Chúa Nhật 3 Mùa Phục Sinh, Năm A

Lc 24: 13-35

“Trên đường Emmau, hai người lữ khách bước đi bên nhau. Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đuờng dài.”

Giả sử như bạn là một trong hai môn đệ đang trên đường đến Emmau, bạn đã nghĩ gì? Chắc chắn bạn đã phải suy nghĩ những gì họ đã miên man suy nghĩ…

Tâm hồn họ cơ hồ như nát tan thành trăm ngàn mãnh nhỏ. Mới hôm qua đây, họ đã chôn chặt niềm tin vào Thầy Giêsu. Và đã hy vọng rằng chẳng những Thầy sẽ giải phóng họ khỏi xích xiềng tôi lỗi mà còn uơm cho họ một tương lai thoát ách gông cùm của đế quốc La Mã. Giờ Thầy đã chết. Chết thật nhục nhã, tức tưởi! Chết quá đau thương! Thôi hết rồi! Hết thật rồi! Chẳng còn gì nữa để ước mơ. Chẳng còn Thầy cạnh bên để xây mộng lớn…Và đang khi lòng trí rối bời, một người khách lạ nhập cuộc đồng hành- một cuộc đồng hành đã xoáy đổi họ tận gốc rể cuộc đời. Rồi cả ba cùng nhau bàn bạc xoay quanh đề tài thời sự hàng đầu: cái chết của Giêsu. Rồi lân la, họ trò chuyện trao đổi về Môisen, đến các tiên tri và cả đến …Giêsu.

Vừa đến đầu làng, người khách lạ “giả vờ” muốn đi xa hơn nữa nhưng hai môn đệ cố “nài ép” ông trọ qua đêm. Và “mắt họ sáng ra và nhận ra Người” khi “Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”. Bữa ăn vội vã xế chiều gợi lại buổi Tiệc Ly chỉ mấy hôm trước đó. Họ đã không thể nhận ra Nguời khi cùng trò chuyện bàn bạc Thánh Kinh, nhưng phải chờ đến khi Người “cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra”, họ mới có thể nhận ra người khách lạ kia là chính Thầy mình.

Đường Emmau hai môn đệ đã bước cũng chính là đường Emmau chúng ta đang bước. Như họ đã chẳng có thể nhận ra chính Thầy họ khi bàn bạc trao đổi về Thánh Kinh, chúng ta cũng không thể nào nhận ra Người khi xem nhẹ hoăc thậm chí coi thường phần Phụng Vụ Lời Chúa. Có thể nào nhận ra đuợc Chúa Phục Sinh khi chúng ta đi dâng lễ trễ? Hoặc khi các bài đọc và Phúc Am không đuợc truyền đạt cung kính, nghiêm trang và rõ ràng từng chữ từng câu?

Và chỉ mãi đến khi “bẻ bánh”, hai môn đệ mới có thể nhận ra Người. Họ nhận ra Nguời vì họ liên tưởng đến Buổi Tiệc Ly. Cử chỉ tượng hình kia là một nhắc nhở kín đáo nhưng rất hùng hồn là Lời Chúa chỉ có thể được thấm nhập sâu thẳm hơn khi liên kết với đời sống hằng ngày. Càng hoa sáo bao nhiêu, càng xa rời thực tế bấy nhiêu! Chúa đã dùng dụ ngôn để cải hoán tâm hồn nhân loại: khi Lời Chúa không thể diễn đạt đuợc một cách rõ ràng bình dị, thì thật không dễ dàng hình dung đuợc khuôn mặt Chúa trong những tâm hồn thơ ngây chất phác đang ngày đêm ngóng trông Tin Mừng Cứu Rỗi.

Một chi tiết khác không thể đọc vội và thoáng qua. Khi vừa đến đầu làng, người khách lạ “giả vờ” tiếp tục cuộc hành trình nhưng hai môn đệ cố “nài ép” tạm trú qua đêm. Hai cụm chữ “giả vờ” và “nài ép” biểu hiện thật cụ thể hồng ân của Thiên Chúa tác động trong thế giới và trong mỗi từng nguời chúng ta. Hồng ân: món quà cao qúy vô giá mà Thiên Chúa rộng rãi trao ban nhưng chúng ta phải truớc tiên “nài ép” vì Người sẽ “giả vờ”. Và vì thế, mỗi một Chúa Nhật, hoặc mỗi một ngày, hoặc nếu có thể, mỗi một phút giây, hãy nài ép Chúa ngụ trọ trong tâm hồn mình.

“Chúa ở lai thôi! Chúa con ơi! Bóng chiều đã tắt, đêm xuống rồi! Hai môn đệ đã cố nài ép và Người đã nhận lời. Manna đã không tự nhiên rơi xuống nếu Môisen và đoàn dân Do Thái lưu vong không qùy gối xuống và giang tay khấn xin. Cũng thế, sau khi chia sẻ Lời Chúa, hãy xin nán lại chia sẻ Máu Thịt Con Nguời. Và chính trong khi ăn cùng mâm và uống cùng chén này, chúng ta mới có thể nhận ra khuôn mặt Chúa Kitô ẩn hiện trong những nguời hàng xóm láng giềng chung quanh. Trong những kẻ khốn cùng: “họ không trông ra, nguời lữ khách đó chính là Ngài!”.

Và sau khi bẻ bánh, Người liền biến mất. Nhưng Nguời chẳng thực sự biến mất mà hiện hữu - thực sự hiện hữu hơn qua Máu Thịt Người. Vấn đề là chúng ta phải luôn luôn nhạy bén nhận thức đuợc sự hiện hữu đó: “Có những lúc chúng ta đi trong cuộc sống mọi ngày, đã găp Người, nhưng chẳng biết Người!”

Nhưng ngay sau khi Người biến mất, thái độ của hai môn đệ kia thay đổi một cách đến lạ kỳ. Chỉ truớc đó ít lâu, mộng họ đã tan và cuộc đời gần như đã vô phuơng mất huớng. Và mệt mõi lê từng bước chân, họ thất thểu bước trên chặng đuờng dài. Giờ họ “chỗi dậy” háo hức hân hoan tung tăng chân sáo quay về lại Giêrusalem báo tin Chúa Phục Sinh cho những môn đệ còn lại.

Sáng sớm nay, họ ngỡ đã muôn đời vĩnh biệt thành Thánh nơi họ cùng Thầy Giêsu chôn nhiều dấu ấn buồn vui kỷ niệm. Nhưng chỉ khi mặt trời vừa xế bóng, họ đã quyết định quay về.

Quay về: cuộc sống thuờng thực sự bắt đầu từ những buớc ngoặt lịch sử quay về. Họ quay về như nguời con hoang đàng đã quay về. Và dệt mộng tương lai, họ thầm tự trách lòng đã không thể nhận biết Người sớm hơn khi Người đang truyền rao Lời Chúa.

Nhưng thà muộn còn hơn không. Đoạn đuờng từ Emmau về lại Giêrusalem đã không còn dài nữa vì mắt họ đã sáng, lòng họ đã kiên, miệng họ đã vui cười.

Đây chính là dấu hiệu cuộc đời họ đã thay đổi đến tận cùng gốc rể. Và chúng ta cũng phải gắng tìm dấu hiệu này trong chính cuộc sống mình. Đã có những lúc thuyền đời chúng ta đã trôi vô phương hướng, sống cạnh đáy bờ tuyệt vọng. Và đã có những lúc chúng ta không thể nhìn khuôn mặt Chúa với chính những người thân đang sống chung quanh.Nhưng Chúa vẫn ở cùng đấy. Vẫn sống cạnh bên. Vẫn hiện hữu như muôn đời vẫn hằng hiện hữu. Vấn đề là chúng ta dám xin Người nán lại. Và dám quay bước chân về.

Con đuờng Emmau có thể chỉ là con đuờng từ ngôi nhà chúng ta đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật đầu tuần. Hãy chuẩn bị từ sớm. Và trên đường, hãy đừng ngại sẻ chia những thao thức dằn vặt, những ưu tư đau đớn cho nhau.Và rồi hãy tập chú lắng nghe Lời Chúa. Và hãy gắng truyền dạy Lời Chúa trao ban. Rồi hãy cùng nhau bẻ bánh. Và khi nhận lời chúc ra về bình an chúc tụng Chúa, hãy quay về -mạnh dạn quay về trở thành khí cụ bình an để muôn đời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa.

Sẽ có nhiều nguời khách lạ muốn cùng chúng ta sánh buớc trên con đuờng dương thế, hãy đừng ngại ngùng để họ nhập cuộc hành trình. Vì có thể những người khách lạ kia sẽ thay đổi chúng ta, như người khách lạ Giêsu đã đổi thay hai môn đệ nhiều ngàn năm trước.

Lm Nguyễn Khoa Toàn