúng đắn và có ý thức, có thể gây những hậu quả tiêu cực trên gia đình: Nó có thể làm cho các thành viên của gia đình rút vào thế giới riêng của mình, tách rời những liên hệ hiệp thông, và phân rẽ gia đình, làm cha mẹ xa con cái, con cái xa cha mẹ. Bởi vậy, cha mẹ phải nhận định cho mình, cho con cái về nội dung của các chương trình, và huấn luyện cho con cái có kỷ luật giờ giấc trong việc xem truyền hình, để mang lại một sự phát triển nhân bản, luân lý, đạo đức và văn hóa[15].

-Phim ảnh dâm ô xâm nhập vào gia đình qua hình thức băng đĩa, máy vi tính, cạc hình điện thoại. Những phim ảnh dâm ô trình bày sinh hoạt thân mật giữa người nam và người nữ chỉ thuần túy với mục đích tìm thỏa mãn thú tính nơi con người. Nó làm hoen ố tâm trí con cái, làm nhục sinh hoạt vợ chồng, làm sai lạc ý nghĩa cao thượng của đời sống hôn nhân, coi người phối ngẫu như một đối tượng của dục vọng. Tiếp theo dẫn đến việc thủ dâm, ngoại tình, chơi bời. Bạn hãy kiên quyết loại bỏ ra ngoài những thứ rác rến nầy, để giữ bầu khí tinh thần của gia đình bạn luôn trong lành.

Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh

---------------------------------

[1] x.St 3,1-24.

[2] x.Gioan-Phaolô II, Huấn từ cho Ba Lan,2000.

[3] Id.

[4] x. Gioan-Phaolô II, Thư Gửi Các Gia đình, số 17.

[5] x. ibid, số 11.

[6] Ad uxorem II, VIII,7-8.

[7] x. Gioan-Phaolô II, Huấn từ 1997, Cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế Với Các Gia đình tại Rio de Janeiro.

[8] GLCG số 2391.

[9] Ibid.số 2390.

[10] Ibid số 1645,2387.

[11] Ibid.số 2382-2386.-x.Bộ Giáo luật 1983, đđ. 1141.1151-1155.

[12] Ibid.số 2388-2389.

[13] Ibid. số 2380-2381.

[14] x.Gioan-Phaolô II, Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần  XXVIII, 1994.

[15] Ibid.

Nguồn: gpcantho.com

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch