CHUA_NHAT_2_MV_AChuá Nhật 2 Mùa Vọng, Năm A

Is 11: 1-10 ; Rm. 15: 4-9; Mt 3: 1-12

Ðể sửa soạn cho dân chúng đón nhận Ðấng Cứu thế, Gioan Tiền hô, một ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu ước và ngôn sứ đầu tiên của Tân ước đi vào sa mạc, rao giảng phép rửa sám hối, loan báo sứ điệp: Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến (Mt 3:1). Cách ăn bận của ông xem ra có vẻ kì dị trong bộ áo lông lạc đà và dây thắt đai da, với thức ăn châu chấu và mật ong rừng (Mt 3:4). Vậy mà như Phúc âm hôm nay thuật lại dân chúng từ khắp Giêrusalem, Giuđê và vùng ven sông Giođan tuốn đến nghe ông giảng và xin chịu phép rửa.

Phép rửa sám hối của Gioan không phải là bí tích rửa tội, nên không có công hiệu tha tội, mà chỉ là một nghi thức tạm thời để sửa soạn cho dân chúng tiếp nhận Ðấng Cứu thế. Gioan loan báo Chúa sắp đến để thiết lập vương quốc của Người, và để hoàn thành những mong đợi của dân chúng từ bao thế kỷ. Sứ điệp đó đã làm dân chúng hài lòng muốn nghe, vì từ bao nhiêu thế kỉ, họ bị đặt dưới ách thống trị của quyền lực ngoại bang là người Ba Tư, người Ai Cập, người Syria, người Hy lạp và người La Mã. Gioan khơi dậy trong tâm trí họ niềm hi vọng được giải thoát khỏi ách thống trị của người La mã.

Nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc cũng đến xin Gioan làm phép rửa, nhưng họ không tỏ dấu ăn năn sám hối. Họ không chịu san bằng những núi đồi kiêu căng, tự phụ và tính giả hình. Họ không muốn lấp đầy những hố sâu của tính thờ ơ, lãnh đạm. Những giá trị trần thế đã làm che mắt họ, đến nỗi họ không chịu được ý tưởng sám hối. Vì thế mà ông Gioan đã cảnh giác họ một cách nặng lời: Hỡi nòi rắn độc! Ai biểu các ngươi trốn tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống. Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối? (Mt 3:7-8).

Ðể hiểu tại sao Gioan gọi nhóm người Pharisêu và Xađốc là loài rắc độc, ta cần tìm hiểu bối cảnh xã hội và tôn giáo thời bấy giờ. Chán ngấy với cảnh tệ đoan nơi những nhà lãnh đạo dân sự cũng như tôn giáo, với nhóm người Pharisêu, Xađốc và kinh sư đã làm đầu độc tôn giáo bằng thái độ giả hình, tính kiêu căng và tự phụ của họ, ông Gioan rút lui vào bóng tối một thời gian. Một số học giả Thánh kinh cho rằng ông vào tu tại Sa mạc Qumran gần Biển Chết. Theo những cuộn sách tìm được dọc theo Biển Chết ở Qumran năm 1947, thì người ta cho rằng ông Gioan Tiền hô là một trong những lãnh tụ của tu viện này. Tu viện Qumran được coi là thuộc nhóm Essenes, đối nghịch với hai nhóm Pharisêu và Xađốc.

Khi thời giờ đã đến, ông Gioan xuất hiện trong sa mạc xứ Giuđê rao giảng phép rửa sám hối. Sứ điệp sám hối của Gioan Tiền hô hôm nay cũng là sứ điệp sám hối của chính Chúa Giêsu trong Phúc âm theo thánh Mathêu: Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến (Mt 4:17). Sự kiện đó cho thấy cách sống và giáo lý của nhóm Essenes gần gũi với những giá trị Phúc âm. Sám hối theo bối cảnh Thánh kinh có nghĩa là thú nhận tội lỗi mình đã phạm, hối hận tội lỗi mình và thay đổi cách sống, nghĩa là xa tránh tội lỗi. Ðọc Phúc âm, ta thấy nhóm người Pharisêu và Xađốc thường phản đối Chúa. Trong lời giảng dạy, Chúa cũng thường tố cáo  tính giả hình, kiêu căng và tự phụ của họ.

Sám hối đòi hỏi một cuộc đổi mới toàn diện. Sám hối bắt đầu bằng một tác động khiêm tốn, một việc nhận thức rằng mình mắc tội lỗi, và việc quyết định trở về với Chúa. Nhiều người cho rằng họ không cần sám hối vì họ không trộm cướp, không ngoại tình, không giết người, không bỏ lễ Chúa nhật. Tuy nhiên nếu đi sâu vào nội tâm, thì mỗi người cần sám hối, mỗi người cần loại bỏ những rác rưởi trong tâm hồn. Lời kêu gọi sám hối thích hợp cho mọi thời đại, mọi hoàn cảnh và mọi lớp người. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế về Phụng Vụ thánh có khẳng định: Giáo Hội loan truyền sứ điệp cứu rỗi cho những ai không tin để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật cùng Ðấng Ngài sai là Chúa Giêsu Kitô, và thống hối từ bỏ con đường của họ. (Phụng vụ # 9). Thế rồi Công Ðồng cũng xác nhận trong cùng một văn kiện như sau: Còn đối với những tín hữu, Giáo Hội cũng phải luôn luôn rao giảng đức tin và sự thống hối. (Phụng Vụ # 9).

Thống hối hay sám hối không phải là việc đổi mới bên ngoài, nhưng là việc hoán cải nội tâm, có ảnh hưởng sâu rộng trong tâm hồn. Sám hối phải là việc biến đổi thực sự trong tâm hồn, cần thiết cho tất cả mọi người. Sám hối khác với mặc cảm tội lỗi. Sau khi đã xưng thú tội lỗi với lòng chân thành sám hối và tội đã được tha thứ, thì hối nhân không cần mang mặc cảm tội lỗi. Mặc cảm tội lỗi làm ta không được lành mạnh hoá. Tuy nhiên để được sống gần gũi với Chúa, người tín hữu nên khơi dậy và nuôi dưỡng tâm tình sám hối. Nuôi dưỡng tâm tình sám hối thì không có gì là nguy hại cho đời sống tâm lí cũng như đời sống thiêng liêng. Trong khi tâm tình sám hối giúp ta được sống gần bên Chúa, thì mặc cảm tội lỗi lại lôi kéo ta xa dần Chúa, khiến ta cảm thấy sợ hãi Người.

Lời cầu nguyện xin cho được lòng sám hối:

Lạy Chúa hài nhi sắp giáng sinh!

Ðể sửa soạn cho việc Chúa đến,

thánh Gioan tiền hô kêu gọi loài người sám hối.

Xin tha thứ những lần con tỏ ra thờ ơ lãnh đạm,

những lần con tỏ ra cứng lòng.

Và xin khơi dậy trong con tâm tình sám hối

để đón mừng Chúa đến trong tâm hồn con

bằng ơn thánh. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch