CHUA_NHAT_2_MUA_CHAY_AChúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm A

St 12:1-4a; 2Tm l:8b-10; Mt 17:1-9

Ðứng trước viễn tượng cuộc khổ hình thập giá, Ðức Giêsu đem ba tông đồ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi để biểu lộ cho các ông thấy cảnh vinh quang của nước Chúa.

Mặc dầu đã theo Thầy xấp xỉ được hơn một năm, nghe lời Thầy giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Thầy làm, các tông đồ vẫn còn mang quan niệm sai lầm về Ðấng Cứu thế và sứ mạng của Người. Các ông vẫn nuôi hi vọng Ðấng Cứu thế sẽ thiết lập một vương quốc trần gian, giầu có và hùng mạnh, khả dĩ có thể đánh đuổi quân ngoại bang là người La mã đang cai trị họ thời bấy giờ.

Ba tông đồ được đưa lên núi mang những đặc tính và sắc thái khác nhau. Ông Phêrô, mặc dầu nóng tính, lại ăn nói bộp chộp, nhưng với khả năng lãnh đạo có thể qui tụ các bạn đồng chí hướng. Ông Giacôbê có lòng tin quả quyết. Còn ông Gioan biểu lộ lòng yêu mến nhiệt thành.

Tuy nhiên ba vị tông đồ trên đây cũng sẽ chứng kiến cảnh khổ nạn của Thầy mình trong vườn cây dầu Ghếtsêmani. Sợ rằng cảnh khổ nạn và thập giá sẻ để lại một kinh nghiệm đau thương cho các tông đồ, Chúa đem ba ông lên núi biến hình, cho thấy dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng như ánh sáng (Mt 17:2). Việc Ðức Giêsu biến hình có mục đích để giúp củng cố đức tin và đức cậy của các tông đồ trước viễn tượng của ngày Thứ sáu Chịu nạn.

Phản ứng của các tông đồ về việc Chúa biến hình đáng cho ta lưu ý đặc biệt. Thoạt tiên, các ông tỏ ra say mê và chìm đắm trong cảnh vinh quang của nước Chúa, muốn kéo dài thị kiến của thiên cảnh tuyệt vời, nên mới thỉnh nguyện: Thưa Thầy, chúng con mà được ở đây thì tuyệt vời (Mt 17:4). Các ông cũng thấy sự hiện diện của ông Môsê và  ông Êlia trong cảnh biến hình. Rồi các ông nghe tiếng phán từ đám mây: Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người (Mt 17:5).

Trong Cựu ước, đám mây thường là biểu hiệu của việc Chúa hiện ra. Ðiều nên lưu ý ở đây là tiếng phán từ đám mây khi Chúa biến hình cũng chính là tiếng phán từ trời khi Người chịu Phép rửa (Mt 3:17). Như vậy tiếng phán từ đám mây chỉ cho bộ ba tông đồ thấy rằng Thầy mình chính là người Con làm đẹp lòng Thiên Chúa trong việc thi hành thánh ý Chúa Cha. Vậy còn sự hiện diện của Môsê và Êlia trong cảnh biến hình thì sao? Theo truyền thống Do thái, Môsê được coi là tác giả thu thập và qui tụ của bộ sách Ngũ Thư và Êlia, vị ngôn sứ vĩ đại của Cựu ước. Do đó sự có mặt của hai vị này nhằm giúp các tông đồ nhận thức rằng đạo Kitô giáo mà Thầy mình sẽ thiết lập, không tách rời khỏi những gì đã được mạc khải trong Thánh kinh Cựu ước.

Vậy ba thực tại của cảnh biến hình: dung mạo vinh quang của Ðức Kitô, sự hiện diện của Môsê và Êlia và tiếng phán từ đám mây có ngụ ý giúp các tông đồ nhận ra cuộc khổ hình và thập giá của Thầy mình sau này, không phải chỉ là một thất bại, nhưng là một biến đổi, và như thế sẽ giúp các ông giữ vững đức tin theo Thày. Tuy vậy cũng có một lần ông Phêrô đã tỏ ra hèn nhát, khước từ mọi liên hệ với Thầy mình. Ông vừa tuốt gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thầy cả thượng phẩm hầu bảo vệ Thầy mình. Thế mà trong sân và cổng dinh thượng tế, ông sợ hãi chối Thầy mình ba lần.

Khi vừa nghe tiếng gà gáy, sực nhớ lại lời Thầy mình tiên báo, ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Mt 26:75). Những giọt nước mắt của ông tuôn trào dường như ông đang tự trách mình: Lạy Thầy, sao con có thể trở mặt, phản phúc Thầy như vậy, khi chính con là người đã xin làm ba lều ở lại trên núi để chiêm ngưỡng cảnh vinh quang của nước Thầy? Phúc thay cho ông Phêrô! Dòng nước mắt thống hối của ông đã được Chúa đoái thương tha thứ.

Người tín hữu đang bước vào tuần lễ thứ hai mùa chay. Mùa chay là thời giờ cho người tín hữu luyện linh chưởng để đi theo Chúa lên núi tâm linh hầu được Chúa cho biến hình trong phạm vi nhỏ bé nào đó. Ðể có thể đứng vững khi gặp gian nan thử thách, người tín hữu cần có được những cảm nghiệm về những giờ phút giao cảm giữa Thiên Chúa và tâm hồn. Các tông đồ cảm thấy say mê và chìm đắm trong cảnh vinh quang của nước Chúa, thì ít ra, người tín hữu cũng cần xin Chúa đánh động tâm hồn, hay xin được điều mà sách tu đức thần bí gọi là hiện tượng xuất thần hay bay bổng.

Dự một buổi tĩnh tâm sốt sắng; chứng kiến những gương nhân đức thánh thiện; nghe đọc những tư tưởng cao đẹp, khiến ta nhiệt tâm trước tiếng gọi nên thánh. Sau khi nghe một bài giảng hùng hồn sốt sắng, khiến lòng rạo rực, lửa yêu mến Chúa bừng cháy trong tâm hồn, thôi thúc ta loại bỏ những chướng ngại vật trong tâm hồn để làm lại cuộc đời. Những khi cảm thấy tâm hồn an vui thanh thoát sau khi đã làm những việc thiện hảo, ta muốn hiến thân phụng sự và phục vụ. Trước những gương hi sinh, bác ái, ta ao ước muốn dấn thân theo Thầy chí thánh để làm việc tông đồ, giúp đỡ người nghèo đói, tàn tật và đau khổ. Khi gặp sóng to bão lớn ngoài biển cả, nguy hiểm đến tính mạng, không còn gì để bám víu, ta kêu cầu đến Chúa: Nếu Chúa để con sống, cập bờ ghé bến, con sẽ trung thành phụng sự Chúa suốt đời con, v.v.

Lời cầu nguyện xin cho được chiêm ngưỡng cản vinh quang của nước Chúa:

Lạy Chúa Giêsu, Ðấng con tin thờ.

Chúa đã đưa ba tông đồ thân tín lên núi biến hình

cho các ông thấy cảnh vinh quang của nước Chúa.

Nếu thấy con cần,

thì xin Chúa cũng ban cho con dấu chỉ nào đó

về sự hiện diện của Chúa

để con vững tâm bước theo Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng