Holy_BibleKhi nói đến những khác biệt về đức tin giữa Người Công Giáo và các anh em Tin Lành; chúng ta thường kể ra những khác biệt như Phép Thánh Thể, các tín điều về Ðức Mẹ, các phép bí tích, v.v.,

nhưng chúng ta lại quên đi một khác biệt tín lý căn bản đưa đến những khác biệt về đức tin này, và những khác biệt đức tin khác; đó là tín lý ‘Chỉ có Kinh Thánh mà thôi’.

Ðối với Người Công Giáo thì quy luật đức tin là những gì Hội Thánh Công Giáo dạy; mà những gì Hội Thánh Công Giáo dạy thì phải là những mạc khải thành văn của Thiên Chúa gọi là Thánh Kinh, và những mạc khải bất thành văn của Thiên Chúa gọi là Thánh Truyền. Nhưng đối với các anh em Tin Lành thì quy luật đức tin nằm trong Kinh Thánh, và chỉ có Kinh Thánh mà thôi.

Vì tin là chỉ có Kinh Thánh mà thôi nên anh em Tin Lành bác bỏ Thánh Truyền và tất cả mọi giáo huấn, mọi giáo điều bắt nguồn từ hay liên quan đến Thánh Truyền. Mọi niềm tin có được do những mạc khải công cũng như tư khác cũng bị bác bỏ vì không có ghi trong Kinh Thánh. Không có chuyện Ðức Mẹ hiện ra làm phép lạ hay nhắn nhủ, mà cũng không có thánh nào hiện ra khuyên răn hay giúp đỡ gì ai nếu không có ghi trong Kinh Thánh. Một cách ngắn gọn, hễ không có ghi trong Kinh Thánh cách rõ ràng, hiển nhiên thì các anh em Tin Lành không tin. Cho nên, muốn nói đến những khác biệt về đức tin giữa Người Công Giáo và các anh em Tin Lành, chúng ta phải nói đến những khác biệt tín lý căn bản chứ không thể kể ra từng chi tiết, từng khác biệt được.

Vậy có đúng là chỉ có Kinh Thánh mà thôi không? Ðể có thể trả lời câu hỏi này cách thoả đáng, trước hết, chúng ta phải hiểu Thánh Truyền là gì, và chúng ta hãy bắt đầu bằng định nghĩa của hai chữ truyền thống vì Thánh Truyền là truyền thống từ Thiên Chúa mà ra.

Truyền thống là gì? Truyền thống là tất cả những phong tục, tập quán, niềm tin, v.v. được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng lời nói hay việc làm. Thí dụ truyền thống một mẹ trăm con, truyền thống bánh dày bánh chưng, truyền thống tết, v.v. Truyền thống được chia thành nhiều loại: Truyền thống tôn giáo, truyền thống văn hóa, truyền thống quốc gia, truyền thống địa phương, truyền thống gia đình, v.v.

Giáo Hội Công Giáo có hai loại truyền thống: Truyền thống giáo hội và Truyền Thống Ðức Tin còn gọi là Thánh Truyền. Truyền thống giáo hội có thể thay đổi, nhưng Thánh Truyền thì không thay đổi được.

Truyền thống giáo hội (viết chữ thường) là những phong tục, tập quán, lễ nghi, v. v., của giáo hội hoàn vũ hay giáo hội địa phương, không nghịch với tín lý Công Giáo nhưng phù hợp và giúp ích cho đời sống đức tin Người Công Giáo. Thí dụ, Người Công Giáo Việt Nam có truyền thống tôn vương hay đọc kinh gia đình, Giáo Hội Công Giáo có truyền thống tôn kính các thánh nam nữ theo lịch trình phụng vụ, truyền thống ăn chay kiêng thịt, truyền thống cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh, v.v.

Thánh Truyền (Viết chữ hoa), là những Truyền Thống do Thiên Chúa mạc khải qua huấn quyền Giáo Hội Công Giáo, và qua Thánh Kinh cách hiển nhiên cũng như không hiển nhiên (gián tiếp). Thí dụ tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và Ðức Mẹ Trọn Ðời Ðồng Trinh là hai trong nhiều mạc khải mà Thiên Chúa bày tỏ qua huấn quyền Hội Thánh Công Giáo, và qua Kinh Thánh cách gián tiếp. Gián tiếp vì Kinh Thánh không nói cách hiển nhiên về hai tín điều này, nhưng Kinh Thánh lại nói cách hiển nhiên về một trinh nữ đính hôn cùng Giuse, tên trinh nữ là Maria, Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel chúc mừng Mẹ là Ðấng Ðầy Ơn Phước, Thiên Chúa làm cho Mẹ nhiều sự trọng đại, và muôn đời sẽ ngợi khen Mẹ là người có phước. Dựa vào những mạc khải hiển nhiên này trong Kinh Thánh mà Giáo Hội tuyên xưng các tín điều về Ðức Mẹ. Dù sao, cứ theo lý lẽ thông thường, nếu Mẹ chỉ là một trinh nữ như bao trinh nữ khác thì sự thanh sạch của Mẹ đâu có gì là đặc biệt để Kinh Thánh phải ghi chép về Mẹ như thế. Nếu Mẹ cũng mắc tội tổ tông thì làm sao Mẹ có thể ‘đầy’ ơn phước cho được? Nhiều sự trọng đại là những sự nào? Chẳng phải là những gì Hội Thánh tuyên xưng về Mẹ hay sao? Xin xen các Thư Gởi Bạn Hiền 21, 22, 25, và 28.

Những mạc khải của Thiên Chúa được bày tỏ cách hiển nhiên trong Kinh Thánh là những mạc khải nào? Ðiều hiển nhiên không một Kitô hữu nào có thể chối cãi được là, Chúa Giêsu không hề để lại cho chúng ta một chữ nào. Tất cả những gì Người truyền dạy đều bằng lời nói và việc làm. Vậy theo định nghĩa của hai chữ truyền thống ở trên thì tất cả những gì chúng ta làm theo lời của Chúa Giêsu hay bắt chước việc Người làm, là chúng ta làm theo Thánh Truyền. Sau khi đi rao giảng trên toàn cõi xứ Do Thái, rồi truyền cho chúng ta hãy đi rao giảng như vậy thì Chúa Giêsu bắt đầu một Thánh Truyền. Sau khi lập phép Thánh Thể, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ là hãy làm việc này mà nhớ đến Người là Chúa Giêsu bắt đầu một Thánh Truyền nữa. Nên nhớ là khi Chúa Giêsu đi rao giảng thì chưa có Tân Ước; cho nên, tất cả những gì Chúa Giêsu làm là Người làm theo Thánh Truyền, vì Người nói, Gioan 5:19 “Quả thực, quả thực, ta nói cho các con biết, Con không tự mình mà làm được gì, nhưng chỉ làm những gì Con thấy Cha làm; vì chưng Cha làm gì, thì Con cũng làm như vậy.” Tất cả những gì Chúa Thánh Thần làm, Người cũng làm theo Thánh Truyền, Gioan 16:13, “Nhưng khi Thần Khí Sự Thật đến, người sẽ dẫn dắt các con đến với mọi điều chân thật; những gì người nói thì người không nói tự chính người, nhưng là những gì người nghe, và người sẽ công bố cho các con những điều sẽ đến.” Hội Thánh Công Giáo cũng thế, cũng theo Thánh Truyền, Thessalonians 2:15, “Ấy vậy, hỡi anh em, anh em hãy giữ vững và dựa vào những truyền thống mà anh em được dạy dỗ, dù là bằng chính ngôn hay bằng thánh thư của chúng tôi.”

Vậy thì Chúa Cha là nguồn mạch, là nguyên thuỷ mọi Truyền Thống Thánh Thiện hay Thánh Truyền. Mọi việc Chúa Con làm là làm theo những gì Người thấy từ Chúa Cha, tức là Người làm theo Thánh Truyền. Chúa Thánh Thần cũng vậy, những gì người nói thì người không nói tự chính người, nhưng là những gì người nghe từ Chúa Cha, và như vậy là Người cũng làm theo Thánh Truyền. Sau cùng, Hội Thánh Công Giáo cũng không khác, cũng làm theo Thánh Truyền. Vì vậy mà Thánh Gioan viết, Gioan 1:1, “Từ ban đầu đã có Ngôi Lời (Lời Chúa Phán), và Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” Lời này được Chúa Giêsu phán dạy và là Thánh Truyền. Lời này là những gì Chúa Thánh Thần nói qua Hội Thánh Công Giáo và là Thánh Truyền.

Nhưng nói như vậy thì chỉ có Thánh Truyền thôi hay sao? Thưa không phải như vậy. Vì Chúa Cha là nguồn mạch, là nguyên thuỷ mọi Truyền Thống Thánh Thiện hay Thánh Truyền cho nên Thánh Truyền là Kho Tàng Ðức Tin lớn lao vô tận. Lớn lao và phong phú đến độ nếu đem viết ra tất cả từng điều một, thì cả thế gian này cũng không có chỗ chứa những sách đó. Gioan 21:25, “Còn nhiều điều khác Chúa Giêsu làm nhưng không được ghi chép; vì nếu đem ghi lại tất cả từng điều một, tôi tin chắc là thế gian này cũng không có đủ chỗ để chứa các sách ghi lại những điều đó.” Vì thế, những gì được viết ra, được ghi chép trong Kinh Thánh chỉ là để ghi lại một chút Thánh Truyền nhỏ nhoi, và là để làm chứng cho những gì mà Chúa Giêsu còn muốn nói với chúng ta qua Hội Thánh Công Giáo, Gioan 16:12, “Còn rất nhiều điều ta cần nói với các con nữa, nhưng bây giờ thì các con không lãnh hội được.”, và nhất là để cho thế gian biết rằng, những chứng tích của Hội Thánh Công Giáo về Thiên Chúa là chứng thật, Gioan 15:26, 27  (26) “Khi Ðấng Bầu Chữa tới, Ðấng mà Ta sẽ gởi đến cho các con từ Chúa Cha, thì Thần Khí Sự Thật bởi Chúa Cha mà ra sẽ làm chứng về Ta. (27) Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con ở với Ta từ ban đầu.” Vì chỉ có Hội Thánh Công Giáo là ở với Chúa Giêsu từ ban đầu.

Vậy nếu chúng ta tin ‘Chỉ có Kinh Thánh mà thôi’ thì, quả thật, chúng ta đánh mất gần như hoàn toàn Kho Tàng Ðức Tin vô tận mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Nếu chỉ có Kinh Thánh mà thôi thì đức tin của giáo đoàn tiên khởi là đức tin vô căn cứ vì họ không có Kinh Thánh như Kinh Thánh mà chúng ta có ngày nay. Nhưng chúng ta biết, tuy không có Kinh Thánh (Tân Ước), các giáo đoàn và giáo dân thuộc giáo hội sơ khai đặt niềm tin của họ vào Chúa Giêsu hoàn toàn dựa trên lời giảng dạy của các tông đồ tức là những mạc khải bất thành văn của Thiên Chúa hay Thánh Truyền. Công Vụ Sứ Ðồ ghi,  Cv 2:41, 42, “(41) Vì thế những ai đón nhận lời ngài (Thánh Phêrô) thì được rửa tội, và trong ngày ấy, đã có thêm được khoảng 3000 người. (42) Họ dấn thân cho sự giảng dạy của các tông đồ và cho đời sống hiệp thông, cho nghi thức bẻ bánh và kinh nguyện.” Cứ thế cho đến khoảng năm 70-95 thì ta mới có Sách Khải Huyền là quyển chót trong toàn bộ Kinh Thánh, nhưng tất cả các Sách Thánh chưa được gom thành một bộ, mà cũng chưa được in ra cho mọi người vì mãi đến khoảng năm 1440-1450 mới có máy in đầu tiên. Và như vậy, có thể nói, trong khoảng hơn 14 thế kỷ đầu, đức tin vào Thiên Chúa là đức tin đặt trên nền tảng Thánh Truyền.

Atlanta ngày 5 tháng 5, năm 2016

Giuse Phạm Văn Tuyến

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch