mary-baby-jesus1Kết thúc tuần bát nhật sau lễ Giáng Sinh là đại lễ kính Mẹ Thiên Chúa. Mặc dù Đức Maria đã được tôn kính là Mẹ Thiên Chúa ngay từ những thời kỳ đầu của Giáo Hội, nhưng mãi đến thế kỷ IV, đại lễ này mới được thiết lập, khi chân lý đức tin này được công đồng Ephesus tuyên tín. Năm 1931, Đức Pius XI ấn định mừng lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày 11 tháng 10. Về sau, Đức Phaolô VI dời lễ này vào ngày đầu năm dương lịch. Lời nguyện sau hiệp lễ được lấy từ phụng vụ thế kỷ VII. Lời nguyện này nổi tiếng vì đã xưng tụng Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. Đó là chứng cứ xuất hiện sớm nhất trong phụng vụ của Giáo Hội về tước hiệu này.

Khi tuyên xưng Đức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta cũng tôn vinh Mẹ là Hiền Mẫu của chúng ta. Chúng ta biết Mẹ hết lòng ân cần chăm sóc cho con cái, nhất là những người con cùng quẫn nhất của Mẹ.

1.1 Thiên Chúa tuyển chọn và ban cho Đức Maria muôn vàn ân sủng.

Trong bài đọc Hai hôm nay, chúng ta được biết, Khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Người đến, sinh bởi một người nữ…,1

Trước đây vài ngày, chúng ta đã cầu nguyện, kính nhớ cuộc giáng sinh đơn hèn của Chúa Kitô trong hang đá Bêlem. Chúng ta thấy Người như một con trẻ, một hài nhi yếu ớt trong lòng Mẹ. Mẹ ban Chúa Hài Nhi cho chúng ta tôn thờ, vì Người là Đấng Cứu Chuộc và là Thiên Chúa của chúng ta. Thiên Chúa Cha đã an bài những hoàn cảnh chung quanh cuộc giáng sinh của Con Người: sắc chỉ kiểm tra dân số của hoàng đế Caesar Augustus, cảnh nghèo hèn của hang đá Bêlem… Nhưng trước hết, Thiên Chúa đã nghĩ đến một Người Mẹ cho Con Người giáng thế. Người Nữ này nhiều lần đã được đề cập đến trong Thánh Kinh và đã được tiền định từ muôn đời. Thiên Chúa đã tạo dựng Người Nữ này với một lòng yêu thương đặc biệt hơn mọi thụ tạo, bởi vì Người Nữ này sẽ tự tình chấp nhận làm Mẹ của Con Người.

Trong Sáng Thế Ký, Thiên Chúa tuyên bố Người sẽ đặt một mối thù giữa con rắn và Người Nữ.2 Thiên Chúa cũng phán với ngôn sứ Ahaz trong sách ngôn sứ Isaia, Này đây một Người Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, và sẽ gọi tên là Emmanuel.3 Đức Maria đã được tiên trưng qua hình ảnh hòm bia giao ước, là đền vàng, là tháp ngà. Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ giữa mọi phụ nữ trước lúc bình minh của thời gian. Người yêu thương Mẹ hơn tất cả vũ trụ thụ tạo. Người yêu thương Mẹ bằng một tình yêu khôn lường, trào đổ trên Mẹ muôn vàn phúc lộc và ân sủng, vượt hơn tất cả các thiên thần và các thánh hợp lại. Thiên Chúa đã giữ gìn Mẹ khỏi mọi tì ố tội lỗi và bất toàn. Như vậy, không tạo vật nào có thể xinh đẹp và thánh thiện hơn Mẹ.4 Vì thế, các thần học gia và các thánh đã dạy rằng, Thiên Chúa có thể tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng không thể tạo dựng một người mẹ tốt hảo hơn Hiền Mẫu của Người được.5 Thánh Bernard kêu lên, Tại sao chúng ta lại ngạc nhiên khi Thiên Chúa - Đấng có thể thực hiện bao điều kỳ diệu trong Thánh Kinh và qua các thánh nhân của Người – lại muốn tỏ mình ra một cách lạ lùng dường ấy qua Mẹ của Người?6

Thánh Thomas Aquinas dạy, thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria siêu vượt trên mọi ân sủng và đoàn sủng như ơn nói tiên tri, ơn ngôn ngữ, ơn làm phép lạ…7 Thiên Chúa toàn năng và vô cùng khôn ngoan đã tuyển chọn cho mình một Người Mẹ. Bạn sẽ làm gì nếu như cũng được tuyển chọn một người mẹ cho mình? Tôi nghĩ có lẽ bạn và tôi sẽ chọn một người mẹ đầy mọi ân sủng. Đó là điều Thiên Chúa đã thực hiện: bởi thế, Đức Maria chỉ kém một mình Thiên Chúa Ba Ngôi. Các nhà thần học đã đưa ra một giải thích chí lý về đặc ân đầy ân sủng của Mẹ, và Mẹ không thể nào lại phải khuất lụy sự dữ: điều hợp lý là phải như thế, Thiên Chúa có thể thực hiện được điều ấy, và vì vậy Người đã thực hiện. Đó là chứng cứ vững chắc: chứng cứ hiển nhiên nhất là Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Người mọi đặc ân, ngay từ giây phút đầu tiên. Vì vậy, Mẹ Maria là Đấng toàn mỹ, thanh khiết, vẹn tuyền nơi thân xác và linh hồn!8

Hôm nay, nhìn lên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, chúng ta thấy Mẹ bồng ẵm Chúa. Mẹ ban Con Mẹ cho chúng ta. Chúng ta phải cám tạ Thiên Chúa, vì ngoài việc tạo thành và cứu chuộc, thì chắc chắn đây là một trong những ơn lớn lao nhất mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, tức là đã ưu tuyển một Người Mẹ, Đấng trở thành Hiền Mẫu của chúng ta.9

1.2 Đức Maria với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thánh Thomas Aquinas dạy rằng, ngoài Thiên Chúa Cha, chỉ có Đức Maria là Đấng duy nhất cho thể nói cùng Chúa Con: Đây là Con Ta.10 Theo thánh Bernard, Đức Mẹ xưng hô với Thiên Chúa toàn năng - Chúa các thiên thần - là Con của Mẹ, khi Mẹ hỏi Người một cách hết sức đơn sơ: ‘Hỡi Con, tại sao Con lại xử với chúng ta như thế?’ Hỏi thử có thiên thần nào dám thốt lên một lời như thế hay không?… Nhưng Đức Maria, hoàn toàn ý thức về thiên chức Thần Mẫu của mình, đã không ngần ngại gọi Thiên Chúa trời đất là ‘Con’ của Mẹ. Thiên Chúa không bị xúc phạm trước lời gọi ấy, vì chính Người đã muốn như vậy.11 Người thực sự là Con của Mẹ Maria.

Mỗi khi tìm hiểu về bản tính Chúa Kitô, chúng ta phải cẩn thận phân biệt giữa cuộc nhiệm sinh từ đời đời (Thần Tính, Ngôi Lời hằng hữu) và cuộc giáng sinh trong thời gian của Người. Là Thiên Chúa, Ngôi Con được sinh ra mà không phải tạo thành từ Chúa Cha từ trước muôn đời. Là con người, Người được sinh ra và đã làm người, nhờ Đức Trinh Nữ Maria. Khi thời gian viên mãn, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu, đã mặc lấy xác thể loài người. Có thể nói, Người đã mặc một linh hồn và một thân xác được tạo dựng trong cung lòng Mẹ Đồng Trinh. Nhân Tính (hồn và xác) và Thần Tính hợp nhất trong Ngôi Lời. Ngay từ giây phút tự tình thưa lời xin vâng trước thánh ý Thiên Chúa, Đức Maria đã trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể. Tương tự như mọi bà mẹ, từ lòng mình, họ chỉ sinh một thân xác, chứ không phải linh hồn. Chúng ta có lý khi nhìn nhận những phụ nữ này là những bà mẹ. Chúng ta cũng hãy coi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa như vậy, vì sự kiện ngôi hiệp của Con Mẹ.12

Từ trời cao, các thiên thần và các thánh kính sợ chiêm ngắm vinh quang cao cả của Đức Maria. Các ngài quá biết uy quyền của Mẹ, vì Mẹ đã, và mãi mãi đến đời đời vẫn là Mẹ Thiên Chúa, Mater Creatoris, Mater Salvatoris (Mẹ Đấng Tạo Thành, Mẹ Đấng Cứu Độ).13 Vì thế, trong kinh cầu Đức Bà, tước hiệu vinh quang này được chúc tụng đầu tiên, Sancta Dei Genitrix (Đức Mẹ Chúa Trời); nối tiếp sau đó là các tước hiệu khác, xứng hợp với chức phẩm Mẹ Thiên Chúa: Đức Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, Đức Mẹ mọi ân sủng, Đức Mẹ cực thanh, cực tịnh…

Vì là Mẹ của Con Thiên Chúa, nên Đức Maria có một tương quan cá biệt với Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh. Mẹ là Nữ Tử của Chúa Cha, như lời các giáo phụ và huấn quyền Giáo Hội vẫn xưng tụng.14 Đức Trinh Nữ có liên hệ máu mủ với Chúa Con, mối liên đới đem lại cho Mẹ quyền cai quản Chúa Giêsu… Chúa Giêsu cũng có những bổn phận với Mẹ theo lẽ công bình mà mọi người con đều mắc với cha mẹ họ.15 Với Chúa Thánh Thần, Đức Maria là Đền Thờ và là Nhà Tạm của Người, theo như lời giáo huấn của các giáo phụ, và mới đây là của Đức Gioan Phaolô II.16 Đức Maria là Kỳ Công kiệt tác của Thiên Chúa Ba Ngôi.17

Kỳ Công kiệt tác này không phải là một người xa lạ với đời sống các tín hữu. Thiên Chúa không ban nhiều đặc ân cho một người nào đó chỉ để làm chúng ta ngỡ ngàng. Kỳ Công kiệt tác này của Thiên Chúa Ba Ngôi là Hiền Mẫu Đấng Cứu Thế, đồng thời cũng là Mẹ chúng ta – Người Mẹ của một người con khốn nạn là tôi đây, nhưng trên phương diện này, tôi không thua kém bất kỳ ai khác.18 Mẹ Maria là Mẹ của tôi!

Hôm nay, chúng ta hướng lên Mẹ Maria trong niềm vui mừng và tán dương, một niềm tự hào thánh thiện. Ai cũng thích thú khi ta nhắc đến mối liên hệ giữa họ với những nhân vật lẫy lừng trong các lãnh vực văn chương, chính trị, quân sự, hoặc trong Giáo Hội! Bạn hãy ca tụng Mẹ Maria Vô Nhiễm, hãy nhắc cho Mẹ rằng: kính mừng Maria, Nữ Tử của Thiên Chúa Cha! Kính mừng Maria, Hiền Mẫu của Thiên Chúa Con! Kính mừng Maria, Hiền Thê của Thiên Chúa Thánh Thần! Không ai cao cả hơn Mẹ ngoài một mình Thiên Chúa!19

1.3 Từ Mẫu của chúng ta.

Salve, Mater misericordiae, Mater spei et Mater veniae… Chào kính Mẹ thương xót, Mẹ niềm cậy trông và tha thứ, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ ân sủng, Mẹ tràn đầy niềm vui thánh thiện.20 Chúng ta thân thưa với Mẹ bằng những lời thánh thi truyền thống như thế.

Với tình ân cần từ mẫu, Mẹ hằng dâng lên Con Mẹ những lễ dâng của Dân Chúa còn trên dương thế. Mẹ cư xử với chúng ta như một người mẹ. Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu nơi mỗi tín hữu, nơi mỗi con người. Là Đấng Đồng Cứu Chuộc, Mẹ hết lòng khát khao cho chúng ta được trọn vẹn hợp nhất với sự sống thần linh. Mẹ luôn sẵn sàng giúp đáp chúng ta trong mọi khốn khó và thử thách xảy đến. Mẹ luôn đứng về bên chúng ta trong công việc tông đồ mà chúng ta phải thực thi giữa trần thế. Hãy kêu cầu Đức Trinh Nữ. Hãy cứ xin Mẹ tỏ ra là một Hiền Mẫu đối với bạn – ‘monstra te esse Matrem!’ Khi trào đổ nguồn ơn thánh từ nơi Con Mẹ, nguyện xin Mẹ cũng làm cho giáo lý lành mạnh trở nên sáng sủa cho tâm trí bạn, tình yêu và sự thanh khiết cho trái tim bạn, để bạn biết đường mà đến với Chúa và đưa nhiều linh hồn đến cho Người.21 Lời kinh từ phụng vụ - monstra te esse Matrem! xin Mẹ tỏ ra là một Hiền Mẫu - có thể giúp chúng ta sống kết hợp với Mẹ trong ngày đại lễ hôm nay.22 Mẹ của con ơi! Xin tỏ cho con biết Mẹ là Hiền Mẫu của con! Xin phù giúp con trong lúc cần thiết này, trong nhu cầu này…, xin Mẹ trợ giúp người con cần sống thân mật với Con của Mẹ đây.

Bắt đầu một năm mới, chúng ta hãy tận dụng giờ phút này để quyết tâm mạnh mẽ đến nương nhờ Mẹ mỗi ngày một hơn. Chúng ta sẽ không bao giờ tìm được một người bạn nào đáng tin hơn. Chúng ta hãy noi gương thánh Gioan, trên núi Canvê, ngài đã thay mặt toàn thể nhân loại tiếp nhận Mẹ: Từ giờ đó, môn đệ đưa Mẹ về nhà mình.23 Chúng ta phải sống với Mẹ trọn tình hiếu kính, hết niềm tinh tế! Đây phải cách chúng ta hãy sống với Mẹ, trong năm mới này cũng như mãi mãi.

Dongcong.net

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch