Ðại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội tưng bừng, phô trương, tốn kém nhất trong suốt bao nhiêu thập kỷ qua đã kết thúc, để lại rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ từ phía những người có trách nhiệm cao nhất, những người trực tiếp tổ chức, cho đến toàn xã hội.Báo chí những ngày qua cũng đã nói nhiều đến những vĩ thanh buồn phía sau bài ca “thành công tốt đẹp, tự hào ngây ngất về sự kiện ngàn năm có một này”. Ðiều đáng buồn nhất, không hẳn chỉ là sự tốn kém, lãng phí -cái đó dư luận đã nói đến rát cả tai từ trước khi đại lễ diễn ra, cũng không hẳn là sự luộm thuộm, thiếu tính nghiệp dư trong cách tổ chức, mà là vấn đề văn hóa.

Về phía những người có trách nhiệm và những người tổ chức, từ cái tầm văn hóa, bản lĩnh văn hóa, cho đến tính nhân văn trong cách tổ chức một sự kiện có ý nghĩa đối với toàn thể dân tộc, tiếc thay lại rất kém. “Văn hóa lùn” nên cái gì cũng muốn phải thật to, thật hoành tráng, thật xa xỉ, thật nhiều theo kiểu có bao nhiêu phô ra bằng hết. Có người đã nhận xét một lễ hội kéo dài đến 10 ngày với hàng trăm chương trình biểu diễn nghệ thuật, hoạt động trưng bày, triển lãm... sẽ khiến cho người ta dễ có cảm giác nhàm chán vì thừa mứa, thay vì vậy chỉ nên làm 3 ngày với một vài chương trình, hoạt động nhưng cái nào ra cái đó.

“Văn hóa lùn” cũng bộc lộ ra từ cách trang trí phố xá màu mè mà báo Lao Ðộng số ra ngày 14 tháng 10 năm 2010 phải kêu lên: “Ðâu rồi Hà Nội hào hoa và lịch lãm”: “Hồ Hoàn Kiếm tự thân rất đẹp, một vẻ đẹp giản dị mà sang trọng, vậy mà rất tiếc trong những ngày đại lễ nó được trang điểm thật lòe loẹt và vụng về. Khắp nơi tràn đầy những loại hoa giả, trang kim lấp lánh, đèn nhấp nháy xanh đỏ giăng giăng khắp tứ bề cao thấp, làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên...” , phố xá treo toàn đèn đỏ y chang phố Tàu mà blogger Tú Mỡ phải gọi đó là “Hội chứng nhà thổ”, hay việc cho một diễn viên chèo đóng giả Lý Thái Tổ “đi thuyền, đi ôtô từ Hoa Lư lên Hà Nội rồi lại ngất ngưởng ngồi trên xe hoa đi qua quảng trường và điều trớ trêu thay là ông “vua” Lý Thái Tổ đó lại chắp tay chào những người dự mít-tinh. Thế mới có người bảo rằng ấy là: “Tiền nhân vái hậu nhân” là một trong những ví dụ mà báo Công An Nhân Dân số ra ngày 16 tháng 10 đã đưa ra như một sự “loạn chuẩn trong văn hóa”. Còn nói như nhà văn Nguyên Ngọc thì “Có phải có một điều gì đó không cách xa nhau lắm, không thật sự khác nhau giữa cái diêm dúa, phô trương, ồn ã, xa xỉ, phản cảm, cả vô cảm nửa (trước đại lũ miền Trung) của lễ hội... với cái bừa bãi xấu xa đáng buồn ngay sau lễ hội. Cái này chỉ là tiếp tục lôgíc của cái kia. Theo cách nào đó thì cả hai thứ ấy là đồng bộ, là cùng một văn hóa, một xuống cấp văn hóa...” Và “Kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long là một kiểm nghiệm, kiểm nghiệm trước hết về chính văn hóa ấy. Và kết quả kiểm nghiệm thì quả đáng buồn, thậm chí báo động (“Kiểm nghiệm văn hóa” - báo Sài Gòn Tiếp Thị).

Về phía người dân, sự kiểm nghiệm văn hóa đã cho thấy đa số chưa đạt chuẩn công dân của một đô thị, hơn nữa, một thủ đô có nghìn năm tuổi, giữa thời đại văn minh này. Một ý thức văn hóa, ý thức cộng đồng rất kém từ việc chen lấn, xả rác bừa bãi, vặt hoa, giẫm lên hoa, chặt chém giá cả vô tội vạ... Sau đại lễ, nhiều báo đã đưa tin, hình ảnh các con đường, khu vực quanh Hồ Gươm, sân vận động Mỹ Ðình... ngập ngụa rác, cây cỏ tan tành như sau một cơn đại hồng thủy.

Không những thế, nhiều công trình được làm gấp cho kịp thời gian diễn ra đại lễ đã xuống cấp một cách nhanh chóng từ đường Lê Văn Lương, công viên Hòa Bình (Từ Liêm, Hà Nội) -một công trình trọng điểm chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đại lộ Thăng Long dài nhất, hiện đại nhất Việt Nam thì thành... nơi chăn bò (báo Lao Ðộng ngày 20 tháng 10), cầu Thăng Long sau khi sửa chữa mặt cầu để phục vụ cho đại lễ thì đến nay đã có những vết nứt mới trên cầu (báo VTCNews ngày 16 tháng 10)... Có vẻ như bên cạnh căn bệnh phô trương, hình thức vừa đề cập, thì căn bệnh cơ hội, thói làm ăn chụp giựt, ăn xổi ở thì cũng đã thành khó chữa ở xã hội Việt Nam hiện nay.

Bài học rút ra từ cái học phí đáng giá 94 nghìn tỷ đồng này phải chăng là hãy quay về với cái gốc của xã hội là con người, hãy xây dựng phần “lễ” cho con người, xây dựng một nền tản văn hóa-nhân văn thật vững vàng thì mọi việc lớn nhỏ trong xã hội mới mong có được những kết quả tốt đẹp?

Sao không có ai chịu trách nhiệm cả?

Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Ðông một thời bây giờ đã trở thành... hòn ngập Viễn Ðông! Vào mùa mưa chỉ cần một cơn mưa lớn kéo dài chừng hai tiếng đồng hồ thôi là nhiều con đường trong thành phố trở thành những dòng sông. Những con đường bình thường chất lượng đã xấu, lồi lõm, đầy ổ gà, nhiều chỗ đang thi công dang dở, do vậy, khi mưa ngập dễ xảy ra những tai nạn cho người đi đường. Dư luận đã lên tiếng rất nhiều về những cái chết thảm do trời mưa sụp hố, điện giật, cây đổ... trên đường. Gần đây nhất, trong nửa đầu tháng 10, lại xảy ra hai cái chết oan ức: Một người đàn ông do té vào đường cống trên đường Tô Ngọc Vân (phường Linh Tây, quận Thủ Ðức) và bị nước cuốn trôi, và một người phụ nữ do vấp phải miệng cống thiết kế và thi công sai quy chuẩn trên đường Kha Vạn Cân cũng thuộc phường Linh Tây quận Thủ Ðức. Cái chết của hai nạn nhân, một người cha, một người mẹ, bỏ lại các con bơ vơ khiến mọi người xót xa, phẫn nộ vì sự tắc trách, thói vô trách nhiệm của những cơ quan hữu trách tại thành phố. Theo báo chí, khi các nạn nhân đã chết rồi vẫn chưa có cơ quan nào lên tiếng nhận trách nhiệm, thậm chí khi báo chí phỏng vấn còn đùn đẩy: “Trước việc nắp cống gây ra cái chết của một phụ nữ, chủ đầu tư cho rằng ‘quận Thủ Ðức chỉnh trang lại vỉa hè để lòi hố ga ra đường’. Phía quận lại khẳng định “công ty thoát nước đô thị thành phố đã làm ngơ yêu cầu chỉnh sửa của quận”. (báo VNExpress ngày 15 tháng 10)

Những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn quanh năm cứ như những đại công trường, lúc nào cũng có những công trình đang thi công phải quây “lô cốt” chặn lại, đường sá hết đào lên lại lấp xuống bởi muôn vàn lý do, mặt đường cứ càng ngày càng nát. Dạo sau này lại còn xảy ra hiện tượng nền đường bị sụt lún thành hố to mà báo chí gọi là “hố tử thần”. Những cái hố như thế này đã từng làm cho một chiếc taxi 7 chỗ sụp đâm đầu xuống hố ngày 14 tháng 9 hoặc cả một cái xe container đang lưu thông phải lật nhào, nằm dài trên đường ngày 12 tháng 10... Rồi cũng chẳng thấy có ai bị trừng phạt. Các cơ quan liên quan cứ thế mà đổ lỗi cho nhau, trong khi đó chịu trách nhiệm cao nhất là chính quyền tại các thành phố này thì vẫn... bình chân như vại!

Có thể thấy, thói vô trách nhiệm hay nói như nhà văn Nguyễn Quang Lập, một thứ văn hóa Mackeno (mặc kệ nó) đã lan tràn trong khắp mọi lĩnh vực của xã hội. Từ câu chuyện về những cái hố, cái “bẫy” trên đường và sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan hữu trách, lại nghĩ đến vụ “đắm tàu” Vinashin đình đám suốt thời gian qua. Một tập đoàn kinh tế làm ăn thất thoát thua lỗ 86 nghìn tỷ đồng, (gần đây lại có thông tin từ báo chí số nợ của Vinashin có thể lên đến 120 nghìn tỷ đồng, một số tiền chiếm hơn 10% GDP của cả nước, đồng thời cũng có nghĩa là mỗi người Việt Nam già trẻ lớn bé phải gánh nợ 1.5 triệu đồng Việt Nam), vậy mà cho đến giờ phút này, vẫn chưa biết trách nhiệm thuộc về ai? Báo Lao Ðộng ngày 22 tháng 10 bức xúc đặt câu hỏi: “Vụ Vinashin: Không lẽ không dám kỷ luật ai?” Khi bị chất vấn, các quan chức lại tiếp tục trả lời vòng quanh và cuối cùng, câu trả lời thường thấy là đổ lỗi cho “cơ chế”, cũng có nghĩa là chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cụ thể cả.

Nhưng thật ra, người dân thừa hiểu rằng với một tập đoàn khổng lồ như Vinashin được chính phủ bảo lãnh cho vay 750 triệu đô la trái phiếu, và khi đã lún sâu vào nợ nần, vẫn tiếp tục được chính phủ đổ thêm tiền cứu thì trách nhiệm phải thuộc về người đứng đầu chính phủ là ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Lẽ ra, ông Nguyễn Tấn Dũng phải có đủ dũng cảm mà từ chức ngay khi vụ việc xảy ra hoặc ở các nước khác, chỉ riêng một vụ Vinashin là đủ cho ông thủ tướng phải rũ tù, chứ đừng nói đến từ chức!

Còn nếu đó là lỗi do “cơ chế” phải chăng nên đến lúc dũng cảm vứt bỏ luôn cái cơ chế “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” không giống ai này và thay vào đó một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, có luật pháp rõ ràng, có sự minh bạch, tất cả mọi người, mọi đơn vị kinh doanh đều bình đẳng, cạnh tranh sòng phẳng...?

Bão lũ-thiên tai và nhân họa

Người dân thị trấn Nghèn, Hà Tĩnh, lội nước đi tang lễ thân nhân bị chết trong cơn lũ lụt. (Hình: AP Photo/Na Son Nguyen)

122106-VN_Song-Chi-Vietnam_Floods_Dail-300_copyBước vào mùa mưa năm nay, miền Trung đã phải trải qua những ngày mưa lũ kinh hoàng. Theo báo Tầmnhìn.net “Có hơn 140 người chết sau hai trận lũ liên tiếp ở miền Trung”, chưa kể hàng chục người mất tích. Có những cái chết tập thể khiến mọi người bàng hoàng rúng động như vụ chiếc xe khách bị lũ cuốn trên quốc lộ 1A thuộc tỉnh Hà Tĩnh làm 20 hành khách chết và mất tích. Hàng ngàn ngôi nhà bị nhấn chìm trong lũ, tài sản của hàng ngàn người cũng mất sạch theo dòng nước, thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể khi cơn lũ đi qua nhiều người dân bị mất trắng, lâm vào cảnh đói khát. Sự cứu trợ của đồng bào chỉ có thể giúp họ tạm cầm cự với cái đói qua ngày trong giai đoạn ngắn ngủi, nhưng còn sau đó, nhiều người không biết phải làm cách nào để có thể tiếp tục sinh sống, gầy dựng lại từ đầu.

Từ hậu quả nặng nề của những cơn mưa lũ mà nhiều nơi người dân phải thừa nhận là chưa từng có trong hơn 100 năm, người ta tự hỏi vì sao lại như vậy? Vẫn biết nước ta năm nào chẳng có bão, lũ nhưng vì sao cứ mỗi năm lại càng dữ dội hơn, thiệt hại nặng nề hơn cho sinh mạng và tài sản của nhân dân, đất nước? Trong thiên tai phải chăng cũng có một phần do nhân họa? Ngoài nạn phá rừng vô tội vạ đã diễn ra từ nhiều năm nay, báo chí cũng nói đến ảnh hưởng của việc xây quá nhiều đập thủy điện tại miền Trung. Khi xây đập thủy điện, người ta lại càng phải chặt phá những cánh rừng phòng hộ

đầu nguồn để lấy chỗ. Ông Trần Ðình Ðàn, chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội, nguyên bí thư tỉnh Hà Tĩnh khi trả lời báo chí đã thừa nhận lũ nặng là có nguyên nhân về con người, “Thiệt hại nặng nề ở miền Trung một mặt do mưa lớn, một mặt do các công trình thủy điện, giao thông làm biến đổi dòng chảy tự nhiên, chậm thoát ra biển” (báo VNExpress ngày 21 tháng 10, 2010). Có lẽ đây là một trường hợp hiếm hoi khi một quan chức thừa nhận như vậy. Ðiều này khiến người ta nhớ lại năm 2009, cũng những cơn bão dữ dội cộng thêm việc xả lũ từ các hồ thủy điện, nhưng khi các đại biểu chất vấn tại phiên họp Quốc Hội, Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng “Không nên đổ hết lỗi cho thủy điện” (báo VietNamNet ngày 18 tháng 10, 2009), còn Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải còn khẳng định “Lũ lớn không liên quan đến thủy điện” (báo VietNamNet ngày 11 tháng 9, 2009).

Sau một năm, mưa lũ vẫn diễn ra dữ dội, rõ ràng có nguyên nhân một phần từ những hồ thủy điện, khi nước dâng quá cao đập có thể bị vỡ như trường hợp đập thủy lợi Khe Mơ vừa qua, hoặc quá đầy như hồ Kẻ Gỗ phải xả xuống hạ lưu, khiến lũ chồng lên lũ, nước chồng lên nước. Còn may là các đập lớn hơn chưa vỡ, nói như ông Trần Ðình Ðàn: “Những dự án như đập Hố Hô, thủy điện Hương Sơn nếu bị lở thì thiệt hại không thể lường trước được... Ðập Hố Hô, vừa rồi mà lở thì hàng chục xã của Hương Khê và một phần của Quảng Bình sẽ trôi hết... Với thiên tai, nhất hỏa nhì thủy không ai lường được đâu.”

Lại rùng mình nghĩ đến vụ bauxite Tây Nguyên mà hiện nay các quan đang ra sức bênh vực, ông Phạm Khôi Nguyên - bộ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường tiếp tục khẳng định “hai khu xử lý bùn đỏ này là an toàn. Tuy nhiên, vì chưa vận hành nên chúng tôi mới khẳng định sự an toàn trên lý thuyết và chạy mô hình”, ông Nguyễn Thanh Liêm, trưởng ban nhôm-bô xít, Tập Ðoàn Than Khoáng Sản Việt Nam (TKV) thì cho rằng “Chỉ động đất mới vỡ được hồ bùn đỏ Tây Nguyên”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc Tập Ðoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV) còn đi xa hơn: “Hồ chứa bùn đỏ Tây Nguyên chịu được động đất cấp 7!”

Chao ơi những lời hứa hẹn, cam kết, khẳng định của các quan trong mọi vấn đề, lĩnh vực khác nhau từ vi mô đến vĩ mô, bao nhiêu năm qua người dân Việt Nam đã nghe nhiều quá rồi. Và cũng đã từng thấy sờ sờ bao nhiêu chuyện xảy ra chả có ai chịu trách nhiệm gì từ sập hố, phá sản Vinashin hay xây hồ thủy điện thiếu quy hoạch. Cũng chẳng có ai thiệt hại gì, mưa lũ, bão lụt chẳng bao giờ chạm được đến người các quan, tai họa bùn đỏ sau này nếu có xảy ra cũng chẳng chạm được vào người con cháu các quan, chỉ có nhân dân, nhất là dân nghèo, là lãnh đủ.

Song Chi / Người Việt On-line  

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch