ThuongNien30Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm C

Hc 35:12-14' 16-18; 2 Tm 4:6-8' 16-18; Lu-ca 18: 9-14

          Ta thường hiểu dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế nói về việc cầu nguyện, nghĩa là khi cầu nguyện ta cần phải có lòng khiêm nhường.  Tuy nhiên, theo hướng đi của Phụng vụ Lời Chúa và nhất là do hoàn cảnh Chúa Giê-su kể dụ ngôn “với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác”, ta sẽ thấy là dụ ngôn muốn nêu lên sự khiêm nhường như một thái độ căn bản người con cái Chúa phải có để được trở nên công chính.  Giống như bà góa tin rằng ông quan tòa bất chính sẽ phải nhượng bộ sự quấy rầy của bà (bài Tin Mừng Chúa Nhật trước), ta vững lòng tin Chúa hằng bênh vực ta, bởi vì Chúa luôn bênh vực những kẻ Người đã chọn.  Nhưng điều kiện để được Chúa bênh vực là ta phải nhìn nhận thân phận yếu hèn của ta.  Trong dụ ngôn, người Pha-ri-sêu và người thu thuế là hai mẫu người trái nghịch, một người tự hào cho mình là công chính, còn người kia khiêm nhường nhận mình là kẻ tội lỗi.

a)  Một số người tự hào cho mình là công chính

          Người Pha-ri-sêu muốn tự mình trở nên công chính.  Việc tự công chính hóa của ông có đủ cả hai mặt, tiêu cực và tích cực, nói khác đi là những điều không nên làm và những điều nên làm.  Trước hết ông ta lấy mình làm tiêu chuẩn để xác định sự thánh thiện, chứ không phải lấy Chúa là Đấng Thánh.  Xét trên phương diện tiêu cực, ông ta coi mình là công chính vì đã không làm những điều Lề Luật dạy không nên làm, không giống như bao người khác là những kẻ “tham lam, bất chính, ngoại tình.”  Để đánh bóng cho sự công chính của mình, ông còn trưng dẫn một thí dụ cụ thể ngay bên cạnh ông, đó là “tên thu thuế” cũng đang có mặt trong đền thờ lúc ấy.  Về phương diện tích cực, ông ta kê khai những việc mình đã chu toàn theo Lề Luật như ăn chay, nộp thuế thập phân..., tóm lại đều là những việc làm người ta có thể nhìn thấy và kiểm chứng để công nhận ông ta là công chính!  Tin Mừng Mát-thêu chủ yếu viết cho tín hữu gốc Do-thái nên dành nguyên chương 23 ghi lại những điều Chúa Giê-su mạnh mẽ tố cáo thái độ giả công chính của nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư.  Còn Tin Mừng Lu-ca nhắm tới Ki-tô hữu gốc Dân ngoại nên lời lẽ ôn hòa hơn nhưng không kém phần mỉa mai trong dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ.

          Điều thánh Lu-ca muốn nêu lên là người Pha-ri-sêu này thực sự chu toàn những điều Lề Luật dạy và ông ta coi đó là bằng cớ để tuyên dương sự công chính của ông.  Sự công chính ấy là do ông chủ động, chứ không phải đến từ Thiên Chúa.  Nhưng thánh Phao-lô cho ta một ý niệm rõ ràng về sự công chính.  Theo ngài, được nên công chính có nghĩa là chiếm đoạt được Chúa Ki-tô và được kết hợp với Người.  Ngài viết:  “Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3:9).

          Trong cộng đoàn dân Chúa mọi thời đều có những người “tự hào cho mình là công chính,” nhiều khi chính ta cũng ở trong số ấy.  Tự hào có nhiều cách.  Tự hào bằng cách phô trương những việc làm của mình.  Trong nhà thờ ta đọc kinh thật lớn tiếng, át cả những người chung quanh.  Khi đóng góp dâng cúng, ta đòi phải khắc tên mình trên bảng vàng hoặc hạch hỏi sổ sách.  Ta bắt người khác phải nhìn nhận sự công chính thánh thiện của ta.  Hoặc tự hào bằng cách “khinh chê người khác.”  Phê bình chỉ trích thường có ngụ ý:  tôi mà làm thì sẽ tốt hơn thế!  Tệ hại hơn nữa, ta còn tự hào bằng cách phá phách, kéo bè kéo cánh và gây chia rẽ trong cộng đoàn.

b)  “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”

          Đây phải là hình ảnh đích thực của ta.  Một lời cầu nguyện hết sức ngắn gọn, nhưng lại chứa đựng một chân lý thật sâu sắc và cảm động.  Nó giúp ta nhìn nhận thân phận đích thực của mình và cho ta thấy nhu cầu căn bản của ta.  Nó cũng nói lên quan hệ giữa chúng ta với Chúa, một quan hệ hoàn toàn lệ thuộc vào Người.  Vì ta “sinh ra trong tội” nên đương nhiên đã trở thành “kẻ thù của Thiên Chúa”, không có quyền đứng thẳng (jus-stare; justification) trước mặt Thiên Chúa và hoàn toàn không thể tự mình đến với Người được.  Do đó ta không thể làm gì hơn là “đứng đằng xa, chẳng dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa thưa rằng:  Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

          Ta thường quên đi thân phận tội lỗi của mình nên ít ý thức về con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Giê-su có nghĩa là Thiên Chúa cứu.  Ta đấm ngực kêu xin Chúa bênh vực và cứu vớt ta.  Thiên Chúa đáp lại lời cầu của ta và Người đến với ta qua Chúa Giê-su.  Có lẽ nghe xong dụ ngôn này, ta không mấy lưu ý tới cách viết của Lu-ca.  Ngay sau dụ ngôn, ngài ghi lại lời khẳng định của Chúa Giê-su:  “Tôi nói cho các ông biết:  người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi.”  Lời của Chúa Giê-su là lời của vị quan tòa công chính phán xét.  Trong dụ ngôn Chúa Nhật tuần trước, Thiên Chúa là vị quan tòa công chính hằng bênh vực những kẻ Người tuyển chọn.  Còn trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giê-su đã hành động như vị quan tòa công chính để làm cho những ai đến kêu cầu Người thì sẽ được nên công chính.  Được nên công chính không phải tại ta chu toàn Lề Luật, nhưng là do lời phán xét yêu thương của Đấng thi hành sứ mệnh “Thiên Chúa cứu.”

          Bài học thực hành đã được Chúa Giê-su nêu lên qua một câu cách ngôn (aphorism):  Phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống;  còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.  Không phải là cách mánh mung của người đời để sống, nhưng là thái độ Ki-tô hữu phải luôn luôn có, để khi sống trước mặt Chúa, ta biết ta là ai, Chúa là Đấng nào, và ta hoàn toàn cần Chúa, tùy thuộc vào Chúa

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

          Tôi thuộc mẫu người nào?  Là người Pha-ri-sêu hay người thu thuế trong dụ ngôn?

          Tôi có thói quen hay khinh chê người khác, hay phê-bình chỉ trích, luôn nghĩ một cách tiêu cực về người khác?  Tôi có biện pháp nào để tránh thói xấu này không?  Sẽ thực thi biện pháp này thế nào?

          Khiêm nhượng nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình sẽ đem lại cho tôi những lợi ích nào?  Nhất là nó có giúp tôi mỗi ngày một tin kính và kết hợp với Chúa Giê-su hơn không?

Cầu nguyện:

          “Lạy Chúa,

          xin cho con nhìn thấy những người nghèo

          ở quanh con, ở trong gia đình con,

          đang cần đến con.

          Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo,

          xin cho con thấy Chúa trong họ.

          Dần dần con hiểu rằng

          cả người giàu cũng nghèo,

          nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.

          Dần dần con chấp nhận rằng

          cả bản thân mình cũng nghèo

          và cần đến người khác.

          Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt,

          một lời thăm hỏi đỡ nâng.

          Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con,

          ai cũng nghèo về một mặt nào đó,

          ai cũng cần đến người khác.

          Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau,

          làm cho nhau thêm giàu có.

          Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,

          vì Chúa rất cần đến chúng con

          để hoàn thành công trình cứu độ.

          Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo

          để nhận lãnh,

          can đảm nhận mình giàu

          để hiến trao.  A-men.”

                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 8)

- Lm. Trần đình Nhi

 

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch