DI_CHUC-1Trong đời sống thường ngày, đôi khi nghe người ta phàn nàn chẳng hạn như: nếu biết trước được tai nạn xẩy ra như vậy, thì họ đã không đi chuyến xe, chuyến tàu, chuyến bay đó.

Giả như biết trước được sự việc không lành diễn tiến như thế, thì họ đã thế nọ, thế kia. Có những trường hợp mà bất ngờ người ta đã ra đi vĩnh viễn, không còn cơ hội để nói lời giã từ và những lời giả sử trên đây.

Phần nào cũng vì những lí do trên mà người ta làm di chúc. Di chúc làm tại Mĩ gọi là last will. Từ testament được thêm vào sau từ will tạo ra thành ngữ cho bản di chúc là ‘Last Will and Testament’ của người nọ người kia.

Tại sao cần phải làm di chúc

Tại Việt Nam cũng như ở ngoại quốc, người chết mà không để lại di chúc, quyền thừa kế tài sản sẽ về người thân trong gia đình, tuỳ theo cấp bậc liên hệ trong gia đình. Trong gia đình cổ truyền đồng quê Việt Nam, khi bố hay mẹ già qua đi, thường không để lại di chúc. Bố mẹ nghĩ rằng con cháu có bổn phận tổ chức đám tang cho cha mẹ để báo hiếu, làm sao cho người ngoài khỏi dị nghị, nhất là khi cha mẹ đã làm lụng vất vả để của cho con. Tuy nhiên đời nay, có những trường hợp người chết qua đi, mà không có di chúc, khiến con cái không biết tổ chức đám đang thế nào, không biết cha mẹ muốn được hoả táng hoặc chôn cất ở đâu? Còn nếu cha mẹ qua đi, có tài sản để lại,  mà không làm di chúc, con cái có thể tranh chấp, làm mất tình nghĩa anh chị em. Đời xưa bố mẹ qua đi mà không có di chúc bằng lời nói hay chữ viết, con cái có thể không biết bố mẹ chôn cất vàng bạc hay dấu tiền ở đâu. Đời nay bố mẹ qua đi mà không có di chúc, con cái không biết bố mẹ đầu tư tiền của ở nhà băng nào, dưới chương mục nào, ở tiểu bang nào hay quốc gia nào. Nếu không tìm được và giàn xếp để lấy được thi kể là uổng công.

Gần đây báo chí Việt Nam có tường thuật những vụ kiện về thừa kế tài sản của một số người quá cố, kéo dài cả ba, bốn năm vì người quá cố không để lại di chúc.

Theo báo điện tử Vietnam.net vào năm 2010, Toà Án Nhân Dân Quận Tân Phú, TP. HCM thụ lí hồ sơ vụ tranh chấp 138.000 (một trăm ba mươi tám ngàn) mĩ kim, quanh vụ ni sư viên tịch Tháng 5, 2008, không để lại di chúc. Ban Đại diện Chùa do ni sư trụ trì cho rằng đó là khối tài sản của Chùa. Còn người họ hàng là em ruột của sư cô lại cho rằng đó là tài sản cá nhân của bà và yêu cầu được chia phần. Ni sư có 5 sổ tiết kiệm dưới thế danh của ni sư là Đỗ Thị Thiềng, giữ tại Vietcombank. Vụ án này kéo dài cả mấy năm vì trường hợp vụ kiện về tài sản của Ni Sư, không có tiền lệ. Ngày 31/05/2012, Toà Án cho biết vẫn chưa có kế hoạch đem vụ kiện ra xét xử, sau nhiều lần hoãn phiên toà.

Cũng theo Vietnam.net, một bà tỉ phú bán bún, sống ở Tân Phú, TP. HCM, đột tử ngày 10/03/2011 chỉ có một người con gái nuôi, tranh chấp với anh em trai của bà, khối tài sản 1000 tỉ đồng. Ngày 26/03/2011 con nuôi và anh em ruột của bà đồng ý thuê tủ sắt tại ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) để giữ khối tài sản trên với thời hạn một năm. Hai bên dự định ra toà  để phân chia khối tài sản.

Vẫn còn theo Vietnam.net, một cụ bà neo đơn 82 tuổi với danh xưng Phạm Thị Hiện sống trong túp lều lụp sụp ở Đà Lạt, qua đời 19/02/2012 tại bệnh viện vì đột tử. Cơ quan chức năng khám phá ‘ruột tượng’ cuốn quanh lưng Bà có nhiều tiền của, vàng bạc và đồ trang sức. Hình như đây cũng là một bà khi vào nhà thương, không cho ý tá đụng đến xung quang người bà? Trường hợp này thì tài sản trị giá trên 2 tỉ đồng được trao cho người em gái sống ở Hà Nội, vì Bà không có chồng con.

Một vụ kiện tụng khác diễn tiến tại New York, USA giữa người Việt, được Nhật báo New York Times tóm lược qua bài phóng sự điều tra của kí giả John Leland với tựa đề: “Mr. Tran’s Messy Life and Legacy” đăng ngày 24/7/2014. Theo bài báo thuật lại thì Ông Trần Đình Trường qua đời tại Thành Phố New York, trung tâm tài phiệt của thế giới, năm 2012 vì bệnh tim, để lại khối gia tài trị giá hàng trăm triệu Mĩ kim, nhưng không có di chúc, dẫn đến vụ kiện tụng tranh chấp tài sải gồm nhiều khách sạn và tiền nhà băng giữa nhiều người đàn bà, cùng khai là vợ Ông, với những đàn con cháu. Hồ sơ vụ kiện này có vẻ còn kéo dài, không biết đến bao giờ. Câu chuyện về vụ kiện tụng trên thì không xa lạ gì với người Việt tại New York và một số người Việt tại Mĩ, tại Quê Huơng và trên thế giới cũng nghe biết đến.

Trường hợp khác nữa xẩy ra cũng tại Thành Phố New York, chỉ khác Quận với trường hợp trên, về một bà VN là H.T. H, Thánh danh Marta, tạ thế năm 2015 vào tuổi  81. Theo lời kể lại riêng tư của những người thân nhân, cũng như những người quen biết Bà, Bà để lại hai di chúc khác nhau, nhờ người viết giúp bằng Anh Ngữ, chứ không phải do luật sư biên soạn. Người mà Bà nhờ thi hành di chúc là một linh mục đã về VN hưu trí và qua đời tại đó năm 2012. Bà có chồng mà không con. Ông xã nhà Bà đã ra đi vĩnh viễn trước Bà. Bà xã nhà Ông chỉ còn người em ruột với ba con và mấy con của người anh hay em ruột khác, đã qua đời trước Bà. Bà đẹp duyên với Ông xã nhà Bà, qua môi giới của mấy linh mục quen biết Bà, giàn xếp cho hai người sánh duyên trong bữa tiệc mừng lễ mở tay của một linh mục khác, khi nàng ở vào trạc tuổi tứ tuần, còn chàng là Việt kiều gốc Hoa, vào khoảng ngũ tuần. Vì hai di chúc của Bà khác nhau, mà người thi hành di chúc đã qua đời, nên Toà Án không chấp nhận di chúc nào của Bà và chỉ định luật sư làm việc để giải quyết tài sản của Bà. Bà có nhà riêng đã trả hết nợ cho nhà băng và có  một số tiền để dành và một số đồ cổ trong nhà. Cách đây mấy năm, Bà có giúp đỡ việc nuôi dưỡng ơn gọi làm linh mục trong một Giáo Phận ngoài Bắc Việt, một số tiền không lớn, cũng không nhỏ lắm.

Tại Hoa Kì, còn có những trường hợp khi linh mục Công giáo qua đi mà không có di chúc, cũng không còn họ hàng gần để tổ chức đám tang cho đương sự, thì giáo phận đứng ra tổ chức đám tang cho linh mục đó. Sau những kinh nghiệm như vậy, bây giờ hầu hết các giáo phận tại Hoa kì đòi linh mục trong giáo phận phải làm di chúc, ngay cả khi tuổi còn thanh xuân. Để bảo đảm phí tổn tổ chức đám tang cho linh mục, thì có những giáo phận thông báo cho hàng linh mục viết giấy cho giáo phận được thừa hưởng tiền bảo hiểm nhân thọ của linh mục đương sự, mà giáo phận đã giúp trả tiền một phần hàng tháng, với thoả thuận là giáo phận tổ chức lễ an táng và chôn cất cho linh mục quá cố.

Cũng tại Hoa Kì, có một linh mục kia mở một tài khoản gửi nhà băng. Sau dó một thời gian, linh mục đó ra nhà băng hỏi về khoản tiền. Nhân viên nhà băng lục sổ cho biết, vì không liên lạc được với chủ tài khoản khi tiền nhà băng hết hạn kí thác, nên đã báo cho tiểu bang để ‘đóng băng’ tài khỏan đó. Nhân viên nhà băng nói chỉ có cách  là nhờ luật sư can thiệp, mới lấy được khoản tiền này. Sau khi nhờ luật sư giúp lấy được khoản tiền, linh mục đó không thèm trở lại nhà băng cũ để kí thác tiền nữa.

Làm di chúc như thế nào?

Làm di chúc gồm có hai phần: việc tổ chức tang lễ và việc phân phối tài sản. Việc tổ chức tang lễ có thể rất đơn giản, hoặc kéo dài đến cả tuần lễ. Còn việc phân phối tài sản cũng có thể rất đơn giản và vắn tắt hoặc rất phức tạp và dài dòng văn tự, tuỳ theo những trường hợp khác nhau. Thực ra nếu người chết mà con cái còn sống, không muốn nhắn nhủ gì cho người thân yêu, thì không cần di chúc vì sau khi qua đi, vợ con hay chồng con tự lo việc chôn cất cho người quá cố. Còn muốn tổ chức đám tang thế nào, muốn chôn cất ở đâu và theo thể thức nào hay muốn hoả táng, thì cũng chỉ cần nói với người phối ngẫu hoặc con cái là đủ.  Còn tiền của sẽ về người phối ngẫu và con cái trong gia đình. Còn trường hợp người còn sống muốn phân chia bao nhiêu phần trăm tiền của cho vợ, chồng, cho từng con hay chia tài sản cho những cơ sở từ thiện, bác ái, giáo dục.. thì cần có di chúc. Có tiểu bang chấp nhận di chúc viết bằng tay với chữ kí mà không cần người thị thực chữ kí chứng nhận, cũng không cần luật sư thảo di chúc.

Ở Việt Nam nghe nói có mẫu di chúc của Hội Luật gia. Người làm di chúc điền vào mẫu di chúc, rồi nhờ người làm chứng kí nhận và công chứng kí nhận hai chữ kí của người làm di chúc và người làm chứng. Tại Mĩ cũng có mẫu làm di chúc sẵn, người làm di chúc chỉ cần điền vào chỗ trống, rồi kí tên cũng như hai người làm chứng kí tên, rồi đến công chứng (notary public) kí nhận  đương sự đã kí tên chứng nhận giấy tờ.

Còn nếu di chúc có tính cách phức tạp thì nên bàn hỏi với luật sư và nhờ luật sư thảo và viết di chúc.  Khi làm lại di chúc mới, phải viết ở phần đầu di chúc là di chúc mới này loại bỏ tất cả những di chúc cũ. Trường hợp bà H.T.H. trên đây để lại hai di chúc mà Toà án phán quyết là vô giá trị, thì người ta phải giả sử rằng di chúc mới của Bà, không có dòng chữ nào được viết ra để loại trừ di chúc cũ.

Để tiện việc, người thi hành di chúc (Executor) thường là người của tiểu bang với người quá cố ở. Trường hợp người quá cố có tài sản ở tiểu bang khác, thì người thi hành di chúc ở cùng tiểu bang với người quá cố, không được giải quyết, nhưng phải uỷ thác cho người trong tiểu bang, mà người quá cố có tài sản để giải quyết thay thế. Người thi hành di chúc có thể là người trong gia đình, là bạn, là luật sư đã giúp viết di chúc hay có thể là nhà băng được chỉ định thi hành di chúc. Sau khi đồng ý về di chúc, luật sư sẽ hỏi xem người làm di chúc có tự ý và có ở trong tình trạng tỉnh táo để kí nhận di chúc này không?  Nếu trả lời thuận thì luật sư trao bút có mực màu xanh cho kí tên với hai nhân chứng cũng kí tên và công chứng kí nhận. Khi cần làm bản sao người ta sẽ thấy chữ kí mầu đen trong bản sao, khác với chữ kí mầu xanh của bản chính. Người được thi hành di chúc có thể không được luật tiểu bang công nhận nếu đã phạm pháp nghiêm trọng mà chưa được xét xứ.

Tài liệu bổ túc cho di chúc

Để việc thi hành di chúc được dễ dàng, thì tại Hoa Kì, ngoài bản Di chúc (Last Will and Testament), người ta có thể làm thêm bản Kí thác (Trust) và người thi hành bản Kí thác gọi là người được kí thác (Trustee). Bản Will và bản Trust bổ túc cho nhau. Nếu điều gì không có trong bản Trust thì căn cứ vào bản Will để thi hành. Chẳng hạn như người làm di chúc quên không chuyển một tài khoản nào đó trong nhà băng vào bản Kí thác (Trust), khiến nhà băng không cho người thi hảnh bản Kí thác lấy tiền ra, thì người thi hành di chúc lấy ra được. Nếu có thêm bản Trust, thì người được kí thác, không phải qua việc kiểm nhận (Probate), nghĩa là không phải đem bản di chúc và giấy khai tử ra Toà Án, giơ tay tuyên thệ để được chứng nhận thi hành di chúc, không phải nộp tiền thế chấp (Security, bond) để thi hành di chúc cách nghiêm chỉnh, và cũng không phải nộp bản kê khai tài sản gồm tiền bạc (Inventory) của người quá cố và bá cáo lại cho Toà án xem đã thi hành di chúc thế nào.

Sau khi làm bản kí thác rồi, thì ra những nhà băng mà đương sự có tài khoản, khai với nhà băng là đương sự có bản kí thác kí nhận ngày tháng năm đó để sau này người được kí thác căn cứ vào đó mà rút tiền ra để thi hành bản kí thác. Nếu không có nhiều tiền để nhiều nhà băng khác nhau và việc phân phối tài sản có tính cách đơn giản, thì chỉ cần làm bản Kí thác (Trust) thôi, không cần bản Di chúc (Will). Chọn ai làm người thi hành di chúc (Executor) và người được kí thác (Trustee) thì phải xét xem họ có được tín nhiệm và tin tưởng về tiền bạc, có thể dành thời giờ để giúp thi hành bản di chúc (Will) và bản tín thác (Trust), có hiểu biết tối thiểu về pháp lí và kinh nghiệm về vấn đề giao dịch nhà băng không? Cũng cần xét xem đương sự có tài chính cá nhân và kinh tế gia đình ổn định, có lòng công tâm, đã làm việc tình nguyện và giúp đỡ gì chưa và có tinh thần trách nhiệm không?

Di chúc của người còn sống

Ngoài ra, luật sư khuyên nên làm cả di chúc cho trường hợp còn sống (Living Will) nghĩa là chỉ định người thi hành di chúc cho người còn sống mà bị tàn tật, bất tỉnh không tự quyết định và không giúp gì cho mình được. Về di chúc cho người còn sống thì có  bản ‘Hướng dẫn trước về việc chăm sóc sức khoẻ’: Advance Medical Directive (AMD), khi đương sự còn sống mà nếu mắc bệnh nan trị, không tự quyết định cho mình được, thì chỉ định người thừa hành (Agent) để chăm sóc và quyết định về việc chữa trị bệnh cho bệnh nhân. Tuy nhiên người chăm sóc về sức khoẻ cho bệnh nhân không thể kí chi phiếu của bệnh nhân để trả tiền thuốc men được. Còn người thi hành di chúc (Executor) và người được kí thác (Trustee) cũng không thể kí chi phiếu của bệnh nhân được khi bệnh nhân vẫn còn sống. Vì thế cần làm thêm bản gọi là ‘Quyền Luật Sư kéo dài nói chung’: Durable General Power of Attorney (POA), còn gọi là luật sư trên thực tế (Attorney-in-fact) để làm người thừa hành (Agent) bệnh nhân mà kí chi phiếu của người bệnh để trả tiền chăm sóc sức khoẻ hoặc những chi phí khác cho bệnh nhân. Trường hợp này người được chỉ định làm luật sư trên thức tế cho người bệnh, đem bản POA ra nhà băng để chứng minh là luật sư trên thực tế và kí tên lưu tại nhà băng để kí chi phiếu của bệnh nhân. Không làm bản ‘Hướng dẫn trước về việc chăm sóc sứ khoẻ’ (AMD) mà bệnh nhân sống như trong tình trạng thực vật (Vegetative state), óc đã chết thì ngay cả người thân trong gia đình cũng không có quyền quyết định cho người bệnh ra đi và bác sĩ nhà thương phải tiếp tục săn sóc.

Có những người không muốn làm bản ‘Hướng dẫn trước về việc chăm sóc sức khoẻ’: Advance Medical Directive  vì sợ bác sĩ chẩn đoán sai về khả năng phục hồi sức khoẻ của người bệnh. Khi một người mắc bệnh nan trị, thì cơ quan y tế cũng như bảo hiểm sức khoẻ của bệnh nhân, có thể không muốn phải tốn kém để chữa trị người bệnh, nên người ta có khuynh hướng để cho người bệnh ra đi một cách tự nhiên mà không muốn kéo dài việc chữa trị. Tuy nhiên có những trường hợp một người bất tỉnh cả nửa năm, năm, sáu năm, rồi tỉnh lại được và sinh hoạt bình thường. Do đó có những người Công Giáo chẳng hạn, vẫn làm bản ‘Hướng dẫn trước về việc chăm sóc sức khoẻ’, rồi thêm điều khoản nữa vào để hướng dẫn người chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh, yêu cầu viết thư hỏi ý kiến những cơ sở Công Giáo nghiên cứu về đạo-đức-y-sinh học, hoặc viết thư cho giám mục trong Giáo phận hỏi xem, nếu họ quyết định chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân như vậy, thì có hợp luân lí của đạo mà bệnh nhân theo không?

Luật sư giúp làm bản di chúc, bản kí thác hoặc những bản di chúc cho người còn sống, thường dùng những mẫu đơn có sẵn, rồi thêm bớt hay điều chỉnh theo trường hợp và hoàn cảnh của khách hàng. Có những khoản trong những tài liệu trên, không áp dụng vào trường hợp và hoàn cảnh cá nhân của đương sự, và đương sự muốn luật sư bỏ đi. Có trường hợp luật sư nói không nên bỏ vì có thể áp dụng. Dưới tầm nhìn của luật sư, nếu giữ lại khoản đó mà không áp dụng thì thôi, cũng không sao. Rồi trong bản di chúc có những từ ngữ hay những kiểu nói của luât di chúc làm khó hiểu cho người thi hành, thì người làm di chúc nên viết ra, giải thích bằng Việt ngữ cho người thi hành di chúc (Executor) hay người được tín thác (Trustee) để giúp họ hiểu.

Người thi hành di chúc (Executor), người được kí thác (Trustee) và người thừa hành (Agent) phải thi hành thế nào?

Người làm di chúc chỉ định ai là người thi hành (Executor) bản di chúc  (Will) của mình, hoặc người được tín thác (Trustee) để thi hành bản Kí thác (Trust) là đã có sự tín nhiệm về tiền bạc và tin rằng người đó sẽ thi hành di chúc hay bản tín thác theo ý muốn của mình. Có những khía cạnh nhỏ của bản di chúc hay bản kí thác, khiến không thì hành được theo ý muốn của người làm di chúc vì hoàn cảnh, thì điều đó hiểu được. Còn ngoài ra, những người hiểu biết, có tinh thần trách nhiệm và có lòng công tâm, thì đều muốn thì hành bản di chúc và bản kí thác theo ý muốn của người làm di chúc và kí thác để người quá cố được nằm yên dưới suối vàng theo kiểu nói của nhà Phật và được an nghỉ ở đời sau theo kiểu nói Thiên Chúa Giáo.

Người thi hành di chúc và kí thác được hoàn lại tất cả những phí tổn chẳng hạn cho việc tổ chức tang lễ và những phí tổn liên hệ đến việc phân phối tài sản của người quá cố. Người thi hành di chúc còn được hưởng tiền thù lao (Compensation) là bao nhiêu, được ghi trong di chúc. Nếu có thêm bản kí thác (Trust) thì người được kí thác (Trustee) cũng được hưởng số tiền thù lao có ghi trong bản kí thác. Trường hợp có thêm bản kí thác thì công việc của người thi hành di chúc rất là nhẹ vì sẽ do người được kí thác làm rồi, nên không cần thù lao cho người thi hành di chúc (Executor), nhất là khi người  thi hành di chúc (Executor) cũng là người thi hành bản kí thác (Trustee).

Khi thay đổi những gì trong bản di chúc hay kí thác như khi người thi hành di chúc hay bản kí thác qua đời hay chuyển đi bang khác, hoặc khi người được thừa hường tiền di chúc qua đời, thì cần sửa đổi, nghĩa là cập nhật hoá bản di chúc hay bản kí thác. Rồi sau khi nhờ người này thì hành di chúc hay bản kí thác mà thấy họ thiếu điều kiện hay thiếu khả năng thì hành thì phải nhờ đến người khác, cũng cần cập nhật hoá.

Chẳng hạn khi sửa đổi một số khoản trong bản kí thác, thì phải viết những khoản tu chính mới (Amended and Restated Trust) thay vào những khoản cũ trong bản kí thác (Trust). Làm bản tu chính là để đơn giản hoá cho việc làm bản kí thác và cho những bên liên hệ. Chẳng hạn khi người có tài khoản để nhà băng, ra khai báo với nhà băng là khi có mệnh gì, thì người được kí thác (Trustee) sẽ đem bản kí thác kí ngày đó ra nhà băng để được thi hành theo bản kí thác.  Khi cần làm bản tu chính, thì chủ tài khoản không cần ra nhà băng để thông báo như trước nữa. Khi có mệnh gì cho chủ tài khoản, thì người được kí thác (Trustee) sẽ đem bản kí thác đã được tu chính và tái lập (Amended and Restated Trust) ngày tháng năm đó ra nhà băng với giấy tờ được chứng minh là người được kí thác, để rút tiền.

Thời gian thi hành bản di chúc có thể kéo dài từ sáu tháng tới năm, sáu năm. Ước lượng thời gian theo tháng năm như vậy là dựa trên tài khoản nhà băng của chủ tài khoản. Chủ có thể có những tài khoản kí thác vào nhà băng kéo dài từ 6 tháng, một năm đến 6 năm. Nếu người thi hành di chúc hay được kí thác rút tiền ra làm theo ý chủ, trước khi hết hạn rút tiền, thì bị phạt tiền, nên phải đợi thôi. Hoặc người hay cơ sở được thừa hưởng di chúc, mà người thi hành di chúc hay người được kí thác, chưa liên lạc được, thì cũng phải đợi.

Về việc chọn luật sư thì nếu chọn một luật sư trong tổ hợp luật sư để giúp viết di chúc, mà luật sư đó qua đời, thì người thi hành di chúc hay bản kí thác có thắc mắc hay gặp khó khăn gi trong việc thi hành di chúc hay bản kí thác, thì còn có thể hỏi tổ hợp luật sư vì hồ sơ di chúc và kí thác còn giữ trong tổ hợp luật sư vì tổ hợp luật sư làm việc với nhau.

Bổ túc thêm người để thi hành bản di chúc, kí thác, chăm sóc sức khoẻ và trả chi phí

Người làm di chúc nên chọn 3 người thi hành di chúc (3 Executors) cho việc thi hành di chúc (Will), 3 người được kí thác (3 Trustees) cho việc thi hành bản kí thác (Trust), 3 người thừa hành (3 Agents) cho việc săn sóc sức khoẻ (Advance Medical Directive) và 3 người thừa hành (3 Agents) cho quyền luật sư trên thực tế (Durable General Power of Attorney). Đây không phải là ba người đồng quyền như Co-Executors, Co-Trustees hoặc Co-Agents). Đây chỉ có nghĩa là nếu người thứ nhất vì lí do gì, không thi hành được, thì đến người thứ hai; người thứ hai bị cản trở, thì đến người thứ 3. Nếu đặt ba người đồng quyền sẽ tạo ra nhiều phức tạp vì bộ ba phải đồng thuận trong quyết định và việc làm. Nếu chọn người thi hành di chúc cũng là người kí thác, cũng là người chăm sóc sứ khoẻ, cũng là người xuất quĩ thì là tiện nhất. Khi người thi hành di chúc thứ nhất, người được kí thác thứ nhất, người thứ nhất chăm lo sức khoẻ cho đương sự, người thứ nhất chi tiền cho đương sự, vì lí do gì không thi hành hay không tiếp tục thi hành việc được, thì đến người thứ hai, rồi đến người thứ ba làm những việc trên, hoặc làm tiếp những công việc của người trước. Nếu người thứ 3 cũng không thi hành được, thì chính người thứ 3 có quyền chỉ định người khác là người thứ 4 để thi hành các việc trên cho đương sự. Tuy nhiên phải cho viết những khoản này trong những tài liệu trên.

Trường hợp di chúc của Bà H.T.H. trên đây chỉ có một người thi hành di chúc (Executor). Giả sử Linh mục thi hành di chúc của Bà còn sống và di chúc của Bà hợp pháp và hợp lệ, mà phải qua lại Mĩ  để thi hành di chúc cho Bà, thì cũng gây ra nhiều bất tiện và tốn kém. Sở dĩ Linh mục thì hành di chúc cho Bà - nếu còn sống -  phải trở về Mĩ để thi hành di chúc cho Bà là dựa trên giả sử rằng trong di chúc của Bà, không có khoản nào để cho linh mục thi hành di chúc của Bà, được quyền chỉ định người khác ở Bang New York, để thi hành di chúc của Bà.

Những người/cơ sở nào được hường tiền của di chúc?

Đời xưa người ta nói ‘cha mẹ làm giầu để của cho con’. Đời nay cha mẹ cho con đi học, con cái có bằng cấp, có việc làm chuyên môn, có thể làm nhiều tiền gấp bội cha mẹ. Ngoài ra, sống trong xã hội có nền kinh tế, chính trị ổn định, có chính sách thuế vụ tương đối công bình, với tiền bảo hiểm sức khoẻ cho người đi làm, tiền an ninh xã hội cho người về hưu, tiền bảo hiểm y tế của chính phủ cho người đi làm đã đóng thuế, khi về hưu dưỡng; tiền hưu dưỡng của sở cho người đi làm lúc về hưu và tiền an sinh xã hội của chính phủ (khác tiền an ninh xã hội) cho người nghèo và thất nghiệp, thì ý niệm làm giầu để của cho con, không còn hợp thời và cần thiết.

Do đó mà nhiều cơ sở tôn giáo, giáo dục, y khoa, khoa học, cơ sở từ thiện bác ái nhận được những khoản tiền di chúc để làm những công việc này. Nếu một người khi còn sống mà có ý định để lại tiền bạc, tài sản giúp những cơ sở từ thiện, bác ái, tôn giáo, giáo dục, y khoa, khoa học mà không có di chúc, hay không kịp làm di chúc, thì khi chết, những cơ sở trên sẽ bị thiệt thòi vì không được hưởng số tiền mà người quá cố định giúp khi còn sống. Có mấy trường hợp của mấy linh mục VN ở hải ngoại, khi còn sinh thời đã có ý định gửi tiền riêng hay tiền đã quyên được cho VN về một số giáo phận tại Quê Hương để giúp làm việc từ thiện bác ái, nhưng đã qua đời sớm mà không biết có kịp chuyển tiền về giúp những việc từ thiện bác ái, cũng không biết có khoản ghi trong di chúc để chuyển tiền làm những công việc này không?

Trong thời đại Tự do Mậu địch Hoàn cầu, người ta thấy xuất hiện nhiều triệu phú, tỉ phú trên thế giới dựa theo cổ phần sở hữu trên thị trưòng chứng khoán. Năm 2014, theo báo cáo “Billionaire Census 2014”, Việt Nam có hai tỉ phú là Hoàng Kiều và Phạm Nhật Vương với tổng tài sản là 3 tỉ mĩ kim. Có những trường hợp báo chí thuật lại cơ sở nọ kia nhận được những khoản tiền di chúc kếch sù của những tỉ phú thời danh như Bill Gates. Bill Gates, người Mĩ từ chức Giám Đốc Điều Hành (CEO) Microsoft, để thiết lập quĩ từ thiện bác ái Bill & Melinda Gates Foundation, gọi tắt là Gates Foundation để giúp thăng tiến đời sống người nghèo, thất nghiệp, thất học.. trên thế giới. Sau đó mời được tỉ phú khác là Warren Buffett cũng là người Mĩ đóng góp vào qũi bác ái. Một số triệu phú và tỉ phú khác cũng đóng góp. Gần đây nhất theo báo AFP ngày 01 Tháng 7, 2015, Hoàng Tử Alwaleed bin Talal của nước Ả Rập Saudi được cảm hứng do qũi bác ái đã cam kết 32 tỉ mĩ kim vào quĩ bác ái của Gates Foundation. Còn có những triệu phú, tỉ phú mà khi còn sống, họ chỉ sống nếp sống bình dị và ẩn dật, mà khi chết cũng đã để lại di chúc đáng giá tiền triệu, tiền tỉ để giúp việc từ thiện, bác ái,  khiến thiên hạ rất đỗi ngạc nhiên và thán phục sát đất.

Do nhân ái tính cá nhân thúc đẩy, cũng như do ảnh hưởng bởi đạo từ bi nhà Phật và đức bái ái Kitô giáo, mà biết bao nhiêu người đã dành thời giờ, tiền bạc, của cải để giúp đỡ người nghèo đói, bệnh tật, thất học, vô gia cư, vô nghề nghiệp tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Để làm những công việc từ thiện bác ái, có thể có những người đã làm do ảnh hưởng đoạn  Thánh Kinh này (Mt 25: 31-46) trong ngày thẩm phán thúc đẩy. Trích cả đoạn Thánh Kinh thì dài, nên tác giả chỉ cho trích dẫn mấy câu như sau: 'Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người bên phải rằng: "Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp đón; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi thăm...Ta bảo thât các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế, cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25: 34-36, 40).

Cũng cần nói thêm là không cần phải đợi tới khi trở thành triệu phú, tỉ phú mới giúp việc từ thiện bác ái được. Có bao nhiêu và giúp được bao nhiêu để làm việc từ thiện bác ái, là đáng trân quí lắm rồi. Đối với giới tu hành mà được giữ tiền riêng thì những cơ sở giáo dục, tôn giáo, từ thiện bác ái cũng mong có được số tiền giúp đỡ của những vị này trong di chúc, chứ không phải tiền giúp đỡ chỉ dành cho anh chị em, họ hàng mà thôi.

Muốn giúp cơ quan từ thiện bác ái nào và để làm việc gì, thì cũng cần ghi rõ trong di chúc hay bản kí thác. Người thi hành di chúc hay thi hành bản kí thác cũng cần làm theo ý chủ. Khi gửi tiền giúp, người thi hành di chúc hay bản kí thác cũng cần nói rõ giúp cho cơ sở nào, để làm việc gì. Nếu không thì ngay cả những viên chức cao cấp trong đạo hay người thừa hành cũng có thể dùng làm việc khác, không hẳn là cho cá nhân của họ.

Trường hợp muốn giúp một cơ quan hay tổ chức từ thiện bác ái nào để làm việc thiện trong một giáo phận Công giáo chẳng hạn, thì nên gửi tiền về số tài khoản của Giáo phận đó, nhờ Toà Giám mục chuyển cho cơ quan, tổ chức đó để làm việc đó, rồi gửi bản sao cho cơ quan tổ chức đó; hoặc nói cho tổ chức, cơ quan đó đến Toà Giám mục xin lãnh số tiền đã được gửi về giúp, rồi gửi bản sao cho Toà Giám mục để hai bên có cùng lời nhắn. Gửi nhiều hay ít cũng chỉ trả lệ phí cho nhà băng như nhau. Rồi người thi hành di chúc hay người thi hành bản kí thác cũng cần theo dõi xem tiền giúp có được tiêu dùng theo ý muốn của người giúp không?

Với ý muốn, muốn biết hay thấy tiền giúp đỡ của người ta được thực hiện cho những nhu cầu nào và như thế nào, mà có những người đã giúp đỡ trước một số tiền cho việc tôn giáo, từ thiện, bác ái, xã hội khi họ còn sinh thời, chứ không cất giữ hết tiền của đi, đợi cho tới khi nằm xuống vĩnh viễn, rồi mới nhờ người thi hành bản di chúc hoặc bản kí thác gửi tiền bạc đi giúp đỡ theo di chúc của họ để lại.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch