thTín lý thứ năm, tín lý sau cùng của các anh em Tin Lành là ‘Vinh danh chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi’ (Soli Deo Gloria! hoặc Glory to God Alone).

Ðây là một tín lý nữa mà trên căn bản đức tin thì Người Công Giáo và các anh em Tin Lành đồng ý với nhau, nhưng khi đem đức tin của mình ra thực hành thì hai bên lại hoàn toàn khác nhau.

Theo các anh em Tin Lành thì vinh danh chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi nghĩa là chúng ta không được vinh danh bất cứ ai khác ngoài Thiên Chúa. Không có chuyện vinh danh Ðức Mẹ, mà cũng không có kính thánh nào hết. Tất cả những ngày lễ, những buổi rước kiệu Ðức Mẹ hay các thánh đều là sai, là trái với tín lý này. Không có chuyện phong thánh, vì phong thánh là vinh danh người thế gian. Vì tin như vậy nên không hội thánh Tin Lành nào tổ chức lễ kính hay mừng các thánh, nhất là họ không bao giờ có những ngày lễ mừng kính Ðức Mẹ. Họ không chưng bày tượng ảnh gì vì, đối với họ, mọi tượng ảnh Thiên Chúa, Ðức Mẹ, và các thánh là ngẫu thần, nên chưng bày tượng ảnh là vinh danh thần tượng cách sai quấy, và là một hình thức vinh danh con người. Vì vậy mà trong các giáo đường Tin Lành, thường là chỉ có một cây thập tự, và một bục giảng. Tất cả những công việc từ thiện nhằm vinh danh Thiên Chúa cũng không được cổ võ, khuyến khích vì họ tin là chúng ta không cần phải làm gì hết; Chúa Giêsu đã làm tất cả, và đã làm xong rồi. Ðây là lý do mà nhiều hội thánh Tin Lành có trường dạy thần học, nhưng không một hội thánh Tin Lành nào có cơ quan chăm sóc người cùi, người lao. Tôi có dịp tham dự một buổi sinh hoạt của một giáo phái Báp Tít, nhưng tôi không nhớ là phái Báp Tít nào. Việc làm chính trong đời sống đức tin của những người theo giáo phái này là lắng nghe Lời Chúa. Trong giờ sinh hoạt (Service) buổi tối hôm ấy, một mục sư lên giảng dạy Kinh Thánh, và mỗi khi ông dứt lời đọc hay giải thích một câu Kinh Thánh nào, thì công đoàn thưa, Ngợi khen Chúa! (Praise the Lord!) hoặc Amen! Tôi lúc ấy không hiểu việc họ làm có ý nghĩa gì; mãi đến gần ba mươi năm sau, tôi mới hiểu, câu thưa Ngợi khen Chúa! là cách họ vinh danh chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi. Tôi cũng học thêm được là không phải giáo phái Tin Lành nào cũng vinh danh Thiên Chúa theo cách này, nhưng cùng một tinh thần.

Các anh em Tin Lành thực hành đức tin của họ như vậy là dựa trên thư thứ nhất của Thánh Phêrô 4:11, Hỡi những ai rao giảng, hãy giảng dạy Lời Chúa; còn những ai phục vụ, hãy phục vụ như thể mình làm bằng sức mạnh Chúa ban; ngõ hầu Thiên Chúa được vinh danh trong mọi sự qua Chúa Giêsu Kitô. Vì mọi vinh quang và quyền năng thuộc về người cho đến muôn thuở muôn đời. Amen. Và thơ thứ nhất của Thánh Phaolô gởi tín hữu Corinthians, 1-Cor 10:31, ‘Vì vậy, dù là anh em ăn hay uống, hay bất cứ là anh em làm gì, hãy làm vì vinh quang Thiên Chúa.’

Người Công Giáo cũng vinh danh chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi. Giáo Hội Công Giáo dạy như vậy trong phần kết của cả bốn Kinh Nguyện Thánh Thể, khi linh mục tuyên xưng: Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời, và cộng đoàn thưa, Amen. Chữ quan trọng trong câu tuyên xưng này là động từ quy về, vì như Thánh Phaolô dạy, bất cứ là anh em làm gì, hãy làm vì vinh quang Thiên Chúa, thì Hội Thánh Công Giáo cũng dạy, mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng. Còn, nhờ Người, với Người và trong Người, tức là nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô, và trong Chúa Kitô hay như Thánh Phêrô dạy, mọi sự qua Chúa Giêsu Kitô.

Người Công Giáo thực hành những điều Hội Thánh Công Giáo dạy về vinh danh chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi bằng hai cách:

1.Bằng những lời chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, và vinh danh Thiên Chúa qua các kinh nguyện như Kinh Vinh Danh, Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời.... , Kinh Sáng Danh: Sáng danh Ðức Chúa, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen. và nhiều kinh cũng như hằng trăm những bài thánh ca khác nhằm chúc tụng Thiên Chúa.

2.Bằng việc làm vì, trước hết, nếu ta đọc kỹ những gì hai Thánh Phêrô và Phaolô dạy ở trên, ta sẽ thấy cả hai vị đều nói về vinh danh Thiên Chúa qua những việc làm như rao giảng, phục vụ, bất cứ là anh em làm gì. Kế đến, Chúa Giêsu nói với Martha, Gioan 11:40, Ta đã chẳng nói với con là nếu con tin thì con sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa hay sao? Rồi để vinh danh Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã cho Lazarô sống lại; tức là Người vinh danh Chúa Cha bằng việc làm. Sau cùng và quan trọng hơn cả là trong Bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu nói, Gioan 17: 4, Con đã vinh danh Cha dưới thế, chu toàn công việc Cha trao cho con làm. Tức là Chúa Giêsu đã vinh danh Chúa Cha bằng cách chu toàn mọi việc mà Chúa Cha trao phó cho Người. Cho nên, ngoài những lời chúc tụng, ngợi khen qua các kinh nguyện như đã kể ra ở trên Hội Thánh Công Giáo còn vinh danh Thiên Chúa bằng cách chu toàn mọi việc mà Chúa Giêsu phán dạy.

Những việc mà Chúa Giêsu truyền cho chúng ta phải làm là những việc nào? Thưa chúng ta phải rao giảng Lời Chúa, phải làm chứng cho Chúa Kitô, phải cầu nguyện liên lỉ, phải nuôi dưỡng chiên mẹ, chiên con, phải chăm sóc đoàn chiên, và còn nhiều nữa, nhưng quan trọng nhất cho đời sống đức tin là phải ‘Làm việc này mà nhớ đến thầy.’ Tức là phải có Thánh Lễ, vì Thánh Lễ là hành vi chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, và vinh danh Thiên Chúa hoàn hảo và cao trọng nhất, và vì tất cả những điều này đều có ghi trong Kinh Thánh nên không thể thiếu được.

Ngoài những việc làm trên, tổ chức và tham dự các ngày lễ kiệu cũng là những việc lành đem danh dự và vinh quang cho Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, Người Do Thái có nhiều lễ hội, nhưng ba lễ chính là: Lễ Vượt Qua hay Lễ Bánh Không Men (Passover); Lễ Mùa Gặt (Feast of Harvest) là lễ Người Do Thái dâng hoa trái đầu mùa lên Thiên Chúa; Lễ Thu Hoạch (The Festval of Ingathering) hay Lễ Nhà Tạm là dịp lễ mà Thánh Phêrô đòi làm ba chòi trên núi Tabor, một cho Chúa Giêsu, một cho Elia, và một cho Môisen. Thiên Chúa truyền cho dân Do Thái hằng năm phải cử hành ba ngày lễ này để vinh danh Người (Xin xem Xuất Hành 23:14-17). Cha mẹ Chúa Giêsu tham dự Lễ Vượt Qua hằng năm, và chính Chúa Giêsu cũng tham dự những lễ này. Như thế, chúng ta không thể nói lễ hội tổ chức cho mục đích làm vinh danh Thiên Chúa là sai được.

Các buổi kiệu, các ngày lễ mà Giáo Hội Công Giáo tổ chức để mừng kính Ðức Mẹ hay các thánh cũng thế; cũng đều là để cho mọi danh dự và vinh quang được quy về Thiên Chúa là Cha toàn năng. Sở dĩ như vậy vì tuy các ngài là thụ tạo, nhưng là những thụ tạo đã chu toàn nhiệm vụ Chúa trao, và hiện đang được vinh hiển trước nhan thánh Chúa. Cho nên, mọi khen tặng chúng ta dành cho các ngài thì cũng như những khen tặng mà chúng ta dành cho các bức tranh hay những tác phẩm nghệ thuật. Tuy là chúng ta khen các tác phẩm, nhưng thật ra là chúng ta khen tác giả của những tác phẩm này. Vì thế mà khi chúng ta vinh danh tuyệt tác của Thiên Chúa là Ðức Maria, và các thánh là những vị làm đẹp lòng Người thì cũng là lúc chúng ta vinh danh Thiên Chúa, đấng tạo dựng các ngài. Thêm vào đó, chính Thiên Chúa là đấng đặt để cho con người được có quyền hành trên hết mọi thụ tạo hữu hình, và cho con người được vinh quang ngay khi còn ở đời này. Thánh Vịnh 8: 4,5 viết, (4) Con người có là chi mà ngài để ý đến, phàm nhân có đáng gì mà ngài chăm lo? (5) Ðã vậy ngài còn cho nó được thua kém có mình Thiên Chúa, và đội cho nó triều thiên cùng vinh quang danh dự.  Vì vậy mà nếu chúng ta có vinh danh lẫn nhau thì cũng là phải đạo và chính đáng; tôn vinh Ðức Mẹ và các thánh lại càng là phải đạo và chính đáng hơn. Thánh Phaolô dạy, 1-Corinthians 6:19, 20, (19) Anh em không biết thân thể anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, đấng mà anh em đón nhận từ Thiên Chúa, và anh em không còn là chủ thể chính mình nữa hay sao? (20) Bởi anh em đã được mua ở giá đã định. Vì thế anh em hãy vinh danh Thiên Chúa ngay nơi thân thể anh em. Ðó, vì anh em hãy vinh danh Thiên Chúa ngay nơi thân thể anh em cho nên tôn vinh Ðức Mẹ và các thánh chẳng những là phải đạo và chính đáng mà còn là hồng ân Chúa ban; hồng ân được hiệp thông trong vinh quang giữa Hội Thánh Chiến Ðấu, là chúng ta, và Hội Thánh Khải Hoàn, là các ngài. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa cho hồng ân này. Nếu chúng ta bỏ Thánh Lễ ra ngoài cuộc sống đức tin của chúng ta, bỏ đi mọi ngày lễ hội tổ chức để vinh danh Thiên Chúa, bỏ đi mọi kinh nguyện mang lời lẽ chúc tụng, cảm tạ, ngợi khen, và vinh danh Thiên Chúa,  bỏ đi tất cả những việc mà Chúa Giêsu truyền cho chúng ta phải làm; thì chúng ta vinh danh chỉ một mình Thiên Chúa bằng cách nào đây? Xin Chúa chúc lành cho bạn và mọi người trong gia đình bạn.

Atlanta ngày 26 tháng 6, năm 2016

Giuse Phạm Văn Tuyến

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch