Chua_Nhat_3_Mua_ChayChúa Nhật 3 Mùa Chay, Năm A

Xh 17:3-7; Rm 5:1-2,5-8; Ga 4:5-42

Ðể hiểu rõ cuộc đấu lí của người phụ nữ Samari với Chúa Giêsu, cũng như đường lối Chúa dùng để đưa dẫn chị tìm đến nước hằng sống, ta cần tìm hiểu sơ qua bối cảnh địa dư, lịch sử, chính trị và tôn giáo của dân Do thái thời bấy giờ. Nước Do thái thời Chúa Giêsu được chia thành ba miền giống như ba miền chính là Trung, Nam, Bắc Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Từ thế kỷ thứ tám trước kỷ nguyên, miền trung của họ là đất Samaria, bị ngoại bang là người Átxiria chiếm đóng và đô hộ. Luật pháp Do thái cấm người Do thái kết hôn với người khác đạo và khác chủng tộc. Tuy nhiên người Do thái ở Samaria cuối cùng đã chấp nhận dân đô hộ, lập gia đình với thực dân, lại còn tiêm nhiễm những phong tục tập quán ngoại bang. Ðiều đó khiến người Do thái ở miền nam là Giuđê phẫn nộ, coi rẻ người Samari, cho họ là dân lai căng, không còn thuần tuý Do thái nữa.

Sau này miền Giuđê cũng bị dân Babylon đô hộ. Tuy nhiên người Do thái ở đây nhất định không chịu đồng hoá với dân ngoại bang. Sau cuộc lưu đầy Babylon, khi người Do thái xây lại đền thờ Giêrusalem, người Samari ngỏ ý muốn giúp đỡ, nhưng người Do thái từ chối. Rồi một việc khác xẩy ra là một vị đại giáo trưởng Do thái còn âm mưu cho đốt đền thờ của người Samari. Những thái độ và hành động đó làm cho người Samari căm phẫn, khiến cho hai dân tộc, trước kia thuộc cùng dòng giống, càng ngày càng xa cách. Do đó mà người Do thái từ miền bắc là Galilê muốn xuống miền nam, và ngược lại người Do thái ở miền nam muốn lên miền bắc, không thèm đi qua đất Samaria, nhưng lại vượt qua sông Gioađan, rồi vòng lại để đạt tới đích.

Ðể giúp cho dễ hình dung, ta có thể tưởng tượng ra người Bắc Việt muốn vào Nam Việt, hay người Nam Việt ra Bắc Việt, không thèm đi qua Trung Việt, nhưng vòng qua đất Lào để tới đích. Vì thế mà hai dân Do thái và Samari thường không giao thiệp với nhau vì mang mối thù truyền kiếp này. Tuy nhiên người Samari vẫn nhận biết Thiên Chúa của người Do thái và họ tin theo bộ sách Ngũ kinh của người Do thái. Họ cũng trông đợi Ðấng Cứu thế đến như người Do thái.

Phúc Âm hôm nay kể lại chuyến hành trình của Chúa Giêsu đến thành Xikha thuộc xứ Samaria. Chúa đã không đi vòng để tránh đặt chân lên đất Samaria như những người Do thái khác quen làm, nhưng đi thẳng vào đất Samaria. Và khi dừng chân nghỉ mệt bên bờ giếng Giacóp, Chúa gặp mặt người phụ nữ xứ Samaria đi kéo nước. Nước mang hai ý nghĩa và công hiệu quan trọng. Người ta cần nước để rửa sạch. Loài người, loài vật và cả thực vật cần nước uống để sống. Người Do thái trong sa mạc khát nước nên kêu trách ông Môsê đã đem con đi bỏ chợ như bài trích sách Xuất hành hôm nay kể lại (Xh 17:3). Môsê xin Chúa can thiệp. Chúa bảo Môsê cầm gậy đập trên tảng đá để nước trào ra cho dân uống.

Ðối diện với người phụ nữ có vẻ nghi kị và ác cảm, Chúa đành cố gắng phá tan bức tường vô hình ngăn cách bằng cách đặt mình vào thế yếu để xin chị cho nước uống. Phong tục Do thái thời bấy giờ không cho phép đàn ông nói chuyện với đàn bà nơi công cộng nhất là hàng giáo sĩ và những người có địa vị như Chúa Giêsu. Vì thế mà người phụ nữ bèn mỉa mai nói Chúa là người Do thái mà lại xin chị là người Samari cho nước uống sao? Ðể trả lời Chúa bảo nếu chị nhận ra ơn Chúa và người nói với chị là ai, chị sẽ xin người cho uống nước hằng sống. Chị liền bắt bẻ, nói Chúa không có gầu mà giếng lại sâu, sao lấy đâu ra nước hằng sống?

Chúa phán bảo chị: Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa (Ga 4:14). Chộp lấy cơ hội, người phụ nữ liền xin cho được nước hằng sống, mặc dù chị chưa hiểu là nước gì, để từ nay không phải đi xa múc nước nữa. Lúc này chị đã nhận ra Chúa Giêsu có gì để ban tặng cho chị. Khi chị nói chị không có chồng, Chúa đánh động một niềm thức tỉnh nơi chị bằng cách đưa ra ánh sáng thực tại của đời sống cá nhân chị. Chúa bảo chị đã có năm đời chồng và người đang sống với chị không phải là chồng chị. Lúc này người phụ nữ nhận ra nơi Chúa có tri giác luân lý, nên nói: Tôi thấy ông thật là một ngôn sứ (Ga 4:19).

Toan đổi đề tài, người phụ nữ hỏi Chúa xem người ta phải phụng thờ Thiên Chúa ở đâu? Chúa bảo chị không nên quan tâm đến việc tranh chấp về nơi thờ phượng. Sẽ đến giờ mà người ta không hẳn chỉ thờ phượng Chúa ở đền thờ Giêrusalem hay trên núi Gerizim ở Samaria, nhưng là ở khắp mọi nơi trên khắp mặt địa cầu. Chị cũng hiểu biết khi Ðức Kitô đến, Người sẽ loan báo cho người ta mọi sự. Câu chuyện tiếp diễn đến đây, thì người phụ nữ vội vã trở về kể cho người làng xóm về những gì mà tai và mắt chị đã nghe và thấy và cảm nghiệm được. Người làng tuốn ra gặp Chúa. Cùng với chị, họ đặt tin tưởng vào Chúa Giêsu là Ðấng cứu thế.

Cuộc đối chất giữa người phụ nữ với Chúa Giêsu cho thấy chị ta có vẻ lý sự, mang đầu óc chính trị, kì thị sắc tộc và giáo phái. Chị ta còn là một thiếu phụ đanh đá – đanh đá dễ sợ. Chẳng thế mà có những người đàn ông sợ vợ đanh đá thì cũng dễ hiểu. Trường hợp vợ có đai đen về một môn võ thuật nào đó thì lại càng đáng sợ nữa. Tuy nhiên xét cho cùng thì người phụ nữ Samari cũng không đến nỗi đáng sợ mấy vì chị biết hé mở lòng, biết phục thiện và nhìn nhận sự thật, mặc dầu chỉ là từ từ tiệm tiến. Nếu thực sự đanh đá và cứng lòng, chị ta đã có thể đốt lại: Ông đừng có tò mò mà xía vô chuyện riêng tư của người ta nghe ông. Ðứng trước một người nào đó có tri giác luân lý, người ta thường nể nang, không muốn chống đối. Chẳng hạn người ta đang định tấn công đối thủ, mà đột nhiên tay chân, miệng lưỡi bủn rủn ra. Ðối diện với Ðức Giêsu là người mà người phụ nữ nhận ra có tri giác luân lý, chị ta đã nhận ra thực tại về đời sống cá nhân của chị và để cho lòng mềm ra. Chị ta cũng nhận ra được thực tại về thực thể siêu nhiên rằng: Thiên Chúa không bị giới hạn vào nơi thờ phượng ở nơi nọ hay nơi kia.

Từ câu chuyện xin nước uống, Chúa đưa chị ta đến việc dần dà mở tâm hồn chị. Chị ta đã nhận ra ơn cứu độ từ việc coi Chúa Giêsu chỉ là một người Do thái thường, qua việc xưng Chúa là Ngài, đến việc nhận ra Chúa là một ngôn sứ và cuối cùng tin Chúa là Ðấng Cứu thế: Ông ấy không phải là Ðấng Kitô sao (Ga 4:29)? Như vậy câu chuyện Phúc âm cho thấy Chúa đến mang ơn cứu độ không những chỉ riêng cho người Do thái, nhưng còn cho dân ngoại qua việc ban tặng nước hằng sống cho người phụ nữ Samari. Nước hằng sống theo thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma chính là tình yêu của Thiên Chúa đổ vào lòng người tín hữu, nhờ Thánh thần của Người (Rm 5:5).

Lời nguyện xin cho được uống nước hằng sống:

Lạy Chúa, xưa kia một thời, tổ tiên chúng con cũng là dân ngoại.

Nhờ các nhà truyền giáo, mà tổ tiên con được ơn nhận lãnh đức tin.

Do đó con cũng được thừa hưởng ơn được uống nước hằng sống.

Nếu con đi lầm đường lạc lối về phương diện nào đó trong đời,

xin cho con được ơn biết thức tỉnh tâm hồn như người phụ nữ Samari,

để con được tiếp tục uống nước hằng sống. Amen.

Lm Trần Bình Trọng