Nhiều khu vực tại Đồng bằng Sông Cửu Long đang bị nước mặn xâm nhập sâu và khô hạn nặng gây hại. Tình trạng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định là cấp bách và có chỉ đạo từ giữa tháng hai vừa qua.

Thực tiễn ra sao và cần có những biện pháp thế nào để giảm thiểu tác hại cho nông dân?

Nhận định từ cơ quan chức năng

Mot_cnh_dongMột cánh đồng khô hạn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. AFP Photo

Hội nghị Phòng chống xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long được tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào ngày 17 tháng 2 vừa qua. Đích thân ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và sau đó đi tham quan một số nơi bị tác động nặng nề hiện nay.

Nhận định của Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam đưa ra tại hội nghị cho thấy diện tích lúa đông xuân 2015- 2016 ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng do hạn, mặn nặng là hơn 100 ngàn hecta, chiếm gần 7% diện tích xuống giống. Cụ thể tại hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau có 54 ngàn héc ta lúa bị thiệt hại; nếu qui ra tiền số thất thu có thể hơn 1 ngàn tỷ đồng.

Một quan chức của tỉnh Hậu Giang cho biết thị xã Ngả Bảy của tỉnh này từ bao đời nay chưa hề bị xâm nhập mặn nhưng năm nay phải chịu và có 400 hecta lúa trong tỉnh bị thiệt hại rồi.

Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết đến trung tuần tháng hai, toàn tỉnh có gần 9 ngàn héc ta lúa bị tác động bởi hạn, mặn. Cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu cũng cảnh báo nếu mặn xâm nhập sâu thì thỉnh này sẽ mất trắng 2500 hec ta lúa.

Tỉnh Bến Tre cũng nói có trên 10 ngàn héc ta lúa đông xuân 2015-2016 bị thiệt hại; hằng trăm diện tích cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau, Nguyễn Tiến Hải cho biết, mực nước trung bình tại tỉnh này giảm hơn 0,3 mét; nếu như khô hạn kéo dài trong thời gian tới thì nguy cơ cháy rừng tại Cà Mau rất cao.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, thuộc trường Đại Học Cần Thơ, trình bày về thực tế nhiễm mặn, hạn hán ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long và một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó:

“Trước hết nguồn nước năm nay ít hơn so với nhiều năm và ít hơn so với nguồn nước trung bình của hằng năm; như vậy mặn xâm nhập cũng lâu hơn, nhiều hơn so với những năm trung bình. Đây cũng là sự kéo dài thay đổi thời tiết: từ cuối năm 2013, đầu năm 2014 đã có dấu hiệu lượng mưa trong lưu vực sông Mê kong giảm; nhưng đặc biệt mùa mưa trong năm 2014 lượng mưa giảm rất đáng kể, kéo dài từ phía bắc Lào qua đến miền bắc Thái Lan, qua Kampuchia và qua cả Việt Nam. Vì lượng mưa của năm 2014 giảm một cách đáng kể như vậy nên đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trong năm 2015 không có nước lũ về.

Lượng mưa giảm đặc biệt như vậy, nhất là năm 2014 giảm một cách trầm trọng, theo nhiều người do ảnh hưởng của hiệu ứng El Nino làm cho lượng mưa của khu vực giảm. Điều đó làm cho lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long cũng như lượng nước tại chỗ giảm đáng kể. Đó là nguyên nhân làm cho hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long năm nay nghiêm trọng hơn những năm khác.

Về các đập thủy điện dứt khoát có tác động rồi. Nhưng chúng ta cần phải thấy là lượng nước tích trong các hồ thủy điện, có nhiều hồ cạn không có nước. Điều đó chứng tỏ lượng nước đổ về các khu trữ nước hồ thủy điện đã không đủ, chứ không phải các hồ thủy điện đã tích đầy nước trong khi dưới hạ lưu không có nước. Từ đó chúng ta thấy lượng mưa giảm trên toàn khu vực là nguyên nhân chính.

Nguyên nhân tiếp theo là những hồ thủy điện giữ một lượng nước rất quan trọng mà lẽ ra phải để một phần chảy xuống hạ lưu.

Thứ ba nữa diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích lúa của nhiều quốc gia ví dụ như của Thái Lan, Kampuchia hay của Việt Nam ( diện tích lúa canh tác trong mùa nắng) tăng lên rất nhanh do vậy cần lượng nước bơm tưới rất nhiều. Đó là nguyên nhân làm cho lượng nước sử dụng bốc hơi đi rất nhanh. Thời tiết đã khô hạn, nước bơm lên mặt đất lại bốc hơi rất nhanh, do đó nước trong các sông rạch bị mất rất nhiều. Từ đó làm xâm nhập mặn càng sâu vào trong đất liền của Đồng bằng Sông Cửu Long.”

Một người chuyên canh dừa ở Bến Tre cho biết tình trạng nhiễm mặn năm nay so với thời gian trước và những ảnh hưởng đối với vườn dừa nhà ông:

“Thời tiết không biết sao 2-3 năm rồi lại ‘ngọt’. Trước đây nước ở khu vực này chỉ chừng 4-5/1000 nên dừa rất tốt. Thế nhưng độ mặn tăng lên 10/1000 một thời gian cũng lâu. Tôi đắp đê không cho nước mặn vào hai lần nên chỉ còn chừng 2/1000. Hai ba năm vừa rồi lại ngọt khiến mình chủ quan. Năm nay do El Nino nên mặn lên quá chừng, trở tay không kịp. Thường thường qua tết mới mặn, nhưng năm nay tháng 10 âm lịch đã mặn rồi và đồng thời độ mặn cao hơn nhiều.”

Giải pháp

Tại hội nghị vào ngày 17 tháng 2 ở Cần Thơ, ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long xem lại lịch thời vụ, chủ động dự báo cho dác địa phương và người dân để chủ động đối phó và xử lý các tình huống xãy ra.

Bom_nuocBơm nước cho một cánh đồng khô hạn. AFP photo

Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết chính phủ sẽ xem xét ưu tiên dành 2300 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ cũng như vốn ODA cho đồng bằng Sông Cửu Long chống hạn, mặn.

Những hộ dân bị thiệt hại từ 70% trở lên sẽ được Bộ Tài chính và địa phương hỗ trợ theo mức 2 triệu đồng một héc ta.

Tiến sĩ Dương Văn Ni cho biết về những biện pháp được triển khai lâu nay:

“Thực ra không phải đến nay mà cách đây đã 3-4 năm vấn đề mặn xâm nhập vào đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được các nhà khoa học cảnh báo, cũng được các cấp chính quyền lưu ý. Một số nơi chọn giải pháp tăng cường các công trình thủy lợi, tăng cường hệ thống đê ngăn mặn, tăng cường hệ thống cống đập… Một số nơi áp dụng biện pháp như chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi mùa vụ, thay đổi giống… Một số nơi cũng có chủ trương giảm diện tích lúa, đẩy diện tích những loại cây trồng cạn như đậu, mè lên để giảm bớt lượng nước tiêu thụ.”

Người nông dân xứ dừa Bến Tre thì cho rằng cơ quan chức năng có nói về những biện pháp hỗ trợ, tuyên truyền cho người dân về những thay đổi bất lợi của thời tiết; tuy nhiên thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu:

“Hôm trước có cho một số tiền để làm lộ nhưng làm không nên thân đến đâu hết! Nay được một khúc kha khá thôi, còn vẫn chưa được. Đê bao thì không nghe nói gì hết. Vùng trên thấy có chú ý, còn vùng này không thấy ai nói gì; mình chỉ lo cho mình thôi. Mình tự đắp đê bao ngăn mặn cho mình; lý ra nếu đừng chủ quan thì nếu bên ngoài 10/1000 thì trong tôi chỉ chừng 5/1000 thôi.”

Theo tiến sĩ Dương Văn Ni những biện pháp giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu đối với hoạt động canh tác của nông dân cần phải có chiến lược mang tính đồng bộ và tầm nhìn xa chứ không thể như lâu nay, ông phát biểu:

“Trong phần lớn các giải pháp thì phần lớn chỉ mang tính đối phó nhiều hơn là một giải pháp lâu dài. Theo tôi giải pháp lâu dài là làm so cho người dân có đủ năng lực để ứng phó với các rủi ro. Người ta có đủ khả năng, đủ kiến thức để sử dụng ứng phó với những thay đổi bất thường của môi trường. Việc đó không thể trong ngày một ngày hai, cần phải có thời gian và phải làm sớm.

Điều thứ hai không kém phần quan trọng là phải rà soát lại những vùng phù hợp cho việc canh tác lúa thì giữ lại, còn những vùng nào bấp bênh thì phải mạnh dạn không khuyến khích người ta trồng cây lúa trong những vùng đó. Bởi vì cho đến nay nhìn lại thiệt hại được báo cáo ở nhiều địa phương thì phần lớn thiệt hại trên cây lúa; không có nặng nề lắm đối với những lãnh vực khác. Như nuôi trồng thủy sản cũng có thiệt hại nhưng không trầm trọng. Và về lâu về dài phải nghĩ đến chuyện giảm mật độ dân cư ở những vùng cực kỳ rủi ro như vùng duyên hải.”

Một người nông dân tại Đồng Tháp khi được hỏi ý kiến về thực tế ứng phó lâu nay trước những đổi thay về thời tiết, nguồn nước…, người này cho biết tự thân xoay xở chứ không nghe cơ quan chức năng nói gì và trong thực tế cũng như chuyện buôn bán, người dân làm được thì ăn, còn mất mùa thì chịu chứ ai mà lo cho.

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ

Á Châu Tự Do

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch