Happy_Family-1Gia đình chính là nền tảng vững chắc để xây dựng xã hội, và Giáo Hội, là mảnh đất màu mỡ để hạt Tin mừng có thể nảy mầm, đâm rễ lớn lên và trổ sinh hoa trái tốt lành.

Công mẹ sinh thành, con vào đời

Đạo giáo khai tâm, mần ấn tín

Hướng dẫn tâm linh, tinh thần sống

Nêu gương nhân đức, canh thức lòng…{C}[1]

Gia đình, xưa nay vẫn là tổ ấm yêu thương cho từng thành viên. Vì thế, đứng trước ngưỡng cửa đời sống hôn nhân gia đình, ai cũng muốn cho mình có được một cuộc tình êm xuôi, một gia đình hạnh phúc, trên thuận dưới hòa, con cái hiếu thảo, vợ chồng yêu thương nhau… Hôn nhân gia đình là một quyết định và là bước ngoặt lớn trong cuộc sống con người, nên người ta đặt vào đó cả niềm hi vọng và sự mong đợi lớn lao.

Thế nhưng, khi nhìn đến hiện trạng hôn nhân hiện nay, nhiều người không khỏi băn khoăn lo lắng. Trong những thập niên vừa qua, đời sống hôn nhân và gia đình trên thế giới, và tại Việt Nam đã gặp phải quá nhiều khủng hoảng với những khó khăn đưa đến tan vỡ.[2]

Giáo Hội không khỏi băn khoăn lo lắng và nỗ lực đưa ra những giải pháp tối ưu để khắc phục. Bởi lẽ, gia đình là tế bào đầu tiên của xã hội và Giáo Hội, và “tương lai của nhân loại sẽ đến ngang qua gia đình.”[3]  Giáo Hội luôn đồng hành với các gia đình để soi sáng, nâng đỡ, hướng dẫn và giúp họ thể hiện được ơn gọi đích thực của mình. Đặc biệt năm nay Giáo Hội Việt Nam chúng ta thực thi công cuộc Phúc Âm hóa đời sống gia đình với mục tiêu là “dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm.”[4]

Lung linh, lung linh hai tiếng “Gia đình”

Trong bài hát “Ba ngọn nến lung linh” của nhạc sĩ Ngọc Lễ, tác giả đã chia sẻ một cảm nhận rất thiêng liêng và sâu sắc về mái ấm gia đình: “Gia đình, gia đình, ôm ấp ta những ngày thơ, cho ta bao nhiêu niềm thương mến. Gia đình, gia đình, vương vấn bước chân ra đi, ấm áp trái tim quay về! Gia đình gia đình ôm ấp ta những ngày thơ, cho ta bao nhiêu niềm thương mến. Gia đình gia đình bên nhau mỗi khi đớn đau, bên nhau đến suốt cuộc đời!”

Quả thật, hai tiếng “gia đình” thật là linh thiêng, gần gủi và ý nghĩa biết bao. Nơi đó, con người được hình thành cả một nhân cách sống. Gia đình dạy con người về đạo lý, về tình yêu quê hương dân tộc. Gia đình gắn liền với đời sống của mỗi con người. Gia đình là cái nôi của tình yêu thương, là nơi mà mỗi chúng ta được sinh ra, được lớn lên trong vòng tay ấm áp của cha và mẹ. Gia đình được coi là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối tương quan tình cảm, tương quan hôn nhân, tương quan huyết thống, tương quan nuôi dưỡng và tương quan giáo dục.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử nước nhà. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và tương quan trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong đời sống con người.

Lung linh, lung linh cùng buồn cùng vui: Sứ mạng của Gia đình

Đời sống đời hôn nhân gia đình có một ơn gọi và sứ mệnh cao quý trong Giáo Hội và xã hội. Ơn gọi đó được chọn lựa với ý thức, tự do và trách nhiệm của mỗi người khi chọn sống đời sống gia đình. Ơn gọi đó chính là thể hiện tình yêu Thiên Chúa đối với dân Người. Khi sống yêu thương, con người thể hiện đúng với bản chất của mình là hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên để sống yêu thương và hiệp thông với nhau. Tình yêu là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người.[5] Tình yêu cũng là yếu tố căn bản của hôn nhân gia đình.

Tình yêu là nền móng xây dựng những mối tương quan gia đình. Đối với con cái, tình yêu của cha mẹ trở thành dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa. Sứ mạng của đời sống gia đình là bảo toàn, biểu lộ và truyền đạt tình yêu. Hôn nhân và gia đình được thiết lập là do tình yêu, được sinh động cũng là do tình yêu, sức mạnh và mục đích cuối cùng lại chính là tình yêu.[6]

Có thể nói, hôn nhân và gia đình là một trong những thể chế cổ xưa nhất của loài người. Hôn nhân đã được Kinh Thánh đề cập đến ngay từ những trang đầu,[7], và rồi hình ảnh hôn nhân lại được Kinh Thánh nhắc đến nơi những trang cuối.[8] Điều đó cho thấy, hôn nhân gia đình không phải chỉ là một định chế thuần tuý của con người, mà trước hết còn nằm trong chương trình của Thiên Chúa, khi Ngài dựng nên con người có nam có nữ, và mời gọi họ: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó.”[9]

Gia đình chính là nền tảng vững chắc để xây dựng xã hội, và Giáo Hội, là mảnh đất màu mỡ để hạt Tin mừng có thể nảy mầm, đâm rễ lớn lên và trổ sinh hoa trái tốt lành. Vì lẽ đó, Gia đình Kitô hữu được gọi là Giáo Hội tại gia, Giáo Hội thu nhỏ…[10] Do đó, sứ mạng của mỗi gia đình Kitô hữu là thể hiện đúng bản chất của mình là một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất và thánh thiện để làm dấu chỉ loan báo cho mọi người về Nước Thiên Chúa.[11]

Hơn nữa, “Gia đình là môi trường hoạt động và là trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức của cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy. Nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô.”[12]

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi gia đình là “con đường của Giáo Hội”; người đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về ơn gọi yêu thương của người nam và người nữ; người đề ra các hướng dẫn cơ bản về một mục vụ gia đình và sự hiện diện của gia đình trong xã hội. Đặc biệt, liên quan đến tình yêu vợ chồng,[13] người mô tả làm sao vợ chồng qua sự yêu thương lẫn nhau của họ, nhận được hồng ân của Thần Khí của Đức Kitô và sống lời mời gọi nên thánh của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô, khi bàn đến sự liên hệ giữa gia đình và đức tin, đã viết: “Cuộc gặp gỡ Đức Kitô, việc để cho mình được lôi cuốn và hướng dẫn bởi tình yêu của Người, mở rộng chân trời cuộc đời, cung cấp cho đời sống một niềm hy vọng vững chắc là điều không làm cho nó thất vọng. Đức tin không phải là nơi trú ẩn của những kẻ nhát đảm, nhưng là điều thăng tiến cuộc đời chúng ta. Nó làm cho chúng ta nhận ra một lời mời gọi cao cả, ơn gọi yêu thương.”[14] Thế đó, gia đình nói chung và cách riêng là gia đình Kitô có một vị trí, một sứ mạng hết sức cao cả và quan trọng trong đời sống Giáo Hội cũng như xã hội. Thế nhưng, hơn bao giờ hết, ngày nay, nền tảng gia đinh đang bị lung lay và gia đình Kitô hữu đang phải đối diện với những thách đố từ những quan niệm và suy tư đổi mới của con người thời đại trước những biến động của xã hội.

Ngọn nến gia đình trước thách đố thời đại

Thế giới ngày nay được đánh dấu bằng những mối giao lưu nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhất là trong lãnh vực truyền thông đại chúng. Xu thế toàn cầu hóa đã và đang tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng đến đời sống con người, tạo nên những biến đổi to lớn cho con người thời đại. Bên cạnh những tác động tích cực, những cơ hội phát triển mà xu thế này mang lại cho con người và xã hội, nó còn đem đến nhiều nguy cơ và thách thức mới cho con người, đặc biệt là trong lĩnh vực đời sông hôn nhân gia đình.[15]

Quả thế, chúng ta đang sống trong một thời đại mà nền tảng gia đình bị tấn công và đang lung lay hơn bao giờ hết. Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì tổ ấm yêu thương. Nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa; nhiều trẻ em không được giáo dục, nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người, bạo lực gia đình đã trở thành khá phổ biến trong xã hội hôm nay, gây gây nhức nhối cho thời đại chung ta…

Nhiều gia đình đã biến chất, tha hoá và vong thân. Những giá trị truyền thống của gia đình bị đảo ngược. Giới trẻ ngày nay ít ai còn hiểu thế nào là “tam cương, ngũ thường” (nhiều người cho đó là lỗi thời, lạc hậu), thay vào đó là lối sống buông thả tự do, tất cả là hưởng thụ, là nguyên tắc khoái lạc chi phối. Do chủ nghĩa cá nhân được đề cao, nên gia đình lại bị coi nhẹ. Nhiều gia đình chỉ còn là quán trọ, là chỗ dừng chân cho những lúc tâm hồn quá mệt mỏi ê chề. Thêm vào đó, quan niệm về tình yêu hôn nhân, về đời sống gia đình cũng bị biến dạng. Nhiều người ngày nay không còn xem hôn nhân là chuyện quan trọng cả cuộc đời. Vợ chồng không yêu thương chung thủy, không tôn trọng cảm thông chia sẻ với nhau, dẫn đến bỏ nhau một cách thật là dễ dàng. Chưa hết, nạn sống thử, sống chung không hôn nhân, ngừa thai, phá thai, ly thân, ly dị ngày càng nhiều và trở thành hiện tượng phổ biến.[16] Vì thế, những giá trị tinh thần, những giá trị thiêng liêng cao quý của đời sống hôn nhân gia đình đang ngày càng bị xói mòn và mai một. Đó là những “bóng tối” đang đè nặng trên đời sống các gia đình, làm cho ngọn nến lung linh của gia đình ngày càng leo loét trước sóng gió cuộc đời, có nguy cơ lịm tắt. Quả thế, “Tình yêu trong thế giới ngày nay đang bị đe dọa bằng nhiều cách và tình yêu gia đình đang bị lu mờ dần dần.”[17]

Trước thực trạng xã hôi như thế, gia đình Kitô hữu chúng ta được mời gọi tái khám phá và phục hồi những giá trị cao đẹp của ơn gọi Hôn nhân gia đình, để mọi người ý thức và sống đời Hôn nhân như một giao ước tình yêu, một ơn gọi và một sứ mệnh cao quý, được chọn lựa với ý thức, tự do và trách nhiệm.[18] Để qua đó, ánh sáng Tin Mừng được chiếu toả và soi sáng vào thế giới đầy dẫy bóng tối hôm nay.

Ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình

Khi nhìn vào những bóng tối đang bao phủ trên cuộc sống gia đình ngày nay, không ít người đã nản lòng thất vọng và chán ngán. Là những người Kitô hữu, chúng ta không được phép thất vọng trước những thực tại đau thương của cuộc sống này, nhưng được mời gọi tin tưởng vào sự chiến thắng của Thầy Giêsu và mạnh bạo lên, can đảm lên, vì Thầy đã thắng thế gian.[19] Theo ước mong và lời mời gọi của Thầy Chí Thánh,[20] mỗi chúng ta thắp lên ngọn lửa tình yêu vào thế gian để xoa đi bóng tối ấy.

Xã hội hôm nay có nhiều bóng tối, không phải vì bóng tối có nhiều, mà vì thiếu ánh sáng. Mỗi chúng ta được mời gọi “Thà thắp lên một ngọn nến, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.” Mỗi chúng ta hãy là một ngọn nến!  Ngọn nến ấy dầu chưa phải là ánh sáng rực rỡ, nhưng là điểm khởi đầu của việc thoát ra khỏi bóng tối mịt mù.

Ngọn nến mà mỗi chúng ta thắp lên đó không gì khác là khơi lên niềm hy vọng cho nhân thế, cho cuộc đời. Đó chính là tái khám phá lại ý nghĩa và tầm quan trọng của đời sống, ơn gọi, phẩm giá của hôn nhân gia đình. Để qua đó, mỗi chúng ta trân quý nó như là một quà tặng vô giá mà Thiên Chúa trao ban, đặt để nơi mỗi chúng ta trong tình yêu của Người.

Theo đó, mỗi người nhiệt tâm chu toàn sứ vụ và bổn phận thường ngày trong tình yêu thương chân thành: là người cha, ta chu toàn trọng trách của người cột trụ gia đình; là người mẹ, ta hoàn thành sứ vụ của người bảo vệ và gìn giữ hạnh phúc gia đình; là con cái, ta  chu toàn bổn phận của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Tất cả mỗi chúng đều chu toàn trọng trách đời mình trong sự liên đới yêu thương. Như thế là ba ngọn nến lung linh của ta sẽ thắp sáng một gia đình. Và nhiều gia đình thắp sáng cả mội thế giới. Nhờ đó, những ngọn nến lung linh của gia đình chúng ta thắp lên sẽ làm sống lại những giá trị tốt đẹp của Tin Mừng trong thời đại chúng ta. Theo lời gọi mời của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng cách xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.[21]

Tạm kết

Phúc Âm hoá gia đình chính là thắp lên ngọn nến yêu thương, là làm sáng lên những giá trị truyền thống, những nét đẹp tinh thần và Tin Mừng hóa những giá trị cao quý ấy. Tin Mừng hóa không có nghĩa là thay thế những giá trị, mà là làm cho những giá trị đó sáng lên. Thiết tưởng công việc gieo rắc Tin mừng nên khởi đi từ việc phát hiện những điểm sáng đó. Được như thế, chắc chắn gia đình Kitô sẽ đứng vững trước những thách đố cuộc đời và luôn là điểm sáng cho mọi gia đình noi theo.

Pet. Võ Tá Đương, OP

---------------------------------------

[1] Lm. Trần Việt Hùng, Công Mẹ, Bài Giảng Chúa Nhật, Tòa TGM. Sài Gòn, tháng 5/2014, tr.90.

[2] Xc. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Giáo lý Hôn nhân và Gia đình, NXB. Tôn giáo, 2004, tr. 09.

[3] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II, Tông huấn Gia đình, số 86.

[4] Thư Chung HĐGMVN năm 2014, số 3.

[5] Xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số1604.

[6] Xc. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II, Tông Huấn Gia đình, số 18.

[7] Xc. St 1, 27-28; 2,18 -25.

[8] Xc. Kh 21, 2. 9.17.

[9] St 1, 28.

[10] Xc. Công đồng Vatican II, Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 11.

[11] Xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2205.

[12] Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, số 35.

[13] Xc. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Gia đình, số 13.

[14] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin “Lumen Fidei”, số 53.

[15] Xc. Đỗ Trung Thành, OP., Bạn trẻ trước bối cảnh thời đại ngày nay, Ba Chuông, 2013, tr. 43.

[16] Xc. Thư Chung HĐGMVN năm 2008, số 10.

[17] Lời nhận đinh của Thánh  Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Mexico tháng 5/1990.

[18] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung mục vụ năm 2013, số 07.

[19] Xc. Ga 16, 33.

[20] Xc. Lc 12, 49.

[21] Xc. Thư chung HDGMVN năm 2013, số 06.

Nguồn: gpphanthiet.com

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch